Cây lúa trong ngôn ngữ người Việt – Kỳ 1: Nông cụ
| On Th1029,2020(Ngày ngày viết chữ) Trong mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, cái gì càng ăn sâu vào văn hóa, cái đó càng được thể hiện đa dạng trong ngôn ngữ. Bởi lẽ, người ta vẫn luôn nói rất nhiều về những thứ gắn bó, gần gũi với mình.
Đó chính là lý do người Việt có rất nhiều từ vựng liên quan đến cây lúa và nghề trồng lúa. Loạt bài Cây lúa trong ngôn ngữ người Việt này sẽ liệt kê một số từ vựng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa người Việt và cây lúa.
Kỳ đầu tiên sẽ bàn về nông cụ.
1. Cày
Là “nông cụ có lưỡi bằng gang, sắt, dùng sức kéo để lật đất và làm vỡ lớp đất trồng trọt” (Từ điển Hoàng Phê, 2013). Theo truyền thống, người Việt dùng cày để cày ruộng trồng lúa. Tức là người ta không dùng từ “cày ruộng” để chỉ việc trồng trọt khác ngoài trồng lúa. Hình ảnh “con trâu đi trước cái cày đi sau” là hình ảnh quen thuộc và tiêu biểu cho văn hóa trồng lúa của người Việt.
Lưỡi cày thường làm bằng kim loại (thường là sắt), chuôi thường làm bằng cây mù u (do gỗ rất cứng), cán và ách có thể làm bằng gỗ dầu, sao,…
2. Bừa
Sau khi cày ruộng, để làm cho đất tơi ra, nhỏ ra, hoặc để san phẳng, người ta dùng bừa. Nếu cày dùng để xới sâu thì bừa dùng để xới đất trên bề mặt. Ca dao có câu:
Ơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
cho thấy công dụng khác nhau của hai loại nông cụ này. Ngoài ra người ta còn dùng bừa để làm sạch cỏ.
3. Trục
Trục là một nông cụ dùng để làm nhuyễn và san phẳng đất, chuẩn bị gieo cấy. Trục làm bằng “khúc gỗ to và dài, có hình răng khế, do trâu bò kéo lăn tròn trên mặt ruộng, để làm cho đất nhuyễn” (Từ điển Huỳnh Công Tín, 2007). Do cách sử dụng lăn tròn nên người ta còn gọi là trục lăn, nhưng thông thường chỉ gọi là trục.
4. Phảng
Phảng là “dụng cụ có lưỡi bằng sắt to bản, cán dài, dùng để phát cỏ” (Từ điển Hoàng Phê). Phần tay cầm phảng được uốn cong, ngắn vừa tay. Có nhiều loại phảng, như phảng cổ cò, phảng náp. Mỗi loại có đặc điểm riêng, có loại dùng cho người trẻ khỏe (tốn nhiều sức nhưng cỏ phát được nhiều), cũng có loại dành cho người lớn tuổi hơn.
5. Cuốc
Cuốc là “nông cụ gồm một lưỡi sắt tra thẳng góc vào cán dài, dùng để bổ, xới đất” (Từ điển Hoàng Phê). Công dụng của cuốc giống như cày. Nhưng cuốc chỉ dùng ở những khoảng đất hẹp (không thể dùng cày), hoặc khi cần xới một khoảnh đất nhỏ thì mới dùng cuốc.
6. Bồ cào
Bồ cào là “dụng cụ để cào cỏ, rơm, lúa, có cán dài, đầu cán có một thanh gỗ ngang vài tấc và những răng tre được gắn vào” (Từ điển Huỳnh Công Tín). Bồ cào, có nơi gọi là bò cào, bù cào hoặc bùa cào.
7. Trang
Trang cũng có thể xem là một loại bồ cào. Trang cũng có cán dài, nhưng không có phần răng cưa mà thay bằng một miếng ván. Trang thường dùng để cào lúa. Có thể vì cấu tạo gồm một miếng ván phẳng, hoặc có thể vì công dụng cào lúa cho bằng phẳng nên có tên gọi là trang.
8. Lưỡi hái
Lưỡi hái là dụng cụ thường dùng để gặt lúa. Cấu tạo gồm phần lưỡi bằng kim loại (như sắt) và phần cán cầm tròn bằng gỗ. Hầu như chỉ có người làm lúa mới sử dụng lưỡi hái. Duy có trường hợp tử thần theo quan niệm xưa cũng dùng lưỡi hái.
9. Bồ đập lúa
Là dụng cụ dùng để đập lúa. Cấu tạo bồ đập lúa gồm:
– Thùng bồ bằng lá chầm, cao quá đầu người, kín ba mặt, mặt còn lại chỉ cao một phần ba, hai phần ba còn lại chừa trống để đứng đập lúa.
– Đáy bồ bằng ván, lót bên dưới để đựng lúa sau khi đập ra.
Ngoài ra còn có thanh bồ, công bồ, thang bồ là các thành phần phụ khác.
10. Cộ
Cộ là “xe quệt, loại vật dụng có hình chữ nhật, được vây cót, hoặc đóng nẹp xung quanh dùng để đựng lúa, dưới có hai càng dọc với hai đầu cong lên ở hai bên để dễ cho trâu hoặc người kéo, cộ có thể di chuyển lướt trên ruộng lúa” (Từ điển Huỳnh Công Tín).
Cộ này cũng chính là thành tố “cộ” trong từ ghép “xe cộ” thường dùng để chỉ chung các loại xe.
11. Sàng, giần, nia
Sàng là “đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có nhiều lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm” (Từ điển Hoàng Phê).
Giần cũng đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có nhiều lỗ nhỏ, dùng để tách gạo và cám. Còn nia thường cũng đan bằng tre, hình tròn như vậy, nhưng đan khít, kích thước lớn, thường dùng để phơi hoặc đựng.
Ngoài những nông cụ kể trên, còn rất nhiều nông cụ làm lúa khác mà người nông dân có thể gọi tên rất dễ dàng. Sự chi tiết trong tên gọi như thế chứng tỏ sự ý thức phân biệt các thao tác cũng như công dụng của các nông cụ này. Điều đó cũng chứng minh độ gắn bó mật thiết của người nông dân Việt Nam đối với nghề trồng lúa.