Sự thay đổi nghĩa của một số từ Hán Việt
| On Th801,2024(Ngày ngày viết chữ) Nếu lật lại từ điển cũ, chúng ta sẽ gặp rất nhiều từ Hán Việt quen thuộc, nhưng mà nghĩa của chúng thì sao lạ lùng, đến mức không thể nhận ra nữa.
Trong sách Tiếng Việt lịch sử trước thế kỷ XX – Những vấn đề quan yếu do Đinh Văn Đức chủ biên, có nêu ra một số từ Hán Việt đã bị “thay đổi nghĩa đến mức không còn nhận ra mối liên hệ hay mắt xích ngữ nghĩa” giữa nghĩa gốc với nghĩa hiện tại. Các bạn có thể xem một số ví dụ bên dưới.
Ghi chú trước khi trình bày ví dụ:
Ví dụ trình bày theo dạng: A: A1 → A2 → A3, trong đó:
– A là từ vựng.
– A1 là nghĩa của từ này trong Tự vị Annam – Latinh của Pigneaux de Béhaine (tức Cha cả Bá Đa Lộc);
– A2 là nghĩa của từ này trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tinh Paulus Của;
– A3 là nghĩa của từ này trong Từ điển tiếng Việt (2002).
Sau đây là ví dụ:
1. BẦN CÙNG: Từ bỏ và thoát bỏ mọi sự → Nghèo cực → (1) Nghèo khổ đến cùng cực; (2) Ở vào thế cùng, thế bí, không có cách nào khác.
2. BÔN BA: Nhanh chóng, nhanh nhảu → Lật đật, bước tới, bôn chạy → Đi hết nơi này đến nơi khác, chịu nhiều gian lao vất vả để lo liệu công việc.
3. CHÍ SĨ: Đại lượng → Kẻ có chí lớn, dốc một lòng → Người trí thức, thường là nhà Nho, có chí khí quyết tâm đấu tranh vì chính nghĩa.
4. CỐ CHẤP: Giữ con tin, cho làm con tin, của cầm → Hay chấp nhặt, không biết nghe lời, không hay biến thông → (1) Cứ một mực giữ nguyên ý kiến theo những quan niệm cứng nhắc, có sẵn; (2) Để ý lâu đến những sơ xuất của người khác đối với mình đến mức có định kiến.
5. ĐIỀM ĐẠM: Quan trọng, nghiêm khắc → Trọng hậu tề chỉnh, rõ ràng → Lúc nào cũng tỏ ra từ tốn, nhẹ nhàng, hiền hậu, không gắt gỏng, nóng nảy.
6. TIỆN NGHI: Thay ai làm việc gì, đại diện → Phép được làm, quyền được làm, xứng hạp, lợi ích → (1) Danh từ: Những trang bị cần thiết làm cho trang bị hằng ngày được thuận tiện, thoải mái; (2) Tính từ: Thích hợp và thuận tiện cho sinh hoạt vật chất hằng ngày.
7. TRẦN AI: Người lạ, người khác → Bụi bặm; Trần thế, cuộc gian nan → Cõi đời vất vả, gian truân.
8. LỰC LƯỢNG: Khôn ngoan, đại lượng → Sức mạnh, ý chí → (1) Sức mạnh có thể tạo nên một tác động nhất định; (2) Sức mạnh của con người được tổ chức nhau lại tạo ra để sử dụng vào các hoạt động của mình.
Tại sao lại có sự thay đổi nghĩa này, sách đã dẫn cũng giải thích rằng “nhân tố xã hội luôn tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi nghĩa của từ Hán Việt. Chẳng hạn, trước đây, dưới chế độ phong kiến tồn tại mối quan hệ vua – tôi nên không ít từ chỉ bó hẹp trong cái nghĩa đó, nay quan hệ xã hội thay đổi nên nghĩa của từ cũng thay đổi”.
Ngoài ra, “sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng tác động đến nghĩa của từ Hán Việt”. Ví dụ, khi xưa “điện” thường được hiểu là (tia) sét, nay “điện” thường được hiểu là một dạng năng lượng dùng để thắp sáng, chạy máy. Từ “công nghiệp” khi xưa được hiểu là sự nghiệp mình đã làm nên, đã tạo dựng, nay được hiểu là một ngành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân hiện đại, nghĩa cũ của nó vẫn còn được dùng nhưng ít phổ biến hơn.