Những bài ca dao “sao đành”
| On Th522,2025
(Ngày ngày viết chữ) Trong lúc đọc tài liệu, Ngày ngày viết chữ đọc được một câu ca dao có từ “sao đành”, cảm thấy từ này giàu cảm xúc nên Ngày ngày viết chữ lại nhặt nhạnh thêm vài bài ca dao có từ này, giới thiệu với bạn đọc gần xa.
1. Ruộng hoang khai khẩn còn thành,
Huống chi ruộng thuộc sao đành bỏ hoang.
2. Kiểng* hư để vậy sao đành,
Ra tay sửa kiểng không thành thì thôi.
*Kiểng: tức cảnh, cây kiểng ~ cây cảnh, cá kiểng ~ cá cảnh.
MỜI BẠN ĐỌC THÊM
>> Những bài ca dao “chim bay về núi”
3. Bạn đừng thở ngắn than dài,
Tình ta bỏ liễu lìa mai sao đành.
4. Anh giơ roi đánh thiếp sao đành,
Nhớ khi đói khổ, rách lành có nhau.
5. Dang tay đánh thiếp sao đành,
Tấm rách ai vá tấm lành ai may.
6. Bông tàn, hết nhụy, bướm lui,
Bây giờ anh dứt nghĩa bỏ tui sao đành.
7. Chim xa rừng* thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm, người ơi!
Chẳng thà không gặp thì thôi,
Gặp rồi mỗi đứa một nơi sao đành.
*Có bản dùng “chim xa bầy”.
8. Chim ăn nhành ớt rớt xuống nhành cà,
Kêu ríu ra ríu rít bậu bỏ ta sao đành.
9. Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Bạn về xứ bạn bỏ ta sao đành!
10. Em như nút, anh như khuy,
Như Thúy Kiều với Kim Trọng biệt ly sao đành.
11. Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ,
Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ sao đành.
Chừng nào chiếc xáng* nọ bung vành,
Núi kia hết đá, anh mới đành xa em.
*Xáng: máy đào kênh, vét bùn.
12. Lá khô lủng lẳng treo cành,
Giận thì nói vậy sao đành bỏ nhau.
13. Một nong tằm là năm nong kén,
Một nong kén là chín nén tơ.
Quản bao tháng đợi năm chờ,
Ai ơi dứt mối lìa tơ sao đành.
14. Ai ơi! Thương lấy lúc ni,
Nhịp cầu kẻ đứng người đi sao đành.
15. Thuyền neo một sợi chỉ mành*,
Đôi ta không xứng sao đành ép duyên.
*Chỉ mành: chỉ nhỏ, mảnh, dễ đứt.
16. Tiếc thay cái tấm lụa đào,
Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi.
Trời kia có thấu chăng trời,
Lụa đào mà vá áo tơi sao đành.
17. Đờn tranh nhỏ sợi kêu thanh,
Anh bỏ em cưới vợ sao đành,
Em than một tiếng chim trên cành cũng rơi.
Về từ “đành”, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) ghi nhận ba nghĩa:
(i) miễn cưỡng bằng lòng vì suy tính thấy không thể khác được (từ chối không được, đành phải nhận);
(ii) vừa lòng (như câu ca dao “Chàng đành phụ mẫu không đành”, ý là chàng vừa lòng mà cha mẹ không vừa lòng). Nét nghĩa này ít dùng.
(iii) đang tâm (thấy người bị nạn mà bỏ đi sao đành). Nét nghĩa này thường dùng kèm ý phủ định.
“Sao đành” ý là sao mà đành, không đành, không nỡ, không đang tâm. Các bài ca dao dẫn ra trong bài viết này đều dùng theo nét nghĩa (iii) của từ “đành”. Riêng bài số 11 từ “đành” trong “mới đành xa em” dùng theo nghĩa (i).