7 mẹo viết của Paulo Coelho
| On Th1227,2022(Ngày ngày viết chữ) Paulo Coelho là tiểu thuyết gia người Brazil. Ông nổi tiếng nhiều tác phẩm như Nhà giả kim, Phù thủy phố Portobello, Cẩm nang của Người Chiến Binh Ánh Sáng, Ngoại tình,… Là một cây bút kỳ cựu, những kinh nghiệm và mẹo viết của ông ắt có ý nghĩa rất nhiều trong việc giúp các cây bút trẻ mài bén ngòi bút của mình.
Dưới đây là 7 mẹo viết của Paulo Coelho được ông chia sẻ trên Facebook cá nhân vào ngày 13/09/2022 và được thành viên Ngày ngày viết chữ dịch lại. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> 4 bài học viết từ các tác phẩm văn học thiếu nhi
>> Học cách viết mạch lạc, súc tích, có trọng tâm qua thư dụ hàng của Nguyễn Trãi
Hãy tự tin
Bạn sẽ chẳng thể bán được cuốn sách nếu bạn xem nhẹ cuốn sách vừa xuất bản của mình. Hãy tự tin vào những gì bạn có.
Phải biết tin tưởng
Hãy tin vào độc giả của bạn, đừng cố gắng kể hay mô tả quá chi tiết mọi thứ. Bạn chỉ cần cho độc giả một vài gợi ý, trí tưởng tượng của họ sẽ làm nốt phần còn lại.
Hãy viết bằng trải nghiệm và có chuyên môn
Bạn không thể cứ bịa ra nếu bạn chẳng biết gì về điều mà bạn muốn viết. Hãy viết bằng những gì mà bạn đã trải nghiệm và kiến thức mà bạn biết. Bạn có thể viết chưa hay nhưng ít nhất hãy viết đúng sự thật.
Đừng quá quan tâm đến những lời phê bình
Một số tác giả muốn gây ấn tượng với người trong ngành, họ muốn “được công nhận”. Quá quan tâm đến chuyện người khác nghĩ gì và viết chiều theo ý họ chỉ khiến bạn lúc nào cũng thấy bất an và chẳng có ích lợi gì. Hãy bỏ qua vấn đề này và tập trung vào việc thể hiện chất riêng của mình trong những tác phẩm của bạn.
Đừng cố gắng ghi chú hết mọi thứ
Nếu bạn cứ cố gắng ghi chú tất cả những ý tưởng trong đầu, bạn sẽ dễ bị đứt mạch suy nghĩ. Những cảm xúc trong đầu bạn bị gián đoạn khi bạn tạm ngừng dòng suy để ghi chú. Điều này sẽ biến bạn thành một người đứng bên ngoài để quan sát và ghi chép chứ không phải là một người đang thực sự sống và trải nghiệm mạch cảm xúc đó. Hãy ngưng việc ghi chú ý tưởng lại. Điều gì thực sự quan trọng sẽ ở lại trong đầu bạn, điều không quan trọng thì bạn chắc chắn sẽ quên đi thôi.
Đừng phô trương kiến thức
Có kiến thức vững chắc về vấn đề bạn viết là một điều tốt nhưng đừng biến tác phẩm của bạn thành một bài báo cáo nghiên cứu khoa học. Không một độc giả nào muốn đọc một tác phẩm nhàm chán với lượng kiến thức quá tải. Nếu ngay cả bạn cũng không muốn đọc một tác phẩm như vậy thì hãy viết để thể hiện tâm hồn và con người của bạn chứ không phải để thể hiện kiến thức.
Hứng thú khi viết
Hãy viết một tác phẩm mà bạn thực sự muốn viết. Ngay sau khi bạn viết xong câu đầu tiên, phía sau đó phải là một mạch cảm xúc đưa bạn chạm đến được câu cuối cùng của tác phẩm.
Phong cách viết
Đừng thay đổi cách viết, thay vào đó hãy cố gắng viết một tác phẩm thật hay và điều kỳ diệu sẽ xuất hiện. Đã có rất nhiều người cố gắng dùng rất nhiều cách khác nhau để nói về cùng một vấn đề. Nó cũng giống như trong thời trang vậy. Phong cách chính là cái váy nhưng cái váy không quyết định cái gì ở bên trong nó.
(Bản dịch của Hồng Quang – thuộc đội ngũ Ngày ngày viết chữ. Bạn đọc có thể xem bài viết gốc ở đây.)