Bút chẳng tà – Từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu
| ngày Th409,2022
(Ngày ngày viết chữ) “Bút chẳng tà” là loạt bài giới thiệu một số từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu do Ngày ngày viết chữ thực hiện. Tên tên loạt bài lấy từ câu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” trong bài “Than đạo” của cụ Đồ Chiểu.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
>> Quang khuê tảo – từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Trãi

★ Én vào nhà khác ★
Trong Thơ điếu Phan Tòng, bài thứ 3*, Nguyễn Đình Chiểu có viết:
“Én vào nhà khác toan nào kịp,
Hươu thác tay ai vọi hãy xa.”
Sách “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu”** giảng:
– Én vào nhà khác: Chim én thường chọn làm tổ ở những nhà cao đẹp, nhà hư đổ, én sẽ bay tìm chỗ khác. Ý câu thơ là thời cuộc đổi thay, con người không chuyển kịp theo thời thế.
– Hươu thác tay ai: Do thành ngữ “lộc tử thuỳ thủ” (鹿死誰手), tức nói thiên hạ hay ngôi vua chưa biết về tay ai, chưa biết ai được ai thua.
Nguyên văn bài thơ điếu này như sau:
“Thương thay tạo vật khuấy người ta,
Nam đổi làm Tây chính lại tà.
Trống nghĩa bảo an theo sấm rạp,
Cờ thù công tử guộn mây qua.
Én vào nhà khác toan nào kịp,
Hươu thác tay ai vọi hãy xa.
Trong số nên hư từng trước mách,
Người ôi! trời vậy tính sao ra.”
(Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu, tr.574.)
Trong bài này còn mấy từ được cắt nghĩa thêm như sau:
– “Bảo an” chỉ nghĩa quân của Phan Tòng là những người gìn giữ sự yên ổn cho dân chúng.
– “Công tử” ở đây chỉ Phan Tòng.
– “Guộn” cũng như “cuốn”, “guộn mây” là cuốn theo mây.
– “Vọi” là dấu hiệu, điềm bày ra cho người ta thấy.
———–
(*) Thơ điếu Phan Tòng của Nguyễn Đình Chiểu gồm 10 bài, đặt tên chung là “Điếu Ba Tri Đốc binh Phan công trận vong thập thủ”. Phan Tòng, hay Phan Ngọc Tòng, là lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp năm 1868 tại Ba Tri, Bến Tre.
(**) “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu”, Ca Văn Thỉnh – Nguyễn Sỹ Lâm – Nguyễn Thạch Giang, NXB Văn Học, 2016.

★ Cá núp trong nò ★
Trong bài “Ký bào đệ thơ”, Nguyễn Đình Chiểu viết: “Bề ở ăn như cá núp trong nò, thân đùm đậu như én nằm trên gác”.
Cá núp trong nò: “Nò” là “dụng cụ để bắt cá, hình trụ đứng, được đan bằng tre, có xẻ một đường từ trên xuống theo dạng tam giác, để cá vào mà không ra được” (theo “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín, 2007). “Cá núp trong nò” ý nói thân mình như cá ở trong nò, có nhiều bất trắc nên phải biết thận trọng.
Én nằm trên gác: Cách nói này chỉ cảnh ngộ mà người ta gặp phải, lầm đường lạc bước hoặc rơi vào tình thế ở không đúng chỗ, do đó phải biết giữ thân mình. “Thân đùm đậu” là thân được người người ta đùm bọc che chở, được người ta cho nương nhờ. (Dẫn theo “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu”, Ca Văn Thỉnh – Nguyễn Sỹ Lâm – Nguyễn Thạch Giang biên soạn, NXB Văn Học, 2016.)
Cả câu trên có ý khuyên răn người đang ở tình cảnh bất trắc, đang lâm vào cảnh ngộ nào đó thì phải thận trọng giữ mình. Ở đây cụ Đồ Chiểu viết thư khuyên người em ruột (bào đệ) là Nguyễn Đình Tự, khi cụ biết em mình sắp cưới vợ lẽ.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nói chung rất giản dị, đồng thời cũng hết sức giàu hình ảnh, có nhiều hình ảnh lấy từ điển tích Nho học, cũng có nhiều hình ảnh gắn liền với nếp sinh hoạt sông nước của dân gian Nam Bộ. Dưới đây xin trích vài câu:
“Em sao chẳng nghĩ, anh rất đỗi lo
Bề ở ăn như cá núp trong nò, thân đùm đậu như én nằm trên gác.
Cám nỗi phụ huynh thêm bát ngát, phận làm tử đệ há nguôi ngoai.
Sung sướng chi mà chồng một vợ hai, giàu sang mấy mà quần đôi áo cặp.
Thân rảnh sao chẳng cấp, tính xấu cũng nên chừa.
Trời khôn lường trưa sớm nắng mưa, người đâu biết hôm mai hoạ phước.
Chi bằng giữ câu kiệm ước, nào hơn lánh bợm phong lưu.
Việc oán hận chẳng nên cưu, thói ve vãn ăn chơi đừng bắt chước…”

★ Cầm đuốc chơi đêm ★
Trong truyện thơ “Dương Từ – Hà Mậu” của Nguyễn Đình Chiểu có một bài thơ (truyện “Dương Từ – Hà Mậu” có nhiều bài thơ, văn tế, câu đối) mở đầu bằng hai câu như sau:
“Người xưa cầm đuốc dạo đêm chơi,
Nào có cưu chi cái việc đời.”
“Cầm đuốc dạo đêm chơi”, hay “cầm đuốc chơi đêm”, cũng dùng “đốt đuốc chơi đêm”, gốc là “bỉnh chúc dạ du” (炳燭夜遊), ý chỉ việc tranh thủ tận hưởng cuộc sống vì đời người ngắn ngủi.
Sách “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu” (Ca Văn Thỉnh – Nguyễn Sỹ Lâm – Nguyễn Thạch Giang biên soạn, NXB Văn Học, 2016) giảng cụ thể như sau:
“Đời con người ta quá ngắn, phải tranh thủ mà vui chơi, cổ thi: Trú đoản khổ dạ trường, hà bất bỉnh chúc du? Ngày ngắn khổ nỗi đêm dài, sao không cầm đuốc chơi đêm. Thơ Lý Bạch: Quang âm giả bách đại chi quá khách, nhi phu sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà. Cổ nhân bỉnh chúc dạ du lương hữu di giã. Tức là ngày giờ thì như người khách đi qua mãi mãi trăm đời, mà kiếp phù sinh của con người thì như một giấc mộng, vui được bao nhiêu. Cổ nhân cầm đuốc chơi đêm thật có lý do vậy.”
Còn câu “Nào có cưu chi cái việc đời”, “cưu” nghĩa là mang lấy mà lo lắng cho việc gì đó.
Trong truyện “Dương Từ – Hà Mậu”, bài thơ này là của một hoà thượng vốn tên là Trần Kỷ. Trần Kỷ xưa theo nho học nhưng vì “thi văn chẳng đỗ lộn ra cửa thiền” (nhiều lần đi thi mà không đậu nên đi tu).
Trước Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi cũng từng vài lần nhắc chuyện “cầm đuốc chơi đêm” như sau:
1. Bài “Thơ tiếc cảnh” thứ 6:
“Chớ cười hiền trước rằng dại,
Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.”
2. Bài “Thơ tiếc cảnh” thứ 7:
“Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ(*) xuân qua tuổi tác thêm.”
3. Bài “Cuối xuân”:
“Cầm đuốc chơi đêm này khách nói,
Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân.”
___________
(*) “Lệ” nghĩa là sợ, lo sợ.
Sẽ còn cập nhật.