Một số từ bị mờ nghĩa trong tiếng Việt (Phần 1)
| On Th1028,2020(Ngày ngày viết chữ) Theo tiến trình phát triển, nhiều từ trong tiếng Việt bị mờ nghĩa, thậm chí mất nghĩa. Sự tồn tại của chúng giống như một “vị khách đi kèm” trong các từ ghép của tiếng Việt.
YÊU DẤU
“Dấu” là một từ cổ, sách Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: “Dấu” nghĩa là “yêu mến”. Tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (năm 1651) cũng giải thích “dấu” là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Rhodes cho ví dụ: Thuốc dấu là “bùa để làm cho yêu”.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu”, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt giấy (bài 2) thì viết “Chúa dấu vua yêu một cái này”. Có thể thấy, “dấu” và “yêu” là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ “yêu” vẫn được viết hay nói một mình, chứ từ “dấu” thì không ai dùng một mình nữa.
HỎI HAN
“Hỏi han” không phải là từ láy mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả “hỏi” và “han” đều có nghĩa. Đại Nam quấc âm tự vị giải thích: “Han” nghĩa là “hỏi tới”, “nói tới”. Theo đó, “hỏi han” nghĩa là hỏi một việc gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Trước xe lơi lả han chào / Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi” (Phần Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh). “Han chào” chính là chào hỏi.
CẦN CÙ
Về từ “cần cù”, ta thường dùng từ “cần” nhiều hơn. Ví dụ “chuyên cần”, “cần mẫn”, “cần kiệm”, “cần lao”,… Nhưng ít khi nào ta dùng từ “cù” một mình. Dù vậy, cũng như “cần”, “cù” vẫn là một yếu tố có nghĩa.
“Cần cù” là từ gốc Hán, viết là 勤劬. “Cần” là siêng năng chăm chỉ, “cù” là khó nhọc, vất vả.
Chữ “cù” này còn xuất hiện trong từ “cù lao” (劬劳) chỉ công ơn cha mẹ (thường nói chín chữ cù lao). Truyện Kiều có câu: “Duyên hội ngộ, đức cù lao / Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.”
Lưu ý, không nên nhầm lẫn từ “cù lao” này với từ “cù lao” chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng.
BẾP NÚC
“Bếp” là nơi nấu ăn, “núc” là “đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn” – theo Đại Nam quấc âm tự vị. Cho nên có thể hiểu “núc” chính là ông Táo.
ĐO ĐẠC
Từ Hán Nôm, trong đó:
– đo là tiếng Nôm, viết là 都, đọc là /đo/, nghĩa là dùng thước để so xem dài ngắn rộng hẹp;
– đạc là từ gốc Hán, viết là 度, (một âm khác là “độ”), đọc là /dù/, nghĩa là ước chừng, mưu tính.
“Đo đạc” là từ ghép, đều mang nghĩa là đo, ước chừng, tính toán khoảng cách. Hiện tượng ghép từ đồng nghĩa giữa Hán và Nôm thật ra rất phổ biến trong tiếng Việt.
ĐAU ĐIẾNG
Từ Hán Nôm, trong đó:
– đau là tiếng Nôm, viết là ????, đọc là /đau/, nghĩa là nhức nhối, xót xa, cũng có nghĩa là cực khổ, khó ở, bệnh hoạn;
– điếng là từ gốc Hán, viết là 酊, đọc là /dīng/. Về nguồn gốc, chữ 酊 có âm Hán Việt là đính, nghĩa là (say) không còn biết gì.
Trong ngôn ngữ đời thường, “đính” đã biến âm thành “điếng”, hiện tượng biến âm ~inh thành ~iêng khá phổ biến trong tiếng Việt, như “chinh” thành “chiêng” (“trống chinh” thành “trống chiêng”), “linh” thành “liêng” (linh thiêng – thiêng liêng).
“Đau điếng” là từ ghép dùng để diễn tả con đau đến mức mất cảm giác, đau đến mức không còn biết gì.
THU THẬP
Từ gốc Hán, viết là 收拾, trong đó “thu” là bắt (như “thu giám” là “bắt giam”), “thập” là nhặt nhạnh. “Thu thập” là từ ghép mang nghĩa là góp nhặt, tập hợp, gom góp lại.
QUÀ CÁP
“Quà” là một từ Việt gốc Hán, tiếng Hán viết là 餜, âm Hán Việt đọc là [quả], nghĩa là bánh (một loại thức ăn chiên trong dầu). Chữ [quả] này có bộ [thực] 食 dùng để chỉ mấy thứ đồ ăn hay việc ăn uống nói chung.
Trong chữ Nôm, chữ “quà” viết là 菓 hoặc ???? hoặc ???? nói chung đều là những chữ miêu tả thứ có thể ăn được. Riêng chữ ???? còn có bộ [bối] 貝 dùng để chỉ những của hiếm, quý báu, nên sau này “quà” mới có nghĩa phái sinh là những thức đem đi tặng, vì quý mới tặng.
“Cáp” cũng là một từ Việt gốc Hán mà hiện nay nó đã mất nghĩa, không còn dùng độc lập, chỉ đi chung với “quà” tạo thành “quà cáp”. Rất tiếc vì bộ gõ hạn chế mà chúng tôi không viết được chữ “cáp” này bằng chữ Nôm. Về cấu tạo, “cáp” gồm bộ [thực] 食 bên trái và chữ giáp 甲 bên phải. Âm Hán Việt xưa của chữ “cáp” cũng là “cáp” và âm Hán Việt nay là “giáp”, cũng có nghĩa là bánh.
Nói tóm lại thì “quà” nghĩa là bánh, “cáp” cũng có nghĩa là bánh. Sau này, “quà cáp” mới có nghĩa phái sinh là món đồ tặng để kỷ niệm hoặc nhân dịp lễ lạc, và không nhất thiết là đồ ăn.
LÀM LỤNG
“Làm lụng” là từ ghép đẳng lập. “Làm” là dây ra việc, gây ra việc, ra tay, ra công, hành sự một việc gì đó. Lụng, vốn phải là “lộng”, cũng có nghĩa là “làm”, ví dụ “lộng phạn” là “làm cơm”, “lộng hoại” là “làm hỏng”. Mối quan hệ giữa hai vần “ông” và “ung” còn có thể tìm thấy ở tông tích – tung tích, đậu phộng – đậu phụng, phồng má – phùng má,…
Như vậy, “làm lụng” là từ ghép trong đó cả hai tiếng “làm” và “lụng” đều có nghĩa chung là làm.
LỐ LĂNG
“Lố lăng” là một từ ghép nửa Nôm nửa Hán. Trong đó:
– lố là từ Nôm (露), nghĩa là quá mức, thái quá;
– lăng là từ gốc Hán (凌), nghĩa là lấn lướt, xâm phạm, là chữ “lăng” trong “xâm lăng”.
“Lố lăng” là từ dùng để chỉ những gì vượt quá lẽ thường, vượt quá chuẩn mực chung của xã hội, như “hành vi lố lăng”, “ăn nói lố lăng”, “ăn mặc lố lăng”.
Việc hiểu được nghĩa của những từ không rõ nghĩa thế này, có lẽ, phần nào đó giúp ta đến gần hơn với câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao nói tiếng Việt giàu và đẹp?”.