Cổ mỹ từ – Những từ đẹp mà nay ít dùng [Phần 2]
| On Th221,2022(Ngày ngày viết chữ) Cổ mỹ từ là loạt bài tập hợp những từ có sắc thái cổ nom rất đẹp trong tiếng Việt. Lưu ý, “Cổ mỹ từ” chỉ là một tên gọi mà Ngày ngày viết chữ đặt cho những từ này, không phải khái niệm “từ cổ” đúng nghĩa của ngôn ngữ học.
Tất cả các cổ mỹ từ mà Ngày ngày viết chữ sưu tầm, lý giải đều được cập nhật tại chuyên mục này theo trật tự ABC. Quý bạn đọc vui lòng không sao chép, không sử dụng lại khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ngày ngày viết chữ.
Bài này tập hợp các Cổ mỹ từ theo trật tự từ H đến O. Còn đây là đường dẫn dẫn đến các bài viết theo trật tự:
★ Hà lương ★
“Hà lương”, chữ Hán viết là 河梁, trong đó:
– “hà” là sông;
– “lương” là chiếc cầu.
“Hà lương”, nghĩa đen là chiếc cầu bắc qua sông, nghĩa mở rộng chỉ nơi chia ly, nơi từ biệt nhau.
Về gốc tích, “Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế dẫn thơ Lý Lăng rằng: Huề thủ thượng hà lương, du tử mộ hà chi? 《携手上河梁,游子暮何之?》, tạm dịch: Cầm tay nhau bước lên cầu, người ra đi biết tối nay về nơi đâu?
Câu thơ trên trích từ bài thơ thứ ba trong “Dữ tô vũ” (与苏武诗之三), là một loạt ba bài thơ của Lý Lăng (thời nhà Hán), nội dung nói về những cảm xúc, những nỗi lòng khi chia tay, ly biệt. Chính từ câu thơ này mà từ “hà lương” sau đó được dùng với nghĩa nơi từ biệt.
Trong thi ca Việt Nam, “Chinh phụ ngâm khúc” phần “Xuất chinh”, bản dịch của Đoàn Thị Điểm có câu:
“Hà lương chia rẽ đường này,
Bên đường trông lá* cờ bay ngùi ngùi.”
(*) Có bản viết “trông bóng cờ bay”.
★ Hà y ★
Hà y, chữ Hán viết 霞衣, trong đó:
– Hà là ráng, tức ráng trời. Thiều Chửu viết: “Ráng, trong khoảng trời không thâm thấp có khí mù, lại có bóng mặt trời xiên ngang thành các màu rực rỡ, thường thấy ở lúc mặt trời mới mọc hay mới lặn gọi là ráng.”
– Y là chiếc áo, phần vải may để che nửa thân trên gọi là y, (phần che nửa dưới gọi là thường [裳], tức là cái xiêm, cái váy, cái quần). Về sau, người ta cũng dùng y để chỉ quần áo mặc nói chung.
“Hà y” là chiếc áo màu đỏ, rực rỡ, đẹp đẽ như màu của ráng trời. Truyện Kiều có câu:
Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,
Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng.
★ Hiểu phong ★
Thật ra từ này cũng không hẳn là cổ, chỉ có sắc thái cổ thôi, mình thấy từ này vẫn còn dùng nhiều để đặt tên.
“Hiểu phong”, chữ Hán viết là 曉風. “Hiểu” là buổi sớm, trời vừa sáng. “Phong” là gió. “Hiểu phong” là cơn gió vào buổi sáng sớm, cơn gió vào buổi sớm mai, nghe mát lành quá mọi người ha.
Bài thơ “Tống thái học sinh Nguyễn Hán Anh quy Hồng Châu” của Nguyễn Phi Khanh có đoạn:
“Đăng tiền tạc dạ thoại thông thông,
Mã thủ kim triêu khoá hiểu phong.
Vọng nhãn đãn huyền thiên khuyết bắc,
Quy tâm ninh trú thuỷ khê đông.”
Đào Phương Bình dịch thơ như sau:
“Chuyện trò đêm trước dưới đèn chong,
Gió sớm hôm nay vó ngựa lồng.
Mắt ngóng luống treo trời cửa bắc,
Lòng về há bận suối miền đông.”
Bài “Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 5” của Vua Lê Thánh Tông thì có câu:
“Thanh sơn điệp điệp thuỷ thung dung,
Nhất phiếm khinh phàm quải hiểu phong.”
nghĩa là:
“Non xanh lớp lớp, dòng nước mênh mông,
Một mảnh buồm nhẹ tênh treo trong gió sớm.”
★ Hiểu yên ★
“Hiểu yên”, chữ Hán viết là 曉煙, trong đó:
– “Hiểu” là sớm, buổi sớm, khi trời bắt đầu sáng.
– “Yên” là khói, những thứ giống như khói đều gọi là “yên” (như mây mù, sương mù).
“Hiểu yên” là khói sớm, sương khói ban mai, là làn hơi sương lúc trời tảng sáng. Đây là một hình ảnh thường gợi niệm cảm hứng cho thi nhân.
Trịnh Hoài Đức (người nổi tiếng với tác phẩm “Gia Định thành thông chí”) có bài “Hành giang hiểu phiếm”, trong đó có câu:
Hành giang cổ độ thuỷ quyên quyên,
Thành hạ khai chu phá hiểu yên.
衡江古渡水涓涓,
城下開舟破曉煙。
Nghĩa là:
Bến đò xưa sông Hành nước chảy từng dòng nhỏ,
Dưới thành thuyền đi phá vỡ màn sương khói buổi sớm.
Phan Huy Chú trong bài “Túc Tương Âm kỳ 2” thì có câu:
Hàn vũ đinh châu tán hiểu yên,
Thương giang nhất vọng thuỷ liên thiên.
寒雨汀洲散曉煙,
滄江一望水連天。
Nghĩa là:
Mưa lạnh trên bãi sông xua sương khói ban mai,
Nhìn dòng sông xanh tiếp nối với bầu trời.
Nguyễn Trường Tộ trong bài “Cần Giờ phong cảnh” thì viết:
Nhân gia lao lạc tạp tây triền,
Nhất vọng bình lâm trấn hiểu yên.
人家牢落雜西廛,
一望平林鎮曉煙。
Nghĩa là:
Có người lưu lạc đến miền Tây,
Rừng xanh bát ngát ngăn làn khói ban mai.
★ Hoa ngạc ★
“Hoa ngạc”, chữ Hán viết là 花萼.
“Hoa” ở đây là cánh hoa, còn “ngạc” là đài hoa, tức là bộ phận thường có màu xanh lục nằm ngay bên dưới các cánh hoa, ôm lấy các cánh hoa.
“Hoa ngạc” được dùng ẩn dụ để chỉ tình anh em thân thiết, như hoa với đài bảo hộ nhau, che chở nhau.
★ Hồng quân ★
“Hồng quân” chữ Hán viết là 洪鈞, trong đó:
– “Hồng” là lớn, to lớn, lớn lao, như “hồng phúc” là phúc lớn, “hồng thuỷ” là nước lớn.
– “Quân” là cái bàn xoay để làm đồ gốm. Thợ gốm đặt đất sét lên bàn rồi đạp cho bàn xoay, tay uốn nắn tạo hình, làm ra đồ vật.
“Hồng quân” nghĩa đen là bàn xoay lớn, nghĩa bóng dùng để chỉ trời, chỉ tạo hoá, chỉ cuộc vận hành của vũ trụ.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu:
“Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế, còn vần chửa tha.”
“Hồng quần” là người bận quần/váy đỏ, chỉ phụ nữ. Hai câu trên nói về sức mạnh to lớn của cơ trời, của tạo hoá đối với người phụ nữ.
Lê Văn Hoè trong “Truyện Kiều Chú giải” (1952) cho biết “nhiều bản Pháp văn dịch ‘hồng quân’ ra làm ‘ciel rouge’ (trời đỏ) hay ‘seigneur rouge’ (vua đỏ). Dịch như thế là sai hoàn toàn vì hiểu lầm “hồng” trong “hồng quân” là sắc đỏ”.
Một số tác phẩm khác có dùng từ “hồng quân” với ý nghĩa kể trên:
- Cô tùng – Ngô Thì Nhậm:
Ngạo tận tuyết sương hoàn tự tín,
Hồng quân phú dữ bất vi bần.
傲盡雪霜還自信,
洪鈞賦予不為貧。 - Đệ tứ cảnh: Thư uyển xuân quang – Thiệu Trị:
Yếm tiếu đa lao yết cổ thôi,
Hồng quân nhất chuyển bách hoa khai.
厭笑多勞羯鼓催,
洪鈞一轉百花開。 - Bích Câu kỳ ngộ – Khuyết danh Việt Nam
“Thịt xương gửi đám Diêm phù,
Sinh sinh hóa hóa trong lò hồng quân.”
____
(*) Xin phân biệt với từ “hồng quân” dùng để chỉ quân đội cách mạng (vô sản) ở một số nước xã hội chủ nghĩa như “Hồng quân Liên Xô”.
★ Huân phong ★
“Huân phong”, chữ Hán viết là 薰風. “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh giảng “huân phong” là “gió nam hoà mát, ích cho người và vật”.
“Huân” ở đây có nghĩa là êm đềm, đầm ấm, vui hoà. Nói chung, “huân phong” là từ dùng để chỉ gió mát lành, êm đềm, có khi được hiểu là “gió thơm” vì chữ “huân” còn có nghĩa là cỏ thơm hoặc làn hơi thơm.
Bài “Để Trường Sa vãn bạc” của Phan Huy Chú có câu:
“Tương Thuỷ huân phong cổn lãng hoa,
Phiến phàm chuyển miện đáo Trường Sa.”
Tạm dịch:
Sông Tương gió mát, sóng cuộn như hoa,
Con thuyền chớp mắt đã đến Trường Sa.
★ Huyền vi ★
“Huyền vi”, chữ Hán viết là 玄微, trong đó:
– “Huyền” nghĩa là màu đen, cũng để chỉ sự gì sâu xa. Từ điển Thiều Chửu giảng “sắc đen mà không có màu mỡ” gọi là “huyền”, “lẽ sâu xa lắm” cũng gọi là “huyền”.
– “Vi”, Từ điển Thiều Chửu giảng “vi” là nhỏ bé, nhỏ nhặt, cũng dùng để chỉ sự gì mầu nhiệm, như “vi diệu” (微妙) nghĩa là tinh tế mầu nhiệm không thể nghĩ bàn được.
“Huyền vi”, Từ điển Đào Duy Anh giảng là “sâu kín nhỏ nhặt”. Tầm nguyên Từ điển của Bửu Kế cũng giảng là “sâu kín nhỏ nhặt”, đồng thời còn cho biết là từ này “dùng để nói sự mầu nhiệm của trời đất”.
“Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có câu: “Máy huyền vi mở đóng khôn lường”.
“Máy” ở đây là “máy trời”, tức là “thiên cơ”, ý nói sự sắp đặt của trời.
Trong bài tựa của “Việt Nam thế chí” (Hồ Tông Thốc – đời nhà Trần), có một đoạn rất hay có dùng từ “huyền vi” này:
“Chuyết thời vong kỳ cố lậu, thuật giản ngụ lược kỳ sở di; cái dục sĩ hậu chi tiến bộ bác cách cao minh giả, lãng nhật ức tình, thứ hồ tri sở tiên hậu, vô tự thác ngộ. Thảng nhược, chính chư kỳ linh, công chư bút đoan, tuớc bác nghiên tinh, san hành vu thế, sử nhân nhân động sát cổ kim, mặc hội huyền vi, kỳ diệc truyện trung chi sử ký dư! Thị vi tự.”
Học giả Trần Văn Giáp (1902 – 1973) dịch như sau: “Tôi quên mình hẹp hòi quê hủ, chép sơ lược những chuyện ngụ ngôn, những điều truyền thuyết, muốn đợi các bậc cao minh học rộng tiến bộ sau này, nhận rõ xét kỹ mới có thể biết được trước sau mà không tự nhầm lẫn. Nếu có ai sửa lại cho tập này được đúng, cho lời chép được hay, đẽo gọt kỹ càng, rồi đem in ra, để mọi người thấy rõ việc xưa nay và hiểu thấu lẽ huyền vi, thì đó cũng là một bộ sử ký trong các truyện cổ chăng? Vậy làm tựa.”
Tiếc là tác phẩm “Việt Nam thế chí” mà tác giả mong được đem ra đẽo gọt kỹ càng để có cơ may thấu lẽ huyền vi đã thất truyền, chỉ còn lưu lại mỗi bài tựa này.
★ Khung thương ★
“Khung thương”, cũng dùng “thương khung”, có nghĩa là trời, bầu trời, bầu trời xanh, chữ Hán viết là 穹蒼 (蒼穹), trong đó:
– Khung là cao lớn mà có hình khum khum;
– Thương là màu xanh, như “thương hải” là biển xanh (trong thành ngữ “thương hải tang điền”).
“Khung thương” hoặc “thương khung” xưa hay dùng để chỉ trời cao, trời xanh. Thơ cổ có câu: “Ngửa nhìn không hổ với khung thương”. Trương Hán Siêu trong bài “Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký” có câu: “thế ỷ khung thương, tăng quan hà chi tráng quan”, ý nói dáng núi chạm trời, tăng thêm vẻ đẹp cho nước non.
★ Lạc hà ★
“Lạc hà”, chữ Hán viết là 落霞, trong đó:
– lạc là rơi, rụng, rơi xuống, xuống thấp;
– hà ráng, ráng trời. Từ điển Thiều Chửu giảng “trong khoảng trời không thâm thấp có khí mù, lại có bóng mặt trời xiên ngang thành các màu rực rỡ, thường thấy ở lúc mặt trời mới mọc hay mới lặn gọi là ráng”.
“Quốc văn trích diễm” của Dương Quảng Hàm giảng “lạc hà” là “bóng mây có bóng mặt trời buổi chiều chiếu vào thành sắc vàng ánh”, tức “lạc hà” là ráng buổi chiều, khi mặt trời xuống thấp.
Bài “Mùa thu đi chơi thuyền dưới trăng” (khuyết danh, Dương Quảng Hàm đề là “Vô danh thị”) có câu:
“Xinh thay tiết thu thiên quang cảnh,
Khi lạc hà giãi bóng tà dương.
Một con thuyền cạy bát bên giang,
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.”
★ Lãm thuý ★
“Lãm thuý”, chữ Hán viết là 覽翠, trong đó, “lãm” là xem, ngắm, “thuý” là xanh, xanh biếc.
“Lãm thuý” nghĩa đen là ngắm cây cỏ xanh tươi, hay nói như Đào Duy Anh thì là “thu góp cả sắc xanh”. Người xưa có dùng “lãm thuý hiên” (hoặc “hiên lãm thuý”) để gọi cái hiên nhà nơi mình ngồi đó trông ra mà thu được vào trong mắt hết thảy sắc xanh của cây cỏ.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu:
“Có cây có đá sẵn sàng,
Có hiên lãm thuý nét vàng chưa phai.”
Chỗ này đang nói về việc Kim Trọng dọn đến ở gần bên nhà Thuý Kiều. Chỗ mới dọn đến hoàn cảnh, môi trường rất tốt, còn có một “hiên lãm thuý” trữ tình, mà nói như Nguyễn Thạch Giang thì “vì có chữ Thuý nên Kim Trọng mừng thầm”.
★ Lăng vân ★
“Lăng vân”, chữ Hán viết là 淩雲, trong đó:
– “Lăng” là vượt qua;
– “Vân” là mây.
“Lăng vân” là cao vượt qua mây, nghĩa bóng dùng để chỉ sự gì cao cả, to tát, lớn lao.
Bài thơ “Bộ hiệp tá Chu Khuê Ưng Đồng tiên sinh nhàn cư mạn hứng nguyên vận kỳ 1” của Nguyễn Phúc Ưng Bình có hai câu này rất hay, trong đó có dùng từ “lăng vân”:
“Lăng vân khả đáo tàm vô dực,
Trắc hải nan can hận hữu lê.”
Nghĩa là muốn bay lên đến mây cao nhưng thẹn mình không có cánh, khó tát cạn biển vì bản thân chỉ có cái gáo nhỏ.
★ Lương thần ★
“Lương thần” chữ Hán viết là 良辰, trong đó:
– “Lương” là tốt, lành, tốt đẹp.
– “Thần” ở đây chỉ ngày, hoặc buổi sớm.
Chữ “thần” – 辰 – còn có âm là “thìn”, tức chi Thìn, chi thứ năm trong thập nhị địa chi, ứng với thời gian từ 7-9 giờ sáng (gọi là giờ Thìn). Chữ “thần” – 辰 trong văn chương còn dùng như chữ “thần” – 晨 có nghĩa là buổi sớm, buổi mai. Do đó “lương thần” 良辰 cũng viết là 良晨, nghĩa chung chỉ buổi sáng đẹp trời hoặc ngày đẹp trời, thời tiết tốt, ngày tốt, ngày lành. Có câu “lương thần mỹ cảnh” (良辰美景) chỉ một ngày đẹp trời, cảnh vật cũng cực đẹp.
Truyện thơ “Dương Từ Hà Mậu” của Nguyễn Đình Chiểu viết rằng:
“Hôm nay là bữa lương thần,
Sửa sang vị thuốc lo phần luyện đan.”
Bài “Cuối xuân” trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi thì có câu:
“Tính từ gặp tiết lương thần,
Thiếu một hai mà no chín tuần.”
Sách “Nguyễn Trãi toàn tập” (Viện Sử học, NXB Khoa học và Xã hội, 2020) giảng “lương thần” là thời tiết tốt, “từ gặp tiết lương thần” tức là từ đầu mùa xuân. Còn câu sau ý là còn thiếu một hai tuần (một hai chục ngày) nữa thì đủ (no) chín tuần, tức chín chục ngày của mùa xuân.
Lưu ý, xin phân biệt với từ “lương thần” 良臣 nghĩa là “người tôi trung thành” hoặc “lương thần” 良神 nghĩa là những vị thần lành.
★ Lương thì ★
“Lương thì”, cũng dùng “lương thời”, chữ Hán viết 良時, trong đó:
– lương là tốt đẹp, tốt lành, như “lương duyên” là mối ràng buộc tốt lành;
– thì, hoặc thời, là lúc, buổi, dịp, chỉ một khoảng thời gian, cũng chỉ mùa trong năm.
“Lương thì” là khoảng thời gian tốt đẹp, dịp tốt đẹp, buổi tốt lành, cũng dùng để chỉ tuổi trẻ, thanh xuân. Bản dịch “Chinh phụ ngâm khúc” có câu:
“Gió xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết một phen lương thì.”
“Tuỳ Chương lưu hậu Tân Đình hội tống chư quân” của Đỗ Phủ có câu “Hành tử đắc lương thì”, nghĩa là người tới gặp được buổi tốt lành (ở đây ý là tới dự hội ở Tân Đình và gặp được thời tiết tốt).
“Biệt thi kỳ 1” của Lý Lăng thì viết “Lương thì bất tái chí”, nghĩa là những ngày tốt đẹp bên nhau khó có lại lần nữa.
★ Nghênh hy ★
Nghênh hy, chữ Hán là 迎曦, trong đó:
– Nghênh là đón, đón tiếp, như nghênh tân (迎賓) là đón khách, nghênh phong (迎風) là đón gió, hóng gió.
– Hy là nắng, nắng ban mai, ánh bình minh, ánh sáng mặt trời. (Xin phân biệt chữ hy – 曦 này với chữ hy – 希 thường gặp trong “hy vọng” hoặc “hy hữu” cũng như các chữ hy khác.)
“Nghênh hy” (cũng có thể viết “nghênh hi”) nghĩa là đón nắng, đón nắng mai. Bài “Giang tự tình du” của Ngô Thì Nhậm có câu:
Cận thuỷ lâu cao chung ảnh tế,
Nghênh hy đạo khiết lý trần khinh.
近水樓高鍾影細,
迎曦道潔履塵輕。
Nghĩa là:
Lầu cao bên mé nước, bóng chuông nho nhỏ,
Đường sạch đón nắng mai, bụi giày nhè nhẹ.
Trên đây là các Cổ mỹ từ theo trật tự từ H đến O. Còn đây là đường dẫn dẫn đến các bài viết theo trật tự: