Giải nghĩa từ Hán Việt trong tiếng Việt (Phần 1)
| On Th816,2024(Ngày ngày viết chữ) Trong bài viết này, Ngày ngày viết chữ giải nghĩa một số từ Hán Việt mà chủ yếu là những từ thường dùng, hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về lớp từ này trong tiếng Việt.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Cổ mỹ từ – Những từ đẹp mà nay ít dùng
>> Sự thay đổi nghĩa của một số từ Hán Việt
★ Cẩn cáo ★
“Cẩn cáo”, chữ Hán viết là 謹吿, trong đó:
– “Cẩn” là thận trọng, kĩ lưỡng, làm việc gì mà để ý kĩ, không dám sơ suất thì gọi là cẩn, như cẩn trọng (謹重), cẩn thận (謹慎), bất cẩn (不謹), cẩn tắc vô ưu (謹則無憂). “Cẩn” còn có nghĩa là kính, cung kính, xin phép, dùng thể hiện sự khiêm nhường, như cẩn sớ (謹疏) là xin phép tâu bày, cẩn dĩ (謹以) là kính dâng.
– “Cáo” là báo cho biết, thưa cho hay, như báo cáo (報告), tố cáo (訴告).
“Cẩn cáo” (còn cách đọc khác là “cẩn cốc”) là xin thưa vậy, cung kính mà thưa vậy. Từ này thường được dùng để kết thúc một bài văn khấn hoặc văn tế, dùng để báo hiệu cho biết bài văn khấn hoặc văn tế đã kết thúc.
★ Chất vấn ★
Chất vấn, chữ Hán viết là 質問, trong đó:
– “Chất” là gạn hỏi như đối chất (對質). Chất còn có một nét nghĩa khác quen thuộc hơn đó là vật thể như nguyên chất (原質), bản chất (本質), tính chất (性質). Từ điển Thiều Chửu giảng “cái bản thể của các vật đều gọi là chất, như khí chất 氣質 chất hơi, lưu chất 流質 chất lỏng”.
– “Vấn” cũng là hỏi, tra hỏi như nghi vấn (疑問), thẩm vấn (審問), vấn đáp (問答).
Chất vấn nghĩa chung là hỏi. Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên giảng chất vấn là “hỏi và yêu cầu phải giải thích rõ ràng”. Ta có một từ khác cũng mang nghĩa hỏi cho cặn kẽ, hỏi đến tận cùng nhưng hiện nay ít dùng đó là “cật vấn”.
★ Chí lý ★
Chí lý, chữ Hán viết là 至理, trong đó:
– “Chí” là đến, tới như tự cổ chí kim (自古至今) nghĩa là từ xưa đến nay, hoạ vô đơn chí (禍無單至) nghĩa là tai vạ không đến một mình. “Chí” còn có nghĩa là rất, vô cùng, hết mực, dùng để chỉ mức độ cao như chí thân (至親) là hết mực thân thiết, chí tôn (至尊) là cực kỳ kính quý.
– “Lý” nghĩa ban đầu là mài giũa cho ngọc được đẹp được sáng nên trong chữ Hán của chữ lý (理) có bộ ngọc (玉) chỉ đá quý. Từ hình ảnh đó mở rộng ra ta có nét nghĩa sửa cho đúng đắn, chỉnh cho ngay ngắn như trong chỉnh lý (整理). Mở rộng thêm nữa ta có “lý” dùng để chỉ những điều đúng đắn, lẽ phải như đạo lý (道理), chân lý (真理/眞理).
Chí lý là rất đúng, rất hợp với lẽ phải. Chí lý thường đi cùng với các từ liên quan tới lời nói như “câu nói chí lý”, “lời khuyên chí lý”, “Anh nói thật chí lý!”.
★ Cương lĩnh ★
“Cương lĩnh”, chữ Hán là 綱領, trong đó:
– “Cương” là giềng lưới, tức sợi dây lớn của lưới, nghĩa bóng chỉ những phần quan trọng, phần cốt lõi, như đại cương (大綱), kỉ cương (綱紀).
– “Lĩnh” là cái cổ áo, nghĩa bóng cũng chỉ những phần quan trọng, cốt yếu, như yếu lĩnh (要領) là điểm quan trọng. Đây cũng là chữ “lĩnh” trong các trường hợp thống lĩnh (統領), tướng lĩnh (將領). “Lĩnh” cũng đọc là “lãnh” mà ta quen dùng trong lãnh tụ (領袖), lãnh đạo (領導), lãnh địa (領地).
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng “giây (dây) to ở trong lưới là cương, cổ áo là lãnh” và nghĩa bóng chỉ “phần cốt yếu trong việc làm hay chủ não trong văn chương”.
Hiện nay, “cương lĩnh” được dùng để biểu thị những điểm quan trọng trong đường lối, mục tiêu trong một thời kì nhất định (thường là của các tổ chức chính trị), nét nghĩa “chủ não trong văn chương” mà Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh ghi nhận hầu như đã ít dùng.
★ Danh dự ★
Danh dự, chữ Hán viết là 名譽, trong đó:
– “Danh” là tên, cái dùng để gọi người hoặc vật là “danh”, như ẩn danh (隱名), báo danh (報名), biệt danh (別名). Ngoài ra, “danh” còn chỉ tiếng thơm, tiếng tăm, nổi tiếng như danh ngôn (名言), danh lam (名藍), danh gia (名家).
– “Dự” là lời khen, tiếng thơm như vinh dự (榮譽). Xin phân biệt với chữ “dự” 預 nghĩa là tham gia (tham dự 參預, can dự 干預) hoặc làm trước, có sẵn (dự kiến 預見, dự liệu 預料, dự phòng 預防) và một số chữ “dự” khác.
Danh dự nói chung có nghĩa là tiếng tăm tốt, tiếng thơm như “bảo vệ danh dự”, “đánh mất danh dự”, cũng có nghĩa là lời khen tặng (khi ai đó có được xem trọng hoặc có thành tích tốt, có tiếng tốt) như “ghế danh dự”, “cờ danh dự”.
★ Dĩnh ngộ ★
“Dĩnh ngộ”, chữ Hán viết là 穎悟, trong đó:
– Dĩnh nghĩa ban đầu là ngọn lúa (nên trong chữ có bộ hoà – 禾 chỉ cây lúa), về sau mở rộng nghĩa chỉ đầu nhọn của các vật như mũi d a o, mũi d ù i, ngòi bút, đầu bút lông, rồi tiếp tục mở rộng nghĩa chỉ những gì khác lạ, xuất sắc, vượt trội hơn người.
– Ngộ là biết, rõ, hiểu thấu, như tỉnh ngộ (醒悟), giác ngộ (覺悟), chấp mê bất ngộ (執迷不悟).
“Dĩnh ngộ” là thấu đáo hơn người, thường dùng để nói về t r ẻ e m thông minh từ sớm.
Trong bài Hạ đường huynh đăng tường của Đoàn Huyên có câu:
Dĩnh ngộ tự thiên tư,
Phương ấu ký mẫn tuệ.
穎悟自天資,
方幼既敏慧。
(Phẩm chất thông minh từ sớm do trời phú cho,
Ngay từ nhỏ đã sáng trí.)
Nói thêm về từ “thiên tư” (天資). Từ này có nghĩa là phẩm chất trời cho, phẩm chất bẩm sinh đã có, thường chỉ người tài giỏi, thông minh hơn người. “Thiên tư” và “dĩnh ngộ” thường đi thành cặp với nhau.
★ Dư luận ★
Dư luận, chữ Hán viết là 輿論, trong đó:
– Dư, tự hình như bốn cánh tay nâng một cỗ kiệu – biểu thị bằng bộ 車 (xa – chiếc xe), nghĩa ban đầu chỉ thùng xe, hoặc cỗ kiệu, cũng dùng để chỉ xe cộ, mở rộng nghĩa chỉ việc chuyên chở, vận tải. Vì mặt đất cũng giống như một chiếc xe chuyên chở vạn vật, nên chữ dư này còn chỉ một vùng đất rộng lớn. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng: “Ðất rộng mà chở cả muôn vật, nên gọi đất là địa dư 地輿”. Xưa có cách gọi dư địa* chí (輿地志) là một dạng sách địa lý, ghi chép về đất đai, thổ nhưỡng, v.v. của một địa phương nào đó, như “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Đồng Khánh dư địa chí” soạn theo lệnh vua Đồng Khánh. Dư còn mở rộng nghĩa chỉ số đông, đám đông, công chúng.
– Luận là bàn bạc, xem xét. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng “bàn bạc, xem xét sự vật, rồi nói cho rõ phải trái gọi là luận”, như biện luận (辯論), bình luận (評論), lập luận (立論).
Dư luận là lời bàn bạc, suy xét của đám đông, dùng để chỉ sự đánh giá khen chê sai đúng của số đông đối với một sự việc, một vấn đề nào đó.
___________
*Xin phân biệt với dư địa (餘地) nghĩa là phần đất còn dư ra, phần đất chưa sử dụng tới, như trong cách nói “ngành công nghiệp còn nhiều dư địa phát triển”.
★ Khách sạn ★
Khách sạn, chữ Hán viết là 客棧, trong đó:
– “Khách” là người ở nơi khác đến, đối lại với chủ (主) như du khách (遊客), tiếp khách (接客), hành khách (行客). Đây cũng là “khách” trong trường hợp khách quan (客觀) có nghĩa là nhìn ở góc độ của người ngoài, đối lại với chủ quan (主觀) là nhìn ở góc độ của bản thân mình (quan – 觀 nghĩa là nhìn).
– “Sạn” là quán trọ. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng “nhà quán để xếp hàng hoá và cho khách trọ gọi là sạn”. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cũng ghi nhận hai nét nghĩa tương tự là “nhà kho chứa hàng hoá” và “nhà chứa khách”.
Khách sạn là nhà chứa khách hay chính là quán trọ.
★ Khách sáo ★
Khách sáo, chữ Hán viết là 客套, trong đó:
– “Khách” là người ở nơi khác đến, đối lại với chủ (主) như du khách (遊客), tiếp khách (接客), hành khách (行客). Đây cũng là “khách” trong trường hợp khách quan (客觀) có nghĩa là nhìn ở góc độ của người ngoài, đối lại với chủ quan (主觀) là nhìn ở góc độ của bản thân mình (“quan” – 觀 nghĩa là nhìn).
– “Sáo”, nghĩa ban đầu chỉ cái bao, cái bọc bọc bên ngoài vật gì đó như bút sáo (筆套) là cái bao đựng bút, thủ sáo (手套) là cái găng tay. Từ nét nghĩa ban đầu này mở rộng thêm ra, ta có “sáo” còn chỉ cái khuôn mẫu sẵn có bao bên ngoài mà ta chỉ việc áp dụng theo như khuôn sáo. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng “Phàm bắt chước lượm lấy văn tự người khác hay nói đuôi người ta đều gọi là sáo. Như sáo ngữ 套語 câu nói đã thành lối.”. Hiện nay “sáo” có thể dùng độc lập trong các cách nói như “câu văn sáo”, “lời nói sáo” để chỉ lối nói (hoặc viết) theo khuôn mẫu có sẵn, lặp đi lặp lại, nom có vẻ hay ho nhưng giả tạo, vô nghĩa.
Khách sáo có thể hiểu là cái khuôn dành cho khách, tức dùng cách nói nom có vẻ lịch sự hay ho nhưng lại giả tạo, nhàm chán, tạo cảm giác xa cách như đang đối đãi với khách chứ không phải người thân.
★ Kịch tính ★
Kịch tính, chữ Hán viết là 劇性, trong đó:
– “Kịch” là quá, lắm, hết sức, chỉ mức độ cao như kịch liệt (劇烈), kịch độc (劇毒), nguy kịch (危劇). “Kịch” cũng dùng để chỉ một loại hình nghệ thuật sân khấu.
– “Tính” là đặc điểm, bản chất của người hoặc vật. Từ điển Hoàng Phê chia ra hai cách dùng khi “tính” làm hậu tố. Một là [tính từ + “tính”] để tạo thành tổ hợp từ, thường biểu thị thuộc tính cố hữu ở con người như lành tính, nóng tính, kỹ tính, cục tính. Hai là [danh từ + “tính”] để tạo thanh tổ hợp biểu thị những tính chất đặc trưng của danh từ đi trước như nhạc tính (樂性), độc tính (毒性), dược tính (藥性).
Kịch tính là tính chất của kịch, đặc điểm đặc trưng của loại hình nghệ thuật sân khấu kịch. Thông thường một vở kịch sẽ có những diễn biến, tình huống, xung đột, vì vậy ta thường sử dụng từ này để thể hiện một thứ gì đó có diễn biến, xung đột cao trào như “vở kịch nhiều kịch tính”, “đoạn phim chứa nhiều kịch tính” hay “trận thi đấu đầy kịch tính”.
★ Ký thác ★
Ký thác, chữ Hán viết là 寄託, trong đó:
– Ký là gửi nên ta có tổ hợp “ký gửi*”. Ký còn có nghĩa là ở nhờ, ở tạm nơi nào đó như trong các trường hợp ký sinh (寄生) là sống nhờ, ký túc (寄宿) là ở nhờ, ở trọ.
– Thác cũng là gửi, nhờ người khác làm hộ cho thì gọi là thác, như trong uỷ thác (委託), phó thác (付託).
Ký thác là gửi gắm, có thể là những cảm xúc, nỗi niềm, tâm sự, hoài bão, v.v. vào trong một tác phẩm văn chương nghệ thuật như “ký thác nỗi niềm vào thơ ca”.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc có tập truyện ngắn mang tên Ký thác.
___________
*Tương tự như trường hợp binh lính (binh 兵 nghĩa là lính), trợ giúp (trợ 助 nghĩa là giúp), kỳ lạ (kỳ 奇 nghĩa là lạ).
★ Khứ hồi ★
“Khứ hồi”, chữ Hán viết là 去回, trong đó:
– “Khứ” là đi, từ nơi này đi tới nơi kia ta gọi là khứ, như tống khứ (送去), mở rộng chỉ khoảng thời gian đã qua như quá khứ (過去).
– “Hồi” là về, quay về, trở về như hồi sinh (回生), hồi tỉnh (回醒), hồi ức (回憶).
“Khứ hồi” là đi và về, thường dùng để chỉ hai chiều di chuyển (tức đi trọn một vòng) của một thứ gì đó, thường gặp nhất là phương tiện giao thông. Ta vẫn thường nói “vé máy bay khứ hồi” hay “đi xe khứ hồi”.
★ Linh lạc ★
“Linh lạc”, chữ Hán là 零落, trong đó:
– “Linh” nghĩa là héo rụng, rơi xuống, như phiêu linh (飄零)* là trôi nổi và rơi rụng, dùng chỉ cảnh đời trôi nổi nay đây mai đó. “Linh” còn có nét nghĩa nhỏ bé, lẻ tẻ, lặt vặt, là chữ “linh” trong các trường hợp linh tinh (零星), linh kiện (零件).
– “Lạc” cũng có nghĩa là rơi, rụng, như lưu lạc (流落), luân lạc (淪落).
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng “cỏ khô héo là linh, cây khô lá rụng là lạc”.
Linh lạc nghĩa đen chỉ hoa lá héo rụng, nghĩa bóng chỉ cảnh tan tác, tản mác, suy bại, như anh em linh lạc, gia đình linh lạc.
Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn có câu:
Tín lai nhân vị lai,
Dương hoa linh lạc uỷ thương đài.
信來人未來,
楊花零落委蒼苔。
Tin gửi đi người không thấy lại,
Hoa dương tàn đã trải rêu xanh.**
___________
* Cũng viết 漂零.
** Bản dịch của Đoàn Thị Điểm/Phan Huy Ích.
★ Phạm trù ★
“Phạm trù”, chữ Hán là 範疇, trong đó:
– “Phạm” là cái khuôn đúc, mở rộng nghĩa dùng để chỉ giới hạn của sự vật. Đây cũng là “phạm” trong các trường hợp sư phạm (師範), phạm vi (範圍), mô phạm (模範).
– “Trù” nghĩa ban đầu là ruộng cấy lúa, về sau được dùng thêm nghĩa là loài, chủng loại. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu Thiều Chửu giảng “trù” là loài, Cơ Tử bảo vua Chu Vũ Vương những phép lớn của trời đất có chia làm chín loài, gọi là hồng phạm cửu trù 洪範九疇. “Hồng phạm cửu trù” được xem là một hiến chương để trị quốc.
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng “phạm trù” là khái niệm khoa học biểu thị loại sự vật, hiện tượng hay những đặc trưng chung nhất của chúng. Hay nói cách khác, “phạm trù” là khái niệm mà thông qua đó ta giới hạn được sự vật, hiện tượng thuộc loại hay nhóm nào.
★ Táo bạo ★
“Táo bạo”, chữ Hán viết là 躁暴, trong đó:
– “Táo” là vội vàng, hấp tấp, nóng nảy. Thiều Chửu giảng “vội tiến, xao động, tính nóng nảy gọi là táo”.
– “Bạo” là hung hăng, dữ dội, như tàn bạo (殘暴), thô bạo (粗暴), hoặc dùng để chỉ những gì đến nhanh, bất ngờ, đột ngột như bạo bệnh (暴病), bạo phát (暴發).
“Táo bạo” là vội vàng và hung hăng, thường dùng để mô tả hành động bất chấp, không ngần ngại trước nguy hiểm như “hành động táo bạo”, “quyết định táo bạo” hay “suy nghĩ táo bạo”.
★ Thư hùng ★
Có bạn nhắn hỏi mình nghĩa của từ “thư hùng”, thì từ này có chữ Hán là 雌雄, trong đó:
– “Thư” là con mái, con cái của các loài chim thú, cũng dùng để chỉ vẻ yếu mềm.
– “Hùng” là con trống, con đực của các loài chim thú, là biểu tượng của sức mạnh.
Chúng ta có từ “anh thư” (英雌) để chỉ người phụ nữ xinh đẹp dũng cảm, và dùng “anh hùng” (英雄) để chỉ người đàn ông mạnh mẽ dũng cảm, xuất chúng. (Anh – 英 là hoa của cây, là thứ hoa tốt nhất, tỉ dụ người tài năng xuất chúng, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh.) Cũng phải nói thêm rằng, ngày nay bên cạnh từ “anh thư” (thường dùng đặt tên các bạn nữ) thì người ta quen dùng “nữ anh hùng”.
Trở lại với “thư hùng”, từ này mang ý nghĩa trống và mái, đực và cái, được dùng để chỉ sự so sánh hơn thua, mạnh yếu, (“hùng” là phái mạnh, “thư” là phái yếu), như “một trận thư hùng” là một trận hơn thua mạnh yếu.
Trong Thiên Nam ngữ lục có câu:
Hiệp nhau Cảnh Dị giao phong,
Dự trăm trận đánh, thư hùng chưa phân.
Trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu có câu:
Thư hùng vị quyết,
Nam Bắc đối luỹ.
雌雄未決,
南北對壘。
(Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ bắc nam chống đối.*)
Từ “thư hùng” nói Nôm là “sống mái”, “sống” là con đực, con trống (vẫn còn dùng trong từ “gà sống” chỉ gà trống), ta vẫn quen dùng “một trận sống mái”, “sống mái một phen”.
Các bạn có thể xem giảng nghĩa của nhiều từ vựng như vầy trong sách “Chữ xưa còn một chút này” của Ngày ngày viết chữ nha. Sách có trên các sàn thương mại điện tử, các bạn tìm tên sách là ra hà.
___________
*Bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Bùi Văn Nguyên chỉnh lí (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II, Văn học thế kỉ X – thế kỉ XVII, NXB Văn học, Hà Nội, 1976).
★ Tuệ tinh ★
Tuệ tinh, chữ Hán viết là 彗星, trong đó:
– “Tuệ” là cây chổi.
– “Tinh” là ngôi sao, vì sao, cũng chỉ chung các thiên thể sáng như sao, như chiêm tinh (占星) là quan sát các vì sao để biết các điềm tốt xấu.
Các hành tinh (行星) trong hệ mặt trời (trừ Trái Đất) cũng có tên gọi Hán Việt lần lượt là Thuỷ Tinh (水星) – sao Thuỷ, Kim Tinh (金星) – sao Kim, Hoả Tinh (火星) – sao Hoả, Mộc Tinh (木星) – sao Mộc, Thổ Tinh (土星) – sao Thổ, Thiên Vương Tinh (天王星) – sao Thiên Vương và Hải Vương Tinh (海王星) – sao Hải Vương. Sao nhỏ mà nhiều gọi là tinh nên tinh cũng được dùng để chỉ những gì nhỏ bé, vụn vặt như linh tinh (零星). Chữ “linh” cũng có nghĩa là lẻ, vụn vặt.
Tuệ tinh là sao chổi, là thiên thể có phần đuôi phát sáng, kéo dài như hình cây chổi. Ngoài tuệ tinh, sao chổi còn có cách gọi khác là trửu tinh (箒星*), trong đó trửu (箒) cũng có nghĩa là cây chổi.
___________
*箒星 còn có cách viết khác là 帚星.
★ Trầm kha ★
“Trầm kha”, chữ Hán viết là 沈疴 hoặc 沈痾, trong đó:
– “Trầm” là chìm, như trong thăng trầm (升沈) là lên cao và chìm xuống. Ngoài ra trầm còn có nghĩa là sâu, nặng hay mở rộng nghĩa chỉ mức độ nhiều, sâu sắc, kĩ lưỡng như trong trầm trọng (沈重) là sâu và nặng, trầm tư (沈思) là suy nghĩ kĩ.
– “Kha” là bệnh nặng, bệnh kéo dài lâu ngày.
“Trầm kha” là bệnh nặng, bệnh âm ỉ, dai dẳng, khó chữa. Hiện nay “trầm kha” thường được dùng như tính từ mà ta hay bắt gặp trong cụm “bệnh trầm kha” hay “căn bệnh trầm kha”.
“Trầm kha” là bệnh nặng, bệnh âm ỉ, dai dẳng, khó chữa. Hiện nay “trầm kha” thường được dùng thành cụm “bệnh trầm kha” hay “căn bệnh trầm kha” như “Cô đơn tựa như căn bệnh trầm kha của con người”. Trong cụm “bệnh trầm kha”, “trầm kha” là tính từ bổ nghĩa cho danh từ “bệnh”, tức “trầm kha” đã xảy ra hiện tượng chuyển loại (từ danh từ thành tính từ). Cũng như “thịnh soạn” vốn có nghĩa là “bàn ăn lớn với nhiều món ăn” nhưng đã được chuyển loại để chỉ mức độ nhiều, tươm tất của một bữa ăn, bởi vậy ta vẫn nói “bàn ăn thịnh soạn” hay “bữa tiệc thịnh soạn”.
★ Tung hô ★
Tung hô, chữ Hán viết là 嵩呼, trong đó:
– “Tung” là tên một ngọn núi cao lớn trong Ngũ Nhạc (五岳)*, vì vậy người ta dùng “tung” để chỉ thế núi cao. Theo điển tích, Hán Vũ đế lên núi Tung dạo chơi được quần thần và bách tính hô vang vạn tuế ba lần, vì vậy sau này chúc tụng vua chúa được gọi là tung chúc (嵩祝).
– “Hô” là gọi to, kêu to như hô hoán (呼喚), xưng hô (稱呼), hô ứng (呼應).
Tung hô nghĩa đen là hô vang trên núi Tung, sau được dùng để chỉ hành động cùng hô to chúc tụng vua chúa bất kể có đang ở núi Tung hay không, như trong Thiên Nam ngữ lục, câu 6.543-6.544 có viết:
Thôi bèn thánh giá hoàn đô,
Bách quan cùng đến tung hô chúc mừng.
Ngày nay tung hô thường được dùng để chỉ hành động hô to những lời khen, lời hoan nghênh nói chung như “được người đời tung hô”, “tung hô cuồng nhiệt”.
___________
*Ngũ Nhạc (五岳) là năm ngọn núi lớn ở Trung Hoa gồm Tung Sơn (嵩山), Thái Sơn (泰山), Hoa Sơn (華山), Hành Sơn (衡山), Hằng Sơn (恆山).
★ Xuyên tạc ★
Xuyên tạc, chữ Hán viết là 穿鑿, trong đó:
– “Xuyên” là xâu qua, xỏ qua như xuyên giáp (穿甲), xuyên thấu (穿透).
– “Tạc” là cái đục trong nghề chạm khắc, và cũng dùng để chỉ hành động dùng đục để đẽo gọt* như tạc tượng (鑿像), ghi lòng tạc dạ.
Xuyên tạc nghĩa đen là xâu xỏ đẽo gọt. Khi ta đẽo gọt lời của người khác tức là làm cho lời nói của người ta nói không còn như ban đầu nữa thì đó chính là xuyên tạc. Vì vậy xuyên tạc có nghĩa bóng dùng để chỉ hành vi sửa đổi, thêu dệt lời nói hoặc thông tin sao cho sai sự thật để nhằm dụng ý xấu như “xuyên tạc sự thật” hay “Anh cứ khéo xuyên tạc.”.
___________
*Hiện tượng một từ vừa dùng để gọi tên dụng cụ vừa dùng để chỉ hành động sử dụng dụng cụ đó có thể kể đến như cưa (cái cưa – cưa gỗ), viết (cây viết – viết bài), cuốc (cây cuốc – cuốc đất).