Hướng dẫn sử dụng từ điển đúng cách để bồi dưỡng kỹ năng viết
| On Th901,2024(Ngày ngày viết chữ) Từ điển là một công cụ tốt dành cho người học viết, học dịch hoặc biên tập. Tuy nhiên, tuỳ vào kỹ thuật học tập và năng lực cá nhân mà từ điển có thể phát huy tác dụng khác nhau. Có người đọc từ điển thấy rất cuốn, học hỏi được rất nhiều, nhưng cũng có người thấy từ điển rất chán, không học được bao nhiêu.
Bài viết này nêu ra vài hướng dẫn mong có thể giúp bạn tiếp cận từ điển dễ hơn, học được nhiều từ vựng và quan trọng hơn là vận dụng các từ ấy vào bài viết, vào bản dịch của mình tốt hơn.
Có một câu nói về từ điển, đại khái thế này:
Một cuốn từ điển chứa mọi từ mà bạn từng đọc hoặc viết, và thậm chí, chưa từng đọc hoặc viết.
Câu trên thật ra hơi phóng đại. Từ điển cũng không toàn năng đến thế, vẫn có những trường hợp từ điển thiếu thốn một số từ nào đó – do bỏ sót hoặc do chưa kịp ghi nhận. Nhưng về cơ bản thì câu trên vẫn đúng. Từ điển thật sự là một kho từ vựng mà chúng ta có thể sở hữu và sử dụng dễ dàng.
Những từ điển tiếng Việt nên dùng
Trước tiên, chúng ta cùng xem một số từ điển mà người học viết, học dịch hoặc biên tập nên dùng thông qua bảng dưới đây:
Phân loại | Tên từ điển |
Từ điển tiếng Việt | 1. Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên); 2. Việt Nam tự điển (2 tập – Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính); 3. Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của); 4. Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến Đức). |
Từ điển Hán Việt | 5. Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh); 6. Hán Việt tự điển (Thiều Chửu); 7. Từ điển Hán Việt từ nguyên (Bửu Kế); 8. Đại tự điển Hán-Việt – Hán ngữ cổ và hiện đại (Trần Văn Chánh). |
Từ điển chữ Nôm | 9. Từ điển chữ Nôm dẫn giải (2 tập – Nguyễn Quang Hồng); 10. Đại tự điển chữ Nôm (Vũ Văn Kính). |
Từ điển phương ngữ Nam Bộ | 11. Từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín); 12. Tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển). |
Tra online | – http://tratu.soha.vn/ – https://chunom.net/Tu-dien.html – https://hvdic.thivien.net/ |
Từ điển từ đồng nghĩa, trái nghĩa | Trên thị trường thường có loại bỏ túi dành cho học sinh, tuy không đầy đủ nhưng cũng có thể tham khảo đôi chút. |
Trong các cuốn từ điển trên, cuốn số 1 và số 5 rất xứng đáng được đầu tư. Bạn có thể lấy cuốn số 1 làm cuốn cơ sở và cuốn số 5 sẽ bổ sung hoàn hảo cho cuốn số 1. Bởi vì cuốn số 1 là từ điển phổ thông, còn cuốn số 5 là từ điển Hán Việt, nó sẽ bổ sung những từ Hán Việt mà cuốn số 1 không có.
BẠN CÓ THỂ XEM: Danh sách những cuốn sách người học viết, học dịch nên đọc do Ngày ngày viết chữ giới thiệu
Chú ý quy ước trình bày khi sử dụng từ điển
Trước khi sử dụng từ điển, chúng ta cần lưu ý điều này: Ở đầu mỗi cuốn từ điển hầu như đều có phần giới thiệu về nội dung, cấu tạo cũng như mục quy ước trình bày, cách viết tắt các thuật ngữ. Bạn nên đọc kỹ phần này và tìm hiểu kỹ ý nghĩa của các thuật ngữ.
Chẳng hạn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) có một số quy ước như sau:
b. là viết tắt của bóng (nghĩa bóng);
d. là viết tắt của danh từ, hay danh ngữ hoặc tổ hợp tương đương;
đ. là viết tắt của đại từ, hay tổ hợp đại từ;
đg. là viết tắt của động từ, hay động ngữ hoặc tổ hợp tương đương;
id. là viết tắt của ít dùng;
k. là viết tắt của kết từ, hay tổ hợp kết từ;
p. là viết tắt của phụ từ;
tr. là viết tắt của trợ từ, hay tổ hợp trợ từ;
trtr. là viết tắt của trang trọng.
Trong các quy ước trên, id. – ít dùng nghĩa là từ này hiện nay ít được sử dụng, trtr. – trang trọng nghĩa là từ này dùng trong ngữ cảnh trang trọng. Các trường hợp kiểu này thì bạn đọc có thể hiểu ngay. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, chẳng hạn p. – phụ từ và tr. – trợ từ thì không phải người đọc nào cũng hiểu, nhất là những bạn đọc thiếu kiến thức nền tảng ngôn ngữ học. Việc hiểu rõ thế nào là danh từ, danh ngữ, đại từ, động từ, động ngữ, kết từ, phụ từ, trợ từ, v.v. có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng đúng chức năng ngữ pháp của từ khi đặt câu. Thành ra, trước khi đọc từ điển, chúng ta nên dành thời gian đọc kỹ phần giới thiệu, nếu có bất kỳ thuật ngữ nào mình chưa hiểu, thì nên tra cứu, tìm hiểu thêm.
Cách đơn giản nhất là tìm hiểu thuật ngữ ấy ngay trong cuốn từ điển mà mình đang xem luôn, ví dụ không hiểu “phụ từ” mà Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) nói là gì, chúng ta lật tới mục “phụ từ” của từ điển này để xem giải thích luôn. Nếu xem giải thích xong vẫn chưa hiểu lắm thì lại tra cứu thêm các nguồn khác. Bạn có thể dùng scholar.google.com để tra cứu.
Hướng dẫn chung về cách sử dụng từ điển
Về cách sử dụng từ điển, chúng ta có hai cách cơ bản: một là tra từ điển bất cứ khi nào gặp một từ có vấn đề, hai là đọc từ điển như đọc một cuốn sách thông thường.
Ở cách thứ nhất, từ có vấn đề là từ mà bạn không hiểu nghĩa cho lắm, hoặc không hiểu hoàn toàn. Từ có vấn đề cũng có thể là từ mà bạn trước giờ vẫn luôn hiểu, vẫn luôn dùng đúng, nhưng nay (có thể là kể từ khi đọc bài viết này) bạn cảm thấy tò mò. Chẳng hạn, trước giờ bạn vẫn biết và sử dụng hợp lý từ “vấn đề”, nhưng bỗng dưng bạn tò mò “thế vấn đề rốt cục là gì nhỉ?”, thì bạn nên giở từ điển ra tra.
Còn cách thứ hai nghĩa là bạn cứ giở từ điển ra đọc thôi, như bạn vẫn đọc một cuốn sách thông thường nào đó. Bạn có thể đọc tuần tự từng trang, hoặc là đọc theo kiểu tuỳ ý, mở ra tới trang nào thì đọc trang đó. Nếu cách thứ nhất có thể dùng với từ điển online thì cách thứ hai chỉ có thể dùng với từ điển giấy.
Bạn nên áp dụng song song cả hai cách trên và mỗi ngày nên ghi chú lại khoảng 10-15 từ mà bạn học được vào sổ nhật ký từ vựng. Việc tiếp theo là bạn nên cố gắng sử dụng 10-15 từ ấy khi bạn nói và càng quan trọng hơn là sử dụng trong bài viết tiếp theo của bạn.
Trong vòng 24 giờ sau khi học được một từ thú vị, mới mẻ, chúng ta nên dùng từ đó để đặt câu, để viết một đoạn văn ngắn, để làm đôi dòng thơ.
Cần lưu ý là, 10-15 từ ở trên không chỉ là những từ phức tạp mà hoàn toàn có thể là những từ đơn giản mà bạn đã biết. Chúng ta phải hiểu rằng, chất lượng một bài viết, một câu chuyện không được xác định dựa vào số lượng từ vựng phức tạp mà tác giả sử dụng. Trái lại, việc sử dụng các từ đơn giản vẫn có thể tạo nên tác phẩm xuất sắc. Vốn từ vựng của một người không chỉ là người đó biết thật nhiều từ (bề rộng) mà còn là người đó biết nhiều cách sử dụng của một từ và có thể sử dụng linh hoạt trong nhiều tình huống (bề sâu).
Một vài mẹo để dùng từ điển tốt hơn
1. Đối chiếu các từ điển khác nhau
Bạn nên có vài từ điển và mỗi khi thắc mắc một từ, bạn nên tra xem mỗi từ điển giảng giải từ đó như thế nào, có gì khác nhau không. Lấy từ “đả đớt” làm ví dụ, chúng ta hãy xem các từ điển khác nhau nói gì.
– Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): trt. Đớt-đát, cách nói không sửa do lưỡi quá dài, quá ngắn hay quá dày: Nói đả-đớt.
– Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê): đg. Từ gợi tả cách nói không rõ, không đúng một số âm, thường do nói chưa sõi hoặc do nũng nịu. Chừng ấy tuổi mà còn đả đớt.
– Từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín): vt. Phát âm nũng nịu khiến tiếng không rõ, ngữ điệu dài, nghe khó. Con nói cho nó đàng hoàng. Nói đả đớt riết rồi nó quen đi. Sau này sửa không được đâu.
Xem cách ba cuốn từ điển ở trên định nghĩa và cho ví dụ từ “đả đớt”, chúng ta có thể thấy gì?
Thứ nhất, Việt Nam tự điển xem “đả đớt” là trạng từ (trt.), Từ điển tiếng Việt xem “đả đớt” là động từ (đg.), còn Từ điển từ ngữ Nam Bộ xem “đả đớt” là vị từ (vt.). Ở đây cần nói thêm, vị từ có thể hiểu là khái niệm chỉ chung động từ và tính từ, cho nên cách phân từ loại cho “đả đớt” của Từ điển từ ngữ Nam Bộ và Từ điển tiếng Việt có thể nói là giống nhau.
Thứ hai, về ý nghĩa, Việt Nam tự điển cho rằng “đả đớt” là lỗi phát âm do vấn đề của cơ quan cấu âm (lưỡi), còn hai từ điển còn lại cho rằng “đả đớt” có thể một phần (hoặc hoàn toàn) do người nói cố ý phát âm không rõ ràng (vì muốn nũng nịu). Xét về thời điểm, Việt Nam tự điển ra đời sớm nhất (1970), hai cuốn còn lại ra đời muộn hơn, cho nên cách dùng “đả đớt” có thể về sau đã có thay đổi, thành ra Việt Nam tự điển không ghi nhận nét nghĩa phát âm sai do nũng nịu. Xét về địa điểm, Từ điển từ ngữ Nam Bộ là từ điển phương ngữ Nam, chỉ ghi nhận cách dùng của người Nam Bộ (có thể bao gồm Nam Trung Bộ), có thể vì vậy mà từ điển này quy “đả đớt” là cách phát âm nũng nịu (cố ý) chứ không ghi nhận nét nghĩa “chưa nói sõi” hoặc bị khiếm khuyết ở cơ quan cấu âm (nguyên nhân có thể người Nam Bộ thật sự chỉ dùng nét nghĩa này, ví dụ: Nhà có đứa con nít mới đẻ, sớm chiều nói đả đớt đả đớt với nó coi vậy mà vui.)
Thứ ba, về ví dụ. Thường thì mỗi từ điển sẽ nêu ví dụ khác nhau (thỉnh thoảng cũng trùng do lấy thành ngữ, ca dao làm ví dụ) và ta cũng học được nhiều dựa vào ví dụ. Trong trường hợp “đả đớt”, ví dụ của Từ điển tiếng Việt và ví dụ của Từ điển từ ngữ Nam Bộ là ví dụ tốt, ta có thể dựa vào đó hình dung ngữ cảnh sử dụng từ này, còn ví dụ của Việt Nam tự điển thì chung chung, chưa gợi lên được gì nhiều. Một số từ điển khi cho ví dụ thường hướng đến tính cô đọng, súc tích (có thể vì lý do rất kỹ thuật là giới hạn độ dài), nhưng mà, càng cô đọng súc tích thì càng thiếu tính gợi mở, càng hạn chế khả năng hình dung và vận dụng của người đọc. Vậy nên, chúng ta rất nên cân nhắc tra nhiều nguồn từ điển, để nguồn này bổ sung cho nguồn kia.
2. Thay vì dùng từ, hãy dùng định nghĩa của từ
Nếu cảm thấy việc dùng một từ x nào đó là nhàm chán, bạn hãy thử thay vì dùng x, hãy dùng định nghĩa của x trong từ điển.
Tức là, trước hết bạn kiểm tra định nghĩa của một từ đơn giản trong hai hoặc ba hoặc hơn ba từ điển. Tiếp theo, bạn xác định định nghĩa mà bạn thấy phù hợp nhất với câu/đoạn văn của mình. Cuối cùng, bạn dùng định nghĩa ấy để viết lại câu/đoạn văn.
Chúng ta hãy thử làm như thế với từ “nhớ” (trong trường hợp “nhớ thương”, không phải “ghi nhớ”):
– Nhớ: Nghĩ đến với tình cảm tha thiết muốn được gặp, được thấy người hay cảnh thân thiết nào đó hiện đang ở cách xa (Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê).
– Câu đã viết: Thằng bé gần đây cứ thấy nhớ mẹ.
– Câu viết lại: Thằng bé gần đây cứ nghĩ đến mẹ, đòi gặp mẹ suốt.
Thử thêm một từ nữa là “siêng”:
– Siêng: Có sự chú ý thường xuyên để làm việc gì đó một cách đều đặn (Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê).
– Câu đã viết: Chị gái tôi rất siêng học vẽ.
– Câu viết lại: Chị gái tôi mỗi ngày đều đặn dành ra hai tiếng học vẽ.
Tất nhiên, không phải lúc nào cách viết như trên cũng xuất sắc. Có khi viết ngắn gọn trực tiếp “thằng bé nhớ mẹ” là đã đủ hay và phù hợp rồi, nhưng đây là một mẹo có thể giúp bạn miêu tả tốt hơn, rõ ràng hơn, tránh được lối viết kể chung chung.
Hãy hình thành cho bản thân thói quen tra cứu từ điển, không chỉ khi mình gặp một từ lạ, mà còn cả khi mình nghĩ về những từ quen.
3. Đừng hời hợt khi sử dụng từ điển từ đồng nghĩa
Từ điển từ đồng nghĩa là một công cụ hữu ích. Từng có những bạn đọc than thở với chúng tôi rằng tiếng Việt rất thiếu từ điển từ đồng nghĩa (trong khi tiếng Anh có rất nhiều). Từ điển từ đồng nghĩa chất lượng tốt lại càng ít hơn. Do đó, mỗi khi cần một từ đồng nghĩa để thực hiện phép thế, để tránh lặp từ, nhiều bạn bị bí.
Thật vậy, khi tra cứu từ điển, nhất là từ điển online, các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung thường xuyên cung cấp một lượng lớn từ đồng nghĩa (và cả từ trái nghĩa). Từ điển tiếng Việt cũng có nhưng ít hơn. Có điều, chúng tôi xin lưu ý rằng, hầu như không có hai từ nào đồng nghĩa với nhau hoàn toàn.
Ví dụ, chúng ta có thể xem “mừng” là từ đồng nghĩa của “vui”, nhưng chúng ta cũng phải hiểu rõ rằng “mừng” và “vui” không đồng nghĩa hoàn toàn và không phải lúc nào cũng thay thế cho nhau được. Xét các trường hợp sau:
– Gặp anh, tôi vui lắm.
– Gặp anh, tôi mừng lắm.
Hai câu này có thể tạm xem là đều ổn, thay thế cho nhau được.
– Vợ chồng em gởi anh chị chút quà mừng tân gia.
– *Vợ chồng em gởi anh chị chút quà vui tân gia.
Hai câu này, câu đánh dấu * cũng không hẳn là sai, nhưng nó hơi bất thường, có lẽ ít được dùng.
Hoặc một trường hợp khác chúng tôi cũng thường nói tới, là “cùng” và “với”. Nhiều bạn cho hai từ này đồng nghĩa, nói “cùng nhau” hay “với nhau” đều được, nhưng xét hai câu sau:
– Em ra Hà Nội cùng anh. (1)
– Em ra Hà Nội với anh. (2)
Hai câu này không thể nói là như nhau được. Câu (1) có thể có nghĩa là “em” và “anh” cùng nhau đi Hà Nội, còn câu (2) có lẽ nên hiểu “anh” đang ở Hà Nội sẵn rồi, giờ “em” ra đó với “anh”.
Tựu trung, chúng ta phải nhớ rằng đừng sử dụng từ điển từ đồng nghĩa mù quáng. Trong nhiều trường hợp, từ điển từ đồng nghĩa chỉ liệt kê các trường hợp đồng nghĩa chứ không giải thích cặn kẽ từng từ, không thể hiện được điểm giống và điểm khác giữa các từ đang xét. Thành thử, khi sử dụng từ điển từ đồng nghĩa, hoặc khi tìm kiếm một từ đồng nghĩa, chúng ta nhớ kiểm tra định nghĩa của từng từ và lựa chọn từ cho chính xác.
Trên đây là một số hướng dẫn sử dụng từ điển, Ngày ngày viết chữ hy vọng là sẽ hữu ích đối với công việc viết lách, dịch thuật của các bạn. Có thể lúc bắt đầu, bạn sẽ thấy từ điển rất chán, vì đọc từ điển mà thấy từ điển cuốn hút là một “cảnh giới” phải luyện dần mới đạt được. Xa hơn, sử dụng từ điển để viết đúng và viết hay lại là một chuyện phải dụng công dụng tâm, không phải chuyện một sớm một chiều mà thành. Vậy nên, với tư cách là một người cầm bút, bạn hãy kiên trì và gắn bó với từ điển nhé!