“Khen cho con mắt tinh đời” và chút chuyện nhỏ về vấn đề ngắt nghỉ câu
| On Th923,2023(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này kể mọi người nghe chút chuyện về vấn đề ngắt nghỉ ở đâu khi viết câu.
Trước hết là câu chuyện về quy định “Trâu cày không được thịt”* mà chắc nhiều bạn từng nghe qua. Câu này, nên được hiểu là “Trâu cày, không được thịt!” nhưng cũng có thể hiểu thành “Trâu cày không được, thịt!” tuỳ theo “ý đồ” của người hiểu.
Một chuyện khác, số là có anh học trò nọ thấy cô gái kia hớ hênh nên trêu ghẹo. Cô gái cũng chẳng vừa, bảo rằng:
“Khen cho con… mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.”
Câu này vốn trích từ “Truyện Kiều”, nguyên văn là:
“Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.”
Tức là bản gốc “khen cho con mắt”, nhưng cô gái kia cố tình đọc “con” tách khỏi “mắt”, nên câu này hiểu thành cô kia gọi anh học trò nọ là “con” – khen cho con vì có mắt tinh đời. Đây cũng là một kiểu chơi chữ, cố tình ngắt nghỉ như vậy vì “ý đồ” riêng.
Một câu chuyện khác nữa, trích trong “Kho tàng truyện Cổ tích Việt Nam” (Nguyễn Đổng Chi) có tên là “Ông già họ Lê”.
Chuyện rằng có một ông già goá vợ, lấy vợ lẽ và 70 tuổi thì sinh được một thằng con trai. Ông già đặt tên cho thằng con là Phi (xưa dùng chữ Hán, viết là 非, nghĩa là “không phải”). Ông già rất thương con, nhưng vì đặt tên con là “Phi”, lại ở vào tuổi xưa nay hiếm mới có nó, nên người ta đồn rằng ông già nghi thằng Phi không phải con ruột của ông. Ông già lại có một cô con gái lớn với vợ trước. Cô con gái đã lấy chồng, mà anh chồng lại có tính tham. Ông già biết tính con rể, nên trước khi mất, sợ con rể chiếm gia sản, hắt hủi mẹ con thằng Phi, bèn để lại chúc thư (bằng chữ Hán) rằng:
七十而生非吾子也其田產交與子婿外人不得爭奪。
Thất thập nhi sinh phi ngô tử dã kỳ điền sản giao dữ tử tế ngoại nhân bất đắc tranh đoạt.
Câu này, chẳng có dấu chấm phẩy gì. Người xưa thường thế. Nguyễn Trãi viết “Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu”. “Chấm câu” hay “cú đậu” (句讀) nghĩa là cách ngắt câu, do sách chữ Hán xưa không có dấu ngắt câu, người đọc phải tự ngắt lấy**.
Thành ra, di chúc của ông già họ Lê có thể hiểu theo hai cách.
Một là: Bảy mươi tuổi mới sinh thằng Phi, là con trai ta. Ruộng đất ta giao cho con. Rể là người ngoài không được tranh đoạt. (七十而生非, 吾子也。其田產交興子。婿外人不得爭奪。)
Hai là: Bảy mươi tuổi mới sinh, nó không phải con ta. Ruộng đất ta giao cho con rể, người ngoài không được tranh đoạt. (七十而生非吾子也。其田產交興子婿。外人不得爭奪。)
Anh con rể lợi dụng tình cảnh mẹ kế goá bụa, lại thêm thằng Phi còn nhỏ, cố tình hiểu chúc thư theo cách thứ hai, chiếm hết ruộng đất, chỉ để cho mẹ con thằng Phi ít ruộng xấu. Về sau có vị quan giỏi chữ nghĩa giành lại công bằng cho mẹ con thằng Phi.
Mấy chuyện này, có thể xem là một dạng câu mơ hồ, nhưng chủ yếu là do người kể chuyện cố tình lập lờ như vậy. Còn trong thực tế, nhiều khi chúng ta không cố tình, nhưng lại viết ra những câu mơ hồ, khiến người đọc hơi bối rối, không biết nên ngắt nghỉ ở đâu. Ví dụ:
– Anh Thanh có một người bạn học ở Hà Nội.
[Một người bạn / học ở Hà Nội] hay là [Một người bạn học / ở Hà Nội].
– Giám đốc mới yêu cầu tăng ca.
[Giám đốc / mới yêu cầu tăng ca] hay là [Giám đốc mới / yêu cầu tăng ca].
Kỳ thực, câu mơ hồ cũng có nhiều kiểu (mơ hồ về từ vựng, mơ hồ về cấu trúc, mơ hồ về logic,…). Kiểu trong bài này chủ yếu là do kết nối nhiều tiếng liên tiếp tạo nên một sự mơ hồ về cấu trúc. Có thể, trong thực tế khi viết, dựa vào ngữ cảnh ta vẫn hiểu đúng, nhưng nói chung thì lúc viết ta nên cẩn thận để tránh lỗi mơ hồ này và những lỗi mơ hồ khác nữa.
___________
(*) Có bản viết là “Bò cày không được thịt!”.
(**) Theo “Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Kiều Thu Hoạch, NXB Khoa Học Xã Hội, 2022.