3 lỗi người mới học viết truyện hư cấu có thể mắc và cách tránh lỗi
| On Th314,2024(Ngày ngày viết chữ) Trong khi đồng hành với nhiều cây bút trẻ, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề, tạm gọi là lỗi, mà những cây bút học viết tác phẩm hư cấu có thể mắc phải. Bài viết này chỉ ra ba trong số các lỗi đó.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Học viết: 7 lời mách nước dành cho bạn
>> 7 mẹo viết của Paulo Coelho
Mốc thời gian rối rắm
Gần đây chúng tôi (gồm Ngày ngày viết chữ và một số cây bút trẻ) có cùng nhau đọc một truyện ngắn. Nội dung truyện rất hay, mỗi tội các mốc thời gian trong truyện không được rõ ràng cho lắm. Điều này làm chúng tôi thấy bản thân lẫn lộn lung tung và sau khi đọc xong phải lật đi lật lại, trao đổi với nhau, xem xem mình hiểu các mốc có đúng không. Tình huống nào diễn ra trước tình huống nào diễn ra sau, đâu là hiện tại và đâu là quá khứ mà nhân vật đang hồi cố?
Đó chỉ mới là một truyện ngắn, nếu là tác phẩm dài hơn, như truyện dài hoặc tiểu thuyết, có lẽ là người đọc sẽ còn vất vả hơn nữa.
Ngoài việc mốc thời gian rối bời, liên quan đến thời gian còn có một vấn đề nữa là có khi thời gian trong tác phẩm và những gì người viết miêu tả không khớp nhau cho lắm. Chẳng hạn câu chuyện lấy bối cảnh trước năm 1990 nhưng nội dung thì có vẻ phải là sau năm 2000 (thể hiện qua gu thời trang, âm nhạc, ẩm thực, v.v.). Chuyện này nghe có vẻ buồn cười, có người viết nào ngớ ngẩn như vậy chứ?! Nhưng thực tế là vẫn luôn có những giây phút người viết ngớ ngẩn như vậy thật.
Cách tránh lỗi: Tốt nhất là chúng ta nên tạo một dòng thời gian cho câu chuyện, nhất là với câu chuyện có thời gian trải dài. Vẽ một cái mũi tên ra và điền các mốc thời gian lên đó cho rõ ràng, rành mạch. Một số câu hỏi chúng ta có thể đặt ra khi vẽ dòng thời gian:
1. Nhân vật bao nhiêu tuổi khi câu chuyện bắt đầu? (Chỗ này có thể có một câu hỏi phụ là khi đó nhân vật đang ở đâu.)
2. Tại sao câu chuyện bắt đầu? Thời điểm nào thì trong câu chuyện xuất hiện xung đột?
3. Mục tiêu câu chuyện của nhân vật chính là gì ?
4. Các nhân vật phụ là ai và họ lần lượt xuất hiện khi nào?
5. Các nhân vật bao nhiêu tuổi khi câu chuyện kết thúc? (Và có thể vẫn cần một câu hỏi phụ là khi đó nhân vật đang ở đâu.)
Lỗ hổng trong cốt truyện
Trong những cuộc trò chuyện be bé với các tác giả mới, chúng tôi thường được nghe rằng việc định hình được cốt truyện là một chuyện hết sức nhọc nhằn. Hễ viết được ba mớ là diễn biến cứ loạn hết cả lên. Và rất nhiều lần chúng ta không về đích được, phải quay ngược lại điểm xuất phát và viết lại từ đầu, với một cốt truyện mới. Chuyện này rất thường gặp, cùng một nội dung, cùng một thông điệp mà chúng ta phải viết đến bảy cốt truyện khác nhau nhưng vẫn chưa ưng bụng cái nào cả.
Song song với việc tìm ra đâu là cốt truyện hợp lý nhất, thì một số tác giả còn gặp khó khăn vì không nhận ra cốt truyện của mình đầy lỗ hổng, thiếu logic, đầu xuôi đuôi ngược. Đọc nột cốt truyện đầy lỗ hổng cũng giống như đạp xe trên một con đường đầy ổ gà. Trải nghiệm đọc đương nhiên là không thể mượt mà được.
Điều này chắc chắn là có hại cho tác phẩm vô cùng. Bởi vì nó dễ khiến độc giả bỏ ngang và không bao giờ giở ra đọc tiếp, hoặc tệ hơn, loại luôn tên tác giả ra khỏi danh sách những người mình muốn đọc.
Cách tránh lỗi: Vậy, làm sao để định hình cốt truyện và vá lỗ hổng trong cốt truyện? Có một mẹo đơn giản và hữu ích, đó là trước khi bắt đầu viết, chúng ta hãy điền vào chỗ trống cho câu này:
[Tác phẩm này nói về …(x)…, người muốn …(y)…]
(X) là tên nhân vật chính và (y) là mục tiêu của nhân vật chính, hay nói cách khác là mục tiêu của câu chuyện. Hoàn tất câu này trước và bạn có thể dựa vào đó để định hình cốt truyện. Điều quan trọng nhất cần hết sức lưu ý là (y) của chúng ta phải thật cụ thể. (Y) không nên là “chiến thắng bản thân”, cũng không nên là “vượt qua nghịch cảnh”. Nếu (y) quá trừu tượng, chúng ta sẽ bắt đầu diễn giải lung tung, viết dây cà ra dây muống, dẫn đến khó định hình cốt truyện. (Y) nên cụ thể, như là “cứu sống một người bệnh hiểm nghèo”, hoặc là “đi du lịch châu Phi”, hoặc là “ly hôn người bạn đời đã gắn bó suốt bốn mươi năm”. Với mục tiêu định ra như thế, chúng ta bắt đầu viết và lồng ghép diễn biến, xung đột và thông điệp mình muốn gửi gắm vào.
Còn về lỗ hổng, chúng ta nên khắc ghi rằng mọi chi tiết, cho dù cực kỳ nhỏ, cũng phải có lý do tồn tại trong tác phẩm. Nếu có chi tiết nào mà sự tồn tại của nó là vô thưởng vô phạt thì ta phải xem xét lại, sửa đổi hoặc bỏ nó đi. Một số tác giả rất giỏi trong việc cài cắm những chi tiết bé xíu xiu, tưởng chừng không liên quan gì đến câu chuyện, có thể dễ dàng lướt qua rồi quên luôn, nhưng cuối cùng bất ngờ thay đó lại là những chi tiết có tính then chốt. J. K. Rowling trong Harry Potter là một tác giả như thế.
Bắt độc giả nhảy cóc trên đầu các nhân vật
Khi viết truyện hư cấu, chúng ta hầu như luôn phải chọn một ngôi xưng. Đó thường là ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, một số ít tác phẩm được viết bằng ngôi thứ hai.
Đối với ngôi thứ ba, chúng ta có hai kiểu thường gặp là ngôi thứ ba hạn chế và ngôi thứ ba toàn tri. Hiểu đơn giản là ngôi thứ ba toàn tri giúp người đọc biết hết mọi thứ, trong khi đó với ngôi thứ ba hạn chế, người đọc sẽ có những “góc chết”, những điều người viết không thể hiện cho người đọc thấy.
Khi viết bằng ngôi thứ ba, nhất là ngôi thứ ba toàn tri, người viết có thể rơi vào một lỗi giống như là bắt độc giả nhảy cóc trên đầu các nhân vật. Hãy xem đoạn văn sau:
An mở cửa bước vào nhà. Hôm nay thật là một ngày dài mệt mỏi. Vy không đón An như mọi khi. Hôm nay cô thấy trong bụng khó chịu, chủ yếu là do cô vừa cãi nhau với em chồng. An trông mặt Vy thì thừa biết, cô và con bé em lại vặc nhau vì mấy chuyện vặt. Đến là chán! Vy đặt tô canh khoai lên bàn, thầm nhủ sao mà anh vô tâm thế, cô đã bày ra bộ mặt quạu đeo thế này, anh lại còn không biết dỗ mấy câu. An cất ba lô rồi đi rửa tay, trong lòng quyết định mặc kệ, ai cãi nhau người ấy mang bực ráng chịu.
Góc nhìn toàn tri nếu được triển khai thế này có thể sẽ khiến cho độc giả thấy mệt vì phải nhảy qua nhảy lại không ngừng giữa các nhân vật. Trong tiếng Anh có một từ gọi là “head-hopping” để chỉ lỗi này – khi người viết bắt người đọc nhảy cóc từ đầu nhân vật này sang đầu nhân vật khác.
Cách tránh lỗi: Tốt nhất là trong cùng một bối cảnh, chúng ta nên chọn lấy góc nhìn từ một nhân vật thôi. Những điều trong đầu, trong bụng, trong lòng nhân vật khác nên được thể hiện ra qua cách khác, chẳng hạn qua cách mà nhân vật chúng ta chọn lấy góc nhìn quan sát và tri nhận, đại để thế này:
An mở cửa bước vào nhà. Hôm nay thật là một ngày dài mệt mỏi. Vy không đón An như mọi khi. An tự hỏi có phải cô lại có gì buồn bực nữa không. Hay là lại cãi nhau với em gái anh rồi? Trông mặt Vy thì có vẻ thế lắm. Hẳn là cô và con bé lại vặc nhau vì mấy chuyện vặt. Đến là chán! Anh nhìn Vy đặt tô canh khoai lên bàn, mặt mày cô quạu đeo. Có lẽ cô đang mong anh dỗ dành mấy câu. Nhưng An chỉ cất ba lô rồi đi rửa tay, trong lòng quyết định mặc kệ, ai cãi nhau người ấy mang bực ráng chịu.
Ngôi thứ ba toàn tri với góc nhìn biết hết, có lẽ nên được hiểu là kể cả khi không có mặt của nhân vật chính, người đọc cũng biết được có chuyện gì đang xảy ra, nghĩa là người đọc biết tất cả mọi thứ kể cả những điều nhân vật chính không biết. Còn trong cùng một bối cảnh, cùng một tình huống hội thoại, việc nhảy cóc liên tục trên đầu các nhân vật sẽ có nguy cơ khiến người đọc cảm thấy bị quay cuồng. Nếu có nhảy cóc (như là một chủ ý của người viết) thì cũng nên giãn ra đôi chút, để người đọc được nghỉ.
Trên đây là ba lỗi rất có thể xảy ra khi viết tác phẩm hư cấu. Hy vọng bài viết này sẽ ít nhiều sẽ giúp cho công việc sáng tác của các cây bút mới đỡ nhọc nhằn hơn.