Khoá học “Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc” trong mắt học viên
| ngày Th108,2022
(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này tổng hợp một số nhận xét của học viên sau khi trải qua 10 buổi “Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc” của Ngày ngày viết chữ.
Bạn Hồng Hạnh – Khoá TV21.1
Bản thân em đã hơn một lần mông lung về khả năng viết và cách truyền tải thông điệp của bản thân, vì câu từ em sử dụng dường như chẳng đủ lôi cuốn để thu hút người khác. Em có thể sử dụng ngôn ngữ nói để truyền tải tốt, nhưng khi viết thì chưa hẳn. Khi em dành nhiều thời gian hơn để đọc lại bài viết của chính mình, em phát hiện ra từ trước đến giờ mọi thứ em viết đều do cảm xúc và bản năng chế ngự. Do đó câu cú cứ rối hết cả lên. Và em chọn khoá học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc để tự cho mình cơ hội được đào bới, được hiểu sâu con chữ mình đang dùng.
Trước hết, em rất cảm ơn Ngày ngày viết chữ vì mỗi bài học đều tạo nên những giá trị thú vị. Em đã luôn miệng “ồ quao” trong các buổi học. Và sau đó, em đã dần biết khó chịu khi nghe những câu cú lủng củng, khó tính khi lựa chọn câu chữ và khó lòng cho qua lỗi chính tả. Em cũng đã biết nghe tiếng dân mình nói theo tư cách một người viết. Đồng thời, em đã có thể tự tin phân tách câu từ, xác định và sắp xếp con chữ mà bản thân va phải tronng cuộc sống hằng ngày. Em còn xem chuyện phân tách, chọn lọc ấy như thú vui mỗi ngày.
Tuy em không biết liệu hành trình câu chữ của bản thân sẽ trôi về đâu nhưng em sẽ phấn đấu và thay đổi mỗi ngày để có cơ hội ứng dụng nhiều hơn những chia sẻ của Ngày ngày viết chữ.
Bạn Bảo Châu – Khoá TV21.1
Đây là 10 điều mình đã học được từ khóa học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc. Ý nhiều lời ít, quan trọng là từ lớp học này, mình nghĩ mình đã yêu mến tiếng Việt hơn khá là nhiều (sau một thời gian dài dùng tiếng Anh là chủ yếu và đã bị lai không ít haha).
- Tiếng Việt là một thực thể luôn có sự vận động nên chúng ta cần tìm hiểu, cập nhật, lưu ý liên tục để sử dụng tiếng Việt được hiệu quả. Không nên quá cứng nhắc phán xét người khác dùng tiếng Việt, đồng thời cũng nên có sự “tranh đấu’’ để sử dụng tiếng Việt đúng hơn trong nhiều tình huống.
- Cảm nhận được sự giàu đẹp, phong phú và khéo léo đăng đối của tiếng Việt => tự hào về dân tộc và đất nước mình hơn.
- Hiểu biết rõ về lịch sử tiếng Việt, ví dụ tiếng Việt có nguồn gốc như thế nào, chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa khác ra sao trong lịch sử, sự phát triển từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ Latinh.
- Biết cách phân tích cấu tạo ngữ âm của từng chữ, bỏ dấu sao cho phù hợp và nên dùng chữ y ở những trường hợp nào.
- Phân biệt các loại từ trong tiếng Việt và có niềm yêu thích tìm hiểu từ Hán Việt hơn, vận dụng từ chỉ loại tích cực hơn để giúp văn bản đa dạng.
- Hiểu thêm về sự khác biệt giữa cấu trúc chủ – vị và đề – thuyết => khi viết câu thì nên tự làm biên tập viên cho chính mình để văn bản có ngữ pháp đúng, hạn chế viết câu quá dài và rối rắm để tránh sai và thừa.
- Nhận ra về sự tinh tế của các từ tình thái (vị từ, tiểu từ, ngữ khí từ, quán ngữ) trong việc thể hiện thái độ của người nói/viết.
- Trân trọng và quan tâm ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày của những người xung quanh, đọc thêm từ điển và các tác phẩm văn học Việt Nam/nước ngoài.
- Chú ý sử dụng các biện pháp tu từ để làm cho câu văn, bài văn giàu biểu cảm và màu sắc. Ví dụ các bài khô khan thì nên có nhiều ẩn dụ, so sánh để dễ hiểu, bài văn vẻ quá thì nên có ca dao, thành ngữ, bằng chứng để vững chắc hơn.
- Cẩn thận hơn khi nói, viết tiếng Việt để đảm bảo rằng câu chữ không thừa không thiếu, vừa đủ và có điểm nhấn. Đồng thời, cần có sự siêng năng đọc, nghe, viết tiếng Việt nhiều để khả năng sử dụng tiếng Việt được nâng cao.
Cảm ơn Ngày ngày viết chữ rất nhiều và chúc Ngày ngày viết chữ liên tục phát triển nha.
Chị Nhung Nguyễn – Khoá TV21.1
Đây là khoá học đúng nghĩa MỞ MANG.
Có rất nhiều thứ mới (hoặc không mới nhưng mình chưa từng để tâm đến nó vì quá quen thuộc) mình thu nhận được sau khoá học này, như lý thuyết về đề – thuyết, sự tri nhận của người dùng tiếng Việt, một số khái niệm liên quan đến từ v.v… Bỗng dưng mình hình thành một thói quen/phản xạ là khi đọc thứ gì đó, mình dừng lại để thử xem đâu là đề, đâu là thuyết, rồi cách dùng từ của tác giả, phép liên kết, phép tu từ. Và khi viết thì càng quan sát gấp đôi so với trước.
Khoá học tuy siêu nặng về kiến thức nhưng vui vẻ vì cô giáo rất dễ chịu, chắc một phần vì giọng cô siêu hay. Tuy chưa tiếp xúc nhiều nhưng Dung cho mình cảm giác về một giáo viên/mentor rất thấu hiểu, linh hoạt, đầy kiến thức nhưng không hề xa cách. Cụ thể, dù mình biết mình mắc đầy lỗi khi làm bài nhưng mình không thấy căng thẳng vì thái độ của Dung làm cho người học cảm thấy nhẹ nhàng, không hề có sự hổ thẹn nào hết. Ở Dung cũng không có cái tôi lớn lao hoặc cá tính mạnh mẽ khiến người khác phải dè chừng như một số người học cao hiểu rộng trong lĩnh vực chữ nghĩa khác mà mình biết. Tóm lại, Dung nguyên tắc nhưng không cứng nhắc, cực vững chãi về chuyên môn nhưng không vì thế mà xét nét câu chữ của mọi người.
Cảm ơn Dung nhiều về khoá học thực sự giá trị.
Chị Thảo Sương – Khoá TV21.1
Đây là vài điều mình đã học được sau khi hoàn thành lớp Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc với Ngày ngày viết chữ:
Mình đã học được cách viết câu cú rõ ràng, ngắn gọn hơn trước đây. Thật mừng vì mình đã khắc phục được phần nào lối diễn đạt rườm rà và thiếu liên kết trước đây. Mình hiểu được nên viết câu ngắn, đúng chính tả, đúng ngữ pháp, không đánh đố người đọc, dù có thể câu mình chưa hay nhưng sẽ không rối rắm.
Mình học được nếu không thể viết cho hay thì hãy viết cho chân thành. Điều này giúp mình càng thấy vững tin hơn khi viết. Nghĩa là, dù chưa thể viết hay liền nhưng mình vẫn còn cái khác để cống hiến cho người đọc.
Mình học được cách viết tạo không khí cho bài viết. Tránh bài tạo ra không khí quá u sầu, bế tắc, nhạt nhẽo,… Nếu mình chọn nghề viết lách thì mình có trách nhiệm với câu chữ, với người đọc. Do vậy, mình không nên làm lãng phí thời gian người đọc. Mình hiểu được rằng muốn giữ gìn tiếng Việt “trong sáng” thì cũng nằm trong lòng bàn tay mình, dưới ngòi bút của mình mà thôi.
Mình còn học được cả kho tàng ca dao, dân ca, thành ngữ mà người xưa để lại, thấm nhuần từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, nếu mình biết cách vận dụng thì bài viết của mình dễ đi vào lòng người đọc hơn.
Cảm ơn Ngày ngày viết chữ nhiều vì đã rất tận tình, hướng dẫn mình rất kỹ.
Bạn Nguyễn Ngọc – Khoá TV22.2
Ngày ngày viết chữ từng có một buổi trò chuyện có tên “Chờ một bông hoa nở”. Em rất thích cái tên này, nghe sao mà dễ thương và gợi tả nhiều suy ngẫm. Đối với em, khóa học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc chính là những gì cần làm trong khi chờ hoa nở. Đây là một tấm bản đồ cho em biết mình cần học gì, làm gì để rèn giũa ngòi bút của mình.
Khóa học cực kỳ cần thiết cho người viết, nhất là những bạn mới vào nghề. Kiến thức là vô vàn, biết mình biết gì chưa chắc đã quan trọng bằng biết mình chưa biết gì. Mà cách nhanh nhất học là nhờ người thầy chỉ dạy cho mình. Có nhiều hiện tượng ngôn ngữ hay kiến thức thú vị được gọi tên. Đó vốn là cách dùng rất quen thuộc của dân gian, nhưng mình không biết mà vận dụng để những gì mình viết ra dễ đi vào lòng người hơn.
Em đến với khóa học với tâm thế học tiếng Việt để viết tốt hơn. Tuy nhiên, những điều em nhận được không chỉ là kiến thức mà còn là tình yêu tiếng Việt. Em ý thức hơn trong việc đọc – viết để giữ gìn nét riêng đặc biệt, chỉ tiếng Việt mới có. Hy vọng một ngày nào đó “bông hoa” của em cũng sẽ nở ^^.
Em cảm ơn Ngày ngày viết chữ nhiều vì một khóa học thực sự đáng giá!
(Những nhận xét này trích từ thư của học viên gửi Ngày ngày viết chữ sau khoá học. Ngày ngày viết chữ đăng lên web, trước là để giới thiệu khoá học với đông đảo bạn đọc, sau là để kỷ niệm những ngày được sát cánh dồi mài tiếng Việt cùng các bạn. Bài viết này sẽ còn cập nhật.)