Nhời đàn bà – Việc giáo dục nước Nam phải bắt đầu từ con gái
| On Th821,2018(Ngày ngày viết chữ) Khổng Tử nói, “nữ nhi nan giáo”, phụ nữ khó dạy. Có lẽ vì “lời nguyền” tự cổ của hệ tư tưởng Nho giáo này đã dẫn đến cái hủ lậu là phụ nữ nước ta khi xưa (và có lẽ cả khi nay) ít được giáo dục tử tế và bình đẳng. “Lời người Man di hiện đại – Nhời đàn bà” của Nguyễn Văn Vĩnh như một lời phản tỉnh đối với tư tưởng “nữ nhi nan giáo” này.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
“Lời người Man di hiện đại – Nhời đàn bà” (sau đây xin gọi tắt là “Nhời đàn bà”) là tập hợp những bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên “Đăng cổ tùng báo” vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Nguyễn Lân Bình (cháu nội Nguyễn Văn Vĩnh) đã dày công sưu tầm những bài viết này và biên soạn, tập hợp thành sách, in trong tủ sách “Phụ Nữ Tùng Thư” của NXB Phụ Nữ.
Tại “Đăng cổ tùng báo”, chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh tự sưu tầm các tư liệu và tự viết bài cho báo. Trong phần giới thiệu sách, Nguyễn Lân Bình viết: “Để tạo tính tương tác giữa tờ báo và độc giả, và tránh việc nhàm chán của người đọc khi thấy đa phần các bài viết đều xuất hiện tên một người, một bút danh, Nguyễn Văn Vĩnh đã tự lấy nhiều bút hiệu khác nhau. Đặc biệt trong chuyên mục Nhời đàn bà, việc này được thực hiện một cách linh động nhằm gợi cho độc giả những tình huống có tính tranh luận. Đó cũng chính là giá trị tư tưởng của báo chí mang tính tự do dân chủ.”
Bạn đọc có thể hình dung, “Nhời đàn bà” là những bài viết mang tính chính luận về các vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề liên quan việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái … Nó từa tựa như Facebook của các nhân vật có kiến thức, hiểu biết rộng, khi gặp sự tình bất thường thì nói mấy lời, nêu lên một góc nhìn đồng thời định hướng xã hội. Có thể hiểu, “Nhời đàn bà” giống như một “Tony Buổi Sáng” phiên bản nữ xuất hiện hồi trăm năm trước vậy.
Ví như trong “Nhời đàn bà” (số 13), Nguyễn Văn Vĩnh (dưới bút danh Đào Thị Loan) viết: “Điều càn nữa là trẻ ngã hay đánh chó chửi mèo, hoặc là giậm chân lên hòn gạch, mà mắng: Cha hòn gạch đánh ngã em tao! Làm cho đứa trẻ mới lên ba mà suy nhầm căn cớ việc đời, cho hòn gạch hòn đá như người, có thiện ác, thiểm mà làm ngã nó. Đến lúc nhớn lên thành ra tin bậy tin bạ, tin ma tin quỷ thần là vì thế. Sau nữa là dạy nó tính thù hằn; Nó đánh ngã ta thì mẹ ta đánh giả nó. Lại là tập cho nó quen tính trông cậy ở người nhớn. Trẻ nó vấp ngã thì khiến cho nó được biết rằng tại chân nó vấp, để nó tập đi đứng có ý tứ.”
Hay như trong cách chọn vợ chọn chồng sao cho hợp lẽ (“Nhời đàn bà” số 823), Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng: “Còn như tuổi thì em thiết tưởng chồng bao giờ cũng phải hơn vợ độ sáu bẩy tuổi. Thường ta cứ gái hơn hai, giai hơn một. Giai hơn một cũng đã lấy làm chưa được, nữa huống chi là gái hơn hai… Gì cực bằng: Loan phượng sánh đôi mà sau nhìn chồng thì thấy sức lực còn cương, mà nhìn mình thì như cái bị rách. Giữ dát thì cũng là ức hiếp (ý nói giữ chồng chặt quá cũng không nên – NV), mà không giữ ra thì tội lắm! Tóc sâu nhổ lượt này nó lên lượt khác, môi cứ thò bện sáp lại thâm sì, phấn đánh không ăn nữa, cứ bự như trát vôi”.
Có đọc mới thấy, qua từng bài viết, Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện mình là một người có những suy tưởng vượt ra khỏi lề thói xã hội thông thường. Ông dùng “nhời đàn bà” để đau cho nỗi đau của đàn bà, để rèn cặp đàn bà, những mong mỗi gia đình – từng tế bào của xã hội – có thể sống văn minh và hạnh phúc hơn.
Sau tất cả, những trang viết của Nguyễn Văn Vĩnh dù là bàn về sự tình gì đi chăng nữa, tựu trung vẫn là để người đàn bà nước Nam hiểu rằng họ cũng có quyền bình đẳng, như “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (được nêu lên trong Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ) mà phải mấy mươi năm sau được khẳng định lần nữa trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước nhà.
Thông qua “Nhời đàn bà”, Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện được một vấn đề cốt lõi của giáo dục – giáo dục vượt ra ngoài khuôn khổ nhà trường mà trọng tâm là giáo dục tại gia – rằng “việc giáo dục nước Nam phải bắt đầu từ con gái”. Bởi người phụ nữ có một chức phận cao quý hơn hẳn việc thờ chồng nuôi con, đó là chức phận “quyết định cái cuộc đời của một thằng người khi: “Mẹ ngoảnh đi, con dại; mẹ ngoảnh lại, con khôn”.” “Phúc đức tại mẫu” là như vậy.
“Nhời đàn bà” – nhời thủ thỉ nhẹ nhàng mà sâu-đến-xót, nghe đến đâu thấm đến đó. Nó thích hợp cho mọi phụ nữ, đặc biệt là các chị em đương xuân, vừa hoặc sắp về nhà chồng. Nó không phải là “nữ tắc” dạy phụ nữ “cử án tề mi” với chồng. Nó chỉ là những góc nhìn để phụ nữ răn mình và phần nào tránh những nỗi cơ cực mà xã hội thường gán cho “phận đàn bà”. Khi xưa Nguyễn Du thán “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” thì đến thời mình, Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng “lời chung” ấy không phải là lời định mệnh. Với Nguyễn Văn Vĩnh, phụ nữ có thể tránh được lời chung ấy nếu họ đủ cố gắng, đủ “dấn thân”.