Thử phân tích câu tiếng Việt theo cấu trúc Đề – Thuyết
| On Th608,2021(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này thử phân tích cú pháp của câu tiếng Việt theo cấu trúc Đề – Thuyết. Đây chỉ là những nội dung hết sức sơ bộ dành cho bạn đọc bước đầu tìm hiểu cấu trúc Đề – Thuyết, rằng tại sao chúng ta nên tập làm quen với Đề – Thuyết thay vì chỉ biết Chủ – Vị.
Theo Cao Xuân Hạo, cấu trúc cơ bản của câu trong tiếng Việt “tương ứng với cấu trúc của mệnh đề gồm hai phần sở đề (subjectum hay thema) và sở thuyết (praedicatum hay rhema)” [1, tr.147]. Sở đề và sở thuyết là cấu trúc của mệnh đề. Còn cấu trúc của câu thì các nhà nghiên cứu ngữ pháp chức năng gọi là Đề và Thuyết.
Cấu trúc câu tương ứng với cấu trúc mệnh đề, và mỗi câu thì có thể có một hoặc nhiều mệnh đề.
Thông thường, trật tự câu là Đề trước Thuyết sau. Những trường hợp ngược lại hiếm gặp hơn và sẽ được nói đến ở bên dưới. Sở dĩ như vậy là vì Đề là “cái điểm xuất phát của một nhận định trong tư duy” [2, tr.23]. Tức là, cùng nhận định về một hiện tượng, một sự kiện nếu điểm xuất phát khác nhau thì câu sẽ có Đề khác nhau. Ví dụ:
(1) a. Anh Thái nói anh Thanh nghe.
b. Anh Thanh nghe anh Thái nói.
Cùng một sự kiện là người này nói người kia nghe, nhưng nếu xuất phát điểm khác nhau, Đề (và đương nhiên là cả Thuyết) của hai câu sẽ khác nhau. Ở câu (1)a Đề là “anh Thái”, câu (1)b Đề là “anh Thanh”.
Vậy Đề là gì? Thuyết là gì?
Đề là điểm xuất phát của câu. Điểm xuất phát ấy có thể là
– một đối tượng
– một điều kiện
– một phạm vi
và Thuyết là “thành phần trực tiếp thứ hai của câu, trình bày những nội dung muốn nói về đề” [4, tr.52].
Dưới đây là một số ví dụ phân tích câu theo cấu trúc Đề – Thuyết. Các ví dụ này đều trích từ “Tuyển tập văn học viết cho Thiếu nhi – Tô Hoài: Truyện Đồng thoại và Kịch” (NXB Kim Đồng, 2020).
Đề | Thuyết |
(2) Chú | cẩn thận và giữ gìn lắm nhỉ. |
(3) Cơn nóng | đã qua rồi. |
(4) Chúng | hò nhau đi tìm mẹ. |
(5) Đôi chim ri lìa tổ | ngơ ngác ở đâu về đậu bên cây bưởi. |
(6) Ta nói gì | thì ngươi phải nghe. |
(7) Cái gì mà không hiểu | thì chán ngay. |
(8) Trên trời | có chim bay, có bướm bay. |
(9) Những ngày đầu xuân | chơi ngoài ruộng màu rất vui. |
Trong các ví dụ trên, Đề của ví dụ (2), (3), (4) và (5) chỉ đối tượng; Đề của ví dụ (6) và (7) chỉ điều kiện; Đề của ví dụ (8) và (9) chỉ phạm vi.
Dễ thấy rằng, nếu câu mà chỉ nói phần Đề thì chưa thành câu. Nếu chỉ nói phần Thuyết thì phải có ngữ cảnh, nhờ ngữ cảnh đó mà người nghe hiểu được, xác định được phần Đề tương ứng.
Ví dụ:
(8′) – Trên trời có gì?
– Có chim bay, có bướm bay.
Câu trả lời “Có chim bay, có bướm bay” nhờ có ngữ cảnh câu hỏi “Trên trời có gì?” mà người nghe/người đọc hiểu được nghĩa câu trọn vẹn.
Đến đây, chúng ta có thể hỏi, tại sao không phải là cấu trúc Chủ – Vị mà phải là cấu trúc Đề – Thuyết?
Vấn đề là cấu trúc Chủ – Vị thì không sai nhưng nó không phản ánh được tư duy (ngôn ngữ) của người Việt. Sự khác nhau giữa Chủ – Vị và Đề – Thuyết đương nhiên không chỉ là sự khác nhau về tên gọi mà còn là sự khác nhau về nội dung của các thuật ngữ. Nói cách khác, là sự khác nhau ở cái phần hồn của một câu, một hành động phát ngôn, một ngôn ngữ.
Để hiểu về sự bất cập của việc áp tiếng Việt vào cái khung Chủ – Vị, chúng ta nên tham khảo bài viết “Linh hồn tiếng Việt” của Cao Xuân Hạo trong sách “Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt” (NXB Trẻ). Bài viết khá dài, bạn đọc nên tìm đọc cụ thể, ở đây chỉ tóm tắt ý chính.
Trong bài viết, Cao Xuân Hạo đố nhà nghiên cứu người Tiệp Khắc I. Vasilijev rằng câu “Chó treo, mèo đậy” có nghĩa gì. Vasilijev là một người ngoại quốc sõi tiếng Việt nhưng chịu không giải thích được.
– Ban đầu tôi cứ tự hỏi xem con chó nó treo cái gì, con mèo nó đậy cái gì, sao không thấy nói? Mà chó với mèo thì làm gì có tay mà treo mà đậy?
– Đến một lúc nào đó tôi chợt nhớ ra rằng người Việt có ăn thịt chó, vậy có phải đây là nói về cách làm thịt chó và thịt mèo chăng? Tôi thử vận dụng vốn hiểu biết của tôi về chữ thì (đã nhiều lần chữ này cứu tôi trong nhưng trường hợp lâm vào thế bí). Vậy ta có: Chó thì treo, mèo thì đậy. Tôi nghĩ: liệu có phải “khi làm thịt chó thì phải treo nó lên, còn khi làm thịt mèo thì phải đậy nó lại” không? Câu đầu có vẻ có lý, nhưng câu sau thì xem ra chẳng có nghĩa lý gì, thế mà hai câu lại đối ứng với nhau, chắc cấu trúc phải như nhau. Tôi đành từ bỏ giả thiết này, và rốt cục tôi phải tự nhủ là tôi biết tiếng Việt chưa đủ để hiểu những câu như thế, vì một khi nó đã là tục ngữ thì mọi người Việt phải hiểu (có hiểu mới nhớ được, và có được mọi người hiểu và nhớ thuộc lòng nó mới thành tục ngữ).
[3, tr.19]
Ở đây, Vasilijev đã có một nhận định mấu chốt, cực kỳ quan trọng là: cấu trúc “Chó treo, mèo đậy” chắc chắn là một cấu trúc quen thuộc của người Việt. Trong bài viết này, Cao Xuân Hạo dẫn ra nhiều câu, chẳng hạn:
– Bên lở, bên bồi.
– Bồi ở, lở đi.
– Nát dẻo, sống bùi.
– Nhiều no, ít đủ.
– Trên thuận, dưới hoà.
– Cần tái, cải nhừ.
– Mềm nắn, rắn buông.
Về những câu dạng này mà trường hợp tiêu biểu được phân tích ở đây là “Chó treo, mèo đậy”, Cao Xuân Hạo viết như sau:
Qua những lời tâm sự của Vasilijev, tôi thấy được phần nào tại sao anh không thể hiểu được câu tục ngữ nói trên. Là người châu Âu, anh đã quá quen tư duy bằng thứ ngôn ngữ dùng kiểu đặt câu “chủ – vị” của tiếng châu Âu, cho nên khi nghe (hay đọc) mấy chữ “Chó treo, mèo đậy”, phản ứng tự nhiên của anh là hiểu “chó” như “chủ ngữ”, “treo” như “động từ”, và hiểu câu ấy là “chó làm cái việc treo, mèo làm cái việc đậy”. Đó là cái nghĩa duy nhất mà một câu tiếng Âu châu có cấu trúc như trên cho phép hiểu. Ngoài cái vai “kẻ hành động” ra, chủ ngữ của tiếng châu Âu chỉ còn đóng được hai ba vai khác, như vai người hay vật mang một tính chất (nó mập), có một tình cảm (nó buồn), v.v… mà thôi.
Trong khi đó, câu trong những thứ tiếng không có chủ ngữ như tiếng Việt có một cấu trúc khác hẳn: nó gồm hai phần trong đó phần thứ nhất nêu lên một cái Đề (một đề tài) còn phần hai nói một điều gì có liên quan đến cái Đề ấy. Phần này gọi là Thuyết. Đề có thể bất cứ là vai gì, có bất cứ quan hệ gì với Thuyết, miễn sao thành một nhận định có ý nghĩa, có một nội dung thông báo nào đấy, cho nên các kiểu câu trong các thứ tiếng này đa dạng gấp mấy mươi lần các kiểu câu của tiếng châu Âu.
[3, tr.20]
Trong bài viết này, Cao Xuân Hạo cũng chỉ rõ rằng:
Cả loài người chỉ có một cách tư duy, cho nên trong thứ tiếng nào của nhân loại thì câu cũng phải có Đề và có Thuyết: Dù nói gì cũng phải cho biết mình nói về đối tượng nào, về đề tài gì, và kế theo là đưa ra một nhận định về cái đối tượng ấy, trong phạm vi cái đề tài ấy.
Còn chủ ngữ chỉ có thể có trong những thứ tiếng nào đánh dấu riêng một vai hay một số vai nhất định – những vai hay được đưa ra làm đề tài nhất (như vai người hành động chẳng hạn), và cái vai ấy đâm ra có một đặc quyền riêng trong câu.
[3, tr.23]
Điều này có thể hiểu là, Chủ ngữ thật ra cũng là một loại Đề, nhưng nó hẹp hơn, nó có ít vai hơn. Đặc biệt trong tiếng Việt, Chủ ngữ không thể phản ánh hết tất cả các đối tượng, phạm vi mà người Việt vẫn dùng để khởi tạo một câu. Do đó, tiếng Việt cần một khái niệm rộng hơn, khả thi hơn để hình dung về các thành phần nòng cốt câu.
Xét ví dụ (8) “Trên trời có chim bay, có bướm bay.” của Tô Hoài.
Nếu phân tích theo Chủ – Vị, chúng ta dễ lúng túng vì không biết “Trên trời” có thể làm chủ ngữ không, hay là “Trời”, vậy còn “Trên”?
“Trên trời có chim bay, có bướm bay.” hoàn toàn là một câu bình thường của tiếng Việt. Chúng ta còn bắt gặp nhiều câu khác tương tự:
(10) a. Trên trời có đám mây xanh.
b. Trên tường có treo một bức tranh.
c. Trong túi có đầy tiền.
d. Trong bụng không yên.
Tất thảy những câu dạng này đều khiến ta lúng túng khi gò vào khuôn Chủ – Vị. Nhưng nếu giải thích bằng Đề – Thuyết thì chuyện sẽ sáng tỏ hơn. Theo đó, những phần gạch chân ở ví dụ (10) chính là Đề, cụ thể là Đề nêu lên cái phạm vi, phần còn lại là Thuyết nêu nhận định về cái phạm vi ấy.
Một trường hợp khác, nhân gần đây có bạn đọc hỏi về câu “Ruộng bờ, cờ xe”, chúng ta thử phân tích câu này. Trước hết, “Ruộng bờ, cờ xe” chắc chắn không thể hiểu “cái ruộng thì làm ra cái bờ, bàn cờ thì làm ra quân xe”. Câu này dứt khoát chỉ có thể hiểu là cái bờ quan trọng đối với ruộng cũng như quân xe quan trọng với cuộc cờ vậy. “Ruộng” và “cờ” ở đây không thể làm chủ ngữ cho “bờ” và “xe” vì nó chẳng hề có vai trò làm chủ, vai trò quyết định hành động gì cả. “Ruộng” và “cờ” ở đây là đối tượng được nói đến và nên được hiểu thế này: Đối với đối tượng “ruộng” thì “bờ” quan trọng, còn đối với đối tượng “cờ” thì “xe” quan trọng. “Ruộng” và “cờ” chính là đối tượng, là đề tài được nêu ra, là Đề của câu. Phần còn lại nêu nhận định về đối tượng, về đề tài ấy thì được gọi là Thuyết.
Ví dụ trên cũng cho thấy rằng, có những câu có hai Đề, hai Thuyết song song. Và, cũng có những câu có một Đề lớn cùng một Thuyết lớn, trong Đề Lớn và Thuyết lớn ấy còn có một Đề nhỏ và một Thuyết nhỏ (thường gọi là Tiểu Đề và Tiểu Thuyết – xin phân biệt với “tiểu thuyết” là một loại hình văn chương). Ví dụ:
(11) Anh ấy chu đáo như vậy làm tôi rất vui.
– “Anh ấy chu đáo như vậy” là Đề (chỉ điều kiện), “làm tôi rất vui” là Thuyết.
– “Anh ấy” và “tôi” là Tiểu Đề (chỉ đối tượng); “chu đáo như vậy” và “rất vui” là Tiểu Thuyết.
Vậy, chúng ta dựa vào đâu để phân giới Đề và Thuyết?
Câu (hoặc tiểu cú – dùng ứng với Tiểu Đề và Tiểu Thuyết) có các phương tiện dùng để đánh dấu sự phân giới Đề và Thuyết, chính là THÌ, LÀ và MÀ.
Trước hết là THÌ.
Đây là một từ thường dùng để phân giới Đề và Thuyết. Trong câu mà xuất hiện THÌ, chắc chắn trước nó là Đề, sau nó là Thuyết. (Đôi khi, THÌ và phần Thuyết cũng bị ngăn cách bởi phần phụ chú.)
Xem lại ví dụ (6) Ta nói gì thì ngươi phải nghe. THÌ trong câu này (in nghiêng) là để đánh dấu nó là phần “biên giới” để phân chia Đề và Thuyết. Ví dụ (7) cũng tương tự.
Như vậy, trong một câu, chỗ nào đặt từ THÌ vào được thì trước chỗ đó là Đề, sau chỗ đó là Thuyết.
– Bên thì lở, bên thì bồi.
– Bồi thì ở, lở thì đi.
– Nát thì dẻo, sống thì bùi. (Người khác nấu cơm mà nấu nát thì phải biết khen là dẻo, nấu sống thì phải biết khen là bùi.)
– Nhiều thì no, ít thì đủ. (Nhiều thì phải biết lấy làm no, ít thì phải biết lấy làm đủ.)
Tất nhiên, việc đặt THÌ này chỉ mang tính giả định để ta hiểu cấu trúc câu, chứ không phải lúc nào khi nói hay viết cũng đặt THÌ vào.
Đối với những câu dài, nhiều vế, nhiều tầng bậc Đề – Thuyết, Đề dài mà Thuyết ngắn, thì việc sử dụng THÌ để nhận diện đâu là Đề chính, đâu là Thuyết chính là rất quan trọng. Ví dụ:
(12) a. Đến khi tất cả xung quanh, từ người chủ nhà trở xuống cho đến thằng chó con mới mở mắt ai cũng ghét và xa lánh thì biết mình khó lòng còn ở lại trong nhà được nữa.
b. Nếu chúng chịu khó nhớ lại rằng chỉ cách đây có mấy hôm, chúng mới mở mắt, chập chững bò ra ngoài, tất các cu cậu đều lấy làm xấu hổ và buồn cười lắm.
(Tô Hoài, Sđd.)
Ví dụ (12)a đã có sẵn THÌ. Còn ví dụ (12)b, nên đặt THÌ vào đâu là hợp lý?
Nếu chúng chịu khó nhớ lại rằng chỉ cách đây có mấy hôm, chúng mới mở mắt, chập chững bò ra ngoài, THÌ tất các cu cậu đều lấy làm xấu hổ và buồn cười lắm.
Vậy, phần “Nếu chúng chịu khó nhớ lại rằng chỉ cách đây có mấy hôm, chúng mới mở mắt, chập chững bò ra ngoài” là Đề chỉ điều kiện, phần còn lại sau THÌ là Thuyết.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý, việc đặt hay không đặt THÌ vào câu đôi khi tạo ra ý nghĩa rất khác nhau. Ví dụ:
(13) a. Anh mời thì tôi đến.
b. Anh mời tôi đến.
[2, tr.26]
Hai câu này ý nghĩa rất khác nhau. Vậy nên, một số ý kiến khá cực đoan cho rằng khi viết nên lược bớt THÌ (và cả MÀ, LÀ) cho câu đỡ rườm rà, tuy đúng, nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Người viết cần cân nhắc.
Tiếp theo là LÀ.
Tương tự như THÌ, ngoài các chức năng thông thường khác, LÀ còn có chức năng phân giới Đề và Thuyết. Phần đứng trước LÀ là Đề và đứng sau nó là Thuyết. Ví dụ:
(14) a. Bồ các là bác chim ri,
Chim ri là dì sáo sậu.
Sáo sậu là cậu sáo đen,
Sáo đen là em tu hú…
b. Nhất trong là nước giếng Hồi,
Nhất béo nhì bùi là cá rô câu.
c. Tháng Giêng là tháng ăn chơi.
d. Bố chồng là lông chim phượng,
Mẹ chồng là tượng mới tô,
Nàng dâu mới về là bồ đựng chửi.
Cuối cùng là MÀ.
MÀ cũng có thể dùng phân giới Đề – Thuyết nhưng chủ yếu là phân giới cho tiểu cú, tức là phân giới cho một phần trong câu, (còn toàn câu thì thường phân giới bằng THÌ hoặc LÀ hơn). Ví dụ:
(15) a. Cậy mình có tài mà làm xấu hổ kẻ khác thì cũng chẳng nên. (Tô Hoài, Sđd.)
b. Người mà đến thế thì thôi. (Kiều)
c. Biết có sống đặng đến mai mà để củ khoai đến mốt. (Tục ngữ)
Lưu ý, nếu MÀ đứng giữa hai cấu trúc Đề – Thuyết (tức là Đề – Thuyết + MÀ + Đề – Thuyết) thì nó không làm nhiệm vụ phân giới. Thay vào đó, MÀ chỉ làm từ nối (liên từ hoặc kết từ) giữa hai nhận định có nghĩa đẳng lập tương phản. Ví dụ:
(16) Sáng nay, nó đến mà tôi lại không có nhà. (mà = nhưng) [2, tr.37]
Tóm lại, về các trường hợp dùng THÌ, LÀ, MÀ để phân giới Đề – Thuyết, có rất nhiều khía cạnh đáng lưu ý, có dịp sẽ bàn thêm ở một (vài) bài viết khác. Trong ba “công cụ” trên thì THÌ có khả năng phân giới cao nhất, tiếp đến là LÀ, cuối cùng là MÀ. Khi gặp một câu hoặc một tiểu cú cần phân giới xem đâu là Đề, đâu là Thuyết, chúng ta có thể lần lượt “chêm” ba từ này vào sao cho hợp lý là sẽ hiểu được cấu trúc của câu.
Ở trên đã đề cập Đề thường đứng trước Thuyết, nhưng cũng có trường hợp Thuyết đứng trước Đề. Về cơ bản, theo Nguyễn Vân Phổ [4, tr.50] có hai trường hợp sau:
Thứ nhất, trong những câu cảm thán mà ở phần Thuyết có các từ ngữ cảm thán như biết mấy, biết bao (nhiêu), thay, làm sao, v.v. (đây là trường hợp ít thấy trong giao tiếp hằng ngày):
(17) a. Đẹp biết bao quê hương chúng ta!
b. Cao cả thay những người biết sống vì người khác!
Thứ hai, trong những câu có tính chất cảm thán mà trong phần Thuyết có những từ nghi vấn như gì, bao, đâu, ví dụ:
(18) a. Đáng gì mấy trăm ngàn đó! (// Mấy trăm ngàn đó (thì) đáng gì!)
b. Hay gì chuyện ấy! (// Chuyện ấy (thì) hay gì!)
c. Có đáng là bao một chút tiền ấy! (// Một chút tiền ấy (thì) có đáng là bao!)
Trong thơ ca, trật tự Thuyết – Đề có thể được sử dụng nhiều hơn.
Điều lưu ý cuối cùng của bài viết này, là ngoài Đề – Thuyết, các thành phần phụ của câu như trạng ngữ, phần phụ chú, vế câu than gọi,… vẫn được sử dụng bình thường như lâu nay chúng ta đã biết.
———–
[1] Cao Xuân Hạo. Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Tái bản lần 1. 2017. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
[2] Cao Xuân Hạo (chủ biên). Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, Câu trong tiếng Việt, Cấu trúc, Nghĩa, Công dụng. Quyển 1. 2007. Hà Nội: NXB Giáo dục.
[3] Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt. 2019. Tp.HCM: NXB Trẻ.
[4] Nguyễn Vân Phổ. Ngữ pháp tiếng Việt – Ngữ đoạn và từ loại. 2018. TP.HCM: NXB Đại học Quốc gia Tp.HCM.