“Trách ai rẻ rúng cho ta sượng sùng” và vận dụng phép tiểu đối
| On Th205,2023(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này bàn về cách dùng từ láy và phép tiểu đối qua một câu thơ lục bát trong tác phẩm Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự.
Cụ thể, đó là câu thơ:
“Thói thường ấm lạnh thế mà,
Trách ai rẻ rúng cho ta sượng sùng.”
Ở câu bát, chúng ta có thể thấy cách dùng “rẻ rúng” với “sượng sùng” tạo nên một phép tiểu đối cân xứng về ý nghĩa, hài hoà âm thanh.
“Rẻ rúng” nghĩa là coi khinh, xem thường. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu dùng từ này rất đắt:
“Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.”
Hoặc trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng có từ này:
“Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng,
Để thân này cỏ úng tơ mành!
Đông Quân sao khéo bất tình?
Cành hoa tàn nguyệt, bực mình hoài xuân.”
Giới thiệu thêm với các bạn một bài ca dao cũng có dùng “rẻ rúng”:
Em đừng ỷ có nhan sắc khuynh thành,
Mà toan rẻ rúng lòng thành của qua.
Xa em cũng tại mẹ cha,
Thôi đành thác xuống Diêm La cho đành.
“Sượng sùng” là cảm giác xấu hổ, bối rối, lúng túng, gần nghĩa với ngượng ngùng. Từ này cũng xuất hiện trong Truyện Kiều, qua câu:
“Sượng sùng đánh dạn ra chào,
Lạy thôi, nàng mới rỉ trao ân cần.”
Một từ khác cũng đáng chú ý trong câu thơ lục bát của Nguyễn Huy Tự là “thói thường”.
Từ điển Hoàng Phê giảng “thói thường” là điều thường thấy, thường có ở nhiều người, không có gì phải ngạc nhiên hoặc đáng phải chê trách. Giới thiệu với các bạn một số bài ca dao có dùng từ “thói thường”:
1. Anh thương em
Đừng cho ai biết
Đừng cho ai hay
Đừng cho ai biểu, ai bày
Thâm thâm dìu dịu, mỗi ngày mỗi thương
Nước mía trong cũng thắng thành đường
Anh thương em thì anh biết chớ thói thường biết đâu?
2. Anh về em cũng theo về,
Đường truông vắng vẻ đường đèo đá dăm.
Nghĩ tình bạn cũ tới thăm,
Thế gian không biết nỗi tằm tìm dâu.
Thói thường cột nọ tìm trâu,
Chàng mà tìm thiếp thiếp đâu tìm chàng?
3. Quạ kêu nam đáo nữ phòng,
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.
Liệu bề đát được thì đươn,
Đừng gầy rồi bỏ thói thường cười chê.
(Về ý nghĩa của “quạ kêu nam đáo nữ phòng”, của các từ “đát”, “đươn”, “gầy”, các bạn xem chi tiết tại đây.)
4. Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.
Quay lại với phép tiểu đối trong “Trách ai rẻ rúng cho ta sượng sùng”. Có thể tạm hiểu tiểu đối là vầy: một dòng thơ (một câu thơ) được ngắt thành hai vế tương đương, hai vế này đối xứng với nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp (tức là không phải hai câu đối nhau mà là hai vế trong câu đối nhau).
Phép này thường gặp nhiều trong ca dao và các bài thơ hoặc truyện viết theo thể lục bát, song thất lục bát. Truyện Kiều hay Cung Oán rất thường dùng phép này. Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng phép tiểu đối này để viết văn xuôi nếu thích. Và vì văn xuôi thì thường không quá chặt chẽ về số lượng từ phải đều nhau, nên hai vế câu nếu có hơn kém đôi ba từ thì cũng được, kiểu vầy:
– “… chứ không phải co ro trên ghế máy bay chật chội, hay lay lắt trong phòng khách sạn lạnh lẽo.”
– “Nho nhã như các đồng nghiệp nữ thì ba gắp hết phần này, còn phàm phu như chúng tôi thì chỉ cần một lần và.”
(Trích Cơ trưởng từ buồng lái, Thư Uyển)
Hoa tiên là một truyện thơ Nôm của Nguyễn Huy Tự sáng tác, Nguyễn Thiện nhuận sắc. Truyện kể về cuộc tình duyên trắc trở giữa Lương Phương Châu (thường gọi Lương sinh) và Dương Dao Tiên. Vì hai người viết lời thề ước với nhau trên hai tờ giấy hoa tiên nên truyện mới có tên là “Hoa tiên”.