“Sắt cầm” và “sắt son”
| On Th118,2025(Ngày ngày viết chữ) Hai từ “sắt cầm” và “sắt son” rất thường gặp trong các văn cảnh nói về tình cảm lứa đôi. Và, không biết bạn đã biết chưa, chữ “sắt” trong hai từ này không phải là cùng một chữ.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm.
“Sắt cầm” (瑟琴), cũng dùng “cầm sắt”, chỉ đàn sắt và đàn cầm. Nguyễn Thạch Giang[1] giảng “đàn cầm và đàn sắt là hai thứ đàn cổ thường đánh hoà âm với nhau, chỉ cảnh vợ chồng hoà hợp, êm ấm”.
“Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm” nghĩa là chẳng cần gì chuyện chăn gối mới có thể hoà hợp vợ chồng. Hai câu này là lời Kim Trọng sau khi gặp lại Kiều. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn dùng hình ảnh “cầm sắt” trong câu:
Chàng dù nghĩ đến tình xa,
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
Trong Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu viết:
(1) Võ công lấy đọc bấy giờ,
Mừng duyên cầm sắt mối tơ đặng liền.
(2) Công rằng: “Ta cũng thương thầm,
Tủi duyên con trẻ sắt cầm dở dang.”
Câu (1) là Võ công nói với Vân Tiên trước khi Vân Tiên lên kinh thi, trông chàng “Mày tằm mắt phụng môi son, Mười phân cốt cách vuông tròn mười phân” thì đắc ý. Câu (2) là Võ công nói với Tử Trực, khi Vân Tiên gặp nạn thì muốn con mình là Thể Loan nên đôi với Tử Trực.
Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc cũng có hình ảnh “sắt cầm”, ở câu:
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.
“Dây uyên” là “hai sợi dây đàn giăng ngang nhau ví với đôi chim uyên ương”, “phím loan” là “hai cái trục dây đàn đặt sánh nhau như đôi chim loan phụng” và cả hai câu ý nói “ngại gảy đàn vì sợ dây bị đứt hoặc dây bị chùng, nó là những điềm xấu”[2].
Trên là “sắt cầm”, còn dưới đây là “sắt son”.
“Sắt son”, cũng dùng “son sắt”, Từ điển Hoàng Phê giảng là “thuỷ chung, không bao giờ phai nhạt, tựa như lúc nào cũng rắn như sắt, đỏ như son”. Tự điển Lê Văn Đức giảng “sắt son” là “sắt và son, một món thì cứng và dẻo, một món thì đỏ thẫm”, nghĩa bóng là “trung thành, một lòng một dạ không dời đổi”. Ví dụ: tấm lòng sắt son, tình cảm son sắt,…
Ca dao ta có nhiều câu dùng “sắt son” hoặc “son sắt”, như là:
1/ Dù ai lấp biển dời non,
Lòng ta vẫn giữ sắt son cùng người.
2/ Bậu đừng nghe tiếng thị phi,
Thủy chung anh giữ tròn nghì sắt son.
3/ Tâm đồng son sắt với nhau,
Thiếp chưa phụ bạc chàng sao vội vàng.
4/ Trăm năm son sắt đá vàng,
Đói no thiếp chịu giàu sang chàng nhờ.
Tuy chữ “sắt” trong “sắt son” và “sắt cầm” là hai chữ “sắt” khác nghĩa nhau, nhưng có một điểm chung bi hài, đó là chúng thường bị viết nhầm thành “sắc”, tức là thường bị nhầm thành “sắc son” và “sắc cầm”. Hy vọng nếu trước đây bạn từng dùng nhầm thì từ nay sẽ không nhầm nữa.
[1] Truyện Kiều – Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, NXB Văn Học, 2017.
[2] Các khúc ngâm thế kỷ XIX, Nguyễn Quảng Tuân sưu tầm, biên soạn, NXB Văn Học, 2022.