Hai kiểu hẹn thề của người Việt trong ca dao
| On Th703,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này nói về cấu trúc “Chừng nào [A] mới [B]” và “Bao giờ [A] mới [B] – hai kiểu hẹn thề của người Việt thường gặp trong ca dao.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Đôi điều về bài ca dao “Quạ kêu nam đáo nữ phòng”
Chừng nào [A] mới [B]
“Chừng nào cho sóng bỏ gành,
Cù lao bỏ biển anh mới đành xa em.”
Câu ca dao này có một cấu trúc quen thuộc, ấy là: “Chừng nào [A] mới [B]”.
Trong đó:
– [A] là một sự tình thuộc về khách quan và rất khó xảy ra, rất khó trở thành hiện thực;
– [B] là một sự tình thuộc về chủ quan người nói, thường liên quan đến mối quan hệ, đến nghĩa tình giữa người nói với người nghe.
Đây là một kiểu hẹn thề thường gặp trong ca dao Việt Nam, nhất là ca dao về tình yêu đôi lứa. Dưới đây là một số ví dụ để bạn đọc tham khảo:
1. Anh có thương em thì thương cho trót,
Đừng mê bóng sắc bỏ sót bạn tình,
Chừng nào cầu ván hết đinh,
Mái chùa hết ngói hai đứa mình mới xa nhau.
2. Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ,
Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ sao đành,
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,
Núi kia hết đá, anh mới đành xa em.
3. Chừng nào nhà ngói tróc vôi,
Bìm bìm leo, cỏ chỉ mọc, tôi mới thôi duyên nàng.
4. Chừng nào Hòn Chữ bể tư,
Cửa Nha Trang có cạn, anh mới từ nghĩa em.
5. Chừng nào cho mõ nọ xa đình
Hạc xa hương án, chung tình mới xa.
Lìa cây, sao nỡ lìa hoa
Lìa người bội bạc, đôi ta ai lìa.
6. Chừng nào cho mõ xa đình.
Đỉa đeo chân hạc hai đứa mình mới xa.
7. Chừng nào cho vạc xa cồn,
Cù lao xa biển anh mới đành xa em.
Chừng nào cầu đá rã tan,
Sông Hàm Luông lấp cạn mới quên lời thề.
8. Chừng nào cầu quây nọ thôi quây,
Thì qua với bậu mới dứt dây cương thường.
9. Chừng nào giấm ngọt, chanh thanh,
Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng.
10. Chừng nào ớt ngọt hơn đường,
Tim anh hết đập mới ngừng thương em
11. Chừng nào ngọc nát vàng phai,
Biển hồ lấp cạn mới sai lời thề.
12. Chừng nào trời nọ bể hai,
Bông vông trổ trắng mới sai lời thề.
13. Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,
Tàu Tây hết chạy anh mới đành bỏ em.
Đôi khi, từ “mới” được lược bỏ nhưng ý nghĩa của câu hẹn câu thề thì vẫn đầy đủ sắc thái như vậy, chẳng hạn:
14. Chừng nào ớt ngọt như đường,
Khổ qua hết đắng đạo cang thường hết thương.
15. Chừng nào Bưng Bạc hết sình,
Bàu Thành hết nước, hai đứa mình xa nhau.
16. Chừng nào lò gốm hết trã hết nồi,
Em đây hết đứng hết ngồi với anh.
Bao giờ [A] mới [B]
Bên cạnh “Chừng nào [A] mới [B]”, ca dao Việt Nam còn có cấu trúc “Bao giờ [A] mới [B]” cũng để hẹn thề như vậy. Và, tương tự trường hợp “Chừng nào…”, trường hợp “Bao giờ…” đôi khi cũng vắng mặt “mới” nhưng nghĩa không thay đổi.
17. Bao giờ Chợ Lớn hết vôi,
Em đây hết đứng hết ngồi với anh.
18. Bao giờ Trường Úc hết vôi,
Đôi ta hết đứng, hết ngồi với nhau.
19. Bao giờ Cầu Mống gãy đôi,
Sông Thu cạn nước, em mới thôi thương chàng.
20. Bao giờ Long Thọ hết vôi,
Đồng Nai hết nước anh thời quên em.
21. Bao giờ Thiên Ấn hết tranh,
Sông Trà hết nước anh đành xa em.
22. Bao giờ cho mõ xa đình,
Hạc xa hương án chung tình mới xa.
23. Bao giờ cho mỏi cánh bằng,
Cù lao bỏ bể thì anh bỏ nàng.
Ngoài dùng để hẹn thề, ca dao lấy “bao giờ” để mở đầu còn dùng trong nhiều trường hợp ý nghĩa khác, có dịp sẽ bàn thêm sau.
Trên đây là hai kiểu hẹn thề của người Việt thường gặp trong ca dao. Khi viết các nội dung hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng hai cấu trúc này, xem như một cách vận dụng chất liệu dân gian để truyền tải thông điệp đến người đọc theo một lối quen thuộc và giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.