Dậy sớm để viết
| On Th519,2025
(Ngày ngày viết chữ) Dậy sớm để viết, nghe thật nhọc nhằn, nhưng nếu làm được thì chúng ta sẽ viết đều đặn và do đó, chất lượng viết sẽ không ngừng nâng cao.
MỜI BẠN ĐỌC THÊM
>> Đôi điều về việc lập dàn ý trước khi viết
>> Học viết: 7 lời mách nước dành cho bạn
Vì sao lại cần dậy sớm để viết? Vì nếu viết vào buổi tối, sau khi đã trải qua một ngày học hành hoặc làm việc – thậm chí tăng ca, chúng ta sẽ chẳng còn hơi sức nào để cất bút mà viết nữa. Lúc đó, chúng ta chỉ còn nước cất bút đi nghỉ.
Vậy nên, thay vì dằn vặt, áy náy mỗi đêm vì không viết nổi dòng nào, hoặc viết rất gắng gượng, nhọc nhằn, thì chúng ta dậy sớm viết. Đây sẽ là việc đầu tiên chúng ta làm trong ngày, khi cả cơ thể và đầu óc đều được phục hồi sau một giấc ngủ hẳn hòi.
Nhưng để dậy sớm, chúng ta phải thu vén đi ngủ sớm vào tối hôm trước. Nếu là một “cú đêm”, việc này nghe có vẻ rất khó khăn. Vậy nên chúng ta phải tập từ từ. Ví dụ bình thường tầm 12 giờ đêm mới đi ngủ, thì nay tầm 11 giờ 20 chúng ta đã tắt máy tính và điện thoại, leo lên giường nằm dỗ giấc. Cố gắng ngủ sớm được chút nào tốt chút nấy.
Một tuần dậy sớm để viết khoảng năm hoặc sáu ngày là hợp lý, chúng ta có thể dành cuối tuần để ngủ nướng, nhưng đừng theo lối dậy sớm cách nhật. Mỗi ngày (hoặc mỗi ngày làm việc) đều dậy sớm sẽ dễ dàng tạo thói quen cho cơ thể hơn là ngày dậy sớm ngày dậy trễ.
Vấn đề là, dậy sớm bao nhiêu là đủ? Thường thì chúng ta hãy thu xếp như thế nào đó để có thể viết khoảng một giờ. Nếu bạn có con và đứa nhỏ sẽ thức dậy lúc 6 giờ rưỡi, vậy bạn nên dậy lúc 5 giờ 15, vệ sinh này kia xong thì 5 giờ rưỡi ngồi vào bàn viết. Nếu bạn độc thân và 7 giờ phải chuẩn bị đi làm, vậy giờ thức dậy là khoảng 5 giờ 45. Lúc bắt đầu, có thể bạn chỉ cần dậy sớm hơn thường lệ mươi mười lăm phút thôi, để tập thói quen, dần dần mới có thể dậy sớm hơn hẳn nửa tiếng bốn lăm phút rồi một giờ.
Nếu bạn ngại một giờ là không đủ để viết (nội ngồi nghĩ phải viết gì tiếp thôi đã hết nửa tiếng rồi) thì đây, Haruki Murakami sẽ giúp bạn. Trong Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, Murakami bảo rằng có một chiến thuật cần thiết khi viết một cuốn tiểu thuyết là “Tôi dừng lại mỗi ngày đúng vào lúc tôi cảm thấy mình còn có thể viết nữa”. Nghĩa là nếu bạn nghĩ ra điều gì đó tuyệt vời để viết thì đừng vội viết hết ngay, nhớ chừa chút đỉnh để hôm sau ngòi bút tuôn lời được thuận lợi.
Nhờ vào “chiến thuật” này, sáng dậy chúng ta đã biết mình cần viết gì tiếp theo. Hơn nữa, ý nghĩ phải viết tiếp những lời văn còn dang dở trong đầu sẽ là một cánh tay vững chãi kéo chúng ta rời khỏi chăn ấm nệm êm.
Thật ra, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thu xếp gọn ghẽ như vậy. Thức dậy, viết lách, ăn sáng, đi học hoặc đi làm, quá là lý tưởng. Nhưng nếu phải chăm lo cho gia đình, chúng ta sẽ phải nấu nướng, hối thúc con cái tắm rửa ăn uống, vội vã đưa các con đến trường. Hoặc nếu nhà ở xa công ty, trường học, chúng ta sẽ phải khởi hành sớm. Trong những trường hợp này, chúng ta có thể làm gì để sáng ra có thêm thời gian viết? Có lẽ là phải làm mọi cách thôi. Sơ chế nguyên liệu nấu ăn để sáng chế biến cho nhanh, chuẩn bị quần áo sáng mai mặc, sắp xếp sẵn bàn viết,… có thể chuẩn bị được việc nào thì chuẩn bị việc đó vậy.
Ngoài ra thì, khi dậy sớm để viết chúng ta cũng cần tự hạn chế việc bị mạng xã hội, tin nhắn, e-mail làm xao nhãng. Cố gắng tập thói quen lúc viết là để viết, không để bất kỳ điều gì chia trí của mình.
Tất nhiên là, dậy sớm để viết chỉ một cách để chúng ta có thêm thời gian và hình thành thói quen viết. Nếu cách này không phù hợp với bạn, cứ bỏ qua nó và tìm giải pháp khác phù hợp hơn nha.
Một vài việc nhỏ có thể giúp chúng ta tỉnh táo nhanh hơn: – Khi chưa rời giường: Xoa bóp bàn chân, nắn các ngón chân, nâng chân cao lên và áp vào tường. – Sau khi rời giường: Xoay cánh tay hoặc vặn mình chút đỉnh cho khí huyết lưu thông. Sau đó đi vệ sinh, pha chút trà, cà phê hoặc thức uống nhẹ. |