NNVC | NGÔN NGỮ VI CHỈ

Ngày ngày viết chữ
Menu
  • Trang Chủ
  • Chuyện viết chữ
    • Kỹ-nghệ viết
    • Dùng từ đặt câu
    • Cổ mỹ từ
    • Học từ dân gian
    • Ngòi bút người xưa
    • Người Việt với tiếng Việt
  • Học viết chữ
  • Sự kiện chữ
  • Thư viện chữ
    • Sách Chữ viết
    • Sách Chữ đọc
  • Về chúng tôi
Ngày ngày viết chữ Menu chữ   ≡ ╳
  • Trang Chủ
  • Chuyện viết chữ
    • Kỹ-nghệ viết
    • Dùng từ đặt câu
    • Cổ mỹ từ
    • Học từ dân gian
    • Ngòi bút người xưa
    • Người Việt với tiếng Việt
  • Học viết chữ
  • Sự kiện chữ
  • Thư viện chữ
    • Sách Chữ viết
    • Sách Chữ đọc
  • Về chúng tôi

Home/Chuyện viết chữ/Kỹ-nghệ viết/Lập một kế hoạch viết – Cách để mình viết có kỷ luật
Chuyện viết chữ, Kỹ-nghệ viết

Lập một kế hoạch viết – Cách để mình viết có kỷ luật

Posted by  Nguyễn Thuỳ Dung | On  Th1224,2022
Lập một kế hoạch viết | Ngày ngày viết chữ

(Ngày ngày viết chữ) Một kế hoạch viết, hoặc nhiều hoặc ít, sẽ có tác dụng giúp bạn duy trì thói quen viết lách một cách có kỷ luật.

Trong buổi trò chuyện Một năm “văn thái phong lưu” (17/12/2022), Ngày ngày viết chữ có làm một khảo sát nho nhỏ, xem xem đối với những người làm công việc viết lách tự thân, thì điều gì gây cản trở lớn nhất khiến các bạn không thể viết tốt. Viết lách tự thân ở đây là chỉ người viết vì nhu cầu của chính mình như viết blog hoặc sáng tác văn chương. Kết quả khảo sát cho thấy, hoá ra, chuyện khó nhất để làm một công việc viết lách tự thân không phải là vấn đề ngôn ngữ mà là chuyện giữ cho bản thân làm việc có kỷ luật.


MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> 18 điều tự răn khi viết của Trường Chinh


Điều này có nghĩa là, đối với nhiều bạn, chuyện làm sao để viết điều độ, sớm cho ra kết quả, không bỏ dở giữa chừng là một việc không dễ dàng. Hay nói cách khác, cái khó của những ngòi bút tự thân là làm việc có kỷ luật và duy trì sức viết lâu dài.

Kỳ thực, có một cách rất hữu hiệu để vượt qua trở ngại trên. Đó là, lập cho mình một kế hoạch viết. Đương nhiên, kế hoạch mà chúng ta nói ở đây là một kế hoạch động, có độ co duỗi cho phù hợp với sức viết của từng người.


Ngày ngày viết chữ gửi tặng bạn một chút “áp lực viết”:

NHẤN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN “ÁP LỰC”

Sắp xếp thời gian viết

Một khó khăn của nhiều người viết tự thân hiện nay là không có thời gian để viết. Tuy vậy, chúng ta không cần phải có thật nhiều thời gian mới viết được.

Bạn có thể viết hằng ngày, cũng có thể chỉ viết một hai giờ mỗi tuần. Điều quan trọng là, dù viết ít hay nhiều, chúng ta cũng hãy đảm bảo rằng mình đã lên lịch cho các buổi viết ấy. Có lịch rõ ràng, cố định và tuân thủ đúng lịch, đừng để lịch viết chỉ là một câu mơ hồ như “lúc nào rảnh mình sẽ viết”.

Chúng ta cũng phải cố gắng không để những công việc khác xâm chiếm lịch viết của mình. Vào giờ cần viết, những công việc nhà cửa hay là các lời hẹn hò tụ tập bạn bè nên được gác lại. Miễn là vào giờ viết, chúng ta không làm gì ngoài viết, thì cho dù chúng ta viết ít cũng được.


Có chuẩn bị trước khi viết

Một sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp chúng ta đỡ bị những chuyện lặt vặt khác xen vào khi đang viết.

Chẳng hạn, chúng ta rót sẵn một cốc nước phòng khi đang viết thì thấy khát, đặt sẵn một chiếc khăn tay nếu chúng ta mắc chứng ra mồ hôi tay mỗi khi tập trung. Hoặc là, chúng ta nên rửa chén quét nhà xong xuôi, phòng khi đang viết thì nghe tiếng mẹ gọi.

Ngoài ra, có thể chúng ta cần chuẩn bị chút sách vở, tài liệu để đối chiếu, trích dẫn trong khi viết. Lưu ý, sách vở, tài liệu ở đây là để đối chiếu hoặc trích dẫn, chứ không phải để đọc. Nghĩa là, chúng ta đã đọc trước rồi, giờ chỉ cần vận dụng những gì đã đọc vào bài viết. Chúng ta phải sắp xếp thời gian đọc ngoài thời gian viết, đừng để việc đọc chiếm dụng thời gian viết (thường rất ít ỏi) của mình.

Nói chung, tuỳ theo mình viết cái gì và viết trong bao lâu, người viết nên có sự chuẩn bị phù hợp. Để một khi ngồi vào bàn viết, chúng ta có thể tận dụng thời gian mình có sao cho đạt hiệu quả tối đa.


Thời gian nhiều viết cái khó, thời gian ít viết cái dễ

Một cảm giác khá mệt mỏi đối với người viết là chỉ một nội dung mà sao viết hoài không xong. Có một mẹo để hạn chế cảm giác phiền toái này, đó là thời gian nhiều viết cái khó, thời gian ít viết cái dễ.

Chẳng hạn, mỗi sáng chúng ta có 30 phút để viết, còn mỗi tối thì có hẳn hai tiếng. Vậy thì 30 phút sáng chúng ta viết cái gì đó dễ dễ thôi, dành cái khó/dài cho hai tiếng buổi tối. Cái dễ đó có thể là một chút phác hoạ nhân vật, đôi dòng về khung cảnh làng quê mà chúng ta đã quen thuộc, hoặc là chỉnh sửa chút đỉnh cho phần nội dung mà chúng ta đã viết vào tối qua. Cách làm này giúp người viết có cảm giác viết tới đâu xong tới đấy, có thể là chỉ viết xong một phần nhỏ, nhưng nó cho thấy việc viết cũng ra kết quả, không phải kéo dài lê thê mà mãi chẳng xong việc nào.


Điều chỉnh việc viết cho phù hợp với thể trạng

Viết (và hầu như mọi công việc khác) đòi hỏi nhiều ở thể trạng. Chúng ta không thể viết tốt nếu cơ thể đang mệt mỏi và cảm xúc đang sa sút. Thành thử, tuỳ thời tuỳ lúc, chúng ta nên có những điều chỉnh phù hợp.

Những bạn bị mắc chứng viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh đường hô hấp có thể sẽ hơi lờ đờ vào những ngày thời tiết thay đổi. Một số bạn nữ có thể sẽ trở nên không thoải mái vào kỳ kinh nguyệt. Hãy lưu ý những điều tương tự, để kịp thời điều chỉnh lịch viết, tránh trường hợp vừa không khoẻ vừa cố viết, để rồi bản thân vừa mệt vừa viết chẳng nên hồn.

Về vấn đề sức khoẻ này, Ngày ngày viết chữ từng đề cập trong Hôm nay phải mở mang. Nói chung, nếu thể chất không khoẻ, chúng ta có thể giảm cường độ làm việc xuống hoặc tạm ngưng, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải giữ gìn sức khoẻ cho chính mình, cho công việc viết của mình được bền bỉ.

Dành thời gian tập thể dục, ngủ đủ giấc và đừng bỏ bữa.
Đừng lãng phí sức khoẻ, có khoẻ mạnh thì chúng ta mới có sức bền mà viết lâu dài được.

– Hôm nay phải mở mang

Bên cạnh sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần cũng rất quan trọng. Những ngày có chuyện không vui, muốn viết điều gì đó tích cực chắc cũng khó. Nhưng cũng có những bạn, nhân tâm trạng không vui, ta bèn viết chút chuyện tình buồn. Đó âu cũng là một sự điều chỉnh vậy.


Nhập vai một người viết chuyên nghiệp

Nếu mình đang trong cơn lười, làm sao để mình thoát khỏi cơn lười đó? Bí quyết rất đơn giản, và vận dụng được. Đó là: Đừng lười nữa! Hay nói cách khác là, hãy giả vờ, hãy nhập vai một người siêng năng. “Đâu mình làm bộ siêng năng cái coi!” Câu này tuy là nói đùa nhưng hiệu quả thật. Làm bộ siêng năng, làm bộ ngồi vào bàn, làm bộ mở máy tính lên và viết thật.

Cái cách giả vờ siêng năng này, giả vờ làm một người viết chuyên nghiệp này, hiệu quả ở chỗ bạn sẽ thật sự đối xử nghiêm túc với bản thân, với công việc viết lách của mình. Dần dà, bạn sẽ có thói quen viết theo kế hoạch đã định sẵn. Cứ khi nào thấy bản thân hơi xao nhãng, hơi lười nhác, chúng ta hãy mạnh dạn nhập vai một người viết chuyên nghiệp, “diễn” riết rồi sẽ thành “thật” mà thôi.


Tóm lại, một kế hoạch viết có thể là một bảng biểu chi tiết, cũng có thể chỉ là đôi dòng sơ bộ. Tuỳ theo nhu cầu và tính chất công việc của mình, chúng ta cứ đề ra rồi căn cứ vào đó mà viết. Dọc đường nếu có gì bất ổn, chúng ta điều chỉnh lại, rồi tiếp tục viết. Và nhớ là trong vai một người viết chuyên nghiệp, chúng ta đã viết thì phải viết cho ra kết quả, tự dặn lòng không bỏ dở giữa chừng nhé!

Còn trong trường hợp tuy đã rất cố, nhưng bạn vẫn không viết được, cảm thấy mệt mỏi đến mức không muốn cầm bút, thì hãy đọc bài viết này nha.

/ Thẻ: chuyện viết chữ, kỹ năng viết, kỹ thuật viết, Viết

Chia sẻ bài viết

About the Author:Nguyễn Thuỳ Dung

Bài viết liên quan

[Học cùng Chữ #1] Từng lời đều là ẩn dụ

[Học cùng Chữ #1] Từng lời đều là ẩn dụ

Th5152025
5 cách duy trì cảm hứng cho người cầm bút | Ngày ngày viết chữ

5 cách duy trì cảm hứng cho người cầm bút

Th4022025
Hành trình người viết (Christopher Vogler) – Hành trình của những anh hùng

Hành trình người viết (Christopher Vogler) – Hành trình của những anh hùng

Th1082025

Bài viết gần đây

  • Những bài ca dao “chim bay về núi”

    Những bài ca dao “chim bay về núi”

  • Thành ngữ gốc Hán – Ngày ngày viết chữ tuyển chọn và giới thiệu (Phần 1)

    Thành ngữ gốc Hán – Ngày ngày viết chữ tuyển chọn và giới thiệu (Phần 1)

  • 5 cách duy trì cảm hứng cho người cầm bút

    5 cách duy trì cảm hứng cho người cầm bút

  • Viên lâm tức sự – Bài thơ cảnh về vườn mà nhiều người mơ

    Viên lâm tức sự – Bài thơ cảnh về vườn mà nhiều người mơ

  • Hương xuân đậu xuống vai mềm

    Hương xuân đậu xuống vai mềm

  • “Sắt cầm” và “sắt son”

    “Sắt cầm” và “sắt son”

  • Hành trình người viết (Christopher Vogler) – Hành trình của những anh hùng

    Hành trình người viết (Christopher Vogler) – Hành trình của những anh hùng


    CHÚNG TA LÀ NHỮNG CON CÁ NHỎ, MỖI NGÀY ĐỀU MỞ MANG.


    Đăng ký bản tin để mỗi khi có bài viết hữu ích hoặc sự kiện hay, Ngày ngày viết chữ sẽ gửi cho bạn qua e-mail.


    © Copyright 2017-2024 Ngày ngày viết chữ
    E-mail: ngayngayvietchu@gmail.com

    Chính sách riêng tư

    Kết nối trang