Đôi điều về việc lập dàn ý trước khi viết
| On Th320,2023(Ngày ngày viết chữ) Chúng ta có thể lập dàn ý trong đầu, cũng có thể ghi vài gạch đầu dòng ra giấy, hoặc kẻ bảng chi tiết hẳn hoi trên file word, dù bằng cách nào, chúng ta cũng rất cần một dàn ý.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> 3 vấn đề khi kể chuyện bằng “tôi” và cách khắc phục
>> 7 mẹo viết của Paulo Coelho
Lập dàn ý ở đâu?
Một số người viết hầu như không lập dàn ý ra giấy. Họ nghĩ dàn ý trong đầu nhân lúc lái xe, lúc ngồi chờ tới lượt giao dịch trong ngân hàng, lúc rửa chén hoặc lau nhà, và cả lúc sắp ngủ. Sau khi nghĩ đủ kỹ càng, họ bắt tay vào viết, câu chữ cứ thế tuôn trào.
Một số khác thì viết gì viết, trước nhất cứ lập dàn ý ra giấy cái đã. Gạch đầu dòng cho ý lớn, đánh dấu cộng cho ý nhỏ, đâu ra đấy chỉnh tề. Tỉ mỉ hơn, nhiều người dùng Word, Excel hoặc Power Point phác thảo trước, có bảng biểu rõ ràng, xong xuôi mới viết. Những người viết theo phong cách này, tất nhiên cũng phải nghĩ trong đầu rồi, có điều họ không chỉ giữ dàn ý của mình trong đầu, họ bỏ thời gian viết ra nữa.
Lại còn một số khác là sự hoà trộn của cả hai, tuỳ theo tính chất của bài viết, đơn giản thì nghĩ trong đầu, phức tạp thì viết ra phòng khi ý tứ rối ren quá trí não không quán xuyến chu đáo được. Nhóm này có lẽ khá nhiều.
Bài viết này tập trung vào việc lập dàn ý ra giấy hoặc là ra các file như Word hoặc Power Point, hướng dẫn những “ngòi bút mới” một số việc có thể làm để có một dàn ý tốt. Thể loại nêu ví dụ ở đây là tiểu thuyết hoặc truyện dài, có nhiều tuyến nhân vật và bối cảnh rộng, thời gian dài.
Trước khi bắt đầu, có một lưu ý nhỏ cho bạn là đừng nhầm lẫn giữa bố cục và dàn ý. Bố cục tác phẩm thông thường gồm 3 phần: Mở – thân – kết. Cũng có những bố cục khác chi tiết hơn. Còn dàn ý thì có nhiều điều cần phải nêu ra hơn và xây dựng bố cục cũng là một phần của việc lập dàn ý.
Lập dàn ý như thế nào?
Dưới đây là một số bước bạn có thể làm khi bắt tay vào việc lập dàn ý:
1. Gói gọn toàn bộ ý tưởng về câu chuyện của bạn vào một câu
Câu này giúp bạn nhớ được tác phẩm của bạn nói về điều gì, thông điệp bạn muốn gửi gắm là gì. Câu này cũng giúp bạn tiện bề giới thiệu tác phẩm của mình với biên tập viên nhà xuất bản hoặc bất kỳ ai lúc cần.
Bạn có thể gọi câu này là câu chủ đề, câu cốt lõi, hoặc bất kỳ tên gọi nào đó mà bạn thấy phù hợp.
2. Thiết lập cốt truyện
Cốt truyện là chuỗi các sự kiện tạo nên cuốn tiểu thuyết của bạn, nói cách khác cốt truyện là nội dung chính của câu chuyện. Có nhiều kiểu cốt truyện, chẳng hạn:
– Phiêu lưu: Nhân vật lao vào một chuyến phiêu lưu nào đó, có thể là chủ động, cũng có thể là bị ép buộc phải lâm vào cảnh phiêu lưu.
– Biến cố: Nhân vật trải qua một biến cố nào đó và dần trưởng thành hơn.
– Tình cảm: Nhật vật có trải nghiệm yêu đương, ghen tuông, hiểu lầm vân vân và vân vân.
– …
Cốt truyện sẽ khiến người đọc không đặt cuốn sách xuống được, hoặc là bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí bỏ luôn từ những trang đầu. Vậy nên, chúng ta phải đầu tư thời gian và công sức cho bước thiết lập cốt truyện này nhiều một chút.
3. Lựa chọn bố cục của câu chuyện
Như ở trên đã nói, bố cục của một câu chuyện thông thường gồm 3 phần Mở – thân – kết. Bạn có thể mở rộng bố cục 3 phần này, chẳng hạn mở rộng thành 5 phần:
– Mở đầu;
– Xuất hiện biến số làm thay đổi cuộc sống vốn có;
– Một loạt những biến số, tình huống làm câu chuyện thêm gay cấn;
– Cao trào;
– Kết thúc.
Có rất nhiều bố cục khác nhau để bạn lựa chọn, bạn nên phối hợp với cốt truyện để lựa chọn và sắp xếp bố cục cho phù hợp.
4. Giới thiệu nhân vật
Bạn có thể kẻ một bảng nhỏ, kiểu vầy:
Tên | Đặc điểm ngoại hình | Nhân thân và bối cảnh sống | Mối liên quan với các nhân vật khác | Ghi chú |
Một bảng nhỏ như vầy sẽ giúp bạn nắm được các nhân vật của mình. Tuy nhiên, nhân vật luôn có sự phát triển của riêng mình. Thành thử, khi viết tới một lúc nào đó, có thể bạn sẽ thấy nhân vật có xu hướng phá vỡ những nội dung trong bảng. Điều này không có gì là bất thường cả.
Để giới thiệu nhân vật, bạn có thể làm một cuộc phỏng vấn tưởng tượng với nhân vật, hỏi họ vài câu, bắt đầu bằng tên, tuổi, thích điểm nào nhất trên người mình, cá tính ra làm sao, dần dần hỏi những câu sâu sắc hơn.
Bạn thậm chí còn có thể thử vào vai nhân vật của mình viết cho chính mình một bức tâm thư. Tác giả thân mến, tôi là nhân vật A trong bản thảo X của ông đây. Tôi có điều này phải nói với ông là tôi ghét cay ghét đắng lão B trong cùng bản thảo. Người đâu mà tiểu nhân…
Tất cả những nội dung này có thể mãi mãi sẽ chẳng tới tay độc giả, nhưng chúng giúp bạn hiểu nhân vật của mình tốt hơn.
5. Mô tả bối cảnh của câu chuyện
Bối cảnh khác nhau thì cách hành xử của nhân vật sẽ khác nhau, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt cũng khác nhau. Cùng là nam nữ thanh niên nhưng ở nông thôn và thành thị sẽ không giống nhau, năm 2020 và năm 1920 cũng không giống nhau.
Bối cảnh liên quan nhiều đến đời sống văn hoá – xã hội của nhân vật trong câu chuyện. Có những bối cảnh lớn là bối cảnh chung, cũng có bối cảnh vừa là bối cảnh của từng (nhóm) nhân vật. Và ở mỗi phân cảnh nhỏ, mỗi tình tiết cũng cần có bối cảnh. Ở bước mô tả bối cảnh này, bạn có thể chỉ cần mô tả bối cảnh lớn và vừa, những bối cảnh nhỏ thì lúc viết hẵng mô tả.
Điều cần lưu ý là, một bối cảnh được mô tả tốt sẽ rất hữu ích cho cái gọi là Show, don’t tell.
6. Tóm tắt nội dung các chương
Tóm tắt ngắn gọn, cực kỳ ngắn gọn nội dung từng chương. Bạn có thể dựa vào bộ câu hỏi 5W+1H để tóm tắt. Nghĩa là ở từng chương, bạn cho biết Ai đã làm gì, ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào.
Tóm tắt thật ngắn gọn thôi. Nếu có lời thoại hoặc hành động nào của nhân vật mà bạn nghĩ ra được và thấy tâm đắc, muốn ghi lại cho đỡ quên, bạn có thể ghi vào ô Ghi chú trên mục Giới thiệu nhân vật.
Bước tóm tắt nội dung từng chương này có thể giúp bạn nhìn ra những lỗ hổng chết người, những chỗ phi lý trong diễn biến câu chuyện. Có thể lúc mới đầu bạn chưa tóm tắt được tất cả các chương, nhưng không sao, từ từ bổ sung cũng được.
Có dàn ý rồi thì sao?
Thì bắt tay vào viết. Có điều, trong lúc viết, theo đà phát triển của nhân vật, của câu chuyện, có thể sẽ có những điều đã ghi trong dàn ý nhưng bị bỏ ra, và một số ý tưởng mới xuất hiện được thêm vào. Đó là chuyện bình thường khi viết.
Trong 6 bước trên, nếu muốn bạn có thể đảo trình tự, chẳng hạn giới thiệu nhân vật trước rồi mới viết cốt truyện, hoặc là chọn cấu trúc xong mới viết cốt truyện. Bước nào trước bước nào sau cũng được, miễn là thuận tiện cho bạn. Thậm chí, bạn có thể bỏ qua một vài bước, nhất là khi viết những tác phẩm ngắn thì chỉ cần làm bước đầu tiên thôi là đủ.
Nói chung, nghĩ trong đầu cũng được, viết ra giấy cũng được, việc sáng tác sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta được viết trong trạng thái dễ chịu nhất. Tuy nhiên, nếu tác phẩm bạn định viết tới đây tương đối đồ sộ, hãy thử ghi ra vài dòng, phòng trường hợp mình lỡ quên mất những ý hay hay mà mình đã nghĩ, bởi vì suy cho cùng, một trí nhớ tốt cũng không bằng một vết mực mờ. Hy vọng bài viết này sẽ ít nhiều hữu ích cho bạn.