12 đầu sách cho 2020 giúp bạn thạo tiếng Việt hơn
| On Th129,2020(Ngày ngày viết chữ) Thường, các bạn hay hỏi tụi mình đọc sách gì để sành tiếng Việt. Thực tế thì, sách tụi mình đọc nói nhiều không nhiều, ít không ít, thêm đa dạng thể loại nữa, khó mà trả lời ngay được. Nên hôm nay Ngày ngày viết chữ lọc ra ít sách để giới thiệu, mong rằng có thể giúp bạn thạo tiếng Việt hơn.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Văn hóa Nam Bộ qua ngòi bút của Sơn Nam
1. Bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam – Nguyễn Đổng Chi
Bộ này 2 tập, do Giáo sư Nguyễn Đổng Chi biên soạn. Đây là tuyển tập truyện cổ tích được sưu tầm và chọn lọc kỹ càng suốt hơn 25 năm. Không giống các tập truyện cổ tích thông thường, ở đây, mỗi câu chuyện sẽ đi kèm với nhiều dị bản được tổng hợp từ Đông sang Tây.
“Bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam” được xây dựng như một công trình nghiên cứu quan trọng, chứa đựng lai lịch, tiến trình phát triển của các thể loại truyện cổ tích. Hơn nữa, qua cách đối chiếu các dị bản thì câu chuyện mà đọc “giải khuây” giờ đây sẽ là nguồn bổ sung vốn từ, kiến thức về nguồn gốc, câu chuyện ngôn ngữ mà từ lâu bạn vẫn thắc mắc.
2. Tuyển tập tác phẩm của Sơn Nam
Sơn Nam thường viết về văn hóa, đặc biệt là văn hóa Nam Bộ. Khuyến khích bạn tìm đọc các tựa sách sau để tăng vốn liếng tiếng Việt, như: “Hương rừng cà mau”, “Nói về miền Nam”, “Văn minh Miệt Vườn”, “Lịch sử khẩn hoang Miền Nam”, “Cá tính Miền Nam”, “Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa”, “Nghi thức lễ bái của người Việt Nam”,… Tất cả đều đề cập quá trình phát triển của vùng đất này.
Bạn nào quan tâm phương ngữ Nam thì tìm đọc sách của Sơn Nam là hết ý. Vốn người gốc Nam Bộ nên Sơn Nam rất am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Do đó, sách ông viết không chỉ mang hiện rõ đặc điểm về thiên nhiên mà còn giàu kiến thức về văn hóa, con người nơi đây nữa.
3. Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam – Vũ Ngọc Phan
Tác phẩm của dân gian luôn thu hút ở những “ý nghĩa biểu trưng” – ý tại ngôn ngoại. “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan là công trình nghiên cứu sâu kỹ về thể loại này.
Sách gồm hai phần: Phần truyện (thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười) và Phần tục ngữ, ca dao, dân ca. Những thông tin đắt giá trong tập sách này được sưu tập từ nhiều địa phương, trải dài từ Bắc vào Nam. Tài liệu này cũng tập hợp tư liệu từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến sau giải phóng, rất giá trị với những ai muốn nghiên cứu thể loại này.
4. Đi tìm bản sắc tiếng Việt – Trịnh Sâm
Sách này có 3 phần: Phần đầu nói những vấn đề chung về tiếng Việt; Phần hai là bàn luận về phong cách ngôn ngữ trong Báo chí; Phần cuối là đề cập vấn đề phong cách của một số tác giả tiêu biểu.
Sách này trong bộ “Tiếng Việt giàu đẹp” do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản, cùng với các sách như: “Vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp văn chương” của Lê Xuân Mậu, “Từ câu sai đến câu hay” của Nguyễn Đức Dân, “Ăn uống nói cười và khóc” của Trần Huiền Ân,… là những cuốn sách bạn có thể đọc để bồi dưỡng cho tiếng Việt của mình.
5. Ăn uống nói cười và khóc – Trần Huiền Ân
Như tựa sách, các hoạt động bình thường nhất của con người là: ăn, uống, nói, cười, khóc đã đi vào lời tiếng nói của người Việt. Nhất là trong ca dao, tục ngữ và tạo thành những bài học có ý nghĩa răn dạy, nhắc nhở con người làm điều tốt tránh điều xấu.
Sách này “mỏng nhẹ” lắm quý vị, đọc loáng cái là hết. Học tiếng tiếng Việt cốt là học ở những chuyện đời thường như “ăn, uống, nói, cười, khóc”.
6. Chữ Quốc ngữ – Sự hình thành phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam – Nhiều tác giả
Là công trình nghiên cứu riêng về chữ Quốc ngữ, sách tổng hợp các tham luận của nhiều học giả uy tín trong giới Việt ngữ học. Từ giai đoạn hình thành, phát triển, ưu điểm, nhược điểm đến những cống hiến quan trọng của chữ Quốc ngữ đối với người Việt suốt 400 tuổi của chữ Quốc ngữ đa phần đều tập hợp vào đây. Hứa hẹn sẽ là tài liệu đáng đọc cho những ai quan tâm đến chữ viết của mình.
7. Từ vay hay dùng – Thùy Dung
Đây là quyển sách nói về từ được vay (mượn) trong tiếng Việt do Ngày ngày viết chữ biên soạn. Tuy không quá đầy đủ nhưng sẽ giúp bạn hiểu rằng tiếng Việt không chỉ có gốc Hán mà còn có nhiều gốc khác (Pháp, Anh, Hoa, Khmer) nữa. Mặc dù không thể giải thích hết cho các bạn tất cả các từ vay mượn, nhưng đây sẽ là mầm mống manh nha lòng quan tâm tiếng Việt của bạn, bắt đầu bằng những từ thường gặp nhất.
8. Truyện Kiều – Nguyễn Du
Đến Truyện Kiều thì tụi mình không cần nhiều lời. Tụi mình tin rằng 3254 câu Kiều có thể giúp tiếng Việt của các bạn “xịn” hơn. Vì Truyện Kiều chỉ dùng tầm 35 % từ Hán Việt, điều này có nghĩa là bạn sẽ tìm thấy rất nhiều từ thuần Việt ở đây. Dù rằng trong tiếng Việt có hơn 70 % từ Hán Việt. Nhưng bằng tài năng ngôn ngữ của mình, Nguyễn Du đã viết nên tác phẩm để đời với lượng từ thuần Việt cao nhất.
Hơn nữa, ngoài câu chuyện bi thương của nữ chính, Truyện Kiều còn thu hút người đọc và giới nghiên cứu bằng các bút pháp mà tác giả đã khéo léo dùng trong tác phẩm. Nhất là biện pháp dùng hình ảnh để gợi nhắc và tạo tín hiệu. Đây cũng chính là “vẻ đẹp” của tiếng Việt – giàu hình ảnh, đậm tính liên tưởng.
9. Đội gạo lên chùa – Nguyễn Xuân Khánh
Tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” là thể loại “lịch sử hư cấu”. Sách này có quá nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Nhưng hơn cả vẫn là lượng từ vựng khổng lồ và những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, nếp sinh hoạt kết hợp vừa vặn với nhau. Cấu tứ của sách sẽ giúp độc giả tự khơi mở ra câu chuyện về tiếng Việt đằng sau người Việt.
10. Tôi kéo xe – Tam Lang
“Tôi kéo xe” là phóng sự mà Tam Lang hóa thân thành người kéo xe để mô tả chi tiết một bức tranh sống động của những kẻ “ngựa người” thời bấy giờ. Đọc xong tác phẩm này, phải khen rằng Tam Lang sinh ra là dành cho phóng sự.
Bằng ngòi bút sắc bén của mình, ông như lột trần được thói đểu giả và nhẫn tâm của xã hội đương thời. “Tôi kéo xe” không chỉ giúp chúng ta nhìn lại lát cắt điêu tàn của dân tộc mà còn để ta có dịp gặp lại tiếng Việt “cũ”, nay đã không còn phổ biến nữa. Để từ đó, ta hiểu được ngôn ngữ hay tiếng Việt nói riêng, không có (quá nhiều) từ vô nghĩa. Cốt chính là ta chưa đủ sức hiểu mà thôi.
11. Hà Nội lầm than – Trọng Lang
“Hà Nội lầm than” cũng là phóng sự, nhưng nói về đời sống khốn cùng của mấy ả gái nhảy đất Hà Thành xưa. Nếu tác phẩm của Sơn Nam thích hợp để quý vị nhận diện phương ngữ Nam thì tác phẩm này sẽ giúp quý vị chạm mở đến phương ngữ Bắc.
Đọc “Hà Nội lầm than” không chỉ để lật tìm mặt khác của đô thị cũ, nghèo túng, cơ cực và lạc hậu. Mà tác phẩm sẽ để bạn nhìn lại tiếng Việt bằng diện mạo khác, xưa hơn, lạ tai hơn, để bạn thôi bất ngờ: “Ủa? Tiếng Việt có từ này nữa hả?”
12. Xóm rá – Ngọc Giao
“Xóm rá” lại là một thiên phóng sự của nhà văn, nhà báo Ngọc Giao, tác phẩm được viết năm 1953, nhưng đến 2015 mới in thành sách. Đối lập với “Hà Nội lầm than”, “Xóm Rá” là câu chuyện đau đớn và tủi nhục của các cô các chị sống trong nhà chứa ở Sài Thành, sẵn sàng ăn roi và sẵn sàng… phục vụ “xác thịt” cho bất cứ ai.
Tác phẩm này ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ, nên ngôn từ ngày nay so với thời đó đã mang một màu sắc khác. Khuyên rằng quý vị đọc “Hà Nội lầm than” thì cũng nên đọc thêm cuốn này để đối chiếu đặc điểm ngôn ngữ hai miền lúc bấy giờ.
12 đầu sách này tính ra cũng là một khối lượng lớn, nhất là có những quyển rất dày, nhưng chúng không quá khó đọc. Mỗi ngày đọc một ít, và có thời gian thì viết bài bình sau khi đọc xong, tin rằng chẳng bao lâu nữa “trình” tiếng Việt của bạn sẽ tăng tiến đáng kể.