Ghi chép về một vài từ ngữ thú vị nhân đọc lại “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”
| On Th1019,2022(Ngày ngày viết chữ) “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” là một tác phẩm “địa phương chí Nam Bộ” của Nguyễn Liên Phong. Tác phẩm được viết bằng thể thơ lục bát, dài 6.750 câu. Trong tác phẩm này, ngoài những câu chuyện đất và người Nam Bộ, bạn đọc còn bắt gặp nhiều từ ngữ thú vị mà hiện nay có thể ít được dùng.
Bài viết này Ngày ngày viết chữ giới thiệu một số từ ngữ như thế, dựa theo bản “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” do Cao Tự Thanh – Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu. Bài viết chỉ giới thiệu sơ bộ, khuyến khích bạn đọc mua sách về xem cho tỏ tường.
MỞ RỘNG VỐN TỪ QUA CÁC BÀI VIẾT
>> Vài trường hợp nhất tự đa âm đa nghĩa
>> Một số từ bị mờ nghĩa trong tiếng Việt
Bát cạy
259. Bảo Giác Ngư, đồn Tam Kỳ,
Vòng vo bát cạy bôn trì Ngưu Giang.
Bát là lái qua bên phải, cạy là lái qua bên trái. Bát cạy là từ dùng trong việc giao thông trên sông nước ngày xưa. Cũng trong tác phẩm này còn có câu: Bát qua cạy lại quanh co (câu 5451).
Bồ chì
1947. Mỗi năm chịu bạc bồ chì,
Giao cho Bà phước để khi xây dùng.
Bồ chì là biến âm của phù trì – 扶持, chỉ việc trợ cấp giúp đỡ. Bản dịch “Chinh phụ ngâm khúc có câu”: Mẹ già phơ phất mái sương, Con thơ măng sữa vả đương phù trì.
Bưng trấp
4345. Kheo khư chỗ rất dị kỳ,
Tư bề bưng trấp giữa thì tháp xây.
Bưng là đầm lầy rộng. Trấp là đầm nhỏ hẹp nhưng sâu.
Cô chưởng nan minh
3279. Ai dè cô chưởng nan minh,
Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi.
Cô chưởng nan minh, thành ngữ, chữ Hán viết là 孤掌難鳴, nghĩa là một bàn tay đơn lẻ thì vỗ không thành tiếng, ý nói thế lực đơn độc lẻ loi khó thành công.
Cổ quăng
2499. Ngài hay độ lượng khoan hường,
Thương dân Nam Việt xem dường cổ quăng.
Cổ quăng là cánh tay và khuỷu tay.
Du tức – tàng tu
3973. Công phu ăn học cập kỳ,
Có khi du tức có thì tàng tu.
Du tức là ra ngoài tham quan, tàng tu là học tập ở trong trường.
Đờn địch
6683. Học hành còn hãy nhiều người,
Thơ bài đờn địch ăn chơi tiếng đồn.
Đờn tức là cái đàn, địch là cái sáo. Ðời sau gọi thứ sáo thổi dọc là cái tiêu 蕭, thứ thổi ngang là địch 笛. Bản dịch “Chinh phụ ngâm khúc” có câu: Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng. Đờn địch ý nói chung việc đàn ca văn nghệ.
Giai cù
2515. Giai cù bốn phía rộng thông,
Dọc ngang ngả ngách thảy đồng có tên.
Giai (cũng dùng nhai) nghĩa là đường phố. Cù là ngã tư. Giai cù chỉ đường phố sầm uất rộng rãi nói chung.
Kẹo lền
1889. Dưới lầu hộp sắt kẹo lền,
Ống cho thuốc xuống cân lên nhẹ nhàng.
Kẹo lền nghĩa là dày đặc. Người Nam Bộ gọi chất gì đặc lại là “kẹo lại”. Lền cũng có nghĩa sệt lại, đặc lại, chen chúc nhau.
Khải đoan
5093. Thầy Cai tổng Huỳnh Nhựt Thanh,
Chuyện làm phải nghĩa mình đành khải đoan.
Khải đoan, chữ Hán là 啓端, nghĩa là mở đầu. Khải là mở ra, bắt đầu, đoan là đầu mối.
Khiển hoài
4249. Ở nhà lập một tư trường,
Dạy nên con trẻ văn chương khiển hoài.
Khiển hoài, chữ Hán viết là 遣懷, nghĩa là giải khuây, giải nỗi buồn.
Kiểu tình
6097. Cỗ bàn tinh khiết bề trong,
Lễ văn phép tắc ngoài không kiểu tình.
Kiểu tình là vẽ vời làm đẹp, tô vẽ cho bề ngoài.
Miên trường
3171. Công thần cơ nghiệp miên trường,
Thiệt trời không phụ cột rường quốc gia.
Miên trường, chữ Hán viết là 綿長, nghĩa là lâu dài. Sự gì kéo dài dằng dặc gọi là miên trường.
Phương phi
781. Đất linh êm ái như tờ,
Bốn mùa hoa quả khắp bờ phương phi.
Phương phi, chữ Hán viết là 芳菲, ở đây dùng với nghĩa tốt tươi thơm tho (chỉ hoa cỏ, cây cối), không dùng với nghĩa béo tốt, hồng hào, trông khoẻ và đẹp (thường nói về người đàn ông đã đứng tuổi).
Quả cư
4131. Quả cư giữ vẹn lòng hằng,
Mấy năm tạo lập vì bằng giàu to.
Quả cư, chữ Hán viết là 寡居, nghĩa là ở vậy, không lấy chồng khác, thủ tiết ở goá.
Rằm nguơn
269. Rằm nguơn cúng tế quạnh hiu,
Nhện giăng trước án dế kêu bên đồng.
Rằm nguơn tức “rằm nguyên”, chỉ ngày rằm và ngày mồng một trong tháng âm lịch.
Sở dĩ dùng nguơn thay vì nguyên là kiêng huý chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Nam Bộ xưa cũng thường dùng “~uơn” thay vì “~uyên”, như “duơn” thay vì “duyên”, “huờn” thay vì “huyền”.
Thảo lư
665. Thuở kia gầy dựng thảo lư,
Chỗ còn hẹp nhỏ chưa dư bạc tiền.
Thảo lư, chữ Hán là 草盧, nghĩa là lều cỏ, nhà tranh. “Đoạn trường tân thanh” có câu Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư.
Tợ dèo
263. Đường xe mé núi quanh theo,
Giữa rừng lầu các tợ dèo Bồng Lai.
Tợ là giống như (tức là tự, như tương tự cũng nói là tương tợ), dèo là cách thế, dáng vẻ. Bồng Lai chỉ cõi tiên. Tợ dèo Bồng Lai là giống như dáng vẻ cõi tiên.
Tương tử
2898. Sống thì cần kiệm khởi gia,
Đến khi tương tử vậy mà tâm linh.
Tương tử nghĩa là sắp chết. Tương – 將 nghĩa là sắp, sẽ, như tương cận là gần, sát, tương lai là sắp đến. Tử – 死 là chết.
Trên đây là một số từ ngữ thú vị mà Ngày ngày viết chữ trích từ sách “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”. Bạn đọc quan tâm đất và người Nam Bộ, về lịch sử cũng như tiếng nói của miền đất này, hãy thử tìm đọc sách nhé!