Văn hóa Nam Bộ qua ngòi bút của Sơn Nam
| On Th1106,2019(Ngày ngày viết chữ) Vì lẽ bổn quán là dân Nam Bộ chính cống nên chuộng tác của Sơn Nam lắm. Nay cũng lấy cớ này mà có mấy lời dông dài, chia sẻ với quý vị tác phẩm “Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa và Văn minh Miệt Vườn” của nhà văn lão thành Sơn Nam. Biết đâu quý vị thấy hứng thú mà mua sách về đọc giải khuây cũng đặng.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
Chất Nam Bộ chảy từ “ngòi bút” Sơn Nam
Tác phẩm của Sơn Nam thì nhiều, nhưng chủ yếu là viết về Nam Bộ. Với cá tính viết-như-nói của mình, chuyện bác kể cứ như từ xưa chảy về nay vậy. Qua đó, người đọc sẽ tự nhận ra điều mà tác giả muốn họ thấy. Biệt tài này quả hiếm người có được!
“Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội như bánh canh
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy”
Sách kể chuyện ngày xưa, thời người tứ xứ đổ về Đồng bằng sông Cửu Long lập nghiệp. Thuở người ta đang còn khao khát về nơi đất đai phì nhiêu, mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, tôm cá đầy sông mà sẵn lòng chịu bước qua nơi rừng thiêng nước độc.
Từ lịch sử nhân sinh, đất đai sông rạch, lời ăn tiếng nói, câu hát điệu hò, nếp sống riêng, phép nước, lệ làng, cưới hỏi, ma chay,… đều được Sơn Nam mô tả vô cùng kỹ lưỡng và dễ hiểu. Mà cách dẫn chuyện của nhà văn tuy giản dị mà lôi cuốn biết bao, ví như miếng bánh thơm cắn một cái muốn cắn thêm cái nữa.
Tập sách nầy thích hợp với tất cả chúng ta
Với người Nam Bộ, tác phẩm này như thước phim lịch sử để người đời nay kết nối với tổ tiên hay ký ức tuổi thơ. Hoài cổ là tâm lý chung của nhân loại, người Việt ta lại càng không khác. Mọi người có nhiều cách để hoài niệm về Nam Bộ, riêng bổn quán chỉ thấy thấm thía khi đọc sách của Sơn Nam.
Tưởng mới đây thôi, ta còn ngồi trên thềm nhà đón mùa nước nổi. Ở đây, người ta không sợ lũ về. Người miền Tây sống chung với lũ, lũ về mang theo cho họ tôm cá và phù sa màu mỡ bồi vườn. Dù lũ về, cuộc sống cũng mấy phần xáo đổi, nhưng huê lợi mà lũ mang lại đối với chốn này nó chính là nguồn sống.
Với khách thập phương, Nam Bộ như món ngon lạ miệng mà người ăn phải đích thân thử mới cảm nhận được hết mùi vị. Người Nam Bộ lạ lùng lắm, dù gạo vét sạch lu mà khi khách tới nhà cũng sẵn sàng “Bắt con cá lóc nướng trui. Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.” Cái tánh hiếu- khách hào-sản này như đặc sản vậy, mà đặc sản thì quý lắm, không phải vùng nào cũng có đâu.
Đôi dòng về Đồng bằng sông Cửu Long xưa và nay
Do chi phối của thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng mà quang cảnh Nam Bộ hiện tại đã thay đổi ít nhiều. Ngày nay, dù ở quê nhưng người dân lại trọng buôn bán hơn nuôi trồng. Ai cũng nghĩ có tiền rồi mua gì cũng được. Lâu dần, người ta không thích làm nông vất vả nữa. Mấy việc gắn với sông nước, vốn là mạch sống cả vùng này nay cũng mai một ít nhiều.
“Đường rừng có bốn cái vui
Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo”.
Ngày xưa người ta vốn đi lại, chuyên chở hàng hóa bằng ghe xuồng thì nay không còn phổ biến nữa. Người đời nay chuộng đi xe máy và ô tô hơn vì đi xe tiện 3 lần đi ghe. Cần Thơ vốn nổi tiếng với Chợ Nổi vang danh khắp xứ, sầm uất không đâu bì kịp, nay cũng chỉ còn dăm chiếc ghe bỏ hàng sỉ hay vài chiếc vỏ lải hoạt động cầm hơi để phục vụ du lịch.
Chợ Cái Răng xứ hào hoa
Phố lầu hai dải xinh đà quá xinh
Có trường hát cất rộng thênh
Để khi hứng cảnh thích tình hát ca
Người sống ở Chợ Nổi phần lớn đều đã bán ghe lên bờ sống. Phần để con cháu tiện việc học hành. Phần vì “an cư mới lạc nghiệp”. Mà nếu không “an cư” được thì lên các thành phố lớn sống, với họ như vậy sẽ khấm khá hơn.
Có thể đó là lý do mấy mươi năm nay người Miệt Vườn đổ lên tỉnh lỵ làm ăn ngày càng nhiều, như đã thành quy luật. Rồi lần hồi họ mang cái văn minh đô thị về vườn, thay thế hẳn nếp sống chốn này, nay nhờ Sơn Nam mà ta có đường lần về chốn cũ.
“Văn Minh Miệt Vườn” sành điệu lắm thay
Không chỉ nói về nét sinh hoạt xưa, cuốn nầy còn đặt tiền đề cho bốn chữ “Văn Minh Miệt Vườn”
Sách có đoạn:
“Miệt Vườn là nơi trù phú. Gái Miệt Vườn giỏi về nữ công nữ hạnh, nhìn nhận rằng chỉ có trai Gia Định mới xứng đáng làm người yêu:
Ghe ai đỏ mũi xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?
Dưỡng già, sống những ngày hưu trí ở Miệt Vườn là thong dong nhất. Trai lớn lên lập vườn thì cơ sở làm ăn được vững chắc.
– Vườn là nguồn lợi quan trọng hơn ruộng.
– Gái vườn ở vào trình độ cao hơn gái quê.
– Đất vườn cao giá hơn đất ruộng.
– “Đất đai viền trạch”, tức là đất ruộng, đất vườn và đất thổ cư, tiêu biểu cho thôn xóm. Cúng “mâm đất đai”, trước khi cúng vái ông bà, tức là cúng cho những người đầu tiên sáng lập thôn xóm, tiền hiền và hậu hiền.”
Đồng bằng sông Cửu Long được trời thương cho sản vật dồi dào, đất đai màu mỡ, cây trái xum xuê bốn mùa sai quả. Thêm đức tính hào sản, trọng chơn tình, hết mình vì làng sớm của người Nam Bộ đã hình thành nên “Miệt Vườn” ai thấy cũng muốn ghé, ai nghe cũng muốn về, vang danh xưa nay.
Quý vị nếu đã kỳ công đọc đến đây, nếu thấy hợp với mình thì mau mắn tìm mua về đọc. Sách nầy quý ở chỗ phần giúp mở mang kiến thức, phần giúp mình hoài niệm về thời khai hoang lập địa, phát triển văn hóa chống Pháp (thời đầu), coi như “ôn cố tri tân”, quý vị nhỉ!