Về một từ “thay” trong tiếng Việt
| On Th1010,2024(Ngày ngày viết chữ) Ca dao Việt Nam có khá nhiều câu có chứa tổ hợp [X + thay], trong đó “X” thường là một từ biểu thị trạng thái cảm xúc, biểu thị tâm trạng.
Chúng ta có thể kể đến một số tổ hợp [X + thay] quen thuộc như:
– tiếc thay
– thương thay
– buồn thay
– vui thay
– mừng thay
– …
Về từ “thay”, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng:
1. “Thay” là động từ, có ba nét nghĩa như sau:
– Thứ nhất, “bỏ ra, đưa ra khỏi vị trí và thế vào đó một cái khác, người khác có cùng một chức năng (nhưng thường là tốt hơn, thích hợp hơn)”. Ví dụ: “thay băng”, “cây đang thay lá”, “thay thầy đổi chủ”.
– Thứ hai, “đảm nhiệm chức năng vốn trước đây là của người khác, cái khác”. Ví dụ: “thay cha dạy dỗ đàn em nhỏ”, “của đi thay người”.
– Thứ ba, “làm phần việc mà đáng ra người khác phải làm”. Ví dụ: “nhờ người kí thay”, “đi họp thay”.
2. “Thay” còn là cảm từ thường dùng trong văn chương để “biểu thị một cảm xúc hết sức mạnh mẽ trước tác động của một điều hay sự việc gì đó”.
Đây chính là từ “thay” trong các trường hợp [X + thay] như “tiếc thay”, “thương thay”, “buồn thay”, “vui thay”,…
Tổ hợp [X + thay] cũng có thể mở rộng thành [X + thay là + X] để nhấn mạnh, chẳng hạn:
– tiếc thay là tiếc
– thương thay là thương
– buồn thay là buồn
– mừng thay là mừng.
Câu đố về chợ búa có câu:
Một mẹ sinh đặng ngàn con,
Trai có gái có, tài khôn rõ ràng.
Mặt trời đã xế vàng vàng,
Con xa ngái mẹ lại càng thương thay.
Cách nhau đã bốn năm ngày,
Con lại gặp mẹ mừng thay là mừng.
(Đáp án là Phiên chợ Cam Lộ ở Quảng Trị.)
Dưới đây là một số câu ca dao có chứa tổ hợp [X + thay] để các bạn tham khảo:
1. Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần than rơm.
2. Tiếc thay cái giếng nước trong,
Ðể cho bèo tấm bèo ong lọt vào.
3. Tiếc thay cái đọi bịt vàng,
Ðem ra đong cám lỡ làng duyên em!
4. Tiếc thay hạt gạo tám xoan,
Thổi nồi đồng điếu, lại chan nước cà.
5. Tiếc thay cây gỗ lim chìm,
Đem làm cột dậu, bìm bìm nó leo.
6. Nước đường mà đựng chậu thau,
Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài.
Tiếc thay da trắng tóc dài,
Bác mẹ gả bán cho người đần ngu.
Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu nặng mình.
7. Thương thay thân phận con rùa,
Lên đình cõng hạc xuống chùa đội bia.
8. Thương thay con nhạn giữa trời,
Ngang mây còn sợ có người giương cung.
9. Thương thay thân phận trái dừa,
Non thời khoét mắt, già cưa lấy đầu.
10. Thương thay thân phận con tằm,
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
Thương thay lũ kiến li ti,
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.
Thương thay hạc lánh đường mây,
Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.
Thương thay con cuốc giữa trời,
Dầu kêu ra máu có người nào nghe.
11. Thương thay cho kẻ quạt mồ,
Ghét thay cho kẻ cầm vồ bửa săng1.
12. Buồn thay số kiếp con người,
Cơm ăn không đủ, nụ cười ốm nhom.
13. Em về giục mẹ cùng cha,
Chợ trưa dưa héo kẻo mà buồn thay.
Em về giục mẹ cùng thầy,
Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong?
14. Đồn rằng Hà Nội vui thay,
Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô.
Cổ Đô trên miếu dưới chùa,
Trong làng lắm kẻ nhà nho có tài.
Sinh ra hoa cống hoa khôi,
Trong hai hoa ấy thì tài cả hai.
15. Lạ thay nết nói nết cười,
Nết sao lại khiến cho người muốn thương.
16. Tuổi em mười tám đang tròn,
Rắp mua trầu lộc cau non đến nhà.
Đề mà thết khách đàng xa,
Bây giờ thấy khách lòng đà mừng thay.
Gió hương đưa khách tới đây,
Trầu têm cánh phượng hai tay nàng mời.
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du có dùng tổ hợp “khéo thay”, “hại thay”, “đau đớn thay”,… Dưới đây là một số câu (dẫn theo bản Kiều do Nguyễn Thạch Giang2 khảo đính và chú giải):
17. Sống làm vợ khắp người ta,
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng!3
18. Đạo trời báo phục chỉn ghê,
Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi.
19. Một lòng chẳng quản mấy công,
Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần!
20. Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
21. Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về!
22. Thương thay cũng một kiếp người,
Hại thay, mang lấy sắc tài làm chi!
___________
1 “Săng” là quan tài, tục ngữ có câu “Hàng săng chết bó chiếu”.
2 Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, 2017, NXB Văn Học, Hà Nội.
3 Những bản khác viết là “Hại thay…”, ở đây dẫn theo bản Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính nên giữ “Khéo thay”.