Tân niên cát tự – Mừng xuân Quý Mão 2023
| On Th127,2023(Ngày ngày viết chữ) Tân niên cát tự là loạt bài về những từ ngữ liên quan đến năm mới, có ý nghĩa tốt lành do Ngày ngày viết chữ thực hiện để mừng xuân Quý Mão 2023.
Qua bài viết này, Ngày ngày viết chữ mến chúc quý bạn đọc một năm mới an lành, trăm sự đều tốt đẹp.
★ Niên ★
“Niên” là năm, hoặc là tuổi. Ở đây chúng ta có:
– Khang niên (康年): Năm được bình yên, không có chuyện gì bất ổn.
– Phong niên (豐年): Năm được mùa, no đủ.
– Mậu niên (茂年): Tuổi xuân tươi trẻ.
– Ỷ niên (綺年): Tương tự “mậu niên”, cũng chỉ năm tháng rực rỡ, chỉ tuổi trẻ.
– Tàn niên (殘年): Gần hết năm, cuối năm.
– Niên vỹ (年尾), niên chung (年終): Cuối năm.
– Niên sơ (年初), niên thủ (年首): Đầu năm.
– Nghênh niên (迎年): Đón mừng năm mới.
– Niên quan (年關): Từ dùng để gọi tục lệ cuối năm phải trả hết nợ. Chữ “quan” này nghĩa là cửa ải. Vì việc cuối năm phải trả hết nợ nần là một việc khó khăn, nên đối với con nợ mà nói, làm được việc này chẳng khác nào qua được một ải vậy.
★ Xuân ★
– Mạnh xuân (孟春): Tháng thứ nhất của mùa xuân, tức tháng Giêng âm lịch.
– Trọng xuân (仲春): Tháng thứ hai của mùa xuân, tức tháng Hai âm lịch.
– Quý xuân (季春): Tháng cuối cùng của mùa xuân, tức tháng Ba âm lịch.
Người xưa gọi ba tháng của mỗi mùa lần lượt là mạnh, trọng, quý. Tương tự, mùa hè có “mạnh hạ”, “trọng hạ”, “quý hạ”, các mùa sau cũng thế.
– Sơ xuân (初春): Đầu mùa xuân.
– Dương xuân (陽春): Mùa xuân, trời xuân ấm áp.
– Xuân huy (春暉): Nắng xuân. Ánh sáng xuân đẹp đẽ.
– Xuân tâm (春心): Tấm lòng phơi phới vào mùa xuân, cũng chỉ lòng thương cảm buổi mùa xuân.
– Xuân ý (春意): Những điều suy nghĩ (thường là vui vẻ) nhân lúc trời vào xuân.
– Xuân phương (春芳): Hương thơm hoa cỏ mùa xuân.
– Xuân dung (春容): Vẻ đẹp của mùa xuân, cũng dùng để chỉ vẻ xinh đẹp tươi tắn như mùa xuân.
– Xuân quang (春光): Phong cảnh mùa xuân sáng đẹp.
★ Phúc ★
“Phúc – 福” nghĩa là may mắn, tốt lành. Phàm những sự như sống lâu, khoẻ mạnh, an lành, đông con cháu,… người xưa đều xem là phúc. Bên cạnh “hạnh phúc”, “phúc đức”,… thường gặp, Ngày ngày viết chữ giới thiệu với các bạn một số từ nữa liên quan tới “phúc”:
– Giáng phúc (降福): Trời ban điều may mắn cho người.
– Tác phúc (作福): Làm điều tốt lành cho người khác.
– Hà phúc (遐福): Phúc lớn, điều may mắn to lớn do trời ban.
– Ẩm phúc (飲福): Rượu cúng tế thần xong đem xuống uống, tin rằng uống sẽ được may mắn.
– Phúc ấm (福廕): Điều may mắn tốt lành mà con cháu được hưởng nhờ công ơn ông cha để lại.
– Phúc địa (福地): Vùng đất tốt lành an vui.
– Phúc điền (福田): Nghĩa đen là thửa ruộng trồng may mắn tốt lành. Tiếng nhà Phật, người tu hành kính Phật gọi là “kính điền”, báo ơn vua và cha gọi là “ân điền”, thương kẻ nghèo khổ gọi là “bi điền”, gọi chung cả ba là “phúc điền”.
– Phúc tuệ (福慧): Phúc đức và trí tuệ, chỉ sự may mắn, tốt lành, có hiểu biết, sáng suốt.
– Phúc thiện (福善): May mắn tốt lành.
★ Cát ★
“Cát – 吉” nghĩa là tốt lành, phàm việc gì vui mừng đều gọi là “cát”, đối lại với chữ “hung 凶”.
– Quyên cát (涓吉): Chọn ngày tốt. Bạn có thể xem thêm tại đây.
– Trạch cát (擇吉): Tương tự “quyên cát”, “trạch cát” cũng có nghĩa là chọn ngày giờ tốt.
– Nguyệt cát (月吉): Ngày tốt của tháng, cũng chỉ ngày mùng một của tháng âm lịch.
– Cát âm (吉音), cát thanh (吉聲): Tiếng lành, chẳng hạn tiếng chim khách kêu báo hiệu có quý nhân sắp đến.
– Cát nhật (吉日): Ngày tốt, ngày lành, cũng dùng để chỉ ngày đầu mỗi tháng âm lịch.
– Cát mộng (吉夢): Giấc mơ lành báo việc lành.
– Cát sự (吉事): Việc tốt lành.
– Cát triệu (吉兆): Điềm lành. (Chữ “triệu” trong triệu chứng.)
– Cát khánh (吉慶): Việc tốt lành, việc vui mừng. Về từ này, các bạn có thể xem thêm tại đây.
★ Tường ★
“Tường – 祥” là điềm lành, chuyện phúc lành thì gọi là “tường”.
– An tường (安祥): Yên lành, điềm tĩnh, không có sóng gió gì.
– Phát tường (發祥): Có điềm lành.
– Cát tường (吉祥): Điềm tốt lành, chuyện tốt đẹp thuận lợi.
– Trinh tường (禎祥): Tốt lành. Chữ “trinh” này cũng có nghĩa là điềm lành, tốt lành, xin phân biệt với chữ “trinh – 貞” trong “trinh bạch”, “trinh tiết”.
– Tường vân (祥雲): Mây lành, báo hiệu điều tốt lành.
– Tường lân (祥麟): Một cách gọi con lân, là vật hay đem đến điềm tốt lành, báo hiệu thái bình.
– Tường thuỵ (祥瑞): Điềm tốt lành. Chữ “thuỵ” cũng có nghĩa là tốt lành, ngoài ra còn chỉ chung ngọc khuê ngọc bích.
– Tường quang (祥光): Ánh sáng tốt lành.
★ Túc ★
Chữ “túc – 足” ở đây có nghĩa là đầy đủ, dồi dào.
– Ân túc (殷足): Giàu có, đầy đủ. Chữ “ân” có nghĩa là thịnh, đầy đủ, phong phú.
– Cấp túc (給足): Giàu có, đầy đủ, đồng nghĩa với “ân túc”.
– Sung túc (充足): Giàu có, đầy đủ.
– Phú túc (富足): Giàu có, đầy đủ.
– Yếm túc (饜足): No nê, đầy đủ.
– Mãn túc (滿足): Đầy đủ, không thiếu gì.
– Phong túc (豐足): Giàu có, đầy đủ.
– Túc dụng (足用): Đủ dùng.
– Túc thực (足食), thường dùng “phong y túc thực (豐衣足食): Đủ ăn đủ mặc, dư dả, không thiếu thốn gì cả.
Nói chung cứ chữ “túc” với nét nghĩa này thì là giàu có đầy đủ.
Ngoài ra, chữ “túc 足” này còn có một nét nghĩa nữa khi làm danh từ là cái chân (chân người, chân vật) như “thủ túc”, “túc cầu”, “đỉnh túc”,…
★ An ★
“An – 安” là một từ có ý nghĩa rất tốt, nó có nghĩa là yên, tĩnh, lặng, ổn, làm cho ổn định, không có gì miễn cưỡng thì gọi là “an”.
– An dật (安逸): Yên ổn, thoải mái, nhàn hạ. Về chữ “dật”, các bạn có thể xem thêm tại đây.
– An nhiên (安然): Yên ổn vô sự, tâm tình an định.
– An nhàn (安閒): Bình yên, thong thả, rảnh rang.
– An lạc (安樂): Yên vui, làm cho yên ổn vui vẻ.
– An hảo (安好): Yên ổn, tốt đẹp, không có gì bất ổn.
– An thích (安適): Yên ổn và thoải mái. Chữ “thích” này có nghĩa là vừa ý, dễ chịu, là “thích” trong thích ý, thoả thích.
– An tại (安在): Yên lành, bình yên vô sự.
– An thư (安舒): Yên ổn thong dong, thảnh thơi.
– Vĩnh an (永安): Yên ổn lâu dài.
– Yến an (宴安): Yên ổn, chỉ cuộc sống bình lặng, rảnh rỗi, không có việc gì để lao nhọc.
Trên đây là một số chữ nghĩa mang ý nghĩa tốt lành, may mắn, đầy đủ, yên ổn… phù hợp với dịp năm mới. Trong năm Quý Mão 2023 này, Ngày ngày viết chữ sẽ tiếp tục kể những câu chuyện giản dị be bé về tiếng Việt và nỗ lực giúp mọi người viết tốt hơn đôi chút. Quý bạn đọc có thể đăng ký bản tin của Ngày ngày viết chữ (bằng cách điền e-mail ở cuối web này) để nhận thông tin khoá học, hoạt động online, offline cùng các bài viết về tiếng Việt và kỹ thuật viết.
__________________
Nguồn tham khảo: Từ điển Đào Duy Anh, Từ điển Thiều Chửu, Từ điển Nguyễn Quốc Hùng.