“Hắn vừa đi vừa chửi” và thủ pháp đưa người đọc vào giữa câu chuyện
| On Th129,2023(Ngày ngày viết chữ) “Hắn vừa đi vừa chửi” – câu mở đầu trứ danh của tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) là một thủ pháp viết thú vị mà chúng ta có thể học hỏi và vận dụng.
VÀI BÀI HƯỚNG DẪN VIẾT KHÁC
>> 3 vấn đề khi kể chuyện bằng “tôi” và cách khắc phục
>> 7 mẹo viết của Paulo Coelho
Câu biểu thị sự tồn tại
Trước tiên, chúng ta xét qua một cách mở đầu thường gặp trong nhiều tác phẩm tự sự xưa kia. Đó là cách mở đầu bằng một câu biểu thị sự tồn tại. Ví dụ:
1. Ngày xưa có một người trẻ tuổi tên là Mai An Tiêm. Chàng là người ở một nước đâu tận vùng biển phía Nam, bị bán làm nô.
2. Ngày ấy, vào thời Tây Sơn, có một chàng trẻ tuổi người vùng Đồng Nai. Chàng là người tài kiêm văn võ, đã từng vung gươm hưởng ứng các bất bình của mọi người.
3. Ngày xưa có một bác đồ tể chuyên mua lợn về giết thịt để mang bán ở chợ. Nhà bác ta ở bên cạnh một ngôi chùa làng.
4. Ngày xưa, có hai cô cháu ở chung với nhau một nhà.
Bốn câu trên trích từ bốn tác phẩm trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (quyển 1, NXB Trẻ, 2015). Không chỉ cổ tích, nhiều tác phẩm tự sự nổi tiếng cũng có cách mở đầu bằng câu biểu thị sự tồn tại như vậy. Chẳng hạn Truyện Kiều sau mấy câu gọi là nêu quan điểm của tác giả, thì bắt đầu bằng:
Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.
Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Tương tự, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu sau mấy câu nêu quan điểm, cũng bắt vào truyện bằng câu biểu thị sự tồn tại:
Có người ở quận Đông Thành,
Tu nhơn tích đức sớm sanh con hiền.
Đặt tên là Lục Vân Tiên,
Tuổi vừa hai tám(1) nghề chuyên học hành.
Những câu biểu thị sự tồn tại như trên có tác dụng giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh, môi trường của nhân vật, của câu chuyện cho độc giả biết trước. Không chỉ đầu câu chuyện, mỗi khi có nhân vật mới xuất hiện, các tác giả cũng thường dùng câu biểu thị sự tồn tại để giới thiệu. Chẳng hạn đây là cách Thúc Sinh xuất hiện trong Truyện Kiều:
Khách du bỗng có một người,
Kỳ Tâm họ Thúc(2) cũng nòi thư hương.
Vốn người huyện Tích châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy.
Và đây là cách Trịnh Hâm, Bùi Kiệm xuất hiện trong Truyện Lục Vân Tiên:
Một người ở quận Phan Dương,
Tên Hâm họ Trịnh tầm thường nghề văn.
Một người ở phủ Dương Xuân,
Họ Bùi tên Kiệm tác chừng đôi mươi.
Theo Cao Xuân Hạo(3), việc sử dụng những câu như vậy để mở đầu hoặc để giới thiệu nhân vật mới có thể xem là một công thức chung của văn học cổ điển, nhưng đến văn học hiện đại, công thức ấy bị phá vỡ.
“Hắn vừa đi vừa chửi” và những câu mở đầu vào thẳng giữa chuyện
Việc không mở đầu bằng một câu biểu thị sự tồn tại mang tính chất giới thiệu có lẽ đã xuất hiện ở nhiều nhà văn hiện đại, ở đây chỉ xin được bàn tới Nam Cao. Dưới đây là cách mở đầu một số tác phẩm của ông:
1. Hắn vừa đi vừa chửi. (Chí Phèo)
2. Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm. (Lão Hạc)
3. Bây giờ hắn đã trở thành mõ hẳn rồi. (Tư cách mõ)
4. Ông cựu Đẩu chả lẩn thẩn mà lại thế! Tự nhiên đi rước cái anh cu lang Rận ấy về! (Lang Rận)
5. Người mẹ bê rổ chuối luộc lên. (Trẻ con không biết đói)
6. Hắn hút đến điếu này là điếu thứ ba. (Trẻ con không được ăn thịt chó)
7. Thế là xong. Anh chết rồi đấy nhỉ? (Điếu văn)
8. Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. (Một bữa no)
9. Ngạn đã cố không nghĩ nữa. Nhưng ý nghĩ cứ tự nhiên trở lại. (Nhìn người ta sung sướng)
Lẽ thường, trước khi bắt đầu một câu chuyện, người ta cần giới thiệu đôi ba lời. Tỉ như “hắn”, “người mẹ”, “anh”, “bà lão ấy” là ai, ở đâu, sống bằng nghề gì. Thậm chí “lão Hạc”, “ông cựu Đẩu”, “Ngạn” là ai, ở đâu, tuổi tác, gia cảnh thế nào cũng cần được giới thiệu.
Tuy nhiên, Nam Cao tạm gác lại tất cả những lời giới thiệu dông dài mà vào ngay vấn đề. “Tác giả làm như thể trước khi bắt đầu đọc, độc giả đã biết sẵn ‘hắn’ là ai, ở đâu, và trước cảnh đó đã xảy ra những gì” (Cao Xuân Hạo, 640). Tất nhiên, những điều chưa biết, chưa được giới thiệu này sẽ được tác giả nêu ra ở những đoạn sau.
Tóm lại thì việc Nam Cao (và các tác giả khác) không bắt đầu bằng những câu biểu thị sự tồn tại là một thủ pháp “nhằm đưa người đọc ngay từ đầu vào chính giữa môi trường của nhân vật và sự việc, làm cho người đọc có cảm giác như nghe một câu chuyện đang kể giữa chừng về một người cùng làng, cùng xóm mà mình quen biết từ lâu” (Cao Xuân Hạo, 640).
___________
(1) “Tuổi vừa hai tám” tức là mười sáu tuổi, không phải hai mươi tám tuổi.
(2) Thúc Sinh có tên là Thúc Kỳ Tâm, thường gọi Thúc Sinh. Về sau có đoạn Kiều nhớ Thúc Sinh, thơ rằng: “Đêm thu gió lọt song đào / Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.” Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời là chữ Tâm – 心, là tên của Thúc Kỳ Tâm.
(3) Xin xem chi tiết trong “Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa” của Cao Xuân Hạo, NXB Khoa học Xã hội, 2017, tr. 639-641.