Con gà trong tiếng nói người Việt
| On Th829,2023(Ngày ngày viết chữ) Lẽ thường, văn học dân gian và tiếng nói người bình dân nói chung hay dùng những hình ảnh quen thuộc với đời sống. Xưa giờ ta đã quen với hình ảnh con cò, con trâu, riêng bài viết này xin bàn về con gà trong tiếng nói của người Việt.
Để chỉ người có tính ganh đua, không chịu thua kém ai thì người Việt có câu “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Ai cậy thế bắt nạt người thì bị chê là “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Kẻ không có ý chí, không nên cơm nên cháo gì thì bị kêu “Gà què ăn quẩn cối xay”. Còn kẻ yếu ớt, không có sức vóc gì thì có ngay câu “Trói gà không chặt”.
Ai mà chỉ có vẻ bề ngoài chứ bên trong không có gì tài giỏi, không khéo bị nói “Con gà tốt mã vì lông”. Còn phụ nữ mà “xía” vào chuyện của đàn ông thì sẽ bị bảo là “Gà mái gáy gở”.
Với người cùng hội cùng thuyền mà đấu đá lẫn nhau thì có câu ” Gà nhà lại bới bếp nhà”. Để răn đe chuyện đấu đá này, người Việt có câu “Khôn ngoan đối đáp* người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.” Người Việt còn có cả câu “Trấu trong nhà để gà ai bới” dành cho trường hợp chuyện trong nhà mình lại để người ngoài “xía” vô. Ai vô tình hoặc cố ý rước kẻ xấu về hại chính người thân mình là “Cõng rắn cắn gà nhà”. Gặp chuyện mà thiếu bình tĩnh thì có câu “Lúng túng như gà mắc tóc”. Người mù mờ không phân rõ đâu vào đâu thì bảo là “Trông gà hóa cuốc”.
Người Việt cũng nói “Mẹ gà con vịt” để chỉ những người mẹ tuy không sinh thành nhưng lại nuôi dưỡng con người khác. Có khi, câu này cũng chỉ những đứa trẻ mồ côi, phải sống với dì ghẻ nhưng cách dùng này tương đối hiếm hơn. Còn có câu “Mèo mả gà đồng” để chỉ những người hay làm chuyện tằng tịu bậy bạ với nhau. Tuy có người nói “gà đồng” ở đây là con ếch nhưng mà cũng có ý kiến cho rằng chỉ là con gà thôi, xét về mối quan hệ tương ứng mèo mả – gà đồng thì mới hợp lý.
Còn có câu ca dao thế này, “Gà tơ xào với mướp già, Vợ hai mươi tuổi chồng đà sáu mươi” để chỉ những cặp “trâu già gặm cỏ non”. Ví kẻ đần độn, tính toán không nên thân người ta có câu “Ngẩn ngơ như chú bán gà, Tiền rưỡi chẳng bán, bán ba mươi đồng”. Đôi khi vì tiết kiệm, hay là hà tiện quá mức, người ta mới kêu “Thóc đâu mà đãi gà rừng, Cơm đâu mà đãi người dưng bây giờ!”.
Người Việt còn có một câu đúc kết thế này: “Chim gà, rau cải, nhân ngãi vợ, đầy tớ con”. Ý nói trong các loài chim, gà là thứ dễ nuôi nhất; trong các loại rau, cải là thứ dễ trồng nhất; trong các kiểu nhân ngãi, vợ là giàu nhân ngãi nhất, đi đâu thì đi, chơi đâu thì chơi, đau bệnh đổ xuống cũng chỉ có vợ nó chăm cho; trong các kiểu đầy tớ, con mình là dễ sai biểu nhất, nghe lời mình nhất.
Để kết bài, Ngày ngày viết chữ xin giới thiệu với bạn đọc một bài ca dao rất hay của Vùng Bình Trị Thiên có tên gọi là “Mười cái trứng” (hoặc “Mười quả trứng” hay ngắn gọn là “Mười trứng”), nội dung như vầy:
“Tháng Giêng
Tháng Hai
Tháng Ba
Tháng Bốn
Tháng khốn
Tháng nạn
Đi vay đi dạm
Được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua con gà mái
Hắn đẻ ra mười cái trứng
Một trứng ung
Hai trứng ung
Ba trứng ung
Bốn trứng ung
Năm trứng ung
Sáu trứng ung
Bảy trứng ung
Còn ba trứng
Nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ bắt
Con mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.”
Đây là một bài ca dao than thân nhưng lại thể hiện tinh thần lạc quan không khó khăn nào dập tắt nổi. Ngay cả khi đối mặt cái tiền đồ còn tăm tối hơn tiền đồ chị Dậu, người dân ta vẫn dặn nhau ” Chớ than phận khó ai ơi, Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Ở đây ý nói là, tuy mười cái trứng đều “đi đời” hết rồi, nhưng chí ít ta còn con gà mái – mà cái giống gà ấy, ít vốn, dễ nuôi, chúng có thể tự kiếm ăn được, nên “sẽ có cách, đừng lo!”.
___________
* Có bản viết “đá đáp”.