Hôm nay phải mở mang – Một tựa sách dành cho người học viết và làm nghề viết
| On Th1118,2021(Ngày ngày viết chữ) “Hôm nay phải mở mang” là cuốn sách chắt lọc nhiều kỹ năng và kinh nghiệm viết quan trọng của Ngày ngày viết chữ.
Đối tượng mà “Hôm nay phải mở mang” muốn hướng đến là những “cây bút trẻ”, tức là những bạn đang đặt bước chân đầu tiên vào hành trình trở thành người viết. Điều này có nghĩa là, cuốn sách không chỉ hướng đến những người trẻ tuổi mà ở bất kỳ độ tuổi nào, miễn là trong lòng bạn có một hạt giống mang tên Tôi-phải-trở-thành-người-viết đang nứt vỏ, bén rễ, nảy mầm thì cuốn sách này sẽ phù hợp với bạn.
Nội dung sách gồm hai phần chính, cụ thể như sau:
Phần Một bàn về những việc phải làm thường xuyên của người viết, gồm bốn chương:
Chương 1: Hôm nay mình đọc gì?
Chương 2: Hôm nay mình nghe gì?
Chương 3: Hôm nay mình viết gì?
Chương 4: Hôm nay mình sửa gì?
Phần Hai bàn về một số kỹ năng, một số kinh nghiệm thiết thân đối với người viết, cũng gồm bốn chương:
Chương 5: Hôm nay mình phải mài giũa bộ tứ kỹ năng của người cầm bút
Chương 6: Hôm nay mình phải vượt qua cơn đốn bút tự thân
Chương 7: Hôm nay mình phải hình thành văn phong đặc trưng
Chương 8: Hôm nay mình phải nghiêm túc học viết
Tên các chương trong Phần Một là câu hỏi, vì mới bước vô nghề còn bỡ ngỡ. Tên các chương trong Phần Hai là câu khẳng định, vì lúc này mình đã quyết “sanh tử” với nghề.
Ngoài ra, sách còn có một số nội dung phụ khác, hy vọng những nội dung phụ này sẽ gia tăng thêm nhiều giá trị cho bạn đọc.
Thông tin sách:
Tên sách: HÔM NAY PHẢI MỞ MANG
Tác giả: Nguyễn Thuỳ Dung
Nhà xuất bản Thế Giới
Đơn vị phát hành: Wave Books
Ngày phát hành: Tháng 11/2021
Khổ sách: 14,5×20,5cm
Độ dày: 208 trang (in màu)
Giá bìa: 119.000 đồng
Hiện TIKI đang độc quyền phân phối bản có chữ ký và lời đề tặng của tác giả.
Về tên sách, “Hôm nay phải mở mang” vốn là dòng chữ trên ảnh bìa fanpage Ngày ngày viết chữ. Trước giờ, Ngày ngày viết chữ vẫn cho rằng, đối với người viết thì “mở mang” là một việc hết sức quan trọng. Chúng ta mở mang để mà viết và viết để mà mở mang. Vậy nên, khi viết một cuốn sách về công việc viết, Ngày ngày viết chữ đã dùng dòng chữ trên ảnh bìa fanpage làm tên sách. Nếu có thể, Ngày ngày viết chữ hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp các bạn mở mang thuận lợi hơn.
Về cách đọc, nếu những cuốn sách trước đây của Ngày ngày viết chữ đều thuộc dạng “tuỳ ý”, mở bất kỳ trang nào ra cũng đọc được, thì cuốn này phải phiền bạn đọc từ đầu đến cuối cho có hệ thống. Sẽ có những nội dung ở chương này nhưng còn dính líu đến (các) chương sau, nên không thể tuỳ ý đọc được. Ít nhất là trong lần đọc đầu tiên, chúng ta nên đi từ đầu đến cuối. Rồi sau đó, nếu có nhã hứng đọc lại, các bạn hẵng mở ra và tuỳ ý đọc.
VÀI LỜI TỪ NGƯỜI BIÊN TẬP “HÔM NAY PHẢI MỞ MANG”
“Hôm nay phải mở mang” là cuốn sách thứ hai Wave Books hân hạnh hợp tác với tác giả Nguyễn Thuỳ Dung của trang Ngày ngày viết chữ, và vẫn là tôi được vinh dự chịu trách nhiệm biên tập.
Lần này khác lần trước ở chỗ tôi được dõi theo cuốn sách từ khi còn đang “thai nghén” đến khi trở thành bản thảo hoàn chỉnh. Tôi thậm chí được góp ý vào việc đặt tên phần, tên chương, góp ý nên thêm hay bớt những đoạn/phần/nội dung nào. Và nhờ vậy mà tôi thấy thân thuộc với cuốn sách hơn khi tiến hành biên tập, chế bản.
Trước đây, chị Dung bảo chị định “rút ruột” viết một cuốn sách, “những mong có thể làm thành một điểm tựa cho những bạn làm nghề viết”. Tôi nghe vậy liền nghĩ thầm: “Có khác gì sách giáo khoa đâu… chắc chán dữ lắm…” (Em xin lỗi chị Dung!) Nhưng tôi sai rồi các bạn ạ. Sách không hề khoa giáo, từ chương, hàn lâm, bác học nha, mà (theo cảm nhận của tôi) nó giống như một tập hợp những lời nhắn nhủ, dặn dò, chia sẻ kinh nghiệm, và thậm chí là chuyện trò tâm sự của đàn chị gửi đến đàn em.
Đơn cử như ở Phần Một, tác giả khuyên chúng ta nên đọc gì, nghe gì, viết gì, sửa gì bằng hàng loạt gợi ý, ví dụ tưởng lạ hoắc mà gần gũi không ngờ. Cá nhân tôi thích đoạn phân tích những điểm ngữ pháp và cách dùng từ đắt giá, sắc sảo trong điệu Lý Chim xanh và ca khúc Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn. Tôi đã phải lật đật tìm nghe lại, rồi bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác nhưng không bật ngửa, mà gật gù, tâm đắc, và lấy sổ ra ghi chú. Nhắc đến “ghi chú” thì thật sự không thể bỏ qua những trang Chút chuyện nhỏ. Chị Dung bảo đấy là phần “giá trị tăng thêm” cho bạn đọc thôi, nhưng chính nhờ những trang ấy mà tôi mới chột dạ tự kiểm điểm và điều chỉnh cái thói xấu dùng từ theo quán tính của mình. Vậy nên, chút chuyện nhỏ ấy thật ra không nhỏ chút nào đâu (nếu bạn vẫn đang lăn tăn, giữa “các” và “những”, “dù” và “tuy”, loay hoay với “mà”, “phải”,… và vấn đề trật tự từ như tôi)!
Cứ kể ra nữa thì sợ rằng tôi sẽ tiết lộ hết nội dung cuốn sách mất, mà như vậy thì “mất vui” nha. Phải tự đọc sách, nghiền ngẫm và ứng dụng bạn mới thấy cả một thế giới thú vị của người làm nghề viết, nhờ đó mới thêm yêu nghề và thêm động lực để bước tiếp trên con đường đã chọn.
Tôi thường nói “Mỗi cuốn sách đều có thể thay đổi tương lai của một người” và tôi tin điều này đúng với “Hôm nay phải mở mang”. Bạn sẽ thấy tựa sách và tất cả tên chương đều bắt đầu bằng “hôm nay” chứ không phải là ngày mai, ngày kia, hay ngày nào khác. Vì muốn theo nghề, bạn phải nghiêm túc học viết, ngay hôm nay, bây giờ và mỗi ngày. Vậy nên mỗi lần cầm cuốn sách này lên và đọc, bạn sẽ có một hôm nay để mở mang kiến thức, để trau dồi kỹ năng, để chỉn chu trong cách viết, cách nghĩ và để thay đổi tương lai của mình theo hướng tốt đẹp hơn.
Chúc bạn đọc sách vui!
Người biên tập.
Một lần nữa, quý bạn đọc có thể đặt mua sách TẠI ĐÂY và đừng quên theo dõi fanpage Ngày ngày viết chữ để cập nhật thông tin về các sự kiện, chương trình khuyến mãi liên quan tới sách.
Ngày ngày viết chữ trân trọng giới thiệu và cảm ơn bạn đọc.