Học cách viết mạch lạc, súc tích, có trọng tâm qua thư dụ hàng của Nguyễn Trãi
| On Th118,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này giới thiệu một số đoạn trích trong thư dụ hàng của Nguyễn Trãi. Nghiền ngẫm những đoạn trích này, ta có thể học cách dẫn nhập, cách lập luận, cách liên kết ý và cách chốt vấn đề cực kỳ mạch lạc và hết sức thuyết phục của bút pháp Ức Trai.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Một “phép thuật” hiệu quả để né câu “sao em viết rời rạc quá vậy?”
Các đoạn trích trong bài này được trích từ các thư từ của Nguyễn Trãi (viết thay Lê Lợi) gửi cho tướng quân Minh, nằm trong tác phẩm Quân trung từ mệnh tập. Qua các đoạn trích, có thể thấy lập luận của Nguyễn Trãi luôn có trước có sau, không chỉ thấu tình mà quan trọng là còn đạt lý, chặt chẽ đến độ khiến người đọc bất khả tư nghị.
“Phàm vật hễ mất cân bằng thì kêu, cho nên làm cho người ta phải chịu oan khốc là bởi thiện ác không rõ ràng, thực dối không phân biệt. Nay các quan trấn thủ phủ vệ vâng mệnh Triều đình, chăn nuôi dân chúng, ví như cha mẹ nuôi con, ai cũng hết lòng thương yêu. Nay tôi mang tội vô cô, ngậm tình oan khổ, đã không được lượng trên thương xét, lại còn đem quân đến đánh, khiến nhân dân một phương không được ở yên, đó tuy là tội của tôi, nhưng cũng do quan trên vỗ yêu không phải đạo vậy. Vả lại ghét chết thích sống, tránh nhọc tìm nhàn là thường tình người ta. Nay tôi lìa quê hương mà trốn tránh, bỏ vườn ruộng mà không nhìn, kể nông nỗi ấy, thực đáng xót thương! Thế mà Triều đình to lớn, thú mục hiền hành, sao nỡ để tôi phải đến thế?”
Đoạn trích này (thuộc thư gửi Trần Trí trong thời gian hòa hoãn giữa quân Minh và nghĩa quân Lam Sơn) mở đầu bằng một lẽ tất yếu: “Phàm vật hễ mất cân bằng thì kêu”. Cách mở đầu bằng một lẽ tất yếu như thế thường giúp bài viết có tính thuyết phục ngay từ đầu.
Khi bị quân Lam Sơn vây khốn, tướng thành Đông Quan là Vương Thông xin giảng hòa hòng chờ viện binh, đồng thời vẫn cho chuẩn bị vũ khí, củng cố thành lũy. Nguyễn Trãi biết thế bèn có thư gửi Vương Thông và Sơn Thọ rằng:
“Tôi nghe nói: “Tín giả quốc chi bảo, Nhân nhi vô tín, kỳ hà dĩ hành chi tai?” (Điều tín là vật báu của nước. Người ta mà không có điều tín, thì liệu lấy cái gì mà làm việc?). Mới đây được ngài gửi thư và sai người đến ước hòa, tôi đã nhất nhất nghe theo. Nay thấy ở trong thành vẫn còn đào hào cắm chông, dựng rào đắp lũy, phá đồ cổ để đúc ống phun lửa và đồ binh khí, thế là các ngài định đem quân về nước chăng? Hay giữ bền thành trì chăng? Tôi đều không thể rõ được. Sách Truyện1 có câu: “Bất thành vô vật” (Không có thành thực thì sự vật gì cũng không có được), là bởi lòng mà không thực thì việc gì cũng là giả dối cả. Các ngài nếu thực không bỏ lời ước cũ thì phàm làm gì cũng nên lợi hại rõ ràng. Muốn rút quân thì cứ rút quân, muốn cố giữ thì cứ cố giữ, hà tất ngoài thì nói giảng hòa mà trong thì mưu tính khác? Đừng nên trước sau trái nhau, trong ngoài bất nhất như thế. Kể ra tiểu dân dẫu ngu dốt nhưng rất sáng suốt. Tôi đây tuy hôn ngu không biết gì, nhưng tất như lời Khổng tử nói “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an”2 thế thì nhân tình thực dối thế nào, mảy may cũng không thể che giấu được.”
Ở đây, Nguyễn Trãi sử dụng lối viết dẫn lời của người xưa – thường được xem là chân lý – để phân tích đúng sai phải trái. Lối viết này cũng rất đáng học, giúp cho câu chữ của mình trở nên khách quan hơn, chí lí hơn. Điều cần chú ý là, ngày nay, khi trích dẫn, chúng ta nên cố gắng chỉ ra chính xác câu này do ai nói, nói trong tác phẩm nào hoặc hoàn cảnh nào, vào thời điểm nào. Các thông tin về nguồn gốc của lời trích càng cụ thể, chính xác thì tính thuyết phục càng cao.
Trong lúc thành Đông Quan chờ viện binh, Lê Lợi mỗi ngày siết chặt vòng vây thêm một chút, Nguyễn Trãi cũng “đế” thêm một bước dụ hàng.
“Tôi trộm tính kế cho ngài, chẳng gì bằng rút quân khải hoàn, để cho hai nước thoát cái khổ can qua không ngớt, để cho nước nhà khỏi cái họa độc vũ cùng binh để nên cái nghĩa phục lại nước diệt, nối lại dòng tuyệt, để tỏ lòng nhân xem dân như một, không bụng riêng tây, trên không phụ lòng triều đình ủy nhiệm, dưới không sai nghĩa tướng thần xuất khổn, khiến cho tên nêu sử sách, thế lại không tốt đẹp sao! Nếu lại theo cái tệ Hán Đường tham việc lớn thích công to, thì chi bằng dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ đánh kẻ tội! Nay lại bỏ điều ấy mà không tính, chỉ xăm xăm đào hào đắp lũy, hàng ngày cứ lấm lét chỗ cửa thành, cướp trộm ‘củi cỏ’, sao mà tự khổ đến thế? Ngài nếu cho là thành hào hiểm vững có thể cậy được, thì tôi e nước xa không cứu được lửa gần.”
Như vậy, trong tình cảnh mỗi ngày bị vây càng chặt, tướng quân Minh đọc thư phân tích của Nguyễn Trãi, vừa mềm mỏng cam kết sẽ mở đường, chuẩn bị lương thảo cho nếu quân Minh rút lui, lại còn đe “nước xa không cứu được lửa gần”, mới thấy được đường lối địch vận tài tình và sắc bén của Nguyễn Trãi. Không ít lần, Nguyễn Trãi vừa nhún nhường, bảo rằng quân Minh rút là cái may của Giao Chỉ, vừa cho tướng nhà Minh “một bậc thang để bước xuống”, rằng chuyện quân Minh mà rút thì đó là ân đức của triều đình nhà Minh dành cho thiên hạ, khẳng định chỉ cần quân Minh rút thì dù có yêu cầu gì nghĩa quân cũng sẽ theo. Tình hình càng căng thẳng, thành Đông Quan càng khốn bao nhiêu thì lý lẽ của Nguyễn Trãi càng đanh thép bấy nhiêu.
“Xưa kia Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn biển, đức chính không sửa, thân mất nước tan. Ngay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy. Hiện nay phương Bắc có kẻ địch Thiên Nguyên, trong nước có mối lo các xứ Tầm Châu, một khu Giang Tả không tự giữ xong, huống còn mưu toan cướp nước khác ư! Các ông không hiểu sự thế, bị người đánh thua, lại còn chực dựa uy Trương Phụ, thế là đại trượng phu chăng? Hay cũng chỉ là đàn bà thôi? Sự thế ngày hay, dẫu cho thượng vị có đem quân đến nữa, cũng chỉ chóng chết mà thôi, huống là Trương Phụ chỉ tự đến nộp mạng thì sao đáng nói!”
Và, để tăng thêm phần bi kịch cho quân Minh, Nguyễn Trãi chỉ ra cụ thể những lý do khiến quân Minh chắc chắn bại trận mạng vong.
“Nay tính hộ các ông thì có sáu điều phải thua:
– Nước lụt chảy tràn, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết, quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất.
– Xưa Đường Thái bắt Kiến Đức mà Thế Sung ra hàng. Nay những nơi quan ải hiểm yếu, đều có quân và voi đồn giữ, nếu viện binh đến, thế tất phải thua, viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai.
– Ở nước các ông quân mạnh ngựa tốt nay đã đóng cả ở miền Bắc để phòng bị quân Nguyên, không rỗi nhìn đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba.
– Luôn động can qua, liên tiếp đánh dẹp, người sống không vui, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư.
– Gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau3, gia đình sinh biến. Đó là điều phải thua thứ năm.
– Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc; quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc diệt vong. Đó là điều phải thua thứ sáu.
Nay giữ cái thành cỏn con để chờ sáu điều thất bại, ta lấy làm tiếc cho các ông lắm!”
Ở đây, ta học được cách viết cụ thể, có dẫn chứng rõ ràng. Đồng thời, các cứ liệu còn được liên kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt là liên kết hình thức qua việc liệt kê điều phải thua thứ nhất, điều phải thua thứ hai,…
Cứ như thế, quân Lam Sơn một mặt đe nẹt một mặt trấn an (sẽ mở đường lui), vừa đấm vừa xoa như thế, làm cho tinh thần quân Minh trong thành Đông Quan ngày càng sa sút, nhiều người lén lút ra hàng. Vương Thông muốn cứu vãn tình thế, thường nhân cơ hội tập kích nhỏ lẻ, làm tiêu hao lực lượng nghĩa quân nhưng không quá đáng kể. Trước hành động này, Nguyễn Trãi viết:
“Ta nghe: Múc một gáo nước, biển cả không vì thế mà vơi; thêm một gáo nước, biển cả không vì thế mà đầy. Cho nên người dùng binh giỏi không lấy sự thắng nhỏ mà mừng, không lấy sự thua to mà sợ. Nay các ông lấy tàn tốt vài nghìn, giữ một thành trơ trọi, lương sắp hết mà viện không thấy đến, chúng lìa lòng mà quân ngày ít đi, cái thế mạnh yếu được thua, có thể ngồi mà tính được. Huống hồ nước An Nam binh tướng thì nhiều, tâm lực đều nhau, chiến khí càng tinh, sĩ khí càng mạnh, kẽ sĩ trí mưu, các tướng vũ dũng, chẳng khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau vậy. các ông có thắng một trận nhỏ cũng không thấy là mạnh, mà ta dẫu có thua một trận nhỏ cũng không thấy là yếu. Vừa rồi mấy người tỳ tướng của ta, tuổi trẻ tính ngông, không theo ước thúc, khinh chiến lỡ cơ, các ông lấy thế làm đắc chí. Nay đem những tướng hiện ở các nơi Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn, Nghệ cùng các sở Tiền Vệ, Tam Giang, Xương Giang, Trấn Di và Thái đô đốc cùng các quan Tam ty, chỉ huy, thiên bách hộ, ước hơn vài trăm người, quân nhân một vạn vài nghìn người, trai gái lớn nhỏ hơn ba vạn người bị các ông làm lầm lỡ, mà so với vài người tỳ tướng, thì ai hơn ai kém, ai được ai thua? Thế mà ông không hề lấy thế làm lo, lại còn dương vây nói mẽ, có khác gì nhà đương cháy mà chim én còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng đáng cười lắm sao!”
Tóm lại, có thể thấy rằng, ngòi bút của Nguyễn Trãi hết sức sắc bén, rõ ràng, câu cú mạch lạc, ngắn gọn, lập luận chặt chẽ, có trước có sau, lý lẽ hết sức thuyết phục. Đây thật sự là một lối viết rất nên học hỏi và luyện tập vận dụng. Không cần viết những điều lớn lao, những nội dung đơn giản như viết một e-mail công việc, một bản báo cáo, một bài luận cũng có thể vận dụng được.
___________________________
1 Ở đây là sách Trung Dung.
2 Xem việc làm như thế nào, xét lý do tại sao mà làm, nhận thấy có vui vẻ mà làm hay không, thì có ai giấu giếm đâu được ta! Có ai giấu giếm đâu được ta!
3 Chỉ con cháu Minh Thái Tổ giết nhau để đoạt ngôi sau khi Minh Thái Tổ mất. Minh Thành Tổ, kẻ phát binh xâm lược Đại Việt cũng lên ngôi theo lối đó.