Lời quê chắp nhặt – Từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Du
| On Th719,2022
(Ngày ngày viết chữ) “Lời quê chắp nhặt” là loạt bài giới thiệu một số từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Du do Ngày ngày viết chữ thực hiện. Tên loạt bài lấy từ câu “Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh” trong Đoạn trường tân thanh của cụ Tiên Điền.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
>> Quang khuê tảo – Từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Trãi
>> Bút chẳng tà – Từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

★ Đề huề ★
Chữ Hán viết là 提攜, trong đó:
– đề là nâng lên, nâng đỡ, phàm dắt cho lên trên, kéo cho tiến lên đều gọi là đề;
– huề là mang theo, đem theo, dắt theo.
Từ điển Thiều Chửu giảng “đề huề” là dắt díu.
Truyện Kiều viết: “Đề huề lưng túi gió trăng, Sau lưng theo một vài thằng con con”. Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hoè (Quốc học thư xã, 1953) giảng chữ “đề huề” trong câu Kiều này có nghĩa là “đeo đi theo”. Lê Văn Hòe cũng chỉ rõ “Đề-Huề có nhiều nghĩa khác nhau. Trên đây là một nghĩa. Lại có nghĩa là giắt* tay nhau, là xum-hợp** với nhau”. Ngày nay ta hay dùng “đề huề” theo nghĩa đầy đủ, đông vui, như “con cái đề huề”.
Lại nói, câu “lưng túi gió trăng”, cũng theo Lê Văn Hoè, “lưng túi là một nửa túi, cũng như lưng bát là nửa bát, lưng chén là nửa chén. Lưng túi gió trăng là nửa túi gió trăng, Do chữ Tàu ‘Bán nang phong nguyệt’. Phong nguyệt hay gió trăng đây trỏ thi văn vì nhà văn thơ hay ngâm phong vịnh nguyệt. Túi gió trăng có thể gọi là túi thơ. Cả câu này nghĩa là đeo lưng túi thơ.”
(*), (**): Những chỗ này đều viết lại theo lối viết của Lê Văn Hoè.

★ Ngang tàng ★
Chữ Hán viết là 昂藏, trong đó:
– ngang là giơ cao, ngẩng lên, như ngang thủ là ngẩng đầu;
– tàng là chứa giữ, trữ, giấu, nghĩa rộng là giữ trong lòng, hoài bão.
“Ngang tàng” vốn là từ để chỉ người có chí khí cao, lòng mang hoài bão. Trường ca hành của Lý Tất (nhà Đường) viết “ngang tàng nhất trượng phu” nghĩa là người đàn ông chí khí dọc ngang trong đất trời. Truyện Kiều của Nguyễn Du thì viết:
“Năm năm trời bể ngang tàng,
Đem mình đi bỏ chiến trường như không”.
“Trời bể ngang tàng” ở đây là đang miêu tả Từ Hải.
Ngày nay “ngang tàng” được hiểu là tính bất chấp không sợ ai.

★ Tề chỉnh ★
Chữ Hán viết là 齊整, trong đó:
– tề là đều, không so le;
– chỉnh là đều, ngay ngắn.
“Tề chỉnh” nói chung là ngay ngắn, gọn ghẽ, đều tăm tắp. Một số bà mẹ cũng dạy con là đi đứng nói cười cho tề chỉnh. Từ này cũng được đảo lại “chỉnh tề”, đều đúng cả.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
“Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,
Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.”
Đây là hai câu trong đoạn Từ Hải giúp Thúy Kiều đền ơn báo oán.

★ Thị phi ★
Từ gốc Hán, viết là 是非, phiên âm là /shìfēi/, trong đó:
– thị là phải, là đúng, là chính xác;
– phi là trái, là sai, là không phải, không phù hợp.
“Thị phi” là từ chỉ dư luận khen chê. Truyện Kiều đoạn Hoạn Thư biết chuyện Thúc Sinh và Thúy Kiều có câu: “Chồng tao nào phải như ai, Điều này hẳn miệng những người thị phi!” Người thị phi là người hay bàn bạc chuyện phải trái, khen chê đối với người khác. Bản “Truyện Kiều chú giải” của Lê Văn Hòe còn nói thêm, người thị phi là “người lấy trái làm phải, lấy dở làm hay, ý nói người không biết gì”.
Nói chứ lúc đọc chú giải Truyện Kiều (ấn bản kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, NXB Trẻ) thấy sách viết “thị: phải, phi: trái” mà mình giật mình. Tưởng đâu bên phải và bên trái không đó. Sau đó tra lại thì thấy phải trái nghĩa là đúng sai quý vị ạ. Nhưng ai biết đâu, giữa phải trái (đúng sai) và bên phải bên trái liệu có liên quan không nhỉ?

★ Thưa chiềng ★
“Chiềng làng chiềng chạ
Thượng hạ Tây Đông
Con gái phú ông
Tên là Mầu Thị
Tư tình ngoại ý
Mãn nguyệt có thai
Già trẻ gái trai
Ra đình ăn khoán.”
Đây là lời rao của trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Xưa mỗi khi làng có việc, thằng mõ lại vác loa đi loan báo. Lời mở đầu thường là “Chiềng làng chiềng chạ”. Thế “chiềng” là gì?
“Chiềng” là âm cổ của “trình”. “Chiềng làng chiềng chạ” tức là “trình làng trình chạ”. Có nhà nghiên cứu cho rằng, “chạ” ở đây tức là xã, “chiềng làng chiềng chạ” là “trình làng trình xã”, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không phải. Vì tạm thời chưa đủ cơ sở nên xin phép miễn bàn chữ “chạ” trong nội dung bài này.
Về mối quan hệ chiềng – trình, nó cũng giống như mối quan hệ giữa (mắt) kiếng – (mắt) kính, (tháng) giêng – chinh* (nguyệt), chiêng – chinh (một loại nhạc khí), (thiêng) liêng – linh (thiêng).
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du, sau khi Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh, nhờ Thúy Vân và gia đình trả tình trả nghĩa cho Kim Trọng có câu:
“Lạy thôi nàng mới thưa chiềng:
Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.”
“Thưa chiềng” nghĩa là thưa trình.
(*) Chinh nguyệt, tức 正月, thường được biết đến là “chính nguyệt”, tức tháng Giêng. Chữ 正 có ba âm, chính/chánh/chinh. Âm “chinh” ít phổ biến nên ít người biết. Theo An Chi và một số học giả khác, âm đúng của 正月 phải là “chinh nguyệt” chứ không phải “chính nguyệt”.

★ Tót vời ★
Truyện Kiều có câu miêu tả Kim Trọng như sau:
“Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.”
– Tót là cao, cao nhất, vượt lên cao nhất thì gọi là tót. Từ điển Việt – Latinh của Pigneau de Behaine (1772) có ghi nhận từ “tót chúng”. Truyện thơ Nôm Nhị độ mai có câu “Trên mui ngồi tót một người”.
– Vời là xa. Chúng ta vẫn thường nói “xa vời”.
“Tót vời” nói chung nghĩa là “cao xa”, ý là hơn hẳn mức bình thường, đạt đến mức xuất chúng. Trong Truyện Kiều, nếu Kim Trọng “phong tư tài mạo tót vời” thì Mã Giám Sinh là kẻ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Nguyễn Du rất giỏi trong chuyện cùng một chữ mà dùng cho người này thì sang, dùng cho người kia thì hèn. Chẳng hạn, cùng một chữ “lẻn” (lén lút) mà dùng cho Kim Trọng thì sắc thái khác, dùng cho Sở Khanh thì sắc thái khác, dùng cho Thúc Sinh sắc thái cũng khác.

★ Tồi tàn ★
Chữ Hán viết là 摧殘, trong đó:
– tồi là bẻ gãy, huỷ hoại, phá vỡ, làm thương tổn, từ điển Nguyễn Quốc Hùng giản “tồi bại” là “hư hỏng xấu xa”;
– tàn là hư hại, rách, sứt mẻ, hỏng, cũng có nghĩa là cái còn thừa lại (“tàn bôi” là chén rượu thừa, ý nói tiệc đã kết thúc), giết ai, huỷ hoại ai cũng gọi là tàn (như “cốt nhục tương tàn”), bị thiếu, khuyết mất cũng gọi là tàn (như “tàn tật”).
“Tồi tàn” là từ ghép chỉ cái gì bị phá hư, bị huỷ hoại, bị làm cho tan nát. Truyện Kiều có câu:
“Hạ từ van lạy suốt ngày,
Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn”.
Từ “tồi tàn” ở đây mang nghĩa bị làm cho tan nát, ý nói hai cha con nhà họ Vương bị bọn sai nha “đánh đập tàn nhẫn” (theo bản Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải).
Về sau mở rộng nghĩa thành cái gì hư hỏng, đổ nát cũng gọi là “tồi tàn”, như từ điển Hoàng Phê giảng “tồi tàn” nghĩa là “tồi quá đáng đến mức thảm hại” (ăn mặc tồi tàn, căn nhà tồi tàn rách nát). Chúng ta thường dùng từ “tồi tàn” với nghĩa này.

★ Trắng ngần ★
Ta hay nói nước da trắng ngần, trắng thì hiểu rồi, vậy “ngần” là gì?
“Ngần” là một loại cá mình nhỏ chừng bằng đầu đũa ăn, toàn thân cá màu trắng sữa, mềm, vị ngon, có thể chiên giòn, chiên bột, nấu canh, tất thảy đều ngon. “Trắng ngần” là trắng như con cá ngần. Thường có câu “trong như giá, trắng như ngần” là vậy. Truyện Kiều có câu:
“Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần, cũng phong trần như ai!”
Về trường hợp “trong giá”, có ý kiến cho rằng trong như sương giá, nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong như cọng giá sau khi nấu chín. Quan điểm sau phù hợp với “trắng ngần” là chỉ cá ngần, cũng là một loại thức ăn.
Sẽ còn cập nhật.