Có một cuộc cách mạng gọi là Dobby
| On Th1003,2016(Ngày ngày viết chữ) – Nếu bạn hỏi tuổi thơ của mình là gì thì câu trả lời chính là Harry Potter. Bảy quyển sách kể về thế giới phù thủy nhiệm màu huyền diệu ấy đã đi cùng mình qua những năm tháng sôi nổi và hồn nhiên nhất đời người.
Harry Potter – bài ca thời thơ ấu
Ngày đó, thế giới của mình ngoài những bài học trên lớp, những chuyến đi chơi cùng bạn bè hay những giờ phút bên gia đình, chính là những câu thần chú buồn cười, những bài độc dược bí ẩn, những trận Quidditch nghẹt thở, những chuyến đi đêm lòng vòng trường pháp thuật của Harry và tụi bạn. Thế giới phù thủy ấy, thật kỳ lạ là ai cũng biết không có thật, nhưng ai cũng say đắm gần như không dứt ra được. Cảm giác giống như độc giả đã bị “trúng bùa mê” hết rồi.
Nội dung chủ yếu của Harry Potter là cuộc sống trong trường Hogwart, ngôi trường phù thủy huyền bí mà những đứa trẻ “không có lấy một giọt máu phù thủy nào trong huyết quản” như chúng ta đều khao khát đến học. Tác phẩm được thể hiện bằng giọng văn sinh động buồn cười, nhưng ý nghĩa đằng sau câu chuyện của Rowling lại không buồn cười chút nào. Nó nói về cái chết và hành trình chiến thắng cái chết. Câu “slogan” của Tử Thần Thực Tử – Kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt là cái chết – kỳ thực cũng chính là mạch chỉ ngầm xuyên suốt câu chuyện. Trên mạch chỉ ấy, nhà văn kết lên những bông hoa đẹp đẽ gọi là tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, là lòng dũng cảm, là sự kiên trì bảo vệ lẽ phải, là bài ca cái thiện chiến thắng cái ác.
Câu chuyện tái hiện những ngày tháng thơ ấu, từng bước từng bước trưởng thành của cậu bé Harry mồ côi. Bị đối xử tệ bạc, bị trêu chọc khi đến trường phù thủy, bị bao quanh bởi tiếng tăm khi còn quá nhỏ nhưng Harry chưa bao giờ “hư” cả, như lời cụ Dumbledore nói với dì Petunia trong tập 6 – Harry Potter và Hoàng tử lai. Những tháng ngày học tập, rèn luyện ở trường phù thủy là những ngày Harry kiên cường chống lại thế lực hắc ám. Bảo vệ hòn đá phù thủy, giết tử xà, diệt Trường Sinh Linh Giá đầu tiên (quyển nhật ký của Tom Riddle), giải oan cho chú Sirius, tham gia thi cúp Tam pháp thuật, chứng kiến sự sống dậy của Voldemort, cùng thầy Dumbledore đi tìm Trường Sinh Linh Giá, cuối cùng là dũng cảm đối mặt cái chết để thông qua đó tiêu diệt Voldemort. Những chiến công ấy, bất kỳ cái nào kể ra cũng rất đáng khâm phục. Nhưng Harry chưa từng nghĩ những điều đó đáng tự hào. Cậu nhóc đơn giản chỉ nói, chẳng qua là ăn may và được nhiều người giúp đỡ. (Đau lòng thay, sự giúp đỡ đó đôi khi chính là chết thay cho cậu).
Harry, cậu chính là tuổi thơ của tôi. Trong những lúc khó khăn của đời người, câu chuyện dũng cảm của cậu sẽ là lời nhắc nhở tôi bước tiếp. Nếu Harry có thể đánh bại Voldemort, thì còn có chuyện gì mà ta không làm được? Sau này già đi, sẽ có lúc tôi nhàn hạ ngồi trên ghế dựa, đọc lại những trang sách về cậu, chậm rãi hồi tưởng tuổi thơ của mình.
Có một cuộc cách mạng gọi là Dobby
Như đã nói, trên hành trình vượt qua cái chết, thậm chí là trở về từ cái chết của Harry, luôn có nhiều người giúp đỡ cậu. Thầy Dumbledore, Ron, Hermione, Đoàn quân Dumbledore, Hội Phượng hoàng và rất nhiều “người qua đường” khác. Trong đó có một nhân vật – nhỏ bé, không thể sống đến ngày chiến thắng cuối cùng, và rất có thể bị lãng quên trong giờ phút chiến thắng: Con gia tinh Dobby.
Có lẽ người đọc Harry Potter nào cũng mong muốn đem thế giới ấy ra đời thực. Thật tuyệt vời nếu một ngày hè nào đó, bạn nhận được một phong thư dày bằng da, bìa thư có hình một con rắn, một con sư tử, một con ó và một con lửng quấn quanh mẫu tự H. Nội dung thư thông báo bạn trúng tuyển trường phù thủy và yêu cầu bạn đến Hẻm Xéo mua sắm sách thần chú và đũa phép rồi đi học vào ngày 1/9 ở sân ga Chín Ba phần Tư. Mình đương nhiên cũng muốn đem thế giới Harry Potter ra đời thực, nhưng nếu nguyện vọng này là quá lớn, cần thu nhỏ xuống một chút, mình nghĩ mình muốn đem gia tinh Dobby ra đời thực.
Con gia tinh ấy, với đôi tai to và cái mũi nhọn, rõ ràng đã chẳng còn trẻ trung gì nữa, nhưng vẫn mang bộ dáng ngây thơ nhút nhát. Con gia tinh ấy, thích mặc quần áo đẹp, thích nhất là vớ (vì thứ đã đem tự do đến cho nó là một chiếc vớ chăng) và nhất định mang vớ phải mang hai chiếc “lạc tông” hoàn toàn mới chịu! Con gia tinh ấy rõ ràng biết nếu đi báo tin cho Harry Potter về chuyện thế lực hắc ám sống dậy và cuộc thanh lọc Máu bùn sắp diễn ra (Harry Potter và Phòng chứa bí mật) sẽ phải tự phạt chà bàn ủi lên bàn tay mình nhưng vẫn cứ đi. Con gia tinh ấy khi được giải phóng rõ ràng vẫn chưa quen lắm, còn tự trừng phạt mình khi nói xấu chủ cũ, nhưng vẫn không ngừng vui sướng khẳng định mình là một con tinh tự do.
Con tinh tự do ấy thuần chân như một đứa trẻ, mang lòng biết ơn sâu sắc đối với Harry Potter, mãi cho đến lúc cuối cùng, khi Harry khắc lên bia mộ nó mấy chữ “Nơi đây an nghỉ, Dobby, một con tinh tự do”. Từ trước khi gặp Harry, Dobby đã xem Harry là một anh hùng. Bởi dưới thời Voldemort, chế độ nô lệ còn tàn nhẫn hơn, đời sống gia tinh thậm chí không đáng gọi là sống nữa. Chính nhờ cậu bé Harry Potter một tuổi đánh bại Voldemort mà đời sống gia tinh mới khá hơn. Lẽ ra, Dobby không cần mang ơn Harry Potter. Cậu nhóc Harry khi ấy không ý thức được việc mình làm cũng như không biết việc ấy có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Cậu nhóc hoàn toàn không cần Dobby chịu ơn. Nhưng “đứa trẻ” Dobby này cũng thật hiểu chuyện, luôn mang ơn Harry.
Sau này, khi được Harry Potter một lần nữa giải phóng – lần này là giải phóng thật sự, Dobby lại càng mang ơn và yêu thương Harry. Vẽ tranh, đan vớ tặng cậu nhân dịp Giáng sinh. Không cho phép Lucius Malfoy (ông chủ cũ của nó) xúc phạm Harry. Trong Harry Potter và Bảo bối Tử thần, Dobby đã đến căn hầm của biệt viện Malfoy giải cứu Harry và các bạn. Lần đó, Dobby đã dõng dạc nói với những người chủ cũ: “Dobby không có chủ, Dobby là một gia tinh tự do.”
Sau đó Dobby chết…
Nếu có thể, mình sẽ gọi Dobby là hiện thân của một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng đấu tranh vì tự do, vì quyền được lao động bình đẳng. Voldemort và phe cánh của hắn, bị ám ảnh về cái gọi là thuần chủng, chúng kỳ vọng vào một thế giới mà ở nơi đó chỉ có những phù thủy thuần chủng (hoặc lai nửa phù thủy nửa Muggle) mới là những kẻ thượng tôn. Phù thủy gốc Muggle, Muggle và những loài khác chỉ là hạ đẳng, phải phục tùng và làm nô lệ cho thượng tôn. Dobby chết để cứu sống Harry và đồng đội – những người ở trung tâm cuộc chiến chống Voldemort, cho nên cái chết của Dobby, suy cho cùng chính là cái chết vì đòi quyền được sống tự do. Đó là cái chết ý nghĩa và đẹp đẽ biết chừng nào!
Mình không chắc ý đồ xây dựng hình tượng nhân vật Dobby của Rowling như thế nào, nhưng với tính cách trẻ con và thân phận nô lệ của nó, mình nghĩ Dobby là hiện thân của hàng triệu trẻ em đang bị bóc lột lao động ở nhiều nơi trên thế giới. Một ví dụ khủng khiếp cho nạn bóc lột này đã được nêu ra trong Bản báo cáo That is what we die for (Chúng tôi chết vì thứ này) do tổ chức Ân xá Quốc tế công bố. Bản báo cáo đã vạch trần sự tàn khốc trong ngành công nghiệp khai thác cobalt – nguyên liệu chính để làm ra những viên pin điện thoại smartphone. Bản báo cáo kể lại đời sống cùng cực của những đứa trẻ người Congo trên công trường khai thác quặng, đánh đổi sức khỏe và tính mạng của mình để đổi lấy 2USD mỗi ngày. Theo thống kê, có khoảng 40.000 nhân công trẻ em đang làm việc ở các mỏ khai thác quặng cobalt, dâng hiến tuổi thơ của mình để góp phần tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận cho các công ty công nghệ.
Đọc những thông tin như That is what we for die, mình thật hy vọng Dobby có thể bước ra đời thực, để trở thành biểu tượng cổ động cho chúng ta đấu tranh vì một thế giới tự do, bình đẳng và bác ái hơn nữa. Một thế giới nơi mà con người được làm chủ vận mệnh của chính mình, được sống như mình mong muốn hay chí ít là được lao động an toàn và trả công xứng đáng.
Dẫu biết rằng mang Dobby ra đời thật là không thể, nhưng dù sao, mình nghĩ yêu thương, ngẫm nghĩ về một nhân vật như Dobby cũng đã làm cho cuộc sống và tâm tư của mình đẹp hơn rất nhiều. Cuộc đời của con gia tinh tự do ấy đã dạy cho mình nhiều điều thật ý nghĩa, rằng bất kỳ ai cũng cần được tự do, được lao động bình đẳng và được tôn trọng. Trên tất cả, cuộc đời của Dobby đã khiến mình nhận ra một điều quan trọng: Kỳ thực con người vốn không cần nhọc công đi tìm bản thân, con người chỉ cần kiến tạo bản thân trở nên như thế nào mình muốn. Bản thân Dobby được sinh ra là gia tinh, số mệnh định sẵn là làm nô lệ cho phù thủy. Nếu nó tìm kiếm bản thân, như chúng ta vẫn luôn đi tìm ý nghĩa, định mệnh của đời mình, thì cả đời nó vẫn sẽ là một con tinh nô lệ. Nhưng không, Dobby đã trở thành một con tinh tự do, đúng như nó muốn. Lời thầy Dumbledore cũng từng dạy, “Vấn đề của một người không phải là được sinh ra như thế nào, mà là lớn lên như thế nào!” Đúng vậy, không cần biết chúng ta vì sao được sinh ra, quan trọng là chúng ta mong muốn trở thành một người như thế nào và tận lực phấn đấu vì mong muốn ấy.
Những chuyện này, thời điểm đọc Harry Potter, mình đương nhiên chưa “ngộ” được. Nhưng những ngày tháng sau này, không ngừng suy ngẫm, cảm thấy thật may mắn vì đã lựa chọn bộ sách ấy để trải qua thời tươi trẻ. Gặp được Harry Potter, tuổi thơ của mình vì thế mà trọn vẹn.
(*) Bài viết này viết theo chủ đề “nếu được mang một nhân vật trong sách ra đời thật”.