Học cách sử dụng từ tượng thanh, tượng hình qua hồi ký của Ma Văn Kháng
| On Th207,2023(Ngày ngày viết chữ) Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng là một quyển hồi ký sống động, như tên gọi của mình, cuốn sách chứa nhiều nỗi nhọc nhằn và cũng thấm đẫm niềm nhớ thương. Ở góc độ người viết, chúng ta có thể học hỏi khá nhiều điều từ tác phẩm này, trong đó có cách sử dụng từ tượng thanh và từ tượng hình.
Từ tượng thanh, tượng hình trong tiếng Việt
Từ tượng thanh và từ tượng hình là những từ mô phỏng. Trong đó, từ tượng thanh mô phỏng âm thanh, từ tượng hình mô phỏng hoặc gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của con người và tự nhiên, sự vật nói chung.
Đây là nhóm từ đặc sắc và mọi ngôn ngữ đều có. Trong tiếng Việt, từ tượng thanh và từ tượng hình thường có hai hình thức, từ đơn tiết và từ đa tiết.
Từ đơn tiết là những từ kiểu cạch (tiếng khoá cửa), vèo (lá rụng trong gió mạnh), còm (người gầy guộc), quắt (hoa cỏ khô héo hoặc người bệnh quá mức),…
Từ đa tiết thường là từ có dạng láy, chẳng hạn: chằm chằm, kẽo kẹt, róc rách, sạch sành sanh, nuốt nuồn nuột, lách ca lách cách, lù khà lù khù,…
(Để xem thêm về từ láy, bạn có thể tham khảo bài viết Một vài từ láy trong thơ chữ Nôm Nguyễn Khuyến.)
Từ tượng thanh, tượng hình trong Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương
Ma Văn Kháng là một nhà văn có nhiều tác phẩm nổi tiếng, như Đồng bạc trắng hoa xoè, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, v.v.. Tác phẩm Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương là một tập hồi ký của ông do Công ty Văn hoá Truyền thông Sống và NXB Văn học phát hành.
Trong bài viết này, Ngày ngày viết chữ giới thiệu với các bạn một số câu văn trong Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương có sử dụng từ tượng thanh, tượng hình mà chủ yếu là những trường hợp láy. Mời quý bạn đọc tham khảo:
1. Khối vàng đinh đứt dây, tung tở từng thoi lem lém cùng hai con ngựa, chiếc ti vi, cái xe máy bắt lửa loè cháy đùng đùng, phát tiếng ù ù như reo vui.
2. Ông cát ngửa ngực, tay chắp sau lưng, ngật ngà ngật ngưỡng nhìn đám mã hoả thiêu buông một lời bình. Nghe tiếng gậy chống lộc cộc ở phía sau, tôi quay lại…
3. Trong gian thờ, nhìn khói hương toả lan những sợi tơ mỏng mảnh như bay về một cõi giới vô hình, tôi bỗng rưng rưng một nỗi sợ sệt trước cái bao la vô tận của một không gian đã vượt khỏi mọi phép tính toán đo lường và giới hạn.
4. Thức dậy trong lo lắng, đến sáng mọi người dè dặt mở cửa thấy phố xá vắng ngắt và lính Nhật đội mũ vải chum chủm, chân quấn xà cạp, lệt xệt gươm dài đứng gác ở đầu các phố.
5. Các xác chết đều được vứt lên chiếc xe bò, thân xác người lỏng khỏng, khô cứng nẩy lịch bịch theo vòng bánh xe lăn trên đường đá củ đậu, đi tới cuối phố, ở đó có những cái hố đã đào sẵn.
6. Ở đây tôi cũng đã thấy cuộc Thổ Cải rầm rộ của nước bạn và ở một bãi đất lổn nhổn gò đống, tôi đã chứng kiến vụ hành hình một địa chủ.
7. Có một tình yêu man mác và quấn quyến ở cảnh sắc, con người ở miền đất ấy?
8. Con đường nhỏ mờ mờ ẩm ướt gập ghềnh, len lỏi.
9. Xếp hàng chen lấn í om cả sáng chủ nhật, có khi mới mua được hai cân gạo.
Với những câu trên này, chúng ta có thể thấy rằng, bên cạnh những từ thường gặp như ngật ngà ngật ngưỡng, rầm rộ thì còn có những từ khá lạ lẫm, như quấn quyến, í om. Dọc tác phẩm này, chúng ta đều có thể bắt gặp rất nhiều những từ tượng thanh, tượng hình như vậy. Chúng được sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt, rất đáng học hỏi.
Ngoài ra, quyển hồi ký này còn kể nhiều về sự nghiệp văn chương, con đường sáng tác của Ma Văn Kháng, rất có giá trị tham khảo cùng ý nghĩa động viên, uốn nắn cho người cầm bút. Chẳng hạn, bàn về truyện ngắn và tiểu thuyết, Ma Văn Kháng viết:
Tất nhiên truyện ngắn cho ra truyện ngắn không thể một năm ra một tập được. Viết truyện ngắn rất mệt!
Với tôi, nếu như mỗi cuốn tiểu thuyết ứng với tâm thế một đoạn đời tôi đã trải, thì mỗi truyện ngắn là một khoảnh khắc lẩy ra từ một câu chuyện cụ thể tôi của một con người cụ thể tôi đã bắt gặp. Văn xuôi của tôi là thứ văn xuôi truyền thống, nó bắt nguồn từ đời thực, rồi được chọn lọc xếp sắp, được trí tưởng tượng chắp cánh, bay vào các miền hư cấu, và kết thúc bằng một giải toả.
Truyện ngắn của tôi luôn bắt đầu từ một sự việc cụ thể.
Nói tóm lại, đây là một tác phẩm mà người học viết rất nên đọc, nhất là người học viết các thể loại văn xuôi hiện đại. Ngày ngày viết chữ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.