Vài lời nhận xét của bạn đọc về “Hôm nay phải mở mang”
| On Th113,2022(Ngày ngày viết chữ) Chính thức phát hành vào ngày 24/11/2021, “Hôm nay phải mở mang” là cuốn sách thứ ba của Ngày ngày viết chữ và là cuốn sách nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất.
Khác với Từ vay hay dùng và Chữ xưa còn một chút này, trọng tâm của Hôm nay phải mở mang không phải là tiếng Việt mà là các kỹ thuật và nghệ thuật viết. Cuốn sách chia làm hai phần: phần đầu trả lời câu hỏi người muốn làm nghề viết thì nên đọc gì, nghe gì, viết gì và sửa gì; phần sau bàn về bốn kỹ năng người cầm bút nên có, về chuyện bị “đốn bút tự thân”, chuyện hình thành văn phong đặc trưng và chuyện nghiêm túc học viết.
Sau một tháng phát hành, nhờ phản hồi tích cực của đông đảo bạn đọc, Hôm nay phải mở mang đã được tái bản. Do đó, Ngày ngày viết chữ trích lại một số phản hồi ở đây, trước là để giới thiệu sách cho những bạn muốn trau chuốt kỹ năng viết, sau là để ghi nhớ có một thời sách của mình đã được khen nhiều như thế – để những cuốn sách sau (nếu có) thì phải càng cố gắng hơn.
Dưới đây là một vài nhận xét cặn kẽ của bạn đọc:
Bạn Thái Quyên – Làm việc trong lĩnh vực truyền thông giáo dục
Trước hết phải nói rằng Hôm nay phải mở mang là cẩm nang viết tiếng Việt cho người người làm nghề viết. Thật ra không thiếu sách hướng dẫn kỹ năng viết, nhưng dành riêng cho tiếng Việt thế này thì mình mới thấy lần đầu. Chính vì cốt lõi ngôn ngữ này mà các kỹ năng sách đề cập đều dựa trên nền tảng trau dồi và sử dụng tiếng Việt sao cho chuẩn xác.
Với mình, sách là sự kết hợp cô đọng của giáo trình Tiếng Việt thực hành và sách kỹ năng. Dù vậy khi đọc sách, mình không hề thấy nhàm chán chút nào. Ngược lại còn có thể đọc rất nhanh một cách đầy hứng thú (tính ra tổng thời gian đọc của mình chỉ trong vòng một ngày). Thứ nhất là vì sách hướng dẫn rất tường tận những bước cần làm để hoàn thiện kỹ năng viết. Thứ hai, sách cụ thể hóa các ứng dụng kiến thức tiếng Việt trong khi viết. Nó cụ thể đến mức, mình đã nghĩ những em học sinh đang mày mò tập viết những bài văn ở trường cũng có thể đọc và tham khảo. Thậm chí người đọc sẽ thấy là những kiến thức tiếng Việt học từ phổ thông không hề vô ích tẹo nào. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng chúng để xây dựng bài viết một cách lý tính, bớt đi cái cảm tính “mình thấy nó hay mà không biết sao hay” hoặc “thấy nó sai sai mà không biết sai chỗ nào”. Thứ ba là sách có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, ngôn từ giản dị, gần gũi nên dễ đọc, dễ theo dõi vô cùng. Mình có thể chắc chắn rằng những người làm nghề viết đều sẽ tìm thấy những công cụ hữu ích cho công việc từ cuốn sách này, cho dù chúng ta viết thể loại nào đi nữa.
Còn một điều nữa là trong khi đọc, không ít lần mình cảm thấy lòng xúc động bồi hồi. Nó đến từ những tựa đề mà tác giả đặt cho mỗi phần, từ suy tư rất nghiêm túc với công việc cũng như việc sử dụng tiếng Việt và đặc biệt là từ những trải nghiệm tự học. Bạn sẽ thấy là các kỹ năng được chia sẻ đều dựa trên chính hành trình tự học cần mẫn và bền bỉ của tác giả. Việc học cũng không chỉ gói gọn trên sách vở, mà còn trong cuộc sống đời thường, từng chút một thu lượm và góp nhặt. Tinh thần đáng quý ấy mình nghĩ luôn đáng học hỏi nhỉ. Bởi vậy, mình sẽ bổ sung là sách cũng có thể hữu ích cho bất cứ ai trên con đường tự học. Không cứ là ngôn ngữ, dù ai muốn phát triển mình ở lĩnh vực nào, cũng có thể xem “Hôm nay phải mở mang” như người bạn đồng hành chân thành và tận tuỵ.
Bạn Thuý An – PR Manager | SAM Communications
Hầu hết bài học, kinh nghiệm viết lách mà mình tích luỹ trong một thời gian dài đều được tổng hợp đầy đủ trong sách. Thậm chí còn có rất nhiều cái mình chưa biết nữa kìa. Bìa sách giới thiệu “dành cho người học viết và làm nghề viết” nhưng với mình, sách gì mà gần gũi ghê, ai đọc cũng được, chỉ cần là một người mong muốn “mở mang” ở lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt. Bởi không chỉ tổng hợp kinh nghiệm viết lách của tác giả trong ngành báo chí – truyền thông, quyển sách còn chứa đựng kiến thức về ngôn ngữ và tiếng Việt, được hệ thống hoá một cách bài bản, dễ hiểu nhất với đại chúng.
Sách đã “trả” lại cho nội dung nói chung một tiêu chí ban sơ mà đôi khi do mải mê theo đuổi tính “hay”, người viết thỉnh thoảng quên mất – tính “đúng”. Cụ thể là chính tả, ngữ pháp, cách dùng từ, sự phù hợp văn phong, tính logic, liên kết mạch lạc trong một bài viết. Tỷ trọng cho phần “đúng” này so ra nặng ký hơn phần “hay”. Mình thấy cách phân bổ này là hợp lý. Trước khi xét đến “hay”, bài viết cần “đúng” trước cái đã. Bạn có thể nói ý phản hồi “chưa hay” của khách hàng đến từ việc họ khác “gu” nhưng bạn đâu thể nói ý phản hồi “sai ngữ pháp, chính tả” của khách hàng là khác “gu” được. Cho nên, mình nghĩ quyển sách này không chỉ hợp với các bạn đang cầm bút mà còn hợp với các bạn đang cần rà lại ngữ pháp, cách dùng từ ngữ, dấu câu… để đảm bảo nội dung gởi đi cho khách hàng không phạm lỗi sai cơ bản.
Đúng với tinh thần “mở mang”, sách chia sẻ kinh nghiệm của tác giả một cách đầy đủ và cụ thể đến mức mình tin là đọc xong phần 1, bạn có thể “viết không đắn đo, sửa không nhân nhượng”, đọc nốt phần 2, bạn có thể biết cách “bắt đầu từ một bước chân” để “đi đường ngàn dặm” trên hành trình bán chữ. Nếu không có gì lấn cấn thì đọc tiếp phần mở rộng để tham khảo một vài mô hình và cấu trúc bài viết. Bởi vậy với mình, đây không chỉ là một quyển sách, mà còn là “vũ khí bí mật” của người viết thiệt á. Nhưng đọc một lần chắc chắn không lĩnh ngộ hết được kiến thức trong ấy, nên mình nghĩ mình sẽ đọc đi đọc lại, đánh dấu và ghi chú như cách tác giả gợi ý vậy.
Các ví dụ trong sách được chọn lọc từ khắp các lĩnh vực và thể loại (nhạc Trịnh, thơ, sách, bài báo, tác phẩm văn học,…) mà cái nào cũng sống động, xác đáng và có phân tích dễ hiểu, đọc rồi sẽ nhớ.
Đặc sản của Hôm nay phải mở mang nằm ở chuyên mục “Chút chuyện nhỏ”. Bạn nhớ phải đọc để khám phá một số lưu ý ngôn ngữ hoặc giải thích nghĩa, cách dùng của từ nghen. Chẳng hạn như sự khác biệt của “những” và “các”, “dù” và “tuy”, “suýt chút nữa” với “xuýt chút nữa” hay sức mạnh của chữ “mà”, “phải”… trong bài viết.
Có những đoạn để lại ấn tượng và sống động tới mức mình đọc tới đâu là hình dung được giọng nói và gương mặt của chị Dung đang nói tới đó. Đơn cử như đoạn này, “Có nhiều bạn tâm sự là đã viết ra rồi thì không bỏ được, không biết bỏ thế nào là một lẽ, nhưng quan trọng hơn là không nỡ bỏ. Thế này thì không được. Chúng ta phải biết nghĩ cho độc giả. Nếu chỉ vì không nỡ mà để cho độc giả đọc những câu từ thừa thãi thì mình vô tâm quá. Người viết, ngoài cây bút thì phải còn thủ sẵn một cây đại đao 31 mét, sẵn sàng chặt đứt những gì nên chặt đứt, cắt bỏ những gì nên cắt bỏ. Mạnh dạn lên, con người là sinh vật của thói quen, dùng cây đại đao kia vài lượt là quen thôi, không có gì là không nỡ cả.”
Cuối cùng, giá trị lớn nhất mà quyển sách này mang đến cho mình là sự mở mang, ngay từ câu ký tặng của chị Dung cho tới nội dung sách. Mình thấy mình giống như con cá nhỏ theo lời của Ngày ngày viết chữ, nên kỳ thực mỗi ngày phải cần mở mang, để muốn bơi đi đâu thì bơi.
Bạn Hồng Quang – Một bạn đọc chí thân của Ngày ngày viết chữ
Chúng ta không chỉ viết bằng đôi tay, khối óc mà chúng ta còn viết bằng các giác quan khác nữa.
Trong cái nghề viết này, cảm hứng rất buồn khi thường bị các bạn đem ra đổ lỗi mỗi khi tự các bạn “đốn bút”. Cảm hứng thì cũng quan trọng để viết đó nhưng mà các bạn có bao giờ nghĩ đến trải nghiệm chưa? Nếu như cảm hứng không đến bên bạn mỗi lúc bạn cần thì trải nghiệm chính là cách để đưa bạn đến bên cảm hứng. Hôm nay phải mở mang chỉ cho chúng ta những cách để thu thập trải nghiệm và chế biến chúng càng thêm giá trị bằng việc “Hôm nay mình đọc gì? Nghe gì? Viết gì? Sửa lỗi gì?” Thật ra cũng còn rất nhiều cách nữa để có thêm nhiều trải nghiệm như ăn uống, vui chơi hay thậm chí cả việc “bị bế đi cách ly”. Hãy tận dụng tất cả giác quan để gom góp trải nghiệm. Dù đó là trải nghiệm tích cực hay tiêu cực thì nó đều giúp cho chúng ta viết sinh động hơn, thật hơn và dễ dàng chạm đến người đọc. Trải nghiệm càng nhiều thì càng có đề tài, có cảm hứng để viết, đơn giản vậy thôi.
Và cái nữa là trong Hôm nay phải mở mang, từ tên sách cho đến tiêu đề của từng chương đều có “Hôm nay”. Đó là lời nhắc nhở chúng ta đừng trì hoãn, lười biếng kiểu “việc hôm nay cứ để ngày mai” nữa. Có ý tưởng thì đặt bút viết liền hôm nay, không có ý tưởng thì đi tìm ý tưởng ngay hôm nay, tìm không ra ý tưởng thì hãy đi trải nghiệm cái gì đó trong hôm nay. Tui và các bạn hãy trở thành những con cá nhỏ ngay ngày hôm nay vì hôm nay phải mở mang. Biết đâu một ngày mai ta sẽ trở thành cá mập, mà có thành cá mập thì vẫn phải tiếp tục mở mang thôi.
Bạn Quỳnh Như – Copywriter
Mình không còn có thể viết như trước đây, đọc sách như trước đây và tuỳ tiện với tiếng mẹ đẻ như trước đây được nữa – sau khi nghiền ngẫm Hôm Nay Phải Mở Mang.
Những chuyện tưởng cỏn con mà giờ nghĩ lại thấy xấu hổ ghê. Mình nói tiếng Việt rất sõi mà viết cứ như đá cuội, đọc sách thiệt nhiều mà không vận dụng được bao nhiêu, “tuy” với “dù” cứ lộn tùng phèo, rồi giờ cái gì cũng gọi bằng “chiếc” mà quên mất tiếng Việt bao la từ chỉ loại… Bên cạnh đó, những vấn đề mà nhiều người viết đau đáu cũng được tác giả giải đáp cặn kẽ và hợp lý. Từ vài mẹo vặt giúp đọc sách hiệu quả, đến câu trả lời cho những tranh cãi xung quanh chính tả, cách dùng từ – đôi chỗ còn giải oan cho tiếng Việt, Hôm Nay Phải Mở Mang như một quyển hướng dẫn sử dụng tiếng Việt được biên soạn bởi một người am hiểu và mến yêu ngôn ngữ. Nhiều khi chúng ta lo mải mê nghĩ làm sao viết cho hay cho bén, mà quên mất rằng mình phải viết đúng đã, trước khi trở thành một tay múa bút điệu nghệ, mình phải cầm bút nghiêm túc đã.
Văn phong dung dị, trình bày bắt mắt và không thiếu những ví dụ sinh động, trích dẫn xịn xò, nói chung, cuốn này cuốn lắm. Mình vừa cầm trên tay đọc một mạch xuyên đêm đến sáng. Vừa đọc vừa luyện cơ miệng ồ, à, á, ừa, ủa, ê, aooo,… có đủ.
Vậy đó, quyển sách như một cơn mưa mùa hè, làm mới những hiểu biết của mình về kỹ năng cầm bút. Và nếu bạn cũng là một con cá nhỏ, bạn hẳn cũng sẽ thích cơn mưa này. Dễ chịu, dễ thương, dễ thấm.
Ngày ngày viết chữ chân thành cảm ơn nhận xét của quý độc giả gần xa.