Tiếng Việt ngày cũ
| On Th412,2023
(Ngày ngày viết chữ) Bài viết giới thiệu một số từ cũ trong tiếng Việt. Tuy nói là cũ, nhưng có những từ hiện nay vẫn còn dùng, nhất là trong khẩu ngữ.
★ Đếm xỉa ★
Từ này liên quan đến việc đếm tiền đồng hồi xưa. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng:
– Đếm là kể ra từ số từ món, như nói một hai ba bốn v.v. là đếm;
– Xỉa là cách đếm tiền đồng, sắp mỗi doi năm đồng gọi là xỉa tiền, trước còn có cách nói “đứng xỉa tiền” ý nói đứng xếp hàng đều nhau.
Trên có dùng từ “doi”, thì Huình Tịnh Paulus Của giảng “doi” là một hàng tiền đồng xỉa ra. Ý là hàng tiền đồng thì gọi là doi, khi đếm tiền mà sắp tiền thành hàng (doi), mỗi hàng năm đồng thì gọi là xỉa.
Còn từ “đếm xỉa” thì Huình Tịnh Paulus Của giảng rằng “đếm tiền phải xỉa từ doi, và đếm và xỉa (tức là muốn đếm tiền đồng thì phải sắp thành từng hàng đều nhau cho khỏi nhầm, vừa đếm vừa xỉa – NNVC), nghĩa mượn là kể lấy, chẳng ai thèm đếm xỉa là chẳng ai kể, chẳng ai màng”.
★ Khứng ★
Từ “khứng” này, cũng dùng là “khấng” – mối quan hệ giữa khứng ~ khấng cũng tương tự nhựt ~ nhật, (bàn) chưn ~ (bàn) chân, nhưn (bánh) ~ nhân (bánh) vậy. Về nghĩa, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng “khứng” nghĩa là ưng, nhận, chịu. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng giảng “khứng” là ưng chịu. Nói chung, “khứng” nghĩa là ưng thuận, ưng chịu, vui lòng làm một việc gì đó. Từ này là một từ cũ, ngày nay ít dùng, có thể bắt gặp trong một số tác phẩm nghệ thuật lấy bối cảnh xưa, hoặc là trong ca dao, chẳng hạn:
- Dặn lòng sợ chẳng kết giao,
Cha mẹ anh không khứng biết sao cho gần.
Thơ chữ Nôm xưa cũng có nhiều tác phẩm dùng từ “khứng” này, có thể kể một vài trường hợp như sau:
- Di Tề chẳng khứng giúp Châu,
Một mình một núi ai hầu chi ai.
(Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu) - Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ,
Trời ban tối ước về đâu.
(Ngôn chí bài 13, Nguyễn Trãi) - Muốn nên một chút nghĩa chi,
Chẳng hay nàng có khứng vì cùng chăng?
(Trinh thử, được xem là tác phẩm của Hồ Huyền Quy) - Tận từ dám tiếc công nào,
“Còn e lòng khách động đào khứng chăng!
(Phan Trần, khuyết danh)
★ Thày lay ★
Từ này hay bị nhầm thành “thài lai” do cách phát âm của người Nam Bộ.
Đại Nam Quấc âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “lay” là lúc lắc, xô qua xô lại. “Thày lay” cũng không hẳn là từ cũ, vẫn còn dùng trong khẩu ngữ, nhất là ở Nam Bộ. Từ này có nghĩa là hay làm khôn, làm láo, làm tài hay, hay gánh vác lấy chuyện bá vơ, hay lúc láo. Làm chuyện thày lay là làm chuyện không ai cầu, ai mượn. “Lay chày cán cổ” đồng nghĩa với câu ách giữa đàng mang vào cổ.
Ngoài nghĩa trên, “thày lay” còn dùng để chỉ những người nhiều chuyện. Trong Thuật nói chuyện hằng ngày, học giả Hoàng Xuân Việt dặn làm người chớ có thày lay. Thầy Hoàng Xuân Việt giảng, “kẻ thày lay có hai hạng. Hạng hỏi và hạng nói. Hạng hỏi là hạng người có khi tưởng mình cẩn ngôn, nhưng lại hay hỏi người ta về những bí mật… Đến hạng thày lay đi bộc lộ bí mật của kẻ khác hay của mình thi đông hơn và đáng kết án hơn. Có nhiều bí mật, không ai buộc họ giữ kín. Song vì lương tâm buộc không đặng: Họ vẫn tiết lộ. Đi ngang qua cầu nọ, thấy đôi trai gái âu yếm nhau, họ nói um sùm cho người hàng xóm biết…”
★ Vân vi ★
Có bạn đọc hỏi Ngày ngày viết chữ là từ “vân vi” trong câu ca dao
“Chờ cho lửa tắt bếp vùi,
Rồi anh mới nói vài lời vân vi” (*)
nghĩa là gì.
“Vân vi”, chữ Hán là 云爲 (hoặc 云為), trong đó:
– “Vân” là nói, lời nói, như “bất tri sở vân” (不知所云) là không biết điều muốn nói đó là gì. Chữ “vân” này còn có nghĩa là thế, như thế, cũng chính là “vân” trong “vân vân”, ý là như thế như thế, biểu thị còn nữa nhưng không kể ra cụ thể. Chữ “vân” 云này còn được dùng làm chữ giản thể cho chữ “vân” 雲 nghĩa là mây.
– “Vi” là làm, việc làm là chữ “vi” trong “hành vi”, “vi bằng” (dùng làm bằng chứng).
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng “vân vi” là “lời nói và việc làm”, nhưng từ này thường được dùng để chỉ đầu đuôi sự tình. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng “vân vi” là “lời nói và việc làm, đầu đuôi gốc ngọn”. Đến Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì đã không còn ghi nhận nghĩa đen lời nói và việc làm của “vân vi” nữa mà chỉ giảng “đầu đuôi mọi lẽ, đầu đuôi sự tình, như giãi bày vân vi, suy nghĩ vân vi”. Trong câu ca dao trên, “để anh sẽ nói vài lời vân vi” có thể hiểu là để anh nói vài lời đầu đuôi sự tình.
Từ “vân vi” này ngày nay ít dùng, nên được xem là từ cũ, còn trong thơ xưa thì khá thường gặp, chẳng hạn:
- Vợ chồng vào lạy tướng công,
Tạ cùng Ngụy Soạn, giải lòng vân vi.
(Truyện thơ Nôm Nữ tú tài) - Cúc Hoa nghe nói thương thay,
Lạy trình cha mẹ giãi bày vân vi. (**)
(Truyện thơ Nôm Phạm Công – Cúc Hoa)
___________
(*) Nguyên văn bài ca dao
Đi đêm thì sợ đường lầy,
Đi giữa ban ngày sợ mẹ cùng cha.
Em có thương anh thì mở quách cửa ra,
Để anh bước tới vườn hoa anh ngồi.
Chờ cho lửa tắt bếp vùi,
Rồi anh mới nói vài lời vân vi.
(**) Có bản chép: Cúc Hoa nhìn thấy thương thay, Lạy cha lạy mẹ giãi bày vân vi.
★ Vừa triến ★
Có bạn đọc hỏi Ngày ngày viết chữ là ở quê bạn ai mặc đồ mới mà vừa vặn, ôm đẹp thì được khen là:
1. Vừa tiến
2. Vừa tiếng
3. Vừa triến
4. Vừa triếng
thì trong bốn cách viết này, cách viết nào đúng?
Cách viết đúng là “vừa triến”. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tinh Paulus Của giảng, “triến” là từ Nôm, có hai nghĩa chính là “mau lắm, lia lịa”, và “liền lạc, khít khao”. “Vừa triến” theo đó có nghĩa là “vừa vặn, không dư thiếu”.
(Sẽ còn cập nhật)