Vài điều vụn vặt về người Việt với tiếng Việt (Kỳ 1)
| On Th522,2021(Ngày ngày viết chữ) Có mấy điều lẻ tẻ, vụn vặt về người Việt với tiếng Việt mà mình ghi chép được, vì vụn vặt quá chưa biết đưa vào đâu nên gom hết lại trong loạt bài này cho dễ theo dõi.
1. Thỉnh thoảng trên mạng xã hội, bắt gặp cách dùng “như này”. Ví dụ: Chuyện như này mà cũng nói được.
Vấn đề là, tại sao cùng là đại từ, nhưng người Việt nói “như vậy”, “như thế” thì được nhưng nói “như này”, “như đó” thì kỳ kỳ?
“Này” và “đó” là đại từ nhưng phạm vi hoạt động rất hạn chế. Thường thì, “này” và “đó” hoạt động như một từ chỉ định, nên không thể so với cách dùng “như vậy”, “như thế”. Cấu trúc khi dùng “này” và “đó” là:
như + danh từ/đại từ + này/đó
Ví dụ:
– như người này
– như thế này
– như chuyện đó
– như vậy đó.
2. Cấu trúc chủ – vị thì không sai nhưng nó không phản ánh được tư duy (ngôn ngữ) của người Việt.
3. Ngôn ngữ là hệ thống dấu hiệu đặc biệt để giao tiếp. Lưu ý, là “dấu hiệu”, không phải ký hiệu. Âm thanh của ngôn ngữ là âm thanh tâm lý, không phải âm thanh vật lý.
4. Về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, đây là mối quan hệ không thể tách rời, hiểu ngôn ngữ bao giờ cũng đi kèm hiểu văn hoá, và ngược lại.
Ví dụ: Mẹ chồng nói với con dâu:
– Cô giỏi lắm!
Về mặt ngôn ngữ thì câu trên bình thường, chỉ khi soi chiếu ở góc độ văn hoá thì mới thấy câu trên phản ánh một thực trạng bất thường nào đó. (Câu này hoàn toàn không có ý khen giỏi gì cả.)
5. Một đặc trưng của ngôn ngữ là tính đa trị. Cùng một vỏ ngữ âm nhưng có nhiều nghĩa.
Ví dụ:
– ba = 3
– ba = cha
– ba = sóng (lò vi ba).
6. Xin phân biệt tính đa trị ở trên với hiện tượng từ đa nghĩa. Tuy nhiên, từ chưa hẳn là đa nghĩa, mà đúng hơn là chuyển nghĩa do ẩn dụ.
Ví dụ:
– Lòng (bụng) chuyển nghĩa thành lòng bàn tay, lòng sông, lòng bụng.
– Đối thủ (trong các cuộc đánh nhau) chuyển nghĩa dùng để chỉ đối tượng cạnh tranh (không hề đánh nhau theo nghĩa đen).
7. Trong ngôn ngữ, từ vựng biến đổi, bổ sung mỗi ngày. Ngữ âm cũng biến đổi. Ngữ pháp thì ổn định hơn. Nhưng gần đây, có thể thấy người Việt chịu ảnh hưởng của ngoại ngữ, bắt đầu viết nhiều câu ngữ pháp hơi lạ.
8. Vì thiếu ngữ điệu nên nhiều khi những câu bình thường lại trở nên mơ hồ khi viết ra.
Ví dụ: Câu “Mẹ tôi nướng cá rất ngon” có thể hiểu là:
– Mẹ tôi / nướng cá rất ngon.
– Mẹ tôi nướng / cá rất ngon.
– Mẹ tôi nướng cá / rất ngon.
Tuỳ vào việc người nói nhấn, nghỉ ở đâu mà câu trên có nghĩa khác nhau.
9. Cần chú ý tính hệ thống của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là thứ mà mỗi đơn vị của nó phải nằm trong hệ thống. Ví dụ: “tả” và “tã” người Nam Bộ nói và nghe giống nhau, sở dĩ hiểu được là dựa vào ngữ cảnh, tức là dựa vào việc đặt nó trong hệ thống.
10. Trong tiếng Việt, đổi trật tự từ thì thường nghĩa sẽ khác.
Ví dụ:
– bác sĩ nữ (dùng khi phân biệt với bác sĩ nam)
– nữ bác sĩ (đây là ngữ định danh).
– Ở đây bố tôi cũng làm việc. (Chỗ nào bố tôi cũng làm việc.)
– Bố tôi cũng làm việc ở đây. (Bố tôi cũng như anh (hoặc ai đó) đều làm việc cơ sở này.)
Vậy nên khi nói và nhất là khi viết, phải chú ý trật tự từ, cái nào dùng trước cái nào dùng sau, không thể sắp đặt tuỳ tiện.
11. Hiện tượng sao phỏng ngữ nghĩa trong tiếng Việt 20 năm trở lại đây phát triển rất mạnh. Tức là, có nhiều từ mượn của nước ngoài nhưng không phải mượn ngữ âm mà là mượn ngữ nghĩa.
Ví dụ:
– hoà bình xanh
– du lịch xanh
– giao thông xanh.
12. Trọng âm trong tiếng Việt là trọng âm ngữ đoạn.
Ví dụ:
– Cá mú dạo này mắc quá!
=> Âm của “cá” và “mú” dài bằng nhau nên “cá mú” ở đây chỉ cá nói chung.
– Cá mú ăn ngon lắm!
=> Âm của “mú” dài hơn âm của “cá” nên “cá mú” ở đây chỉ con cá mú.
Vấn đề này nhiều khi nhìn chữ khó đoán biết, nghe nói thì dễ hiểu hơn. Chính vì nhìn chữ khó đoán biết nên trên mạng mới có kiểu đùa “khi bạn nói “cột điện cao thế” thì cột điện cao thế là cột điện cao thế hay là cột điện cao thế?”. Kỳ thực đấy là dùng hình thức viết để đùa, chứ khi nói thì nhờ ngữ điệu mà người ta sẽ luôn biết được cột điện cao thế là cột điện cao thế hay là cột điện cao thế.
13. Chú ý, trọng âm của người Việt không phải là lên xuống (thanh điệu mới lên xuống) mà là phát âm dài ngắn. Tức là cường hoá hay nhược hoá một âm.
Ví dụ:
– anh ấy => ảnh (Lưu ý, âm “ảnh” này phát âm dài hơn âm “ảnh” trong hình ảnh.)
– anh ấy => anh í
Ở đây có hiện tượng nhược hoá âm “ấy”.
Các từ như “nhỉ” (Ví dụ: Ai biết đâu nhỉ?), “một” (Ví dụ: Mãng cầu chín cây hai mươi lăm ngàn một ký.) cũng thường bị nhược hoá. Khi nói, những âm này phát âm rất ngắn, thường bị lướt đi.
14. Các nhà nghiên cứu thường nói tiếng Việt không có thì. Xét một trường hợp, ở góc độ ngữ pháp, người Việt không dùng “sẽ” để nói về tương lai.
Ví dụ:
– Mai có đi học không?
– Mai tôi không đi học.
Ví dụ trên cho thấy, người Việt không dùng “sẽ” để diễn tả một điều xảy ra ở tương lai. Lưu ý, đây là xét ở góc độ ngữ pháp. Đối với ngữ pháp mà nói, không có chuyện lựa chọn dùng hay không dùng mà là bắt buộc phải dùng. Nghĩa là, nếu quan niệm “sẽ” dùng để diễn tả “thì tương lai” thì bất kỳ câu nào của thì tương lai cũng buộc phải dùng “sẽ”.
Vậy, “sẽ” biểu thị điều gì? Nó biểu thị kế hoạch, dự định, lời hứa chứ không biểu thị thì tương lai.
Ví dụ:
– Mai tôi sẽ về ngoại. (Kế hoạch, dự định)
– Anh sẽ yêu em đến hết phần đời còn lại. (Lời hứa)
15. “Mà” là một từ thú vị của tiếng Việt. Xét ví dụ:
– Phim chiến tranh mà hài lắm.
– Sách lịch sử mà đọc vui lắm.
– Làm mẹ ghẻ mà tốt lắm.
Uy lực của từ “mà” nằm ở chỗ nó cho thấy định kiến ở trong đầu người nói.
16. Khi một động từ đi với từ “phải” (công thức: Động từ + phải) thường cho thấy nghĩa xấu (nghĩa tiêu cực).
Ví dụ:
– Không hiểu sao tôi lấy phải anh.
– Ăn phải bả.
– Hôm qua đi chơi gặp phải thầy giáo.
Kỳ này biên đến đây thôi, những ghi chép vụn vặt này sẽ còn tiếp tục.