Nghệ thuật sử dụng từ ngữ hoà hợp và tương phản
| On Th625,2021(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này phân tích sơ lược hai biện pháp tu từ là hoà hợp và tương phản, đồng thời nêu ra hướng vận dụng dành cho những bạn mới học viết.
Tu là sửa chữa, từ là nói hoặc viết ra thành lời văn. Nói hoặc viết ra thành lời văn mà có sửa chữa sao cho hay, cho đẹp gọi là tu từ. Một số người viết rất giỏi vừa viết vừa tu từ. Một số khác lại viết xong một mạch rồi mới xem lại mà sửa chữa. Dù bằng cách nào, chúng ta cũng nên sử dụng các biện pháp tu từ để câu chữ của mình trau chuốt hơn, giàu tính biểu cảm hơn.
Sẽ có rất nhiều điều cần bàn về biện pháp tu từ. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ bàn về hai biện pháp là hoà hợp và tương phản.
Nghệ thuật sử dụng từ ngữ hoà hợp
Trước tiên, chúng ta xét ví dụ này:
Ống tre khô người ta còn chuộng,
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang.
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy,
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông.
Giấy trôi sông người ta còn vớt,
Bậu lỡ thời như ớt chín cây.
Ớt chín cây người ta còn hái,
Bậu lỡ thời như nhái lột da.
Nhái lột da người ta còn xáo,
Bậu lỡ thời như áo vá vai.
Áo vá vai người ta còn bận,
Bậu lỡ thời như rận cắn đêm.
Đây là một đoạn trong bài vè “Bậu lỡ thời” của dân gian Nam Bộ. Dễ thấy, từ vựng trong đoạn vè này đều mang sắc thái “bần bần”, đều là đồ bỏ, đều không ai thèm. Thông qua những từ ấy, tác giả miêu tả chính xác tình cảnh của “bậu lỡ thời” – tức những cô gái quá lứa lỡ thì. Việc lựa chọn những từ vựng có cùng một sắc thái như thế chính là một biện pháp tu từ từ vựng theo lối hoà hợp.
Trong ngôn ngữ, từ vựng thường có hai điệu tính cơ bản, một là điệu tính cao, hai là điệu tính thấp. Điệu tính cao là những từ có màu sắc trang trọng, cao sang, quý tộc, bác học. Điệu tính thấp là những từ có màu sắc bình dân, giản dị, mộc mạc, xuề xoà, nôm na.
Tất nhiên, việc phân chia điệu tính này chỉ nhằm giúp chúng ta dễ hình dung về sắc thái của từ vựng, qua đó lựa chọn từ vựng cùng một điệu tính sao cho phù hợp thôi. Việc phân chia cao hay thấp không nhằm mục đích “kỳ thị”, những từ có điệu tính thấp chắc chắn có giá trị không thể thay thế được trong những văn cảnh phù hợp.
Vậy, điều cần lưu ý thứ nhất của việc sử dụng từ vựng sao cho hài hoà là lựa chọn những từ có cùng một điệu tính để đưa vào một câu, một đoạn, một văn bản.
Tiếp theo, xét ví dụ này: “Viết không đắn đo, sửa không nhân nhượng”.
Ví dụ này là một ghi nhớ mà Ngày ngày viết chữ đề ra dành cho học viên các lớp viết. Ở phiên bản đầu tiên, ghi nhớ này được viết là “Viết không đắn đo, sửa không khoan nhượng”. Về sau, để đảm bảo tính hoà hợp, Ngày ngày viết chữ đã sửa thành “đắn đo” và “nhân nhượng” – hai từ có dạng láy.
Thi hào Nguyễn Du là bậc thầy trong việc viết những câu sử dụng từ láy hoặc từ có dạng láy một cách hoà hợp như thế này.
– Phũ phàng chi bấy hoá công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
– Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa nương bên triện một mình thiu thiu.
– Sượng sùng giữ ý rụt rè,
Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu
– Công trình kể biết mấy mươi
Vì ta khăng khít, cho người dở dang.
Vậy, điều cần lưu ý thứ hai trong việc sử dụng từ vựng sao cho hài hoà là nếu có thể, hãy dùng những từ có dạng láy trong những câu và phân câu cân xứng nhau nhằm tạo ra những câu nhịp nhàng, giàu tính nhạc.
Lại xét ví dụ sau:
Tôi đến thăm anh trưởng tôi.
Hang anh trưởng tôi rất khang trang. Coi vẻ phong lưu. Tôi đã biết tính anh thích ăn ngon, ưa phép tắc tôn ti trật tự, hay bắt bẻ vặt. Tôi chào. Mặt anh hằm hằm đương tức tối điều gì. Tôi phải thưa với anh rằng bao nhiêu lâu anh em xa cách, em đã trải bao phút gian nan, tính mệnh treo đầu sợi râu, anh có biết không, em lặn lội từ xa về đây để gặp lại anh, sao trông thấy em, mặt anh cứ lạnh như đá thế kia?
Anh tôi nói mát:
“Chả dám! Chú còn nhớ phép lịch sự đến thăm anh. Xin chả dám.”
Tôi đáp:
“Thưa anh, đi đâu thì em vẫn nhớ anh em ta cùng lứa mẹ sinh ra.”
Anh cười nhạt:
“Hừ, chú bảo chú nhớ anh mà chú lại vào nhà thằng hai trước khi đến đây, thế thì phỏng chú coi gia giáo nhà ta là cái gì, đuôi lộn lên đầu hử?”
Đoạn văn trên trích trong tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Trong đoạn này, Tô Hoài miêu tả anh cả của Dế Mèn, một con dế ưa phép tắc tôn ti trật tự, hay bắt bẻ vặt. Để miêu tả tính cách này của nhân vật, Tô Hoài đã dùng một loạt những từ ngữ như hằm hằm, đương tức tối, mặt anh cứ lạnh như đá, nói mát, chả dám, cười nhạt, hừ, lại, phỏng, gia giáo nhà ta, đuôi lộn lên đầu, hử.
Việc sử dụng trường từ vựng phù hợp với tính cách nhân vật là điều cần lưu ý thứ ba trong việc sử dụng từ vựng sao cho hoà hợp. Một số bạn trẻ mới học viết thường mắc lỗi xoay quanh vấn đề này. Chẳng hạn, miêu tả một nhân vật thông minh, bản lĩnh nhưng câu từ không thể hiện được sự thông minh, bản lĩnh đó. Việc này đòi hỏi phải luyện tập. Chúng ta không gặp khó khăn để hiểu rằng, một bác xe ôm lớn tuổi và anh giám đốc trẻ tuổi chắc chắn có cách sử dụng ngôn từ khác nhau, nhưng để thể hiện được sự khác nhau đó, đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn từ ngữ cẩn thận.
Nghệ thuật sử dụng từ ngữ tương phản
Bên cạnh viết cho hoà hợp, đôi khi chúng ta cũng cần viết cho tương phản hòng tạo nên tình thái phù hợp cho câu, cho văn bản.
Xét ví dụ sau trong Truyện Kiều:
So dần dây vũ dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.
Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc đâu Tư mã Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê Khang này khúc Quảng lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Đoạn thơ miêu tả tiếng đàn của Thuý Kiều này có thể xem là một ví dụ tiêu biểu cho nghệ thuật tu từ tương phản của Nguyễn Du. Tiếng đàn tương phản như xé lòng người nghe thành hai nửa, khiến người ngồi nghe phải “Khi tựa gối khi cúi đầu, Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”.
Một ví dụ khác cũng trong Truyện Kiều:
Ông tơ ghét bỏ chi nhau,
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!
“Chưa vui sum họp” với “đã sầu chia phôi” là hai phân câu tương phản hoàn hảo, làm bật lên tình cảnh éo của người trong cuộc.
Cách sử dụng từ ngữ tương phản chủ yếu tập trung vào việc sắp đặt những từ ngữ tương phản về ý nghĩa và/hoặc về sắc thái. Nếu có thể vượt qua cấp độ từ hoặc ngữ mà viết thành những phân câu, câu tương phản (hoặc cấp độ lớn hơn nữa) thì càng tăng thêm tính ấn tượng cho văn bản.
Sau đây là một ví dụ minh hoạ cho việc sử dụng phép tương phản trong kịch bản quảng cáo. Lưu ý, việc sử dụng quảng cáo này chỉ nhằm mục đích phân tích ví dụ cho bài viết, hoàn toàn không mang tính quảng cáo.
Bạn đọc xem đầy đủ quảng cáo tại đây.
Trong quảng cáo này, chúng ta chú ý những câu sau: “Ông đi bộ hàng chục cây số để kiểm tra an toàn đường ray. Một mình, không mệt mỏi. Mùa đông, qua mùa xuân. Ngày mưa, qua ngày nắng“.
Mùa đông, qua mùa xuân.
Ngày mưa, qua ngày nắng.
Phép tương phản trong hai câu này làm nổi bật tính chất công việc không ngưng nghỉ của nhân vật. Quảng cáo này còn nhiều hình ảnh tương phản nữa. Chẳng hạn hình ảnh người cha đi bộ một mình lặng lẽ tương phản với đoàn tàu đông đúc lao đi trong nô nức. Chẳng hạn người cha vì để đảm bảo nhiều gia đình khác có Tết sum vầy, bản thân lại vắng mặt trong bữa cơm tất niên của gia đình mình.
Xét ví dụ đoạn trích trong “Dế mèn phiêu lưu ký” ở trên, cũng có thể thấy sự tương phản trong ngôn từ của hai nhân vật Dế Mèn và anh cả của Dế Mèn. Nếu ngôn từ của anh cả có phần mỉa mai, cạnh khoé thì ngôn từ của Dế Mèn thể hiện rõ sự nhẫn nại, kiềm chế.
Tóm lại, đôi khi, để nêu bật một thông điệp, một hình tượng, phép tương phản thật sự có tác dụng rất lớn. Không dừng lại ở phạm vi từ, ngữ, việc bố trí phép tương phản hoàn toàn có thể thực hiện ở cấp độ câu và các cấp độ lớn hơn câu. Người viết cũng có thể dùng phép tương phản để tìm hướng tiếp cận cho văn bản mà mình cần viết.
Tức là, giả sử mình đang muốn nêu một thông điệp [A], vậy có điều gì là [-A ] mà mình có thể khai thác, làm nền cho [A] hay không? Xưa nay, các tác giả vẫn thường xây dựng nhân vật theo kiểu tương phản như thế. Nếu có một nhân vật thông minh chắc chắn sẽ có một nhân vật ngốc nghếch. Nếu có một nhân vật gầy gò chắc chắn sẽ có một nhân vật mập mạp. Nếu có một nhân vật lương thiện chắc chắn sẽ có một nhân vật tàn ác.
Trên đây là một vài phân tích về nghệ thuật sử dụng từ ngữ hoà hợp và tương phản. Điều cần lưu ý cuối cùng là, người học viết như chúng ta nên hạn chế việc có từ nào dùng từ nấy. Thay vào đó, chúng ta hãy thử tập cho mình thói quen tìm kiếm và lựa chọn từ ngữ. Tại sao không nên dùng từ này? Tại sao dùng từ kia thì hiệu quả sẽ tốt hơn? Việc tập đặt và trả lời những câu hỏi như thế sẽ giúp cho tay viết của chúng ta không chỉ dừng lại ở mức bản năng hay khả năng mà còn sớm trở thành kỹ năng thuần thục nữa.