Khoá học “Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc” trong mắt học viên
| On Th108,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này tổng hợp một số nhận xét của học viên sau khi trải qua 10 buổi “Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc” của Ngày ngày viết chữ.
Bạn Hồng Hạnh – Khoá TV21.1
Bản thân em đã hơn một lần mông lung về khả năng viết và cách truyền tải thông điệp của bản thân, vì câu từ em sử dụng dường như chẳng đủ lôi cuốn để thu hút người khác. Em có thể sử dụng ngôn ngữ nói để truyền tải tốt, nhưng khi viết thì chưa hẳn. Khi em dành nhiều thời gian hơn để đọc lại bài viết của chính mình, em phát hiện ra từ trước đến giờ mọi thứ em viết đều do cảm xúc và bản năng chế ngự. Do đó câu cú cứ rối hết cả lên. Và em chọn khoá học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc để tự cho mình cơ hội được đào bới, được hiểu sâu con chữ mình đang dùng.
Trước hết, em rất cảm ơn Ngày ngày viết chữ vì mỗi bài học đều tạo nên những giá trị thú vị. Em đã luôn miệng “ồ quao” trong các buổi học. Và sau đó, em đã dần biết khó chịu khi nghe những câu cú lủng củng, khó tính khi lựa chọn câu chữ và khó lòng cho qua lỗi chính tả. Em cũng đã biết nghe tiếng dân mình nói theo tư cách một người viết. Đồng thời, em đã có thể tự tin phân tách câu từ, xác định và sắp xếp con chữ mà bản thân va phải tronng cuộc sống hằng ngày. Em còn xem chuyện phân tách, chọn lọc ấy như thú vui mỗi ngày.
Tuy em không biết liệu hành trình câu chữ của bản thân sẽ trôi về đâu nhưng em sẽ phấn đấu và thay đổi mỗi ngày để có cơ hội ứng dụng nhiều hơn những chia sẻ của Ngày ngày viết chữ.
(Xem thông tin về khoá Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc)
Bạn Bảo Châu – Khoá TV21.1
Đây là 10 điều mình đã học được từ khóa học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc. Ý nhiều lời ít, quan trọng là từ lớp học này, mình nghĩ mình đã yêu mến tiếng Việt hơn khá là nhiều (sau một thời gian dài dùng tiếng Anh là chủ yếu và đã bị lai không ít haha).
- Tiếng Việt là một thực thể luôn có sự vận động nên chúng ta cần tìm hiểu, cập nhật, lưu ý liên tục để sử dụng tiếng Việt được hiệu quả. Không nên quá cứng nhắc phán xét người khác dùng tiếng Việt, đồng thời cũng nên có sự “tranh đấu’’ để sử dụng tiếng Việt đúng hơn trong nhiều tình huống.
- Cảm nhận được sự giàu đẹp, phong phú và khéo léo đăng đối của tiếng Việt => tự hào về dân tộc và đất nước mình hơn.
- Hiểu biết rõ về lịch sử tiếng Việt, ví dụ tiếng Việt có nguồn gốc như thế nào, chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa khác ra sao trong lịch sử, sự phát triển từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ Latinh.
- Biết cách phân tích cấu tạo ngữ âm của từng chữ, bỏ dấu sao cho phù hợp và nên dùng chữ y ở những trường hợp nào.
- Phân biệt các loại từ trong tiếng Việt và có niềm yêu thích tìm hiểu từ Hán Việt hơn, vận dụng từ chỉ loại tích cực hơn để giúp văn bản đa dạng.
- Hiểu thêm về sự khác biệt giữa cấu trúc chủ – vị và đề – thuyết => khi viết câu thì nên tự làm biên tập viên cho chính mình để văn bản có ngữ pháp đúng, hạn chế viết câu quá dài và rối rắm để tránh sai và thừa.
- Nhận ra về sự tinh tế của các từ tình thái (vị từ, tiểu từ, ngữ khí từ, quán ngữ) trong việc thể hiện thái độ của người nói/viết.
- Trân trọng và quan tâm ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày của những người xung quanh, đọc thêm từ điển và các tác phẩm văn học Việt Nam/nước ngoài.
- Chú ý sử dụng các biện pháp tu từ để làm cho câu văn, bài văn giàu biểu cảm và màu sắc. Ví dụ các bài khô khan thì nên có nhiều ẩn dụ, so sánh để dễ hiểu, bài văn vẻ quá thì nên có ca dao, thành ngữ, bằng chứng để vững chắc hơn.
- Cẩn thận hơn khi nói, viết tiếng Việt để đảm bảo rằng câu chữ không thừa không thiếu, vừa đủ và có điểm nhấn. Đồng thời, cần có sự siêng năng đọc, nghe, viết tiếng Việt nhiều để khả năng sử dụng tiếng Việt được nâng cao.
Cảm ơn Ngày ngày viết chữ rất nhiều và chúc Ngày ngày viết chữ liên tục phát triển nha.
Chị Nhung Nguyễn – Khoá TV21.1
Đây là khoá học đúng nghĩa MỞ MANG.
Có rất nhiều thứ mới (hoặc không mới nhưng mình chưa từng để tâm đến nó vì quá quen thuộc) mình thu nhận được sau khoá học này, như lý thuyết về đề – thuyết, sự tri nhận của người dùng tiếng Việt, một số khái niệm liên quan đến từ v.v.. Bỗng dưng mình hình thành một thói quen/phản xạ là khi đọc thứ gì đó, mình dừng lại để thử xem đâu là đề, đâu là thuyết, rồi cách dùng từ của tác giả, phép liên kết, phép tu từ. Và khi viết thì càng quan sát gấp đôi so với trước.
Khoá học tuy siêu nặng về kiến thức nhưng vui vẻ vì cô giáo rất dễ chịu, chắc một phần vì giọng cô siêu hay. Tuy chưa tiếp xúc nhiều nhưng Dung cho mình cảm giác về một giáo viên/mentor rất thấu hiểu, linh hoạt, đầy kiến thức nhưng không hề xa cách. Cụ thể, mặc dù mình biết mình mắc đầy lỗi khi làm bài nhưng mình không thấy căng thẳng vì thái độ của Dung làm cho người học cảm thấy nhẹ nhàng, không hề có sự hổ thẹn nào hết. Ở Dung cũng không có cái tôi lớn lao hoặc cá tính mạnh mẽ khiến người khác phải dè chừng như một số người học cao hiểu rộng trong lĩnh vực chữ nghĩa khác mà mình biết. Tóm lại, Dung nguyên tắc nhưng không cứng nhắc, cực vững chãi về chuyên môn nhưng không vì thế mà xét nét câu chữ của mọi người.
Cảm ơn Dung nhiều về khoá học thực sự giá trị.
Chị Thảo Sương – Khoá TV21.1
Đây là vài điều mình đã học được sau khi hoàn thành lớp Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc với Ngày ngày viết chữ:
Mình đã học được cách viết câu cú rõ ràng, ngắn gọn hơn trước đây. Thật mừng vì mình đã khắc phục được phần nào lối diễn đạt rườm rà và thiếu liên kết trước đây. Mình hiểu được nên viết câu ngắn, đúng chính tả, đúng ngữ pháp, không đánh đố người đọc, dù có thể câu mình chưa hay nhưng sẽ không rối rắm.
Mình học được nếu không thể viết cho hay thì hãy viết cho chân thành. Điều này giúp mình càng thấy vững tin hơn khi viết. Nghĩa là, tuy chưa thể viết hay liền nhưng mình vẫn còn cái khác để cống hiến cho người đọc.
Mình học được cách viết tạo không khí cho bài viết. Tránh bài tạo ra không khí quá u sầu, bế tắc, nhạt nhẽo,… Nếu mình chọn nghề viết lách thì mình có trách nhiệm với câu chữ, với người đọc. Do vậy, mình không nên làm lãng phí thời gian người đọc. Mình hiểu được rằng muốn giữ gìn tiếng Việt “trong sáng” thì cũng nằm trong lòng bàn tay mình, dưới ngòi bút của mình mà thôi.
Mình còn học được cả kho tàng ca dao, dân ca, thành ngữ mà người xưa để lại, thấm nhuần từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, nếu mình biết cách vận dụng thì bài viết của mình dễ đi vào lòng người đọc hơn.
Cảm ơn Ngày ngày viết chữ nhiều vì đã rất tận tình, hướng dẫn mình rất kỹ.
Bạn Quỳnh Như – Khoá TV22.1
Một trong những thiếu sót lớn của lớp Tiếng Việt – Hiểu Sâu Viết Sắc là chị giáo không có dặn học viên phải… xài kem chống nhăn thường xuyên.
“Đố các bạn biết chữ ‘xôi’ trong ‘xa xôi’ nghĩa là gì?”
“Tại sao ‘lạnh lùng’ với ‘lạnh lẽo’ nó khác nhau hở các bạn?”
“Ồ, ‘xinh xắn’ là từ láy hả, bạn chắc không?”
“Tự nhiên /g/ đi cùng với /i/, /e/ thì lại phát âm khác với khi đi với /a/, /ă/, /â/… kì vậy ta?”
…
Đó! Cái mặt mình nhíu y như bạn bây giờ vậy đó! Kiểu, khi đăng ký đến lớp thì mình đã chấp nhận là hiểu biết của mình về tiếng Việt có phần hạn hẹp, nhưng mình chưa từng nghĩ là nó hẹp “bít cửa” vậyyy! Lớp học đã giúp mình mở ra từng khung cửa sổ trong căn biệt thự sân vườn um tùm hoa lá ba mặt tiền của tiếng Việt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, tình thái, nghệ thuật tu từ… cùng rất nhiều sự thật mà Google không biết.
Ngồi nghe giảng nhiều khi giống như nghe “cổ tích tiếng Việt” vậy ớ. Ta nói nó mê! Hồi xưa, mình từng cho rằng càng biết nhiều về nguồn gốc hình thành, về quy tắc này nọ thì càng làm hạn chế khả năng bay bổng của người viết. Nhưng không, chúng không chỉ là quy tắc mà còn là logic, và nguồn gốc mang đến tiếng Việt giàu đẹp nó cũng sống động li kì lắm. Là một người làm nghề cầm bút, mình biết rằng sự giàu đẹp của ngôn ngữ phải bao hàm một tiềm năng phát triển. Mình tự hỏi, nếu cứ viết tuỳ hứng mà không màng tới logic ngôn ngữ của dân tộc thì liệu mình sẽ “sáng tạo” được bao lâu, và ngòi bút đó có mang lại giá trị gì lâu dài hay không?
Lớp học này đã giúp mình vỡ lẽ nhiều, nắm vững từ vựng và ngữ pháp, rồi tự nhiên giờ mình còn hay để ý cách người Việt ta nói chuyện nữa chứ! Mình thấy sao tiếng của chúng ta gợi hình quá chừng – như gần đây mình nghe ‘ăn tráng bụng’ nè, bộ động cơ xe máy thì gọi là cái ‘nồi xe’ nè, tập hợp các cơ quan tiêu hoá gom lại thành ‘ổ bụng’ nè… Từ đó, mình có thêm vốn liếng để tạo từ mới, bỏ túi thêm vài nghệ thuật tu từ lâu lâu xài chơi, viết có tư duy hơn, ghép câu chẻ đoạn có ý thức hơn.
Nói chung, học xong là “nhăn” dữ lắm luôn, không có kem nào đỡ nổi ý. Ai đi học thì mình chúc bạn… nhăn từ ngoài vào trong nha!
Bạn Nguyễn Ngọc – Khoá TV22.2
Ngày ngày viết chữ từng có một buổi trò chuyện có tên “Chờ một bông hoa nở”. Em rất thích cái tên này, nghe sao mà dễ thương và gợi tả nhiều suy ngẫm. Đối với em, khóa học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc chính là những gì cần làm trong khi chờ hoa nở. Đây là một tấm bản đồ cho em biết mình cần học gì, làm gì để rèn giũa ngòi bút của mình.
Khóa học cực kỳ cần thiết cho người viết, nhất là những bạn mới vào nghề. Kiến thức là vô vàn, biết mình biết gì chưa chắc đã quan trọng bằng biết mình chưa biết gì. Mà cách nhanh nhất học là nhờ người thầy chỉ dạy cho mình. Có nhiều hiện tượng ngôn ngữ hay kiến thức thú vị được gọi tên. Đó vốn là cách dùng rất quen thuộc của dân gian, nhưng mình không biết mà vận dụng để những gì mình viết ra dễ đi vào lòng người hơn.
Em đến với khóa học với tâm thế học tiếng Việt để viết tốt hơn. Tuy nhiên, những điều em nhận được không chỉ là kiến thức mà còn là tình yêu tiếng Việt. Em ý thức hơn trong việc đọc – viết để giữ gìn nét riêng đặc biệt, chỉ tiếng Việt mới có. Hy vọng một ngày nào đó “bông hoa” của em cũng sẽ nở ^^.
Em cảm ơn Ngày ngày viết chữ nhiều vì một khóa học thực sự đáng giá!
Chị Tú Anh – Khoá TV22.3
Tôi đã nhen nhóm ý định học viết cũng đã khá lâu, nhưng cho tới năm 2022 tôi mới có cơ duyên gặp được một khoá học mà tôi thật sự cảm thấy dành cho mình. Sự kiên nhẫn chờ đợi bấy lâu đã giúp tôi gặp được một khoá học đúng nghĩa “Sâu” và “Sắc”.
“SÂU” nằm ở chỗ khoá học không bắt đầu ngay ở việc bày dạy cho học viên cách viết văn như thế nào, mà dẫn dắt chúng tôi ôn lại nguồn gốc lịch sử Tiếng Việt, sự phát triển và hình thành của Tiếng Việt từ xưa tới nay. Cô giáo Thuỳ Dung đã khéo léo cho chúng tôi một cách nhìn tổng quan nhất khi học một ngôn ngữ, cụ thể là Tiếng Việt thông qua 4 bình diện chính: ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp và ngữ dụng.
Tính “SÂU” của khoá học cũng được thể hiện thông qua việc tìm hiểu các thành phần tạo nên ngôn ngữ Việt như từ vựng (từ đơn, từ ghép, từ láy, thực từ, hư từ,…), ngữ pháp (từ pháp, cú pháp,…), ngữ cố định (thành ngữ, quán ngữ,…), tình thái trong văn bản… Chúng tôi lần lượt khám phá tiếng Việt trong 10 buổi học với không ít bất ngờ và ngỡ ngàng với chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Từ cái nhìn “SÂU” hơn về Tiếng Việt, tính “SẮC” khi sử dụng và viết tiếng Việt được rèn luyện kĩ càng hơn thông qua các biện pháp tu từ, cách truyền đạt thông tin, tính mới mẻ của một tác phẩm,… Có quá nhiều thứ phải học và phải hiểu “SÂU SẮC” mới có thể viết được một văn bản có tính đúng. Rồi lại có quá nhiều kĩ năng phải rèn dũa để một văn bản mang lại được điều gì đó mới mẻ, nghệ thuật và chạm vào được trái tim người đọc.
Khoá học ngắn ngày về Tiếng Việt đã khiến tình yêu tiếng Việt và văn Việt nảy mầm trong tôi. Và tôi cũng hy vọng Thuỳ Dung và Ngày ngày viết chữ tiếp tục mang nhiệt huyết và niềm đam mê ngôn ngữ Việt lan toả tới nhiều người hơn nữa.
Bạn Nhung Nguyễn – Khoá TV22.4
Về hiệu quả thực tế của khoá học với người học, em có tận 4 điều muốn kể:
“Ôi không, trước giờ mình đã viết cái gì thế này!”
Em đã thốt lên như vậy trong suốt khoá. Tuy từng được học viết hồi phổ thông và qua một vài tín chỉ hồi đại học, nhưng em nhận thấy mình đã để quên rất nhiều kiến thức về cách sử dụng tiếng Việt. Chà, thật không ngờ em đã để mình loay hoay viết theo bản năng lâu đến vậy. Lớp Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc đã giúp em tìm lại những chỉ dẫn quý giá về từng từ, từng câu, từ việc nhìn mặt chữ trên văn bản cho đến việc lắng nghe cách tiếng Việt được nói mỗi ngày. Những chỉ dẫn bài bản, súc tích, dễ hiểu đã giúp em rất nhiều trong quá trình sử dụng tiếng Việt.
“À, mình có thể làm được nhiều hơn với tiếng Việt…”
Sau khi theo học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc, em tự đặt cho bản thân thử thách chủ động dùng tiếng Việt nhiều nhất có thể. Do em làm trong ngành quảng cáo nên nhiều thuật ngữ của ngành, hoặc ngay cả cách nói chuyện thông thường cũng chêm khá nhiều tiếng Anh. Việc đặt ra thử thách này giúp em dùng được nhiều tiếng Việt hơn (nghe có kỳ không nhỉ? :D) khi viết ý tưởng, thuyết trình và giao tiếp với các đồng nghiệp. Em vui lắm khi thấy mình “tin tưởng” và “gặp gỡ” tiếng Việt nhiều hơn khi làm công việc sáng tạo.
“Hãy góp ý sao để người ta cảm thấy còn muốn sửa.”
Em cảm kích câu nói này lắm. Ngày ngày viết chữ không biết nó có ý nghĩa nhiều như thế nào đối với em đâu. Em đi làm từ hồi sinh viên đến nay là hơn 5 năm. Tuy đã qua nhiều công ty nhưng hầu hết thời gian là em tự bơi vì không có Content Leader, hoặc ai đó kỳ cựu hơn về chuyên môn viết, để dẫn dắt mình. Em sửa bài theo nhận xét từ khách hàng, từ các bộ phận khác mà chuyên môn của họ không phải là viết. Ban đầu em cứ nghĩ “thôi có người góp ý là tốt rồi, cũng khách quan mà”. Phải mất rất nhiều thời gian sau em mới nhận ra rằng một lời nhận xét hữu ích nên là như thế nào, và một lời nhận xét đúng-chuyên-môn có thể giúp mình tiến bộ nhanh ra sao.
Từ giờ trở đi em nghĩ là mọi chuyện sẽ tốt lên rất nhiều nhờ có Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc. Em đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho mình (và các bạn nhỏ hơn trong nhóm) bằng các phân tích về mặt lý thuyết, sự gợi ý và khích lệ thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm thực chiến như trước. Lớp Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc cũng giúp em hệ thống hoá lại những gì mình gom góp được suốt những năm từng đi làm để có nền tảng viết vững hơn.
“Cứ mạnh dạn viết đi đã!”
Một trong những lý do khiến em chỉ chọn Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc để học ở giai đoạn này là nội dung “không ám màu thương mại”. Em xin phép tạm gọi như vậy. Em muốn học viết như một con người biết viết, biết dùng tiếng Việt để diễn đạt ý nghĩ của mình (học những điều thú vị và cần thiết cho kỹ năng viết chứ không phải thêm áp lực làm nghề Copywriting). Thật may mắn Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc là khóa học hiếm hoi truyền tải đúng tinh thần đó.
Em mừng vì đây không phải lớp học dạy viết ra đơn hàng, viết tăng sale, viết bán ý tưởng,… Em thích cách Ngày ngày viết chữ kể về gốc gác của tiếng Việt, rồi những câu chuyện về lời ăn tiếng nói bên cạnh lý thuyết ngôn ngữ.
Thêm vào đấy là các thành viên trong lớp đến từ rất nhiều ngành nghề khác nhau, nên em lại càng cảm thấy được truyền cảm hứng để viết tốt hơn, với tư cách một người biết viết tiếng Việt. Nhờ có các anh chị mà em được mở mang về các cơ hội nghề nghiệp khác khi có kỹ năng tiếng Việt tốt. Em vô cùng trân trọng trải nghiệm này.
Bạn Anh Thơ – Khoá TV22.4
Cảm ơn Ngày ngày viết chữ vì khoá Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc vừa rồi ạ. Nhờ lớp mà tiếng Việt của em đã khá hơn rất nhiều. Dưới đây là một vài điểm mà em thấy mình đã tiến bộ khi áp dụng các kiến thức trong lớp vào thực tế:
– Để tâm hơn khi đọc và viết. Trước đây em chỉ viết theo bản năng. Đôi khi đọc xong cũng thấy câu này đoạn kia hơi dở, mà kỹ năng biên tập có hạn, nên cũng phiên phiến cho qua. Nhờ các bài giảng của lớp mà em có thể nhìn ra vấn đề nhanh hơn khi tự biên tập bài của mình. Mỗi lần viết cái gì thì đầu tự động đặt câu hỏi “câu này/từ này viết vầy là hợp lí chưa?”, “có thể dùng từ khác cho hay hơn được không?”.
– Biên tập nội dung cho người khác. Công việc hiện tại của em có cả việc kiểm soát chất lượng nội dung của các bạn mới vào làm. Nhiều khi đọc bài thấy kì, mà không gọi tên được tại sao, hay góp ý như thế nào cho bạn sửa. Nhờ các kiến thức về đề – thuyết, hư từ, thực từ, câu sai – câu mơ hồ,… mà em có thể hướng dẫn tốt hơn cho các bạn.
– Cái mà em tâm đắc nhất là câu “Viết không đắn đo. Sửa không nhân nhượng”. Thời gian vừa qua em khá lười viết, một phần vì sợ mình viết dở, không ai thèm đọc, hoặc đánh giá “copywriter gì mà viết tệ vậy” :)))) Giờ em sẽ lấy câu này để động viên bản thân mỗi lần nỗi lo đó xuất hiện.
Bạn Lệ Duyên – Khoá TV22.4
Đầu tiên, xin cảm ơn Ngày ngày viết chữ rất nhiều đã mở khoá học Tiếng Việt – Hiểu sâu Viết sắc này. Em tình cờ biết khoá học qua trang Facebook Ngày ngày viết chữ. Thật ấn tượng khi trong vô vàn trang web, lại có thấy một nơi giúp người đọc cảm nhận được Tiếng Việt rất giàu và đẹp. Khi đó em có suy nghĩ: mình là người Việt nhưng rõ ràng chẳng hiểu bao nhiêu về ngôn ngữ nước mình, thế là quyết định học bổ túc ngay.
Quá trình học luôn đem đến nhiều bất ngờ, có thể nói là vỡ oà những lầm tưởng trước kia của mình. Chẳng hạn như nguồn gốc Tiếng Việt, em cứ nghĩ là nó có họ hàng với tiếng Hán cơ, vì thấy sử dụng từ Hán việt nhiều. Lại nữa, khi được nghe chia sẻ: “Mình nên nhớ là mình đừng tưởng cái gì cả”, em mới bắt đầu sử dụng từ điển để tra nghĩa của từ, chứ hồi xưa đôi lúc dùng tiếng Việt trong vô tri không à.
Những bài học về cách viết câu đúng giúp cho em nhìn lại những lỗi sai cơ bản của mình khi viết bài. Trước kia làm sai còn chưa biết mình sai, nhưng giờ ít ra cũng có thêm vốn kiến thức để từ từ hoàn thiện. Như chị nói đó, chuyện viết chữ không phải ngày một ngày hai, cần có thời gian và kiên nhẫn.
Bài học về phương pháp viết câu hay cho em nhiều khía cạnh về cách chuốt câu, sử dụng biện pháp tu từ, phép liên kết,… để lời văn được mềm mại. Làm sao viết hay và có tầng ý nghĩa đi vào lòng người đọc cũng là một nghệ thuật cần được trau dồi. Thiệt ra, hồi đi học em học dở môn Văn lắm, viết bài thì lủng củng, khô khan, chẳng có ý tưởng mới mẻ gì. Nhờ những bài học này em mới biết góp nhặt thêm những câu thơ hay, thành ngữ, tục ngữ,… vào bài viết của mình.
Học khoá này xong mới thấy tiếng Việt thiệt thú vị và muốn học thêm nhiều khoá nữa. Chỉ có bấy nhiêu thì chưa thấm gì nhiều. Khi nào có khoá Tiếng Việt mới thì cho em đăng ký nữa nha.
Bạn Mỹ Linh – Khoá TV23.2
[…] Trước giờ khi em dịch hoặc check bản dịch, em hay bám dính vào văn bản gốc lắm, cả về ngữ pháp lẫn từ vựng làm cho văn bản đọc lên không có tự nhiên. Sau khoá học, em bỗng tự tin hơn trong khâu hiệu đính rất nhiều. Những gì chị dạy giống như khung sườn, mà khi đã vững chắc rồi thì em có thể chủ động bồi đắp bên ngoài để ra một toà nhà hoàn chỉnh. Lấy ví dụ, em chủ động loại bỏ các từ “những, các” thừa thãi của số nhiều trong tiếng Anh, sửa những câu mơ hồ, ngắt đoạn nếu câu dài, cẩn trọng kiểm tra từ loại của từ, lựa chọn từ vựng đa dạng và phong phú hơn, kết hợp láy, cân bằng hai vế cho câu, v.v.. […] Nói chung, em thu hoạch được rất nhiều từ khóa học này, và ứng dụng rất tốt vào công việc.
Hồng Hiếu – Khoá TV24.1
Trước đây, có nhiều điều mình cứ tưởng như đó là hiển nhiên, dường như ai cũng biết, cũng chấp nhận không cần phải giải thích, mà có khi cũng không biết phải giải thích thế nào. Nhưng khóa học này lại làm mình nhận ra rằng mọi thứ về ngôn ngữ đều có cơ sở của nó. Có lẽ mình ấn tượng nhất là buổi học thứ 2 về Mối quan hệ ngữ âm. Buổi học này mang đến cho mình nhiều kiến thức có cũ, có mới, có quen thuộc, có lạ lẫm đến nỗi bản thân phải thốt lên “Ôi chao!” để bày tỏ sự thích thú, ngạc nhiên của mình. Có bao giờ bạn cảm thấy bối rối khi bắt gặp một từ được viết bằng chữ Quốc Ngữ La Tinh nhưng không hiểu chính xác hoặc hiểu sai ý nghĩa của nó? Nguyên nhân của việc mù nghĩa là do đâu? […]
Buổi học thứ 4 lại tập trung vào bề sâu của từ pháp và ngữ pháp. Sau buổi học này, mình cơ bản nắm được những kiến thức, công cụ để viết đúng, viết đủ trước khi viết hay, viết đẹp. Có rất nhiều kiến thức xoay quanh quy tắc về cấu tạo từ và cấu tạo câu. Theo mình, lực cản lớn nhất của một người viết nằm ở việc hạn chế về vốn từ. Nhưng bạn đừng lo, ở nội dung về cấu tạo từ, cô giáo sẽ hướng dẫn chúng ta công thức tạo từ mới trong tiếng Việt. Nhờ có công thức chất lượng này mà mình có thỏa sức sáng tạo thêm nhiều từ vựng, điểm tô thêm nhiều sắc màu mới cho bài viết. […] Không dừng lại ở đó, cô giáo còn chia sẻ về những điều cần tránh khi kết hợp từ, hạn chế tình trạng sáng tạo từ ngữ tùy tiện, dễ dãi, thiếu chuẩn mực.
Một nội dung quan trọng trong phần ngữ pháp được nhấn mạnh nhiều lần đó là cấu trúc câu theo chủ – vị và theo đề – thuyết. Nội dung này cho mình thấy rõ sự khác nhau rõ rệt trong cấu trúc câu giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Trong khi cấu trúc câu thông dụng trong tiếng Anh chủ yếu theo cấu trúc chủ – vị, thì rất nhiều câu trong tiếng Việt chỉ có thể phân tích theo đề – thuyết. Đây là nội dung không phải quá dễ để tiếp thu, nhưng thật may là cô giáo Thùy Dung đã hỗ trợ bằng cách đưa ra nhiều bài tập để giúp học viên hiểu rõ hơn thế nào là câu đúng theo cấu trúc đề – thuyết, thế nào là câu sai về mặt ngữ pháp. Đây đều là những kiến thức rất quan trọng trong bối cảnh nhiều người, có cả giáo viên, phóng viên, những người theo nghiệp cầm bút sử dụng sai tiếng Việt về từ ngữ, câu cú.
Phương Thảo – Khoá TV24.1
Xuyên suốt quá trình học, thay đổi rõ rệt nhất của em là em bắt đầu ngẫm kỹ hơn những câu văn mà mình viết ra. Không phải do trước đây em viết lách cẩu thả, mà đúng hơn là em bắt đầu nhìn thấy những lỗi mà em từng không nhận ra. Em bắt đầu tự hỏi câu này ngữ pháp đã đúng chưa, chấm phẩy đã đúng chưa, từ này dùng thế này có đúng chưa, thậm chí em còn tranh luận với sếp của mình về bài viết của em để bảo vệ điều em cho là đúng.
Tính đến nay thì em viết lách cũng đã được trên dưới mười năm, nhưng hiểu biết của em vẫn còn rất hạn hẹp. Em đã ở trong vùng an toàn của mình quá lâu và không chủ động thử nghiệm những cái mới. Xuyên suốt quá trình học, em bắt đầu nhận thấy rõ ràng hơn những lối mòn sáo rỗng về từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc bài viết, v.v. mà em đã sử dụng trong nhiều văn bản của mình, và chính em cũng cảm thấy chán. Vì thế, em đã chủ động luyện tập những cách viết mới để “detox” và làm mới văn chương của mình
(Những nhận xét này trích từ thư của học viên gửi Ngày ngày viết chữ sau khoá học. Ngày ngày viết chữ đăng lên web, trước là để giới thiệu khoá học với đông đảo bạn đọc, sau là để kỷ niệm những ngày được sát cánh giồi mài tiếng Việt cùng các bạn. Bài viết này sẽ còn cập nhật.)