Tổ hợp [X + lòng] trong tiếng Việt qua ngữ liệu ca dao (Phần 1)
| On Th815,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này giới thiệu một số tổ hợp [X + lòng] trong tiếng Việt qua ngữ liệu là ca dao. Trong đó, X là một vị từ (tức động từ hoặc tính từ).
Về từ “lòng”, trong tiếng Việt, từ này được dùng để chỉ:
1. Những bộ phận trong bụng của con vật giết thịt, dùng làm thức ăn (nói tổng quát). Lòng lợn. Cỗ lòng. Xào lòng gà.
2. (Kết hợp hạn chế) Bụng con người. Ấm cật no lòng. Trẻ mới lọt lòng.
3. Bụng của con người, coi là biểu tượng của mặt tâm lý, tình cảm, ý chí, tinh thần. Đau lòng. Bận lòng. Cùng một lòng. Ăn ở hai lòng. Bền lòng. Lòng tham.
4. Phần ở giữa hay ở trong một số vật, có khả năng chứa đựng hay che chở. Lòng suối. Đào sâu vào lòng đất. Ôm con vào lòng.
Trong bài viết này, “lòng” được sử dụng với nét nghĩa thứ ba, là nét nghĩa biểu tượng cho tâm lý, tình cảm, ý chí, tinh thần của con người. Bài dài nhưng không khó đọc, chủ yếu đọc để chiêm nghiệm về cách dùng từ giản dị mà nhuần nhị của ông cha ta. Mời quý độc giả thong thả đọc.
X + lòng | Ngữ liệu | Chú thích |
bằng lòng | – Anh thương em thảm thiết vô cùng, Biết cha với mẹ có bằng lòng hay không. – Bán mua phải giá bằng lòng, Bò đà trao chạc, bạc hồng trao tay. – Con cá lia thia nằm trong chậu cúc, Quạt đuôi tứ túc bốn chữ hồ văn. Anh chê em duyên nợ không bằng, Kiếm nơi nào khác cho bằng lòng anh. – Càng ngày sưu thuế càng cao, Mất mùa nên phải lao đao nhọc nhằn. Xóm làng nhẫn chịu cắn răng, Bán đìa nộp thuế cho bằng lòng quan trên. Quan trên ơi hỡi quan trên, Hiếp dân ăn chặn chỉ biết tiền mà thôi. – Cơm hẩm ăn với rau dưa, Quan họ làm khách em chưa bằng lòng. – Muốn sao đổi được tuần trăng, Muốn sao đấy ở bằng lòng đây! – Tiện đây đưa một miếng trầu, Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng. – Thang bao nhiêu bậc cho vừa, Anh bao nhiêu vợ mà chưa bằng lòng. – Nơi thương, cha mẹ biểu không, Nơi chẳng bằng lòng, đốc thúc biểu ưng. | |
bận lòng | – Dù ai buôn đâu bán đâu, Mười lăm tháng Tám phường trâu sẽ về. Tay cầm chiếc nón Dịch Đồng, Hỏi chàng có biết má hồng em đâu. Nắng mưa chiếc nón đội đầu, Xá nào chàng giữ cho nhau bận lòng. – Lẳng lơ vầng quế soi thềm, Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng. Gió thu thổi ngọn phù dung, Dạ nàng là sắt anh nung cũng mềm. – Sớm mai xách chén mua tương, Gặp anh trong trường cầm bút ngó ra. Hỏi anh đi học trường nào, Mua ba tờ giấy gởi vào cho anh. Gởi thì gởi yến gởi oanh, Gởi chi ba tờ giấy làm anh bận lòng. | |
chiều lòng | – Thương con mẹ phải chiều lòng, Sợ gả về giồng, gánh nước chai vai. – Sứa chi sứa nhảy qua đăng, Con chi con chẳng chiều lòng mẹ cha. – Chuông vàng đánh nhẹ kêu thanh, Trai khôn nói ít, gái lanh biết nhiều. Rựa hay bén chẳng bằng rìu, Bạn muốn làm nên cơ nghiệp, phải chiều lòng em. | |
cực lòng | – Anh đến giàn hoa, hoa đến thì thì hoa phải nở, Anh đến bến đò, đò đầy thì đò phải sang sông. Đến duyên em, cha mẹ gả thì em phải lấy chồng, Đừng trách nhau chi lắm nựa, để cực lòng nhau thêm! – Vàng mười chê đắt chẳng mua, Vác cân đi lừa lại phải thau năm. Anh ơi! Chê nhỡ lấy nhầm, Chê vàng lấy đá cực lòng anh ơi. – Chim xanh ăn trái xoài xanh, Ăn no tắm mát lên nhành nghỉ ngơi. Cực lòng lan lắm huệ ơi, Kiếm nơi mô im mát, huệ ngồi cho lan phân. – Chim xanh ăn trái xoài xanh, Ăn no tắm mát đậu nhành cây đa. Cực lòng em phải nói ra, Chờ trăng, trăng xế, chờ hoa, hoa tàn. – Chém cha đứa đốn cây bòng, Không cho bướm đậu cực lòng bướm bay. – Cực lòng nên phải biến dời, Biến dời lại gặp phải nơi cực lòng. – Không nghe tan cửa hại nhà, Nghe thì hai bảy mười ba cực lòng. – Mẹ anh nghiệt lắm anh ơi, Biết rằng có được ở đời với nhau. Hay là vào trước ra sau, Cho cực lòng thiếp cho đau lòng chàng. – Nhất thời vợ dại trong nhà, Nhì thời nhà dột thứ ba nợ đòi. Xem đi nhắc lại mà coi, Nhà dột không sợ nợ đòi không ghê. Cực lòng vì chút hiền thê, Ăn trưa ngủ sớm vụng về vô song. – Thầy thiếp là thầy thiếp ơi, Nay chuông mai trống cho tôi động lòng. Bốn con tôi bỏ cho chồng, Tôi theo thầy thiếp cực lòng tôi thay! – Vì ai cho thiếp võ vàng, Vì chàng tư lự hoa tàn nhị rơi. Cực lòng thiếp lắm chàng ơi, Biết rằng lên ngược xuống xuôi đàng nào. – Đó rách mà đó nỏ trôi, Đó còn ngáng trộ cho tôi cực lòng. | |
dằn lòng | – Chẳng trước thì sau, lý đào tương hội, Khuyên anh dằn lòng chớ vội anh ơi! – Chẳng trước thì sau, cũng lý đào tương hội, Khuyên em dằn lòng đừng vội nhớ trông. – Thương mẹ con cũng làm vui, Đi thưa về dạ cho vui vợ chồng. Thương con mẹ cũng dằn lòng, Miễn con an phận bên chồng mà thôi. – Anh về em ở, hai nơi, Cắn răng cách mặt cơ trời khó toan. Dằn lòng phân rẽ anh xuống thoàn1, Thương ai rớt lụy, can tràng quặn đau. Nhìn nhau lụy nhỏ thấm bầu, Than trời trách đất cớ đâu phận lìa. Mình nói rằng vài bữa mình vìa2, Hay là mình muốn phân chia chữ tình. | 1thoàn: thuyền 2vìa: về |
dặn lòng | – Con gái bên Đông lấy chồng bên Tống, Tay cầm dùi trống miệng thổi ống tiêu. Lòng dặn lòng ai đổ đừng xiêu, Ví như Kim Trọng Thúy Kiều thuở xưa. – Dặn lòng sợ chẳng kết giao, Cha mẹ anh không khứng1 biết sao cho gần. – Ra về lòng lại dặn lòng, Chanh chua chớ phụ, ngọt bòng chớ ham. – Vai mang bức tượng dặn lòng, Thấy ai nhan sắc tránh vòng cho xa. – Ví dầu tình lợt duyên phai, Bồ đề một chuỗi mang vai dặn lòng. Dặn lòng dặn nạc dặn xương, Dặn em hai chữ cang thường đừng quên? | 1khứng: vui lòng |
dốc lòng | – Anh ơi, em nấu cơm quên đơm vào rá, Em kho cá quên bỏ đồ mầu. Ra lấy chồng sợ khốn nỗi làm dâu, Em đây vụng đường nội trợ, sợ mai đây anh buồn. Cơm chưa đơm thì anh đơm giùm trót lọt, Cá dẫu lạt anh cũng nói ngọt như đường. Dốc lòng nặng một chữ thương, Nắng che mưa đậy, khổ trăm đường anh cũng cam. – Bứt dây nối lại cho dài, Nối ở đầu ngoài nối thẳng vô đây. Ơi người núp dưới bóng cây, Dốc lòng tìm bạn vô đây mà tìm. – Duyên không thành ắt là duyên lỡ Điệu1 vợ chồng biết thuở nào nguôi Anh không dốc lòng chồng vợ thì thôi Hai đứa mình kết nghĩa làm sui trọn đời. – Dốc lòng lên cõi thiên thai, Mũ rơm áo vá giày gai tu trì. – Trên vườn rau cải dưới lại rau cần, Cây mơ cây mận ở gần bờ ao. Đầu làng có cây đa cao, Trăng thanh gió mát lọt vào tận nơi. Nhà anh có cái giếng khơi, Nhác trông xuống giếng có đôi cành hồng. Em nay là gái chưa chồng, Anh không có vợ, dốc lòng chờ nhau. | 1điệu: đạo |
đành lòng | – Ai mà quyết chí tu hành, Có đi Yên Tử mới đành lòng tu. Chữ rằng phi hữu phi vô, Có đi Đông độ mới đồ Tây phương. – Mẹ già ở chốn lều tranh, Sớm thăm tối viếng cho đành lòng con. – Tại mẹ cha dứt tình tơ nguyệt, Khuyên em đừng trực tiết uổng công. Nơi thương cha mẹ biểu vong, Nơi chẳng đành lòng cha mẹ biểu ưng. – Ra về nước mắt như mưa, Đành duyên đành phận mà chưa đành lòng. – Cơm ăn một chén sao no, Kẻ về người ở sao cho đành lòng. – Đêm khuya nguyệt lặn sao sưa1, Dứt tình tại bạn qua chưa đành lòng. | 1sưa: thưa |
đau lòng | – Chiều chiều đổ lúa vô xay, Bâu về xứ bậu lúa này ai tuôn. Con quay nay đã chạy vòng, Ngó không thấy bậu đau lòng anh tuôn. – Chẳng thà ăn khế ăn sung, Gặp được mẹ chồng quý mến cũng vui. Còn hơn ăn thịt ăn xôi, Nghiến răng ken két thì tôi đau lòng. – Con cò mà đi ăn đêm, Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi nao, Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng. Có xáo thì xáo nước trong, Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. – Cuộc tương phùng ai nỡ khiến phân li, Vì cảnh nghèo xui khiến anh ra đi đau lòng. Nhưng anh xin thề cùng đất nước núi sông, Dẫu có xa xôi muôn dặm, nhưng tấc lòng anh ở đây. – Gánh vàng đi đổ sông Ngô, Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương. Sông Thương nước chảy đôi dòng, Bên trong, bên đục đau lòng hay chưa. – Hôm qua gánh lúa nhập kho, Em vui quá đỗi mà lo quá chừng. Làm sao gìn giữ của chung, Đừng để rơi rớt đau lòng nhân dân. Lúa này tiếp tục nuôi quân, Để anh du kích chống phường xâm lăng. – Mẹ anh nghiệt lắm anh ơi, Biết rằng có được ở đời với nhau. Hay là vào trước ra sau, Cho cực lòng thiếp cho đau lòng chàng. – Ngày mai phân rẽ bá tòng. Chồng Nam, vợ Bắc đau lòng ai ơi. – Nét mực chẳng hay đau lòng gỗ, Lời nói ngay trái lỗ tai người. Qua tiếc em khôn khéo vạn mười, Nỡ không soi xét để rời duyên nhau. | |
đặng lòng | – Ai mà thấu đặng lòng ta, Ta cho một vóc hồ la nhuộm điều. – Chữ rằng bằng hữu chi giao, Tôi đây mình đó, biết làm sao đặng lòng. | |
đem lòng | – Ai kia má đỏ hồng hồng, Để cho anh thấy, đem lòng nhớ thương. – Ai xui em có má hồng, Để người quân tử đem lòng nhớ thương. – Anh đi Lục tỉnh giáp vòng, Đến đây trời khiến đem lòng nhớ thương. – Con cá lòng tong ăn móng1, Con cá bống cát ăn rong. Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng, Về đây Cầu Mống đem lòng thương em. – Bậu đừng lên xuống đèo bồng, Chồng con hay được, đem lòng nghi nan. – Bề trên lượng cả bao dong, Làm cho kẻ dưới đem lòng kính yêu. – Quạ kêu nam đáo nữ phòng, Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương. Liệu bề đát được thì đươn, Đừng gầy rồi bỏ thói thường cười chê. – Trầu ăn không béo mà thèm, Ngãi nhơn chi mấy mà đem lòng phiền. Lòng phiền, ôm ấp gối nghiêng, Trăm vui về bạn ngàn phiền về ta. – Tôi tới đây sở cậy có dì, Dì đem lòng giận, tôi thì cậy ai? – Đêm nằm anh gác tay lên trán, Mồ hôi lai láng ướt chiếu ướt giường. Anh thường nói chơi mà bỏ qua đường, Hay đâu ông trời khiến, anh đem lòng nhớ thương. | 1móng: bong bóng nhỏ |
đẹp lòng | – Đôi ta như chỉ mới xe, Như măng mới mọc như tre mới trồng. Đôi ta như lúa đòng đòng, Đẹp duyên mà chẳng đẹp lòng mẹ cha. – Đôi ta như lúa đòng đòng, Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha. Đôi ta như chỉ xe ba, Cha mẹ xe ít, đôi ta xe nhiều. – Anh lui về sửa cậy mối dong, Trầu mâm rượu hũ đẹp lòng mẹ cha. Kể từ ngày mẹ đẻ con ra, Mem cơm trún sữa lớn mà từng ni. Em nghe anh mà bỏ ra đi, Thất hiếu với phụ mẫu, tội ni ai đền? | |
đỡ lòng | – Chật hào cá lội sen rung, Choàng ngang cổ bạn anh hun đỡ lòng. – Ao hồ cá lội sen rung, Khăn rằn ơi! Ngồi xuống cho anh hun đỡ lòng. – Em ngồi cửa sổ ngó ra, Thấy anh gánh nước xót xa trong lòng. Cớ chi phải đạo vợ chồng, Nghiêng vai vô gánh, đỡ lòng anh ra. |
Qua một loạt tổ hợp [X + lòng] như thế, chúng ta có thể thấy được sức kết hợp nhuần nhuyễn và linh hoạt của người Việt với một yếu tố thông dụng như “lòng”. Tương tự, chúng ta còn có một loạt những tổ hợp [X + bụng] hoặc [X + tâm] mà quý bạn đọc có thể tìm hiểu thêm, hoặc khi có dịp, Ngày ngày viết chữ sẽ trình bày trong một bài viết khác.
Phần 2 của bài viết sẽ tiếp tục trình bày những trường hợp [X + lòng] khác. Mời quý bạn đọc đón xem.