“Tang thương” – Một cuộc thay đổi lớn lao hay là sự khốn khổ khiến người ta đau lòng?
| On Th1203,2022(Ngày ngày viết chữ) Liên quan đến từ tang thương, có nhiều bạn đọc hỏi ý nghĩa thực sự của nó là gì, là một cuộc thay đổi lớn lao hay là sự khốn khổ khiến người ta đau lòng. Bài viết này bàn về ý nghĩa của tang thương và cách dùng hiện nay.
“Thần Tiên truyện” (神仙傳 – Cát Hồng đời Tấn biên soạn) có dùng hình ảnh “thương hải biến vi tang điền” tức biển xanh hoá thành ruộng dâu để ẩn dụ cuộc đời nhiều thay đổi. Từ đó mà có cách nói “thương hải tang điền” (蒼海桑田) hoặc “tang điền thương hải” (桑田蒼海) rồi nói tắt thành tang thương (桑蒼) dùng để chỉ sự thay đổi lớn lao. Sách “Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế dẫn truyện này và giảng “Cứ ba mươi năm lại có một lần thay đổi, biển cả hoá thành ruộng dâu, ruộng dâu hoá thành biển cả”.
Tang thương với ý nghĩa ấy vào văn học Việt Nam qua nhiều tác phẩm. Truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ” có câu rằng:
Chửa đầy một cuộc tang thương,
Non đồng đã lở, núi vàng cũng nghiêng.
“Đề Dương nham ma nhai kỳ 1” của Phan Đình Hoè thì viết:
Cổ kim thiên địa vô cùng sự,
Dục khấu tang thương thạch bất ngôn.
Nghĩa là:
Xưa nay muôn vàn sự việc trong trời đất,
Ta muốn hỏi việc đổi thay, nhưng đá thì không nói.
Thương hải tang điền và tang thương được Nôm hoá thành bãi bể nương dâu, nương dâu bãi bể và bể dâu hoặc dâu bể, như câu thơ của Nguyễn Du trong “Kiều”:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Hoặc Nguyễn Phong Việt trong “Bản thân sợ nhất là lúc này…” thì viết:
Rồi ai cũng phải chọn riêng trái tim một hành trình
để đi đến cuối dù phải qua bao dâu bể.
Còn Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc” viết rằng:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu?
Như vậy, có thể nói, về mặt nghĩa, tang thương, tang điền thương hải, thương hải tang điền, bể dâu, dâu bể, bãi bể nương dâu hay nương dâu bãi bể đều chỉ sự thay đổi lớn lao.
Đó là vấn đề gốc tích. Nhưng trong thực tế, tang thương dần dần được sử dụng với một ý nghĩa khác, mà theo “Từ điển Hoàng Phê” thì ý nghĩa đó là “tiều tuỵ, khốn khổ đến mức gợi sự đau xót, thương tâm”.
Sự “di nghĩa” này có thể nảy sinh từ hai lý do. Một là, đối với nhiều người bình dân, ý nghĩa “tang” là cây dâu, “thương” là màu (biển) xanh có vẻ xa lạ, ít biết. Trong khi đó, “tang” trong “tang tóc”, “thương” trong “thương tâm” thì dễ hiểu, phổ biến hơn. Cho nên “tang thương” mới là “khốn khổ đến mức gợi sự đau xót” – như trong câu hát “nước tràn bờ đê, tang thương khắp một miền quê” của bài “Quê em mùa nước lũ” (nhạc sĩ Tiến Luân).
Hai là, bản thân từ tang thương hay bể dâu với nghĩa gốc cũng gợi sự đau lòng – như Nguyễn Du viết “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Dần dần, tang thương bắt đầu có sự phân biệt nghĩa trong phạm vi sử dụng. Trong văn chương, nhất là văn chương xưa, tang thương có nghĩa là sự thay đổi lớn lao. Còn trong đời sống bình dân, tang thương mang nghĩa là “tiều tuỵ, khốn khổ đến mức gợi sự đau xót, thương tâm”. Cả hai nét nghĩa này, “Từ điển Hoàng Phê” đều có ghi nhận.
Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ, thì có thể xem đây là hai từ tang thương khác nhau, đồng âm khác nghĩa. Nếu viết bằng chữ Nho, thì tang thương với nét nghĩa cuộc thay đổi lớn viết là 桑蒼, còn từ tang thương với nghĩa tiều tuỵ, khốn khổ đến đau xót, thương tâm thì có lẽ nên viết là 䘮傷 (dựa theo “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của Nguyễn Quang Hồng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 2021). Có điều, sự phân biệt này (xem như hai từ hoàn toàn khác nhau, chỉ là đồng âm) có vẻ ít được đại chúng để ý. Ngay như “Từ điển Hoàng Phê” cũng không phân thành “tang thương 1” và “tang thương 2” mà chỉ cho là đây là một từ, dùng làm danh từ thì mang nghĩa thay đổi lớn lao còn dùng làm tính từ thì mang nghĩa khốn khổ đau xót.
Kỳ thực, tang thương không phải là trường hợp duy nhất mà nghĩa gốc và nghĩa được dùng nhiều hiện nay có sự khác biệt. Cứu cánh cũng là một trường hợp tương tự.
Cứu cánh (究竟) vốn có nghĩa là cuối cùng, mục đích cuối cùng, như “cứu cánh Niết Bàn” (究竟涅槃) có nghĩa là cuối cùng cũng đến được Niết Bàn (Niết Bàn là cõi không sinh không diệt theo quan niệm Phật giáo). Tuy nhiên, ngày nay ta rất dễ bắt gặp trong nhiều bài viết, trong tác phẩm văn chương, báo chí, từ cứu cánh được dùng để chỉ điều làm chỗ dựa (về tinh thần hoặc vật chất) có thể cứu giúp ai đó thoát khỏi một tình cảnh ngặt nghèo. Trường hợp này, nói nôm na thì cứu cánh là “đôi cánh cứu vớt”.
Vấn đề đặt ra là, việc một từ [X] vốn có nghĩa là [x1] nay được dùng theo nghĩa [x2] thì có sai hay không? Thực tế, một điều tất yếu là khi từ vựng của một ngôn ngữ A đi vào một ngôn ngữ B thì chắc chắn chúng phải chịu “B hoá”. Tức là, từ vựng tiếng Hán vào tiếng Việt thì chắc chắn chúng phải chịu “Việt hoá”. Sự “Việt hoá” (hay “B hoá” với B là bất kỳ một ngôn ngữ đi vay mượn nào) diễn ra ở bốn bình diện: Việt hoá về ngữ âm, Việt hoá về ý nghĩa, Việt hoá về cú pháp và Việt hoá về tu từ.
Hiện tượng một từ [X] vốn có nghĩa là [x1] nay được dùng theo nghĩa [x2] là một trong những biểu hiện của Việt hoá về ý nghĩa. Về điều này, trong cuốn “Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt”, Lê Đình Khẩn viết rằng:
Một số từ Hán Việt đã được người Việt dùng theo nghĩa mới, nghĩa được nó tạo ra trong quá trình hoạt động của tiếng Việt, dù do bất cứ nguyên nhân nào, thì vẫn không thể đối chiếu với từ điển tiếng Hán để xem là sai. Vì chúng đã là những từ Việt được tạo thành trên chất liệu Hán. Và hiện tượng này vẫn không nằm ngoài xu hướng Việt hoá chung, Việt hoá về mặt ý nghĩa.
Lê Đình Khẩn cũng nêu một số trường hợp mà nghĩa trong tiếng Hán và nghĩa trong tiếng Việt khác nhau như sau: công phu, thủ đoạn, cường điệu, đinh ninh, hủ hoá, bác sĩ, vĩ đại và còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Những trường hợp này, nếu bảo người Việt quay về với nghĩa trong tiếng Hán thì vừa vô lý vừa bất khả.
Quay lại với tang thương. Theo như bình luận của nhiều bạn trên fanpage Ngày ngày viết chữ, các bạn sẽ dùng bể dâu/dâu bể hoặc dùng dạng đầy đủ thương hải tang điền/tang điền thương hải để chỉ cuộc thay đổi lớn lao. Còn tang thương thì dùng để chỉ “tiều tuỵ, khốn khổ đến mức gợi sự đau xót, thương tâm”.
Như vậy, có thể thấy tang thương đang trên con đường “một từ [X] vốn có nghĩa là [x1] nay được dùng theo nghĩa [x2]”. Theo chiều hướng này, dần dần nét nghĩa thay đổi lớn lao của tang thương sẽ lùi vào các tác phẩm văn chương cũ, nhường chỗ cho nét nghĩa còn lại được sử dụng phổ biến hơn. Điều này đã xảy ra ở nhiều trường hợp khác mà cứu cánh có lẽ là một trường hợp gần nhất. Kể cả khi các từ điển khả tín vẫn chưa ghi nhận nét nghĩa chỗ dựa cứu vớt của cứu cánh thì trong thực tế sử dụng, cứu cánh đã mang nét nghĩa này rồi.