3 vấn đề khi kể chuyện bằng “tôi” và cách khắc phục
| On Th1226,2022(Ngày ngày viết chữ) Kể chuyện bằng ngôi thứ nhất số ít (tôi) là một cách viết phổ biến, và có lẽ cũng khá dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không khéo, người viết có xu hướng rơi vào lối kể như thể mình là trung tâm, bỏ rơi các nhân vật, bỏ rơi cốt truyện và nghiêm trọng hơn là bỏ rơi cảm thụ của độc giả.
Phần lớn các bản thảo mà Ngày ngày viết chữ tham gia nhuận sắc đều được “tôi” kể lại. Trong quá trình làm việc với các bản thảo, Ngày ngày viết chữ nhận thấy người viết ở vai “tôi” thường mắc 1 trong 3 (hoặc cả 3) vấn đề sau:
1. Bắt đầu mỗi câu với “tôi”
Vì viết ở vai “tôi”, cộng thêm cú pháp thường bắt đầu bằng chủ ngữ, nên người viết hay bắt đầu câu bằng “tôi”. Điều này có thể dẫn tới những câu văn đơn điệu, thiếu sinh động.
Ví dụ:
Tôi bật máy tính lên, hai tay run rẩy. Tôi có thể nghe tiếng người chạy rần rật ngoài hành lang. Tôi đồ rằng chỉ đôi ba phút nữa thôi họ sẽ xông vào phòng này. Tôi điếng người nhìn máy tính báo phải nhập mật khẩu. Tôi làm gì biết mật khẩu. Tôi lại càng không có cơ sở nào để đoán mật khẩu là gì.
Nên sửa thành:
Tôi bật máy tính lên, hai tay run rẩy. Ngoài hành lang, có tiếng người chạy rần rật. Chỉ đôi ba phút nữa thôi, họ chắc chắn sẽ xông vào phòng này. Máy tính lạnh lùng báo phải nhập mật khẩu. Tôi điếng người. Mật khẩu có thể là gì đây? Tôi chẳng có cơ sở nào để đoán cả.
Bằng cách thay đổi chủ ngữ (hoặc đề của câu nếu bạn biết cấu trúc đề – thuyết), câu chuyện của chúng ta sẽ trở nên bớt nhàm chán hơn. Vả lại, người đọc sẽ không có cảm giác trọng tâm câu chuyện xoay quanh “tôi”. Trọng tâm của câu chuyện vẫn là những diễn biến, những nhân vật khác (nếu nhân vật xưng tôi không phải là nhân vật chính mà chỉ là người kể chuyện) như đáng ra phải thế.
2. Nói ra suy nghĩ theo kiểu tường thuật gián tiếp
Vì viết ở góc độ “tôi”, nên người viết đôi khi vô tình lạm dụng các cụm từ như “tôi cho là”, “tôi cảm thấy”, “tôi không thể tin”, “tôi cứ tưởng”,… Không phải là không nên hay không được phép dùng, mà là nếu không cần thiết, chúng ta hoàn toàn có thể lược bỏ các cụm từ này, giúp câu văn gọn gàng hơn, trực tiếp hơn, người đọc dễ nắm trọng tâm hơn.
Ví dụ:
Tôi không thể ngờ được là anh ta lại nói thế. Tôi nghĩ đến những năm tháng tình cảm trước đây. Tôi không thể tin được là tất cả những gì anh ta từng thề hẹn chỉ là chót lưỡi đầu môi.
Phải chăng chúng ta nên thử viết thế này:
Sao anh ta lại có thể nói thế? Còn những năm tháng tình cảm trước đây thì sao? Lẽ nào tất cả những gì anh ta từng thề hẹn chỉ là chót lưỡi đầu môi?
3. Kể lể dài dòng thay vì nhường chỗ cho lời thoại và hành động
Khi viết ở vai “tôi”, người viết dễ sa đà vào việc kể với độc giả mọi thứ mà nhân vật làm, thậm chí là mọi thứ mà nhân vật nghĩ. Trong khi lẽ ra những việc làm và suy nghĩ ấy nên được thể hiện bằng hành động và lời thoại. Đây là một sai lầm dễ khiến bài văn của chúng ta nhàm chán, lê thê, khiến người đọc mệt mỏi.
Ví dụ:
Bác hàng xóm đưa cho tôi một cái giỏ, bảo tôi là đây là trái cây nhà bác ở quê trồng được. Sáng nay có người ở quê lên chơi nên bác mang sang cho tôi một ít ăn lấy thảo. Tôi mừng rỡ cảm ơn bác rối rít.
Nên sửa thành:
Bác hàng xóm chìa cái giỏ ra và bảo:
“Đây là trái cây nhà bác ở quê trồng được. Bác gửi hai vợ chồng bây ăn lấy thảo.”
“Ôi! Con ảm ơn bác!” Tôi đón lấy chiếc giỏ, lại hỏi thăm: “Nhà mình hôm nay có người ở quê lên chơi hả bác?”
“Ừa. Có vợ chồng em trai bác lên thăm.”
Trên đây là 3 lỗi thường gặp khi kể chuyện bằng vai “tôi” và cách sửa lỗi. Hy vọng là những chỉ dẫn này sẽ ít nhiều giúp câu chuyện của bạn thêm phần sống động, thêm sức hút đối với độc giả.