Các kiểu tả người theo phép ẩn dụ của người Việt
| On Th115,2022(Ngày ngày viết chữ) Về chuyện tả người, người Việt có kiểu ẩn dụ rất thú vị là dùng động vật, thực vật hoặc đồ vật để liên tưởng. Bài viết này giới thiệu một số kiểu tả người theo phép ẩn dụ như thế.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
– Quan niệm về người già trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam
– Quan niệm về cái đói trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt
– mắt lươn, mắt ốc nhồi, mắt ếch, mắt phượng, mắt cú vọ, mắt bồ câu, mắt diều hâu, mắt gà chọi, mắt lá răm;
– (lông) mày lá liễu, (lông) mày chữ nhất (一), (lông) mày chữ bát (八), (lông) mày sâu róm, mày ngài, mày kiếm;
– mặt chuột, mặt ngựa, mặt thớt, mặt mâm, mặt chữ điền (田), mặt mẹt, mặt lưỡi cày, mặt trái xoan, mặt bánh bao, mặt như cái bánh bao chiều;
– má bánh đúc, má đào;
– mũi dọc dừa, mũi cà chua, mũi diều hâu, mũi lân, mũi trâu;
– hàm ếch, hàm én;
– tóc mây, tóc đuôi gà, tóc đuôi ngựa, tóc rễ tre, tóc mì tôm;
– râu dê, râu trê, râu con kiến, râu hùm;
– óc bã đậu;
– răng hạt na, răng hạt bắp, răng bàn cuốc, răng thỏ;
– môi trái tim;
– mồm cá ngão, miệng cá trê;
– cổ cò;
– bụng cóc, bụng ễnh ương;
– (vòng) eo con kiến;
– vú chũm cau, vú mướp, vú sừng trâu;
– lưng tôm, lưng ong, lưng tấm phản;
– tay dùi đục, bàn tay nải chuối;
– ngón tay búp măng, ngón tay ngòi bút (ngòi viết);
– chân voi, chân chữ bát, chân vòng kiềng, chân cột đình, chân chì;
– gối hạc, đầu gối củ lạc;
– da phấn, da bánh mật, da mồi, da rắn;
– gót sen, gót ngọc;
– thân bồ liễu;
Chúng ta hiểu rằng, khi nói một người (thường là trẻ con) có “bụng cóc”, thì người ta không có ý nói bụng người đó là con cóc (hoặc bụng người đó là bụng con cóc), mà ở đây có một sự so sánh ngầm (tức là ẩn dụ) rằng bụng người đó tròn như bụng cóc. Tương tự, khi nói một người có “chân cột đình”, thì người ta không có ý nói chân người đó cái cột đình, mà người ta muốn nói chân người đó rất to, khiến người ta liên tưởng đến cái cột đình vậy. Ở đây, có thể nói bên cạnh ẩn dụ còn có chút ngoa dụ.
Một vài thành ngữ khác:
– miệng hùm gan sứa;
– mặt dơi tai chuột;
– lưng hùm vai gấu;
– mình hạc xương mai;
– lưng chữ cụ (具), vú chữ tâm (心);
– mặt thỏ mỏ dơi;
– mặt hoa da phấn;
– gan vàng dạ sắt.
Về cơ bản, khi ta muốn nói về A nhưng không dùng A mà dùng B, trong đó A và B có quan hệ tương đồng (tức A và B giống nhau) thì đó là phép ẩn dụ. Ví dụ thành ngữ “lưng chữ cụ, vú chữ tâm” có nghĩa là hình dáng lưng giống như chữ cụ (具), hình dáng vú giống như chữ tâm (心) (đây là cách người xưa chọn con dâu vì cho rằng phụ nữ có đặc điểm như thế thì mắn đẻ, giỏi nuôi con).
Có một ranh giới nhất định giữa ẩn dụ và so sánh. Cũng là các cách nói trên, nhưng nếu dùng “mặt vuông như chữ điền”, “mặt đẹp như hoa”, “da mịn như phấn”, “tóc xoăn như mì tôm” thì đấy là phép so sánh với các đối tượng A và B được biểu hiện rất cụ thể. Trong trường hợp ẩn dụ, A là cái được ẩn đi.
Về việc vận dụng, chúng ta có thể dựa vào cơ chế ẩn dụ để tạo lập nhiều cách diễn đạt mới, giúp cho bài viết của mình uyển chuyển hơn, hàm súc hơn, gợi hình hơn thúc đẩy óc tưởng tượng cho người đọc. Dưới đây là một vài ví dụ về việc vận dụng phép ẩn dụ để miêu tả người:
(1) Anh ta là một tấm chiếu mới.
(2) Nhỏ đó thật sự là một tờ giấy trắng.
(3) Mụ ấy là một con rắn độc.
(4) Lão là một con gấu, không ai dám đụng vào lão cả.