5 cách duy trì cảm hứng cho người cầm bút
| On Th402,2025
(Ngày ngày viết chữ) Làm thế nào để duy trì cảm hứng viết là câu mà rất nhiều ngòi bút mới thường hỏi Ngày ngày viết chữ. Và dưới đây là năm cách mà Ngày ngày viết chữ hy vọng có thể giúp các bạn nuôi dưỡng được nguồn cảm hứng dồi dào.
>> Chọn mặt gửi chữ – Làm thế nào để người viết luôn tươi khi bị đánh giá chữ nghĩa
>> Giải mã Copywriting – Sách hay và cần cho copywriter
1. Đọc đều đặn
Đọc có lẽ luôn là cách đầu tiên để người cầm bút duy trì cảm hứng. Trước khi trở thành một người viết, chúng ta phải làm một người đọc. Việc đọc sẽ cung cấp cho bạn vô số ý tưởng, chủ đề và khái niệm mới. Viết là một công việc tạo đầu ra, muốn vậy chúng ta phải nạp đầu vào. Và đọc là một cách nạp đầu vào hiệu quả cao. Trong khi đọc, rất nhiều suy nghĩ, ý niệm chuyển hoá trong đầu chúng ta và tuôn trào khi chúng ta đặt bút viết.
Ngoài ra, việc đọc đều đặn còn giúp chúng ta có thêm một động lực. Đó là động lực viết-cho-người-khác-đọc. Khi đọc một tác phẩm xuất sắc, chúng ta thường sẽ cảm thấy được thôi thúc phải viết cho bằng được một thứ gì đó chất lượng, một thứ gì đó “chẳng hơn người cổ cũng bằng người kim”.
Cuốn sách gần đây bạn đọc là cuốn gì? Nó mang lại cho bạn những ý tưởng và niềm vui nào? Bạn thường đọc vào thời gian nào? Chúng tôi thường đọc vào sáng sớm – sau khi thức dậy và trước khi bắt tay vào những công việc thường nhật khác. Mỗi ngày tầm 45 phút, hoặc 1 tiếng, thậm chí ít hơn, nhưng đều đặn.
2. Đặt mình vào giữa những ngòi bút khác
Viết là một công việc độc lập, chúng ta thường phải làm công việc này một mình, giữ khoảng cách với thế giới xung quanh nhằm tập trung cao độ. Nhưng đó là khi chúng ta ngồi vào bàn viết. Còn những lúc khác thì chúng ta vẫn có thể kết nối với mọi người, nhất là với các ngòi bút khác để có thêm nhiều động lực.
Ở Ngày ngày viết chữ, chúng tôi định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các ngòi bút với nhau, gọi là buổi gặp gỡ “Bút trong tay”. Trong những buổi gặp gỡ này, chúng tôi trò chuyện chữ nghĩa với nhau, thúc đẩy nhau viết chăm chỉ và mới mẻ hơn. Nếu may mắn, chúng tôi còn có thể kết giao được với một ngòi bút hợp cạ, trở thành bạn văn của nhau.

3. Hãy thử khám phá một thể loại viết mới
Đôi khi, chúng ta mất cảm hứng vì phải viết mãi một thể loại quen thuộc. Một số người viết tốt trong thể loại quen thuộc của mình, gặp khó khăn khi phải viết một thể loại xa lạ. Nhưng một người làm thơ lục bát hoài, biết đâu làm thêm chút thơ tự do cũng hay, và cũng vui. Quan trọng là chúng ta phải tìm và giữ cho mình nhiều niềm vui với chữ nghĩa.
Từng có lúc chúng tôi phải viết luận văn nhưng bế tắc quá, không tha thiết gì nữa. Và chúng tôi đã làm mới bản thân bằng cách tự cho phép mình viết hai mẩu truyện hư cấu be bé. Bằng cách này, chúng tôi lấy lại được cảm giác cân bằng và quay lại với luận văn trong tâm trạng dễ chịu hơn.
Nhiều lúc, quá tập trung vào một thể loại, một nội dung cũng là một kiểu cực đoan làm chúng ta mệt mỏi. Hãy thử viết chút gì đó là lạ, khang khác, để bản thân vượt qua cơn trì trệ.
4. Quyết định viết là ưu tiên hàng đầu
Rất nhiều biên tập viên đều phải đối mặt với tình trạng tác giả của mình mất cảm hứng viết. Thường là để cho đúng tiến độ, lẽ ra đầu tháng này tác giả phải giao bản thảo cuối. Nhưng không, đã sắp hết tháng rồi mà bản thảo còn rất lộn xộn, còn nhiều nội dung chưa trau chuốt, nhiều ý tưởng còn nằm trong đầu chứ chưa chịu tựu hình trên trang giấy.
Biên tập viên của chúng tôi cũng không ngoại lệ. Các bạn ấy cũng phải đối mặt với tình trạng chúng tôi mãi không giao bản thảo. Nhưng để đảm bảo tiến độ, chúng tôi có lúc phải quyết định “viết riết cho xong”. Đó là những lúc chúng tôi bắt đầu vào sáu giờ sáng và miệt mài viết đến mười một giờ khuya. Trừ những lúc phải lên lớp hoặc ăn uống, chúng tôi không làm gì khác ngoài viết bản thảo, mọi bài viết khác bao gồm viết nội dung cho Fanpage và Instagram đều phải gác lại. Việc viết liên tục một nội dung có điểm lợi là giúp chúng ta theo dõi xuyên suốt nội dung ấy, tránh tình trạng quên trước quên sau, bỏ sót các ý tưởng, trùng lặp các nội dung.
Việc viết hăng say, không chán ngán nữa đôi khi chỉ cần một quyết định. Chúng ta quyết định không chán nữa, tập trung viết. Và cứ thế chúng ta viết. Điều này cũng giống như khi có việc phải đi ra ngoài mà lại thấy chán chán không muốn đi, nhưng chỉ cần chúng ta chịu rời giường, tắm rửa thay quần áo, dắt xe ra khỏi nhà, vậy là cơn chán sẽ bay biến đâu mất. Quyết định không chán nữa và viết, chỉ đơn giản vậy thôi.
5. Hãy để mọi thứ tự nhiên như thế
Trong bộ phim Dịch vụ giao hàng Kiki của hãng phim Ghibli có một đoạn nhân vật Kiki bị mất khả năng bay. Và chị gái hoạ sĩ đã chia sẻ với Kiki về việc có đôi khi chị cũng không vẽ được. Những lúc như thế, chị sẽ lao vào vẽ, vẽ để giải toả, nhưng nếu vẫn cứ không bay được thì dừng lại thôi, rồi đi dạo, ngắm cảnh, ngủ trưa, không cần làm gì cả. Và rồi tự dưng sẽ vẽ lại được.
Có lẽ việc viết cũng như thế. Nếu đã thử nhiều cách nhưng không tài nào gợi lại cảm hứng nổi, thì chúng ta cứ thả lỏng một chút. Nghỉ ngơi, đi đây đi đó thử vài món ngon, ngắm đôi ba phong cảnh đẹp, gặp vài người bạn, chìm vào một bộ phim. Cơ thể thả lỏng đủ rồi tự khắc sẽ quay lại với cuộc viết lách.
Ngoài năm cách trên, bạn cũng có thể thử tạo cảm hứng bằng cách dọn dẹp phòng làm việc và bàn làm việc. Đây luôn là một cách tái tạo năng lượng hiệu quả. Lau quét bụi, gỡ các giấy ghi chú đã không còn cần thiết trên bảng ghi chú, cắt tỉa chậu cây cảnh, bỏ những cây bút hết mực, sắp xếp lại sách trên kệ, v.v.. Những việc này có tác dụng như thể chúng ta bấm nút “reset” cho trí óc mình vậy.
Cuối cùng, cảm hứng là một nguồn năng lượng quan trọng để chúng ta viết. Nhưng đó không phải là tất cả. Để làm việc chuyên nghiệp, chúng ta cũng nên viết có kỷ luật, nghiêm túc, đừng chỉ có hứng mới viết còn không thì thôi.