Bạn có đánh rơi trái tim thơ trẻ trên dọc đường lớn lên?
| On Th701,2017Dành tặng cho người mãi mãi là Hoàng tử bé trong tim tôi.
(Ngày ngày viết chữ) – Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thứ một khi mất đi rồi sẽ không thể nào tìm lại được. Tuổi thơ chẳng hạn, nhiều lúc muốn tìm về nhưng vĩnh viễn có về được đâu, họa chăng có thể góp nhặt một chút qua những trang sách. Và một thoáng trẻ thơ trong tôi đã được tìm lại trong một buổi chiều lặng lẽ cùng “Hoàng tử bé”.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Hoàng tử bé qua những lần đọc
Chúng ta đều từng là một đứa trẻ
Có một sự thật không thể chối cãi là tất cả chúng ta trước khi lớn đến thế này thì đều từng là một đứa trẻ. Chỉ là trong lúc lớn lên, chúng ta đôi khi vô tình quên mất điều đó. Cùng với sự lãng quên ấy, chúng ta cũng không còn cư xử như trẻ con nữa, để cho hoàng tử bé – nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên của Antoine De Saint-Exupéry (Nxb Văn Học – Nhã Nam phát hành) – phải nhiều lần thốt lên “người lớn thật kỳ lạ”.
Trên hành trình chu du của mình, hoàng tử bé gặp nhiều người lớn, một ông vua trị vì một tiểu hành tinh không thần dân, một ông hợm hĩnh nghĩ mình luôn được hâm mộ dù hành tinh của ông ta chẳng có ai khác ngoài chính ông ta, một ông nát rượu sống cuộc đời lẩn quẩn và nhiều người nữa. Tất cả họ đều cư xử hoặc suy nghĩ “quá đỗi là lạ lùng”. Kỳ thực, mỗi người lớn mà hoàng tử bé gặp trong chuyến lang thang của mình chính là hình mẫu mô tả từng người trong chúng ta – những người lớn cô đơn trên “hành tinh” của riêng mình. Những người lớn “buồn cười quá thể” trong quyển sách viết cho thiếu nhi ấy đại biểu cho lòng ham muốn thống trị, sự say mê tư hữu, thói huênh hoang tự cao, lối sống bê tha bế tắc thường thấy ở người lớn.
Họ – những người lớn ấy quên mất mình từng là một đứa trẻ, cũng quên luôn đâu mới thật sự là chân thiện mỹ ở đời. Họ đã quên bản thân từng thốt không thành câu khi trông thấy mái nhà gỗ trên thảm cỏ xanh cạnh khóm rừng nhỏ, để rồi ồ lên khen đẹp chỉ vì nghe nói có “một ngôi nhà mười vạn phơ răng”. Người lớn ấy mà, luôn thích các con số. “Khi bạn kể với họ về một người bạn mới, họ sẽ không bao giờ hỏi bạn điều cốt yếu. Họ sẽ chẳng bao giờ hỏi bạn: “Giọng anh ta nghe thế nào? Anh ta thích chơi trò gì? Anh ta có sưu tầm bươm bướm không?” Mà họ sẽ hỏi: “Anh ta bao nhiêu tuổi? Anh ta có mấy anh chị em? Anh ta nặng bao nhiêu cân? Bố anh ta thu nhập bao nhiêu?” Chỉ thế thôi họ nghĩ là đã đủ hiểu người ta rồi.” Này bạn, những người lớn như tôi, bạn có bao giờ thấy chính mình bị “con số hóa”, nói cách khác là bị “thương mại hóa” như thế không? Với tôi thì quả thật là có.
Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim
Điều đáng buồn nhất của việc lớn lên có lẽ không gì khác hơn việc đánh mất ánh nhìn thơ trẻ, không gì khác hơn việc quên đi “người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử”.
Hoàng tử bé trong câu chuyện mà mình là nhân vật trẻ thơ duy nhất gần như luôn giữ được cho mình ánh nhìn thơ trẻ. Cậu có thể nhìn ra bức tranh mà người lớn vẫn tưởng là một cái mũ chính xác là một con trăn khổng lồ đang nuốt một con voi. Cậu cũng có thể nhìn ra một chiếc hộp bình thường bên trong lại có một con cừu đang ngủ. Dù vậy, cũng có lần cậu không nhìn thấy được điều lẽ ra mình nên thấy.
Đó là khi cậu đối diện với nàng hồng đỏng đảnh, thứ mà cậu đã bỏ lại trên tiểu hành tinh B 612 của mình để chạy trốn. “Bấy giờ tôi có biết cách thấu hiểu gì đâu! Đáng lẽ tôi phải xét đoán từ hành động chứ không phải từ lời nói. Cô nàng tỏa hương cho tôi, tỏa sáng cho tôi. Lẽ ra tôi không bao giờ được phép bỏ đi! Lẽ ra tôi phải đoán được tính nết dịu dàng của cô nàng đằng sau những mưu mẹo tội nghiệp kia.” Nỗi hối tiếc vì đã bỏ rơi bông hoa hồng mà mình yêu thương ám ảnh suốt hành trình của cậu chàng hoàng tử. Có lẽ, trong cuộc đời mình, chúng ta phải đôi ba lần phải hối tiếc vì những điều tương tự, hối tiếc vì lẽ ra “phải xét đoán từ hành động chứ không phải từ lời nói”. Chúng ta không biết cách nhìn cho đúng đắn, để rồi khi xa cách hoặc khi mất đi, chúng ta mới thấu hiểu những gì mà người thân, bạn bè, những gì mà thế giới này dành cho ta mới trân quý đến dường nào. Câu chuyện về việc phải dùng trái tim để nhìn của hoàng tử bé khiến tôi không nguôi nhớ về những lần trót dùng con mắt thường để nhìn “điều cốt tử” của mình. Tỉ như những lần giận dỗi cha mẹ, trách cha mẹ không thương mình, làm cha mẹ phiền lòng. Trẻ con mà, có đứa nào không ít nhất một lần có cái suy nghĩ ngây ngô ấy khi không được cha mẹ đáp ứng yêu cầu thơ dại. May mắn là bậc làm cha mẹ nào cũng mang sẵn tấm lòng bao dung dành cho con cái, chỉ là sau này nhìn lại, bản thân vẫn không khỏi tiếc nuối rằng giá như ngày ấy mình hiểu chuyện hơn một chút.
“Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry là một câu chuyện buồn mặc dù nó luôn được điểm tô bằng tiếng cười như chuông ngân của hoàng tử bé. Tiếng cười thánh thiện ấy làm những kẻ đã trót lớn lên như chúng ta xót xa, mất mát. Và nếu một lúc nào đó, bạn có thể vừa đọc những trang viết dịu dàng này vừa rơi lệ, thì tôi tin rằng bạn đã thật sự thấu cảm nỗi bi ai của việc để rơi mất trái tim thơ trẻ. Trưởng thành, suy cho cùng là một điều kỳ diệu, đó là quá trình chúng ta thay đổi, bồi đắp về thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng sẽ càng kỳ diệu hơn nữa nếu như trong suốt quá trình cải biến ấy, bạn vẫn giữ được trái tim thuần chân như hoàng tử bé.
Cuốn sách không hẳn là một tấm vé thông hành đưa bạn về tuổi thơ, mà giống như một món quà lưu niệm nhắc nhở bạn từng là một đứa trẻ, nhắc nhở bạn dù có lớn đến thế nào cũng hãy giữ vững tâm hồn thơ trẻ, giữ cho mình biết nhìn bằng trái tim yêu thương không toán tính, không vụ lợi của một đứa trẻ. Lúc đó, dù bạn ba mươi, năm mươi tuổi hay nhiều hơn nữa, thì trong tâm hồn bạn vẫn có một miền tuổi thơ cổ tích trường tồn bất diệt.