Ghi chép nhanh về vài cách đặt tên sự vật hiện tượng của người Việt
| On Th601,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này trình bày vài cách đặt tên sự vật hiện tượng của người Việt theo lối ghi chép vắn tắt. Tuy là vắn tắt nhưng vì vấn đề cũng gần gũi với đông đảo bạn đọc, nên có thể nói là vừa đọc đã hiểu ngay.
Bài viết là quan điểm của Ngày ngày viết chữ, vui lòng không đăng lại ở bất kỳ nơi nào khác khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ngày ngày viết chữ.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Các kiểu tả người theo phép ẩn dụ của người Việt
Cụ thể, người Việt có vài cách đặt tên cơ bản như sau:
1. Đặt theo hình dáng
– bánh bò (Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng giảng “bánh bò” là được đặt theo hình dáng. Có nguồn giải thích vốn là “bánh vú bò” – do có hình dáng giống vú bò – dần dần bị “rớt tiếng” mà còn “bánh bò”.)
– bánh da lợn
– rau càng cua
– đậu que
– đậu đũa
– bánh tai heo
– đường phổi
– vòi hoa sen (vòi sen)
– chim chìa vôi (đuôi của nó giống chiếc chìa vôi – que nhỏ như chiếc đũa dùng để têm trầu, một đầu hơi bẹt để quệt vôi và đầu kia nhọn để dùi lỗ têm trầu).
2. Đặt theo màu sắc hoặc hoa văn trên cơ thể
– xanh lá cây, xanh nước biển, xanh da trời
– màu da cam
– chó mực
– ngựa ô
– mèo mun
– chó cò
– cá sặt (“Sặt” có nghĩa là “vằn, vệt màu khác chạy dài ngang, dọc” [Từ điển Từ ngữ Nam Bộ – Huỳnh Công Tín]. “Cá sặt” (thường bị viết nhầm thành “cá sặc”) có nhiều loại, nhưng tất cả đều có điểm chung là trên mình luôn có vằn, có vệt chạy dọc trên thân màu trắng hoặc trắng xám, nên gọi chung là “cá sặt”.
– cá bống sao (“Bống sao” là loài cá nhỏ, trên mình có những chấm nhỏ màu vàng hoặc xanh, trông như sao. Chúng thường sống ở những bãi bồi nơi nước lợ hoặc ngập mặn. Có nơi còn gọi bống sao là cá lác vì vẻ ngoài lốm đốm như nổi lác <một loại bệnh> của nó.)
– gạo huyết rồng
– đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng
– bài tứ sắc.
3. Đặt theo âm thanh
– bánh xèo
– con mèo
– chim cú
– chim chích choè
– chim cuốc
– cá éc (Một loài cá đặc sản của sông Hậu, chúng thích vùng nước chảy mạnh và thường bám theo mạn thuyền của ngư dân để ăn rong rêu. Khi bị bắt lên bờ, loại cá này phát ra tiếng kêu éc éc.).
4. Đặt theo cách làm
– bánh chưng
– bánh giầy/bánh giày (thường viết nhầm thành “bánh dầy/bánh dày”)
– bánh lọt
– đậu hủ (“hủ” <hoặc “phụ”> – 腐, là mục, nát, rữa, thối, một giai đoạn trong cách làm đậu hủ chính là làm cho đậu nát ra).
5. Đặt theo đặc tính
– hoa mười giờ
– bánh canh
– chó cỏ
– bắp cao sản
– xoài cát
– cây chó đẻ (loài chó sau khi sinh con thường tìm ăn cây này do công dụng chữa lành của nó)
– bóng bàn
– dây nịt (dây thắt lưng)
– tỏi cô đơn
– cá bống dừa (Loài cá này ưa trú ẩn trong hang, hốc, đặc biệt là trong khe giữa hai bẹ dừa nước hoặc trong bộng trái dừa bị chuột khoét, rụng và chìm xuống mương rạch.)
– cá lóc (Theo Đại Nam quấc âm tự vị, “lóc” có nghĩa là “lần lần đưa mình tới, chuồi tới”, và cá lóc là loài cá mà “thả nó trên đất thì có tài lóc lóc, đưa mình tới, cho nên lấy đó mà đặt tên”.)
– cây tầm (chùm) gửi
– còng gió (loài còng di chuyển nhanh nhất, nhanh như gió)
– gấu trúc.
6. Đặt theo xuất xứ
– mận bắc
– dừa xiêm
– vịt xiêm
– lúa chiêm
– hủ tíu Nam Vang
– bánh tráng Trảng Bàng
– vú sữa Lò Rèn.
7. Đặt theo chức năng
– bánh phu thê
– cây viết
– đồng hồ báo thức
– thuốc giảm đau
– thuốc gây mê
– thuốc gây tê.
8. Đặt theo nguyên liệu/chất liệu đặc trưng
– bánh chuối
– bánh rau mơ
– bánh lá gai
– bánh gạo
– chổi lông gà.
Trên đây là một vài cách đặt tên phổ biến, dễ nhận biết. Sự vật hiện tượng muôn hình vạn trạng, tin rằng vẫn còn nhiều cách đặt tên khác nữa, chẳng hạn sao phỏng theo cách gọi của nước ngoài (nhất là đối với trường hợp từ vay mượn). Và, bên cạnh những cách đặt tên có thể lý giải rõ ràng như trên, vẫn còn nhiều sự vật hiện tượng có lẽ được đặt tên từ rất xa xưa, khó lý giải, mang tính võ đoán.