Cây lúa trong ngôn ngữ người Việt – Kỳ 2: Văn minh lúa nước và ca dao tục ngữ
| On Th219,2021(Ngày ngày viết chữ) Người Việt là cư dân trồng lúa nước điển hình ở Đông Nam Á. Điều này để lại dấu ấn đậm nét trong Việt ngữ, rõ nét nhất là hai từ “lúa” và “nước”. Hiếm có ngôn ngữ nào mà khái niệm “lúa” và “nước” lại thể hiện cụ thể, sinh động như tiếng Việt.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Cây lúa trong ngôn ngữ người Việt – Kỳ 2: Nông cụ
Thông thường, phải là sự vật thân thuộc đến một mức độ nhất định người ta mới đặt tên cho. Và càng thân thuộc, càng tri nhận sâu sắc về sự vật người ta mới dùng các tên riêng để gọi từng bộ phận, từng chi tiết của sự vật đó.
Văn minh lúa nước thể hiện qua những khái niệm liên quan đến “lúa”
Ở đây, khi xem xét cây lúa, chúng tôi nhận thấy rằng Tiếng Việt có hàng chục từ đơn để chỉ cây lúa nước và các sản phẩm của nó.
Tạm lấy thời điểm cây lúa còn non làm mốc, theo Từ điển Hoàng Phê, “cây lúa non được gieo ở ruộng riêng, sẽ nhổ đi cấy lại khi đến tuổi” gọi là “mạ” [6, tr.605]. Cái ruộng riêng để gieo mạ cũng gọi là ruộng mạ, hành động gieo thóc giống gọi là gieo mạ.
Tua rua thì mặc tua rua,
Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền.
[1. tr. 688]
Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen.
[2. tr. 551]
Tháng sáu mà cấy mạ già,
Thà rằng công cấy ở nhà ẵm con.
Tháng chạp mà cấy mạ non,
Thà rằng công cấy ẵm con ở nhà.
[1, tr.686]
Tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói về kỹ thuật gieo mạ, như “Gieo mạ còn phải kén giống” hay “Mạ mùa sướng cao, mạ chiêm ao thấp” [11, tr.172]. Qua đây, có thể thấy được “phương pháp canh tác của dân quê nước ta rất tinh tế và thích hợp với thổ nghi cùng hoàng cảnh” [3, tr.35]. Cụ thể, tùy theo giống lúa, tùy mùa, tùy thời tiết mà nông dân chọn chân ruộng, chọn cách gieo trồng sao cho phù hợp. Về vụ mùa và vụ chiêm, Phan Kế Bính viết: “Ruộng chia là hai vụ: cày cấy tự tháng Năm tháng Sáu đến tháng Tám tháng Chín được gặt gọi là vụ mùa; cày cấy từ tháng Một tháng Chạp đến tháng Tư tháng Năm năm sau được gặt gọi là vụ chiêm” [9, tr.204 – 205]. Về giống lúa, từ xa xưa đã có phong phú. Trong Vân Đài loại ngữ, Lê Quý Đôn “đã kê ra đến 23 giống lúa mùa, 9 giống lúa chiêm, 29 giống lúa nếp, mỗi giống lại chia thành nhiều loại, tổng cộng có đến hơn trăm loại” (dẫn theo Trần Ngọc Thêm [10, tr.188]).
“Đòng” hay “đòng đòng” là “ngọn của thân cây lúa đã phân hóa thành các cơ quan sinh sản và sẽ phát triển dần thành bông khi lúa trỗ ” [6, tr.331]. Dùng từ “đòng” để gọi phần thân sẽ phát triển thành bông là một hiện tượng đặc biệt. Tiếng Việt không có nhiều loài thực vật có cách gọi riêng như vậy, trừ cây ngô “trỗ cờ” thì các loài cây khác hầu như đều gọi chung là “ra nụ”, “ra bông”.
“Đôi ta như lúa đòng đòng,
Đẹp duyên nhưng chẳng được lòng mẹ cha.
Đôi ta như chỉ xe ba,
Thầy mẹ xe ít đôi ta xe nhiều.”
[12]
Cây lúa sau khi gặt lấy bông, phần thân còn lại ngoài đồng gọi là “rạ”. Bông lúa sau khi tuốt hoặc đập lấy thóc, phần thân còn lại gọi là “rơm”.
“Rồi mùa toóc rã rơm khô,
Bạn về xứ bạn biết mô mà tìm.”
[12]
“Toóc” là phương ngữ Trung, cũng có nghĩa là “rạ”.
“Yêu nhau chẳng quản đói nghèo,
Chiếu rơm chăn rạ cũng theo anh về.”
[12]
Nhánh của một bông lúa được gọi là “gié”:
“Đọt lúa vàng, gié lúa cũng vàng,
Anh thương em, cha mẹ họ hàng cũng thương.”
[12]
Còn một phần của khóm lúa thì gọi là “chẽn”, cũng có nơi gọi là “dảnh”:
“Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, thấy mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, thấy bát ngát mênh mông,
Thân em như chẽn lúa đòng đòng,
Phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai.”
[12]
Về những sản phẩm của cây lúa, các tên gọi cũng vô cùng đặc trưng. Hầu như mỗi một sản phẩm sinh ra từ cây lúa đều có cách định danh riêng. “Thóc” là hạt lúa còn nguyên cả vỏ. Còn thóc sau khi qua xay, giã, tách vỏ rồi thì gọi là “gạo”. Cái vỏ sau khi được tách ra đó gọi là “trấu”.
“Ngày thì đem thóc ra phơi,
Tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay.”
[12]
“Còn gạo không biết ăn dè,
Đến khi hết gạo ăn dè chẳng ra.”
[12]
“Bòn tro đãi trấu làm giàu,
Đời nay nguyền rủa, đời sau ăn mày.”
[12]
Tục ngữ có câu “Cơm gạo mùa, thổi đầu chùa cũng chín” vì “lúa càng chín thì phẩm chất hạt gạo càng cao. Lúa mùa mà chín kỹ gạo rất ngon” [11, tr.176]. Câu tục ngữ này thể hiện sự tự hào về thành quả lao động của bà con nông dân. Và, không những gạo ngon thì cơm ngon, mà hạt gạo trắng nấu thành cơm trông cũng rất “ngon mắt”:
“Cơm trắng ăn với chả chim,
Chồng đẹp vợ đẹp, những nhìn mà no.”
[11, tr.176]
Phần mầm của hạt gạo gọi là “tấm”, mà nay ta thường dùng để chỉ loại gạo bị vỡ, thường là vỡ đôi. Và khi giã, xay xát gạo, lớp vỏ mềm bao ngoài hạt gạo bị nát vụn ra, có màu vàng nâu, phần đó gọi là “cám”. Tấm và cám cũng được lấy làm tên gọi cho hai nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích có độ nhận diện cao hàng đầu của người Việt – Cổ tích Tấm Cám.
Trong mối quan hệ với tự nhiên, những gì càng thân thuộc càng được tận dụng và càng có giá trị sử dụng. Đối với lúa, ngay cả lớp vỏ mềm bao quanh hạt gạo bị nát vụn khi xay, giã là cám cũng là vật có giá trị. Tục ngữ có câu “Bán cám thì ngon canh, nuôi lợn thì lành áo” [12] không chỉ cho thấy giá trị của cám mà còn phản ánh hiện thực là người nông dân hiểu rất rõ giá trị của những sản phẩm từ lúa. Câu ca dao:
“Bồ dục đâu đến bàn thứ tám,
Cám nhỏ đâu đến lần lợn sề.”
[12]
cũng cho thấy giá trị của cám, đồng thời còn thông qua đó thể hiện một lẽ đương nhiên trong mối quan hệ người với người.
Còn những câu như:
“Đói no một vợ một chồng,
Một niêu cơm tấm dằn lòng ăn chơi.”
[12]
“Sáng trăng giã gạo giữa trời,
Cám bay phảng phất thương người phương xa.”
[12]
thì mượn hình ảnh tấm cám để giãi bày tâm tư tình cảm của người nông dân.
Hạt gạo tẻ khi nấu chín gọi là “cơm”, hạt gạo nếp khi nấu chín gọi là “xôi”. Điều đáng chú ý là người Việt có hai động từ đơn riêng biệt dùng để chỉ việc nấu cơm và nấu xôi, chính là “thổi” cơm và “đồ” xôi. Tuy đều có nghĩa là “nấu” nhưng chỉ riêng cơm, xôi là đặc biệt như vậy, không phải món nào trong ẩm thực Việt Nam cũng dùng “thổi” hoặc “đồ”.
Câu tục ngữ “Cơm sống tại nồi, cơm sôi tại lửa” [12] không chỉ là kinh nghiệm nấu cơm thuần túy mà qua đó còn thể hiện được quan niệm phàm chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Còn câu tục ngữ “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ” [12] là cách nhìn nhận của dân gian về những thức ngon, đẹp trong cuộc sống.
Được mùa thì chê cơm hẩm,
Mất mùa thì đẩn cơm thiu.
[12]
“Thấy nếp thì lại thèm xôi,
Ngồi bên thúng gạo nhớ nồi cơm thơm.
Hai tay xới xới đơm đơm,
Công ai cày cấy sớm hôm đó mà.”
[12]
Gạo tẻ nếu nấu với nhiều nước cho nhừ thì gọi là “cháo”.
Chồng như giỏ, vợ như hom,
Đá vàng chung dạ, cháo cơm chung lòng.
[12]
Cơm sôi to lửa thì ngon,
Cháo sôi to lửa thì còn nồi không.
[12]
Hạt thóc nếp non rang chín xong giã sạch vỏ thì được món ăn gọi là “cốm”. Đó là chưa kể từ hạt gạo có thể chế thành đủ thứ bún, miếng, bánh đa, bánh tráng, bánh cuốn, phở,…
Điểm đáng chú ý là, tất cả các từ chỉ bộ phận và sản phẩm từ cây lúa ở trên đều là từ đơn chứ không phải từ phức. Từ đơn, theo Hoàng Tuệ, “là từ một tiếng, cứ mỗi tiếng một từ, một từ cứ nguyên hình nguyên dạng mà diễn đạt được nhiều ý nghĩa khác nhau” [7, tr.88]. Trong tiếng Việt, từ đơn là một khối cố định, không thể phân chia thành những bộ phận nhỏ hơn mà có nghĩa. Đặc trưng từ đơn của tiếng Việt là mỗi từ đơn đều vừa là hình vị, vừa là âm tiết. Về nguyên tắc, những khái niệm càng cơ bản càng có nhiều khả năng sử dụng từ đơn để biểu đạt. Và những từ tạo mới thường sẽ có dạng từ phức do cơ chế tổ hợp từ các từ sẵn có. Điều này hết sức có ý nghĩa đối với việc đánh giá độ mật thiết giữa cây lúa và nền văn minh lúa nước với người Việt.
Đối với các khái niệm cây lúa, thóc, lúa, gạo, cơm,… các ngôn ngữ châu Âu có thể dịch đơn giản là rice (tiếng Anh) hoặc riz (tiếng Pháp). Nhưng với người Việt, nếu chỉ dùng một từ rice hoặc riz thì sẽ rất khó chấp nhận, người Việt không thể hiểu ấy là đang muốn nói đến cơm, gạo hay thóc,… Qua đó có thể thấy, những khái niệm liên quan đến nền văn minh lúa nước thật sự là những khái niệm hết sức cơ bản, gần gũi và minh định đối với tộc người Việt, người Việt có nhiều từ để phân biệt là điều hiển nhiên và tất yếu.
Văn minh lúa nước thể hiện qua từ “lúa”
Người Việt vốn có tâm lý trọng nông và thực tế đã trải qua nhiều triều đại thực thi chính sách kinh tế chỉ chú trọng nông nghiệp. Những chính sách có thể kể đến là “quân điền, khẩn hoang, hộ đê; nhà vua lại thường ra sắc khuyến nông khiến các phủ huyện tổng lý phải khuyên dân chăm giữ bản nghiệp” [3, tr.34]. Dân gian Việt Nam có câu:
“Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông,
Nhất nông nhì sĩ.”
Và căn bản nhất của nghề nông không gì khác hơn nghề trồng lúa (trồng hoa màu xưa kia chỉ là nghề phụ xen giữa các vụ lúa). Bài ca dao dưới đây đã thẳng thắn lập luận không “công danh” nào bằng “canh nông”:
“Công danh theo đuổi mà chi,
Sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông.
Sớm khuya có vợ có chồng,
Cày sâu bừa kỹ mà mong được mùa.”
[1, tr.661]
Kể cả khi làm lúa thất bát, người nông dân vẫn dặn nhau chớ có ngã lòng:
Ai ơi! Nhớ lấy lời này:
Tằm nuôi ba lứa, ruộng cày ba năm.
Nhờ trời hòa cốc phong đăng,
Cấy lúa lúa tốt, nuôi tằm tằm tươi.
Được thua dù có tại trời,
Chớ thấy sóng cả mà rời tay co .
[1, tr.655]
Lẽ dĩ nhiên, khi làm nông nói chung và làm lúa nói riêng, ai cũng mong được mùa:
– “Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa trỗ bời bời nhà đủ người no.”
– “Bao giờ cho đến tháng Mười
Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn.
Bao giờ cho đến tháng Năm
Thổi nồi cơm nếp vừa ăn vừa nằm.”
[1, tr.656]
Muốn được mùa, người nông dân thường “cầu trời”, dựa vào “ơn trời”:
“Cầu cho mưa thuận gió lành,
Lúa vàng nặng hạt, ruộng anh được mùa.”
[1, tr.659]
Đó là tâm lý chung phản ánh tư duy thuở hồng hoang, cũng bởi “kỹ thuật canh tác chưa tiến bộ nên sức người ở đây rất mong manh trước bao nhiêu sức mạnh của ngoại giới” [8, tr.36], do đó mà nảy sinh tâm lý tôn kính tự nhiên, chịu ơn tự nhiên.
Dù vậy, người nông dân Việt Nam không hoàn toàn duy tâm, bởi muốn được mùa họ chủ yếu vẫn phải dựa vào kinh nghiệm trồng lúa tích lũy qua bao đời. Chẳng hạn kinh nghiệm “Giồng cây theo gió, cấy lúa theo mưa” [2, tr.549] hoặc “Lúa không phân như ông thần không áo” [2, tr.559].
Hoặc như câu “Lúa phơi màu trông nhau liềm hái” muốn cho thấy cái nhìn chuẩn xác của nhà nông với lúa má nhà mình. Cụ thể, “vụ chiêm vào tháng tư, lúa bắt đầu có hoa. Nếu trời nắng và có gió nồm nam, hoa lúa dễ thụ phấn, khi ấy gọi là lúa phơi màu. Vụ mùa vào tháng tám (lúa sớm), tháng chín (lúa muộn) bắt đầu có gió heo may mà lúa phơi màu thì thuận thời tiết. Vào những thời điểm ấy, nhà nông nên chuẩn bị liềm hái là vừa” [2, tr.559]. Còn câu “Bụi lúa trồng bằng đồng lúa gieo” [2, tr.525] cho thấy kinh nghiệm lúa trồng (lúa cấy) tốt hơn lúa gieo thẳng (lúa sạ ).
Người Việt còn nói “Gió đông là chồng lúa chiêm, gió bắc là duyên lúa mùa”, về nội dung, đây là một kinh nghiệm trồng lúa. Gió đông thổi từ biển vào vào mùa hè, mang theo hơi nước tạo mưa giúp cho cây lúa vụ chiêm phát triển. Gió bắc thổi vào mùa đông, giúp lúa vụ mùa (vụ đông) thụ phấn tốt, đạt năng suất cao. Đi sâu vào mặt từ vựng, cách dùng “chồng”, “duyên” còn cho thấy có sự nhân hóa cây lúa. Kỳ thực, người Việt rất giỏi nhân hóa, giỏi thổi hồn vào vạn vật, xem vạn vật cũng như người. Nhưng sự nhân hóa đối với cây lúa là một sự nhân hóa mà nói như Đào Thản là một sự nhân hóa “rất triệt để” [4, tr.7]. Chẳng hạn, người Việt có cách nói “đi thăm ruộng”, “đi thăm đồng” hoặc “đi thăm lúa”, “thăm” vốn là từ chỉ hoạt động giữa người với người. Người Việt cũng nói “lúa đương thì con gái” – một cách nói nhân hóa, đồng nhất lúa với người.
Những câu ca dao sau cũng là kinh nghiệm quý báu và có giá trị khoa học:
“Lập thu mới cấy lúa mùa,
Khác nào hương khói lên chùa cầu con.”
[1, tr.668]
“Nửa đêm sao sáng mây cao,
Triệu trời nắng gắt, nắng gào chẳng sai.
Lúa khô nước cạn ai ôi!
Rủ nhau tát nước chờ trời còn lâu.
[1, tr.676]
Gỗ kiền anh để đóng cày,
Gỗ lim gỗ sến anh nay đóng bừa.
Răng bừa tám cái còn thưa,
Lưỡi cày tám tấc đã vừa luống to.
Muốn cho lúa nảy bông to,
Cày sâu bừa kỹ phân tro cho nhiều.
[1, tr.664]
Và nỗi lo thường trực của nông dân không gì ngoài nỗi lo mất mùa, những câu tục ngữ sau thể hiện nỗi lo đó, đồng thời cho thấy kinh nghiệm trồng trọt cũng như quan niệm về lẽ được mất ở đời:
– “Được mùa lúa úa mùa cau, được mùa cau đau mùa lúa.”
– “Được mùa quéo, héo mùa chiêm.”
– “Được mùa dưa, sưa mùa lúa.”
[2, tr.548]
Còn câu ca dao sau thì thể hiện nỗi lo xa của nông dân về chuyện mùa vụ:
“Đói thì ăn ráy ăn khoai,
Chớ thấy lúa trỗ tháng Hai mà mừng.”
[1, tr.662]
Lúa trỗ vào tháng Hai theo kinh nghiệm của dân gian là năm đó mất mùa. Bên cạnh nỗi lo mất mùa còn có nỗi lo trộm đạo:
“Cấy lúa, lúa trỗ ra năn,
Kẻ trộm gặt mất con ăn bằng gì?
Con ăn lộc sắn lộc si,
Con ăn bằng gì, cho đến tháng Năm?”
[1, tr.660]
Ngoài nỗi lo, đương nhiên không thể thiếu những niềm vui, có những niềm vui rất đỗi bình dị:
“Cấy ba cây lúa cho chuôn ,
Anh đi dạo ruộng, dẫu buồn cũng vui.”
[1, tr.659]
Còn đây là không khí xóm làng rộn ràng trong mùa thu hoạch:
Bảo nhau gặt lúa vội vàng,
Mang về nhặt tuốt, luận bàn thóc dôi.
Người thì nhóm bếp bắc nồi,
Người đem đãi thóc để rồi đi rang.
Người đứng cối kẻ giần sàng,
Nghe canh gà gáy phàn nàn chưa xong.
Trong làng già trẻ thong dong,
Sớm khuya bện chổi chớ hòng rỗi tay.
[1, tr.658]
Lại nói, bàn về công việc nhà nông, ở đây là người trồng lúa, văn học dân gian có hàng loạt bài ca dao mô tả cụ thể, tuần tự cái “nghiệp nông gia” của mình. Xin dẫn ra sau đây vài bài sinh động:
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.
Chăm bề cày cấy cho xong,
Rồi lên sửa việc cung công thể nào.
Thi rằng: Trú nhĩ vu mao,
Lại câu: Tiêu nhĩ sách đào tương liên .
Kíp sửa nhà cửa được yên,
Mới ra vãi lúa ăn về mùa sau.
[1. tr.673]
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng Ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng Tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm.
Sáng ngày đêm lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười còn độ một, hai.
Ruộng thấp đóng một gàu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bây giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng Mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
[1. tr.683]
Tua rua đi rắc mạ mùa
Tiểu thử đi bừa, cấy ruộng đất sâu
Hàn lộ lúa trỗ bằng đầu
Lập đông là quyết về mau gặt mùa.
[1. tr.688]
Đừng chê em xấu em đen,
Vốn em ở đất đồng quen ba mùa.
Tháng Tư cấy trộm tua rua,
Tháng Sáu cấy mùa, tháng Chạp cấy chiêm.
Một năm ba vụ cấy liền,
Còn gì má phấn, răng đen hỡi chàng!
[1, tr.662-663]
Qua những bài ca dao trên, có thể thấy nghề làm ruộng là một công việc vất vả hầu như quanh năm. Phan Kế Bính nhận xét: “Nhà làm ruộng rất là cần khổ. Thoạt tiên cày vỡ, bừa cỏ, rồi đến gieo mạ cấy lúa. Cày hôm cuốc sớm, vất vả quanh năm, nào khi làm cỏ, nào khi tát nước; giời nắng chang chang, sém cả da cháy cả thịt cũng phải lọm cọm ở giữa cánh đồng, qua sang đông thì giời rét như cắt ruột, xẻo da mà cũng phải dầm chân xuống nước. Nói rút lại thì nghề nghiệp nước ta, không nghề gì khó nhọc bằng nghề làm ruộng” [9, tr.205]. Sự vất vả, cơ cực quanh năm đó của nông gia đã được thể hiện rất đầy đủ trong ca dao, tục ngữ vậy.
Nếu có thể thống kê cho đầy đủ thì số lượng tục ngữ, ca dao, dân ca, cổ tích, vè, đồng dao, câu đố,… nói về cây lúa và những thứ liên quan chắc chắn sẽ là một số lượng rất lớn. Bản thân những từ dùng để chỉ các bộ phận và sản phẩm của cây lúa như đã được nêu sơ bộ trên đây cũng là một số lượng khá lớn. Tất cả đã tập hợp thành một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố quan hệ chặt chẽ với nhau mà qua đó, mối liên hệ mật thiết giữa tộc người Việt và nền văn minh lúa nước phần nào được bộc lộ.
Về cơ bản, có thể phân nhóm các câu ca dao tục ngữ liên quan cây lúa thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất nói về kinh nghiệm của nông gia và công việc sản xuất cấy cày. Nhóm thứ hai có nội dung mượn những hình ảnh ruộng đồng, cấy lúa, giã gạo để bày tỏ tâm tư, tình cảm như tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Nhóm thứ ba là nhóm nói về đạo đức, luân lý ở đời thông qua các hình tượng của lúa. Như vậy, có thể nói lúa đã hiện diện trong rất nhiều mặt đời sống của người Việt và đi vào văn học dân gian một cách hết sức nhuần nhuyễn. Tất nhiên, độ phong phú của từ vựng về lúa cũng như sự hiện diện dày đặc của lúa trong văn học dân gian chỉ là một mặt của vấn đề. Để hiểu sâu sắc hơn về lúa và nền văn minh lúa nước đối với người Việt còn cần phải đi sâu vào nội dung ngữ nghĩa của các từ, các câu ca dao, tục ngữ đó và rộng hơn là những thể loại khác của văn học dân gian nữa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tổng tập văn học dân gian người Việt. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. Tập 15. Ca dao. 2002.
- Tổng tập văn học dân gian người Việt. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. Tập 1. Tục ngữ. 2002.
- Đào Duy Anh. (1938). Việt Nam văn hóa sử cương. Tái bản năm 2014. Hà Nội: NXB Thế giới.
- Đào Thản. (1998). Cây lúa, tiếng Việt và nét đẹp văn hoá, tâm hồn Việt Nam. (8 trang). Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất (1998). Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đinh Gia Khánh (Chủ biên). (2009). Văn học dân gian Việt Nam. Tái bản lần thứ 12. Hà Nội: NXB Giáo dục.
- Hoàng Phê (Chủ biên). (2013). Từ điển tiếng Việt. Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.
- Hoàng Tuệ. (2014). Cuộc sống ở trong ngôn ngữ. HCM: NXB Trẻ.
- Lương Đức Thiệp. (2017). Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại. Tái bản lần thứ nhất. Hà Nội: NXB Tri Thức.
- Phan Kế Bính. (1915). Việt Nam phong tục. Tái bản năm 2019. Hà Nội: NXB Hồng Đức.
- Trần Ngọc Thêm. (2000). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Tái bản lần thứ hai. Hà Nội: NXB Giáo dục.
- Vũ Ngọc Phan (2017). Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn học.
- Website https://cadao.me/.