Cổ mỹ từ – Những từ đẹp mà nay ít dùng [Phần 3]
| On Th222,2022(Ngày ngày viết chữ) Cổ mỹ từ là loạt bài tập hợp những từ có sắc thái cổ nom rất đẹp trong tiếng Việt. Lưu ý, “Cổ mỹ từ” chỉ là một tên gọi mà Ngày ngày viết chữ đặt cho những từ này, không phải khái niệm “từ cổ” đúng nghĩa của ngôn ngữ học.
Tất cả các cổ mỹ từ mà Ngày ngày viết chữ sưu tầm, lý giải đều được cập nhật tại chuyên mục này theo trật tự ABC. Quý bạn đọc vui lòng không sao chép, không sử dụng lại khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ngày ngày viết chữ.
Bài này tập hợp các Cổ mỹ từ theo trật tự từ P đến Y. Còn đây là đường dẫn dẫn đến các bài viết theo trật tự:
★ Phong thụ ★
“Phong thụ” (風樹), cũng dùng “phong mộc” (風木), nghĩa đen là cây (thụ/mộc) bị gió (phong) lay. Từ này trích từ lời của thầy Tử Lộ*, rằng 《树欲静而风不止,子欲养而亲不待》:
“Thụ dục tịnh nhi phong bất chỉ,
Tử dục dưỡng nhi thân bất đãi.”
Về câu 《树欲静而风不止,子欲养而亲不待》, có tài liệu viết khác, chẳng hạn 《木欲静而风不停,子欲养而亲不在》, tức “Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, Tử dục dưỡng nhi thân bất tại.”
Tuy cách viết có khác nhau (thụ/mộc, chỉ/đình, đãi/tại), nhưng tựu trung đều có thể hiểu là:
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng,
Con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống.
Cho nên cách dùng “phong thụ” hoặc “phong mộc” nghĩa đen là cây bị gió lay, còn nghĩa bóng, theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng là “chỉ cha mẹ già yếu mà con cái không kịp về phụng dưỡng”. Từ điển Đào Duy Anh cũng giảng tương tự, rằng “con cái nghĩ đến báo đáp cha mẹ, mà cha mẹ đã chết rồi”.
Về câu “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, hiện nay phạm vi sử dụng đã rộng hơn, thường dùng trong các trường hợp mình thì muốn thôi, muốn được yên nhưng người khác (trong mối quan hệ nào đó với mình) thì không muốn thế, không để cho mình được yên.
(*) Thầy Tử Lộ, tức Trọng Do (542-480 TCN), là người đất Biện, nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông là học trò của Khổng Tử và là một người con rất hiếu thảo.
★ Phòng vi ★
Từ này có nghĩa là ngăn ngừa, đề phòng, chú ý giữ gìn trước cái hại nhỏ, từ đó mà tránh cái hại lớn.
“Đại Nam quốc sử diễn ca” (Lê Ngô Cát – Đặng Huy Trứ) có câu:
“Đạo thường chẳng cẩn phòng vi,
Chị em chung chạ loạn bề đại luân.”
Hai câu này nằm trong phần nói về nhà Trần khi đã bắt đầu suy.
Làm từ này lại nhớ câu chuyện “Cần phải giữ tính hạnh của mình” trong “Quốc văn giáo khoa thư” (Lớp Sơ Đẳng) do nhóm tác giả Trần Trọng Kim biên soạn. Chuyện như sau:
《Khi ông Trương Cán mới thi đậu, có vào yết kiến ông Vương Đình Tướng là một bậc danh sĩ đời bấy giờ. Ông Vương Đình Tướng bảo rằng: “Hôm trước, trời vừa mưa xong, tôi đi qua phố, có trông thấy một người đi đôi giày mới, đi từ phố nọ đến phố kia, rón rén tìm lối mà bước, chỉ sợ lấm giày; sau quanh vào trong thành, bùn lầy nhiều quá, người ấy lỡ chân giẫm phải đống bùn, từ bấy giờ cứ bước tràn đi, chẳng tiếc gì đến đôi giày nữa. Xem thế mới biết người ta nên giữ gìn tính hạnh ngay từ lúc đầu, nếu đã lỡ một lần, thì dần dần thành ra người càn rỡ”.
Ông Trương Cán nghe lời dạy ấy, lấy làm cảm phục, mà tôn làm thầy.
Ta nay đi học, cũng nên lấy điều ấy làm răn. Dẫu việc nhỏ mọn thế nào, ta cũng phải cẩn thận giữ gìn, nếu không thì chỉ có lần đầu là khó, rồi hễ đã quen một lần là quen mãi. Bởi thế cho nên cổ nhân lấy sự giữ mình làm cẩn trọng lắm.》
★ Quản huyền ★
“Quản huyền”, chữ Hán viết là 管絃, trong đó:
- quản là ống sáo;
- huyền là dây đàn.
“Quản huyền” nghĩa đen là ống sáo và dây đàn, nghĩa mở rộng dùng để nói về tiếng sáo tiếng đàn, hay tiếng nhạc, nhạc cụ và liên quan âm nhạc nói chung.
Một số tác phẩm xưa có dùng từ này:”Tần cung nữ oán Bái công văn” của Đặng Trần Thường: “Trướng thu phong lạc bậc quản huyền xưa”.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du:
“Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
Quản huyền đâu đã giục người sinh ly.”
“Du Hội An phùng Vị thành ca giả” của Cao Bá Quát:
“Quản huyền kim dạ nguyệt,
Hương quốc kỷ thu phong.”
Hai câu này, Lý Lãng Nhân dịch là:
“Đêm trăng đàn sáo quyện nhau,
Quê xưa cách mấy thu nào nhớ chăng.”
★ Quyên cát ★
“Quyên cát”, chữ Hán viết là 涓吉, trong đó:
- “quyên” là chọn, lựa chọn, kén chọn;
- “cát” là tốt lành.
“Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế giảng “quyên cát” là lựa chọn ngày tốt lành (bằng cách xem lịch hoặc xem bói). Đôi khi, “quyên cát” cũng dùng là “quyên cát nhật” với nghĩa tương đương.
Truyện thơ Nôm “Hạnh Thục ca” trong phần “Lập vua Kiến Phúc” có câu:
“Túc thanh cung điện hộ trì,
Mệnh quan quyên cát cập kỳ đăng quang.”
Lưu ý, chữ “quyên” 涓 còn có một nghĩa nữa là dòng nước nhỏ và chữ “quyên” này thì khác với chữ “quyên” (捐) có nghĩa là đóng góp, ủng hộ (quyên góp, quyên tặng) hoặc là trừ bỏ (quyên sinh).
★ Sơ tình ★
“Sơ tình”, chữ Hán viết là 初晴, trong đó:
- “Sơ” là ban đầu, lúc đầu, vừa mới.
- “Tình” là trời tạnh ráo, quang đãng, sáng trong, như trời nắng, không mây thì gọi là “tình thiên” (晴天) hoặc “tình không” (晴空).
“Sơ tình” có thể hiểu là trời vừa rạng hoặc nắng mới, nắng vừa lên. Trong “Truyền kỳ mạn lục” (Nguyễn Dữ), truyện “Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa” có dẫn một bài từ gọi là “Xuân từ” của Ngô Chi Lan, viết rằng:
“Sơ tình huân nhân thiên tự tuý,
Diệm dương lâu đài phù noãn khí.”
Chữ Hán là:
初晴薰人天似醉,
艶陽樓臺浮暖氣。
Dịch thơ là:
“Hun người nắng mới như say,
Lâu đài ấm áp nhuốm đầy dương quang.”
(Dẫn theo “Truyền kỳ mạn lục”, Nguyễn Dữ, Trúc Khê dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2017.)
Còn một bài thơ nữa cũng rất hay có dùng từ “sơ tình” là bài “Cao tùng” của Lý Thương Ẩn (một nhà thơ Trung Quốc sống vào thời Vãn Đường), thơ viết:
“Khách tán sơ tình hậu,
Tăng lai bất ngữ thì.”
Chữ Hán là:
客散初晴後,
僧來不語時。
Dịch đại ý là khách về hết lúc trời rạng sáng, rồi nhà sư đến chơi nhưng không nói gì.
Mặc dù thường thì album Cổ mỹ từ chỉ trích văn học Việt Nam, nhưng vì thơ của Lý Thương Ẩn hay nên mình cũng mạn phép trích lại để mọi người cùng đọc ha.
Nói thêm một chút về từ Diệm – 艶 (cũng viết là 艷 hoặc vài cách viết khác nữa), từ này ngày nay ta quen đọc là “diễm” (trong “diễm lệ”, “kiều diễm”,…). “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh giảng “diệm dương” là “trời mùa xuân đầm ấm đẹp đẽ”.
★ Tầm phương ★
“Tầm phương”, chữ Hán viết là 尋芳, trong đó:
– “Tầm” là tìm kiếm, như sưu tầm, tầm nã, truy tầm,…
– “Phương” là hương thơm, hương thơm của cỏ hoa. Chữ “phương” này, theo Từ điển Thiều Chửu, còn có nghĩa là đức hạnh danh dự lưu truyền lại, như “lưu phương bách thế” 流芳百世 để tiếng thơm trăm đời. (Phân biệt với “phương” trong “phương hướng” hoặc “phương pháp”.)
“Tầm phương” nghĩa là tìm hoa thơm, ngụ ý là tìm cảnh đẹp.
Bài “Đề Trấn Quốc tự” (khuyết danh Việt Nam) có câu:
Bất tri thăng nhật tầm phương khách,
Đa thiểu huề trường lai vấn tân.
不知勝日尋芳客,
多少攜觴來問津。
Không biết các vị khách tìm kiếm cảnh ngày đẹp,
Có bao người cùng nhau nâng chén hỏi thăm đường.
Bài “Hoạ Hoài Trân thị hạ thủ vãn diểu nguyên vận” của Nguyễn Phúc Ưng Bình có câu:
Mạc hận tầm phương kim dĩ vãn,
Huân phong hương mãn lục trì âm.
莫恨尋芳今已晚,
薰風香滿綠池陰。
Ðừng lo hôm nay đi tìm ngắm cảnh đẹp đã muộn,
Gió thổi mùi thơm khắp cả ao xanh mát.
Bài “Bính Tuất nguyên nhật ngẫu thành [Thị nhật lập xuân]” của Lê Khắc Cẩn có câu:
Tuý lai nghĩ tác tầm phương khứ,
Tuỳ hạc vi ngâm quá tiểu kiều.
醉來擬作尋芳去,
隨鶴微吟過小橋。
Say rồi thì muốn tìm một nơi có cảnh đẹp mà bước ra,
Để nghe tiếng đàn hạc nhẹ nhàng bay qua cầu.
Hy vọng mỗi chúng ta dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể tìm thấy hoa thơm, cảnh đẹp cho riêng mình và ngay trong lòng mình.
★ Thanh khâm ★
“Thanh khâm”, chữ Hán viết là 青襟, trong đó:
- thanh là màu xanh;
- khâm là vạt áo, vạt áo trước, cổ áo.
“Thanh khâm” là vạt áo màu xanh, dùng để chỉ học trò. “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh giảng: “Ngày xưa học trò trường công ở Tàu mặc áo sắc xanh, nên gọi học trò là thanh khâm”.
Trong “Tài tử đa cùng phú”, Cao Bá Quát viết: “quyết ném thanh khâm sang cẩm tú”. “Tài tử đa cùng” nghĩa là người tài tử gặp nhiều nỗi cùng khổ, đây là bài phú tự than cảnh khốn cùng, đồng thời bày tỏ khí tiết của Cao Bá Quát.
“Cẩm tú” (錦繡) là gấm thêu, gấm vóc, ở đây chỉ người học trò đã đỗ đạt thành danh. “Quyết ném thanh khâm sang cẩm tú” bày tỏ cái chí của Cao Bá Quát, cái chí từ “thanh khâm” quyết thành “cẩm tú”.
★ Thanh tiêu ★
“Thanh tiêu”, chữ Hán viết là 青霄, trong đó:
- thanh là màu xanh;
- tiêu là khoảng trời trống, cũng dùng để chỉ trời hoặc mây. Từ điển Thiều Chửu giảng “cao nhập vân tiêu” (高入雲霄) nghĩa là cao đến tận trời.
“Thanh tiêu”, theo Từ điển Đào Duy Anh, nghĩa là “trời trong, không mây mù”, cũng có thể dùng để chỉ bầu trời, cõi trời nói chung.
Truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ” (Cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu) có câu:
“Vốn xưa thiếp khách thanh tiêu,
Tiên Thù là hiệu, Giáng Kiều là tên.”
Câu này ý nói, nàng Giáng Kiều vốn là người cõi tiên, cõi nhà trời (khách thanh tiêu).
★ Thiên chương ★
“Thiên chương” – 天章, trong đó:
- “thiên” là trời, bầu trời;
- “chương”, theo Tầm nguyên Từ điển của Bửu Kế, là những vẻ đẹp trên trời như sao, mây, ráng, mống (tức cầu vồng – NNVC), mặt trời, mặt trăng.
“Thiên chương” là những thiên thể đẹp đẽ, rực rỡ, nghĩa bóng dùng để chỉ những điều đẹp đẽ, rực rỡ như sao trăng trên trời.
Bản dịch “Chinh phụ ngâm khúc” có câu:
“Sửa xiêm dạo bước tiền đường,
Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ.”
Ở đây, “thiên chương” chỉ những vì tinh tú trên trời.
★ Thiều hoa ★
“Thiều hoa”, chữ Hán viết là 韶華, trong đó:
– “Thiều” nghĩa là đẹp, tốt đẹp. Từ này vốn chỉ tên một khúc nhạc của vua Thuấn (Trung Hoa cổ đại), sau được dùng để chỉ bài nhạc chính thức của quốc gia, như “quốc thiều” là phần nhạc của bài “quốc ca”. Nét nghĩa “đẹp”, “tốt đẹp” là nét nghĩa mở rộng của “thiều”.
– “Hoa” nghĩa là đẹp, lộng lẫy, rực rỡ, là “hoa” trong các trường hợp “vinh hoa”, “phồn hoa”, “hào hoa”,…
“Thiều hoa”, nghĩa là từ thường dùng để chỉ quang cảnh tốt đẹp, cảnh sắc mùa xuân, bóng mặt trời mùa xuân. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng “thiều hoa” là “khí trời đẹp tốt” hoặc là “thì giờ buổi thanh niên”, tức là chỉ tuổi trẻ, tuổi thanh xuân xán lạn đẹp đẽ.
Trong bài “Xuân mộ” (Cuối xuân), Ngô Thì Nhậm viết:
Dã hữu thiều hoa hồn vị lão,
Nhất ban sinh ý bất ngôn trung.
也有韶華渾未老,
一般生意不言中。
(Còn có cảnh xuân đẹp hoàn toàn chưa hết hẳn,
Mọi sự sinh sôi đều ở trong sự lặng thinh.)
Một trường hợp gần với “thiều hoa” – có lẽ quen thuộc với chúng ta hơn – là từ “thiều quang” (韶光), trong câu Kiều trứ danh:
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”
“Thiều quang” cũng có nghĩa tương tự “thiều hoa”, đều chỉ ánh sáng tươi đẹp, ngày xuân rực rỡ, tỉ dụ tuổi trẻ đẹp đẽ.
★ Thông lân ★
Từ này nói cổ vậy chứ dễ hiểu, chỉ là giờ thấy hơi ít dùng thôi.
- “Thông” là hai bên qua lại hoà hợp, nét nghĩa này còn dùng trong từ “thông gia”.
- “Lân” là hàng xóm, láng giềng, xóm giềng. Xưa năm nhà gần nhau là một lân, năm lân là một lý (tức là một làng).
“Thông lân”, theo Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế, nghĩa là xóm giềng giao thiệp hoà hợp với nhau. Truyện Hoa Tiên có câu “Cậy đường* cậu cháu, định đường thông lân”.
★ Thuỵ vũ ★
“Thuỵ vũ”, chữ Hán viết là 瑞雨, trong đó:
- “Thuỵ” là tốt lành. Chữ “thuỵ” 瑞 vốn là tên gọi chung của một số loại ngọc (gọi là ngọc khuê), người xưa thường dùng để trao cho nhau làm tin, làm tín vật, lấy ngọc làm dấu hiệu nhận ra nhau, nhắc nhớ nhau. “Thuỵ” mở rộng nghĩa thành tốt lành, sự gì tốt lành thì gọi là “thuỵ”, như “thuỵ triệu” (“triệu” trong “triệu chứng”), “tường thuỵ” đều có nghĩa là điềm lành.
- “Vũ” là mưa.
“Thuỵ vũ” là cơn mưa báo hiệu điềm lành. Theo “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, “thuỵ vũ” còn dùng để chỉ “ơn trời mưa phải thời”. Tương tự “thuỵ vũ” là cơn mưa báo điềm lành, “thuỵ vân” là áng mây báo điềm lành.
“Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có câu:
“Khoa thược dược mơ mòng thụy vũ,
Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu.”
Nghĩa là cành hoa thược dược say mơ vì được cơn mưa lành và đoá hải đường (ý chỉ người cung nữ đẹp) ngủ say trong đêm xuân.
★ Tịch chiếu ★
“Tịch chiếu”, từ Hán Việt, chữ Hán viết là 夕照, trong đó:
– Tịch là buổi chiều, cũng dùng chỉ buổi tối, đêm;
– Chiếu là ánh nắng (dùng làm động từ thì có nghĩa là soi, rọi).
“Tịch chiếu” nghĩa là nắng ban chiều, ánh chiều tà, ánh trời chiều soi xuống.
Bài “Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 16” của Lê Thánh Tông có câu:
Đài tạ y hi tịch chiếu thiên,
Hàn vân xuất tụ thuý miên miên.
臺榭依稀夕照天,
寒雲出岫翠綿綿。
(Nhà xây trên đài thấp thoáng dưới ánh chiều tà,
Mây lạnh trôi ra từ dãy núi xanh xa tít.)
Bài “Lư khê nhàn điếu” của Mạc Thiên Tích có câu:
Viễn viễn thương lang hàm tịch chiếu,
Lư khê yên lý xuất ngư đăng.
遠遠滄浪含夕照,
鱸溪煙裏出漁燈。
(Bờ bão xa xăm đậm bóng ngày,
Khe Lư mù toả ló đèn chài.)*
___________
* Bản dịch trích từ “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, NXB Khoa học Xã hội, 2021.
★ Tịch huân ★
“Tịch huân”, chữ Hán viết là 夕曛, trong đó:
– Tịch là buổi chiều, cũng dùng chỉ buổi tối, đêm;
– Huân cũng có nghĩa là buổi chiều, buổi hoàng hôn, hoặc ánh sáng còn sót lại của mặt trời vừa lặn.
Từ điển Thiều Chửu giảng “tịch huân” là ánh sáng thừa của mặt trời, mặt trời đã lặn còn chút ánh sáng tóe ra, cũng có thể gọi là “tà huân” (斜曛) và có một cách dùng giản dị, quen thuộc hơn là “nắng quái”.
Bài Quá Hưng Đạo Vương từ của Lê Thánh Tông có câu:
Trùng lâu thuý vũ nhân hà tại,
Duy kiến hoang sơn đối tịch huân.
重樓翠宇人何在,
惟見荒山對夕曛。
(Lầu cao gác biếc còn đây mà người ở đâu,
Chỉ thấy ngọn núi hoang đứng trong nắng chiều vương lại.)
Về từ “nắng quái”, dân gian có câu:
Gái thương chồng đương đông buổi chợ,
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.
Thơ Chế Lan Viên (bài “Chia”) cũng dùng hình ảnh “nắng quái” rất hay là:
Tia nắng ấm gần nhau
Xa nhau thành nắng quái
Chia làm gì nắng ấy
Để xa rồi em đau.
★ Tiêu y ★
“Tiêu y”, chữ Hán viết là 宵衣, trong đó:
- “tiêu” ban đêm, như “nguyên tiêu” là đêm rằm tháng Giêng;
- “y” ở đây chỉ cái áo.
“Tiêu y”, Tầm nguyên Từ điển của Bửu Kế giảng nghĩa đen là “đang còn đêm mà vẫn trông cho chóng sáng để trở dậy thay áo mà làm việc”, nghĩa bóng chỉ sự siêng năng trong công việc.
Truyện “Lục súc tranh công” có câu “Dóng canh khuyên vui dạ kẻ tiêu y”, đại ý là kẻ siêng năng làm việc nghe tiếng báo tròn canh thì vui mừng (vì trời sắp sáng).
Thành ngữ gốc Hán còn có câu “Tiêu y cán thực” (宵衣旰食), tức là dậy sớm làm việc mà ăn thì để đến chiều muộn mới ăn, cũng chỉ người cần cù, siêng năng.
★ Tố giao ★
“Tố giao”, chữ Hán viết là 素交, trong đó:
– Tố ban đầu nghĩa là lụa trắng, sắc trắng, sau được dùng thêm nghĩa là vốn có, xưa nay đã có, như “tố chí” (素志), “tố nguyện” (素願) là chí nguyện xưa nay của mình.
– Giao là qua lại với nhau, như “giao du” (交遊) là bạn bè qua lại chơi chung với nhau.
“Tố giao”, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng là bạn bè vốn giao du với nhau đã lâu. Thơ Đỗ Phủ có câu:
Tố giao linh lạc* tận,
Bạch thủ lệ song thuỳ.
素交零落盡,
白首淚雙垂。
Nghĩa là bạn cũ nay xa cách cả, đầu bạc mà hai dòng lệ tuôn.
Gần nghĩa với “tố giao” còn có “tố tri” (素知) và “tố thức” (素識), đều mang nghĩa là bạn cũ, quen biết đã lâu.
★ Truân kiển ★
Có lẽ chúng ta đều biết từ “gian truân” hoặc “truân chiên” (mà nay quen dùng “truân chuyên”) nhưng ít biết từ “truân kiển”.
- “Truân” (chữ Hán viết là 屯 hoặc 迍) có nghĩa là khó khăn, gian nan.
- Còn “kiển” (chữ Hán viết là 蹇) nghĩa đen là chân đi khập khiễng, đi tập tễnh hay bị què. Mở rộng ra, “những nỗi khốn ách chậm chạp đều gọi là kiển” (theo Thiều Chửu).
“Tầm nguyên Từ điển” của Bửu Kế giảng “truân kiển” có nghĩa là “gặp bước gian nan, khó khăn” và trích câu “Muốn tế thế hãy còn thời truân kiển” trong bài “Sãi Vãi” của Nguyễn Cư Trinh làm dẫn chứng.
Tác phẩm “Sãi Vãi” (tức là ông Sãi và bà Vãi) này có thể nói là rất đặc sắc, mọi người có thể tìm trên thivien.net để đọc thử. Câu mà Bửu Kế trích dẫn ở trên, trọn vẹn hơn là:
“Muốn kinh bang chưa gặp vận hanh thông,
Muốn tế thế hãy còn thời truân kiển.”
★ Trung khúc ★
“Trung khúc”, chữ Hán viết 衷曲, trong đó:
- Trung là trong lòng, tận đáy lòng;
- Khúc là quanh co, cong, không thẳng, cũng có nghĩa là ẩn tình, điều khó nói.
“Trung khúc” nghĩa là những điều khó nói ở trong lòng, những tâm sự sâu kín khó giãi bày. Truyện Kiều có câu:
“Đủ điều trung khúc ân cần,
Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.”
Đoạn này Kiều Kim gặp nhau, đánh đàn, uống rượu và tâm sự.
★ Túc duyên ★
“Túc duyên”, chữ Hán viết là 宿緣.
Chữ “túc” này vốn có nghĩa là ngủ lại, ngủ qua đêm, trú đêm, sau đó mở rộng ra rất nhiều nghĩa, chẳng hạn nơi ở, chỗ trú ngụ (ký túc xá); lưu, giữ (túc trực); xưa cũ, đã có từ trước, chính là nghĩa trong trường hợp “túc duyên”.
Chữ “duyên” là mối ràng buộc. Theo Thiều Chửu, “cái nhân kết thành cái gì gọi là duyên” và “nhà Phật cho vì nhân mà được quả là duyên”. Trong trường hợp “túc duyên”, Bửu Kế cho rằng “duyên” là “dây liên lạc giữa vợ chồng”. Rộng hơn, “duyên” là “mối liên lạc từ kiếp trước lưu lại kiếp này giữa đôi tình nhân hay giữa hai người bạn bè quen biết”.
“Túc duyên” nói chung là mối ràng buộc đã định sẵn, mối ràng buộc có từ kiếp trước giữa người với người. “Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát – Đặng Huy Trứ có câu: “Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên”. “Đắc cố nhân thư chiêu Đỗ Thiện Trường tiểu chước dạ thoại kỳ 1” của Đoàn Huyên có câu “Túc duyên vô phụ tất đầu lao”, nghĩa là “Duyên xưa chẳng phụ tình gắn bó keo sơn”.
★ Vị vong ★
Từ này thực ra mình cũng không biết có nên xếp vào loạt bài “Mỹ từ cổ” không nữa, vì nghĩa của nó hơi buồn.
“Vị vong” (未亡) nghĩa đen là chưa chết. Cái gì chưa thì gọi là vị, như “vị lai” là chưa đến, “vị thành niên” là chưa trưởng thành. “Vong” là chết, mất đi.
Phụ nữ goá chồng thời xưa thường tự xưng là “vị vong” hoặc “vị vong nhân”. Ý là “vì chồng chết, mình cũng không có hứng thú gì sống nữa, đáng lẽ phải chết theo chồng, nay tuy còn sống nhưng cũng tự xem mình như người đáng chết mà chưa chết đấy thôi” (theo Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế). Cung oán ngâm khúc có câu: “Bỗng không* mà hoá ra người vị vong”.
★ Xuân huyên ★
“Xuân huyên”, chữ Hán viết là 椿萱, là từ dùng để chỉ cha mẹ, “xuân” chỉ cha, “huyên” chỉ mẹ, cũng gọi “xuân đường” và “huyên đường”. “Đường” ở đây chỉ nhà.
Về gốc tích, “Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế giảng:
- Xuân đường (椿堂): “Xuân” là cây xuân, một thứ cây trong núi sống rất lâu, một mùa xuân hay một mùa thu của cây này dài 8.000 năm. Vì thế dùng chữ “xuân” để ví với cha, cầu mong cha được sống lâu như cây xuân.
- Huyên đường (萱堂): “Huyên” cũng là một thứ cây, tương truyền ăn vào sẽ hết những nỗi buồn phiền lo lắng. Kinh Thi có câu: Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bối (焉得諼草言樹之背)* nghĩa là ước gì được cây huyên mà trồng ở sau nhà, (thường là phía Bắc). Mặt khác, theo tục lệ của Trung Hoa xưa, mỗi khi có tế tự bà chủ nhà đứng ở thềm phía Bắc, nên thềm phía Bắc dành riêng cho bà mẹ. Từ đó dùng cây huyên (trồng ở thềm Bắc) chỉ người mẹ.
“Xuân huyên” nói chung là chỉ cha mẹ. Truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu có câu:
“Tiên rằng: Thương cội xuân huyên,
Tuổi cao tác lớn chịu phiền lao đao.”
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du dùng “xuân huyên” hai lần như sau:
- “Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng,
Một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài.” - “Xuân huyên lo sợ biết bao,
Quá ra khi đến thế nào mà hay!”
Trần Bích San có loạt bài “Vịnh Kiều”, trong đó Đệ ngũ hồi dùng từ “xuân huyên” như sau:
“Hai khóm xuân huyên bóng đã tà,
Trăm điều bối rối một mình ta.”
Ngoài “xuân huyên” (“xuân đường” và “huyên đường”), còn một cặp từ nữa dùng để chỉ cha mẹ của mình cũng rất hay là “gia nghiêm” và “gia từ”.
“Gia nghiêm”, chữ Hán viết là 家嚴, nghĩa là người nghiêm khắc trong nhà tôi, tức là cha tôi. Chữ “nghiêm” nghĩa là có uy thế đáng sợ, tôn kính, gắt gao,… Người xưa thường dùng “nghiêm” để chỉ người cha, như “nghiêm phụ”, “nghiêm quân”, “nghiêm đường” đều là từ để chỉ cha.
“Gia từ”, chữ Hán viết là 家慈, nghĩa là người giàu lòng thương yêu trong nhà tôi, tức là mẹ tôi. Chữ “từ” nghĩa là hiền, lành, lòng thương yêu, người trên yêu thương người dưới thì gọi là “từ”. Người xưa thường dùng “từ” để chỉ mẹ, thường gặp nhất trong “từ mẫu”, “tiên từ” (người mẹ đã mất).
Bài Chi Thăng Bình ký đồng song chư hữu (Đi Thăng Bình, gửi các bạn đồng môn) cũng của Trần Bích San có câu:
“Gia nghiêm thả viễn hoạn,
Gia từ tương lão chí.”
(家嚴且遠宦,
家慈將老至.)
Nghĩa là:
Cha tôi làm quan ở xa,
Mẹ tôi đến tuổi già yếu.
Về từ “nghiêm quân”, trong “Nữ tú tài”, một truyện thơ khuyết danh Việt Nam có câu:
“Đặt tên là ả Phi Nga,
Huyên đường sớm vắng, còn nhà nghiêm quân.”
Tức là mẹ mất sớm, nhà chỉ còn cha.
Về từ “nghiêm đường”, trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu:
“Vốn người huyện Tích châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy.”
“Nghiêm đường” ở đây là Thúc ông, cha của Thúc Sinh.
(*) Chữ 諼 ở đây cùng nghĩa với chữ 萱.
★ Ỷ lư ★
“Ỷ lư”, chữ Hán viết là 倚閭, trong đó:
- ỷ là dựa vào;
- lư là cái cổng, cái cổng làng.
“Ỷ lư” nghĩa đen là dựa vào cổng (cũng có khi hiểu là dựa vào cửa), nghĩa bóng chỉ cha mẹ dựa cổng trông con về, ý nói lòng cha mẹ thương con. Ngoài ra, “ỷ lư” cũng dùng để chỉ lòng mong đợi tha thiết.
Bài Điếu Trần Quý Cáp viết: “Tân học trung lãnh tụ, hốt thất thử nhân, lạc lạc tiền đồ, cử quốc thiếu niên tề nhất đỗng;
Thọ khảo dữ lệnh danh, chung nan lưỡng đắc, dao dao nhất hoạn, ỷ lư từ mẫu tối thương tâm.”
Huỳnh Thúc Kháng dịch: “Đàn anh phái tân học, bỗng mất một tay, muôn dặm mịt mù, bạn trẻ trông sau rền rĩ khóc;
Đời thọ với danh thơm, khó toàn hai ngả, một quan nho nhỏ, mẹ già dựa cửa xót xa đau.”
★ Yên cảnh ★
Yên cảnh, từ Hán Việt, chữ Hán viết là 煙景, trong đó:
– Yên là khói, Từ điển Thiều Chửu giảng “chất hơi nhiều gọi là yên”, như “vân yên” là mây mờ, mây mù.
– Cảnh, Từ điển Thiều Chửu giảng “cái gì hình sắc phân phối có vẻ đẹp thú đều gọi là cảnh”, như phong cảnh 風景, cảnh vật 景物.
“Yên cảnh”, Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng là cảnh có mây khói, có sương, dùng để chỉ cảnh đẹp thiên nhiên hoặc cảnh ở ẩn. Từ này được dùng rất nhiều trong thơ ca xưa.
– Bài “Anh Vũ châu”, Trịnh Hoài Đức:
Hoàng Hạc lâu nam Anh Vũ châu,
Tiêu sâm yên cảnh nhập thanh lưu.
黃鶴樓南鸚鵡洲,
蕭森煙景入清流。
(Bãi Anh Vũ ở phía nam lầu Hoàng Hạc,
Tiêu điều cảnh khói nhập vào dòng nước xanh.)
– Bài “Bồi Băng Hồ tướng công du xuân giang (Tiên vân tình nhật tuyết hoa thiên)”, Nguyễn Phi Khanh:
Tiên vân tình nhật tuyết hoa thiên,
Yên cảnh tam xuân thắng liễu xuyên.
鮮雲晴日雪花天,
煙景三春勝柳川。
(Mây tươi sáng, trời quang tạnh, một bầu hoa tuyết,
Cảnh sắc ba xuân hơn hẳn con sông rặng liễu.)
– Bài “Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 15”, Lê Thánh Tông:
Hà lộ tề phi thu thuỷ thanh,
Nhất thiên yên cảnh hữu thuỳ tranh.
霞鷺齊飛秋水清,
一天煙景有誰爭。
Ráng chiều và cò cùng bay, nước mùa thu trong vắt,
Đầy trời cảnh sương khói chẳng ai giành.
– Bài “Khai song”, Nguyễn Du:
Môn tiền yên cảnh cận như hà?
Nhàn nhật khai song sinh ý đa.
門前煙景近如何,
閒日開窗生意多。
(Phong cảnh trước nhà, nay như thế nào rồi?
Nhàn rỗi, mở cửa sổ ra xem, thấy mọi vật vẫn vui tươi.)
– Bài “Thu dạ kỳ 2”, Nguyễn Du:
Thiên lý giang sơn tần trướng vọng,
Tứ thì yên cảnh độc trầm ngâm.
千里江山頻悵望,
四時煙景獨沉吟。
(Non sông ngàn dặm cứ nhìn là thấy buồn,
Phong cảnh bốn mùa, riêng mình ngậm ngùi.)
– Bài “Sơn Thủy độ”, Nguyễn Văn Siêu:
Tà dương cách lãnh tận,
Yên cảnh dữ khê hồn.
斜陽隔嶺盡,
煙景與溪渾。
(Bóng mặt trời tà đã khuất núi rồi.
Cảnh mây khói cùng lẫn lộn giữa khe.)
★ Yển nguyệt ★
“Yển nguyệt”, chữ Hán viết là 偃月, trong đó:
- Yển là ngửa ra;
- Nguyệt là mặt trăng.
“Yển nguyệt” là vầng trăng ngửa lên, tức vầng trăng khuyết, dáng trăng nghiêng nghiêng, hơi ngửa ra.
Ngoài ra, trăng khuyết còn gọi là “huyền” (弦 – “huyền” tức là vòng cung, một phần của vòng tròn thì gọi là “huyền”).
Trăng khuyết đầu tháng gọi là “sơ huyền” (初弦). Ngày mùng 8, mùng 9 âm lịch gọi là “thượng huyền” (上弦), ngày 22, 23 âm lịch gọi là “hạ huyền” (下弦), những ngày này mặt trăng trông như hình vòng cung.
Trên đây là các Cổ mỹ từ theo trật tự từ P đến Y. Còn đây là đường dẫn dẫn đến các bài viết theo trật tự: