3 cách để viết lời thoại sống động hơn
| On Th521,2023(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này dành cho những bạn muốn học cách viết truyện ngắn, tiểu thuyết,… và thấy sao lời thoại của mình cứ chán chán.
Trong cuốn Hôm nay phải mở mang, mục Thoại, chúng tôi có nói rằng đôi khi, chúng ta viết lời thoại quá màu mè và phi lý.
Một nhân vật sống như thế nào trong lòng bạn đọc, ngoài do hành động anh ta làm, đa phần là do lời thoại anh ta nói ra. Nhưng mà, nhiều khi vì kỹ năng viết thoại yếu, chúng ta vô tình giết chết nhân vật của mình. Tôi đã gặp nhiều trường hợp viết thoại mà đối tượng phát ngôn là người bình dân, nhưng lời thoại không khác gì lời của biên tập viên trên bản tin truyền hình quốc gia.
~ Trích Hôm nay phải mở mang
Trong bài viết này, chúng tôi xin nói tiếp câu chuyện thoại và chỉ ra 3 cách để lời thoại của chúng ta sống động hơn, hợp lý hơn.
Lời thoại quá trang trọng
Ở bối cảnh trang trọng, các nhân vật đương nhiên nên nói chuyện với nhau một cách trang trọng. Chẳng hạn bối cảnh nhân viên nhà hàng, khách sạn cao cấp nói chuyện với khách, hoặc bối cảnh giữa nhà lãnh đạo nói chuyện trước công chúng, hoặc bối cảnh viết một e-mail quan trọng cho khách hàng chủ chốt,…
Ở những bối cảnh như vậy, tính trang trọng của lời thoại là cần thiết. Tuy nhiên, hầu hết tình huống trong cuộc sống thì không cần phải trang trọng như vậy. Rất ít người trong chúng ta nói chuyện theo cách diễn đạt đầy đủ thông tin cùng sắc thái lịch sự quá mức cần thiết. Thực tế, chúng ta càm ràm, chúng ta ngắt câu, chúng ta lược bớt, chúng ta chỉ phát ngôn những gì cần thiết nhất.
Ví dụ:
Có lẽ chúng ta không nên viết thế này:
“Em này, anh đã nấu cơm và làm thức ăn xong xuôi. Khi nào xong việc em xuống ăn nhé!”
Thay vào đó, chúng ta viết thế này:
“Cơm nước xong rồi nha sư tử ơi! Lẹ lẹ xuống ăn cơm!”
Hoặc chỉ thế này:
“Có ăn cơm bây giờ luôn không sư tử ơi?”
Mẹo cho bạn:
Kiểm tra từng lời thoại. Tự đánh giá xem chúng ta có thể rút ngắn nó đi không, có thể lược bỏ một thành phần (thậm chí là thành phần nòng cốt) để nó đỡ trang trọng hơn được không? Tất nhiên, cách viết này không phải luôn phù hợp với mọi bối cảnh, mọi tình huống, có thể gây cảm giác thô lỗ, cộc lốc. Thế nhưng, bên cạnh những lời thoại trang trọng đúng mực thì một vài lời thoại gọn gàng, thân mật sẽ làm cho cuộc đối thoại trở nên sinh động và chân thực hơn nhiều.
Bạn có thể tham khảo bài viết 3 vấn đề khi kể chuyện bằng tôi và cách khắc phục để học thêm chút thủ pháp viết đặc sắc.
Lời thoại không có gì đáng ngạc nhiên
Lời thoại hay thì nên có chút gì đó bất ngờ. Nghĩa là, chúng ta không chỉ viết:
“Con ăn cơm chưa?”
“Dạ chưa.”
Mà cũng có thể viết:
“Con ăn cơm chưa?”
“Dạ mẹ con chưa về nữa.”
Hàm ý ở đây có thể là:
– Mẹ chưa về nên chưa có cơm ăn.
– Con đợi mẹ về con mới ăn.
Nếu trong một tình huống cụ thể, người đọc có thể dự đoán chính xác lời thoại tiếp theo của nhân vật là gì, vậy thì còn gì đặc sắc nữa?
Lời thoại cung cấp thông tin, nhưng thông tin không phải lúc nào cũng được thể hiện tường minh. Trong thực tế, chúng ta lại dùng rất nhiều câu chứa hàm ý. Không chỉ là “đi đường vòng” cho có vẻ bất ngờ, một lời thoại ngoài dự đoán còn có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về một động cơ, nỗi sợ hãi, niềm hy vọng, sự mưu toan của nhân vật. Do đó, khi viết lời thoại, nhiều khi nói gần nói xa lại tốt hơn hẳn so với nói thiệt. Lời thoại là cánh cửa hé lộ thế giới nội tâm của nhân vật, cho nên chúng ta đừng chỉ viết như đó là những lời cung cấp thông tin và giải thích tình huống.
Ví dụ [SPOILERS]:
Trong tác phẩm Heidi của Johanna Spyri, có một tình huống là cô bé Heidi phải xa quê nhà và đến sống với gia đình Sesemann. Em rất nhớ quê, nhớ đến mức đau buồn và tiều tuỵ. Nhưng khi bà Sesemann hết lần này đến lần khác ân cần hỏi lý do thì Heidi cũng hết lần này đến lần khác lắc đầu không chịu nói, chỉ bảo:
“Cháu không thể nói được ạ.”
Đương nhiên em có lý do nên không thể nói. Nhưng tình cảnh héo hon của cô bé khiến người đọc đau lòng, và nhiều lần, người đọc tưởng như “lần này cô bé sẽ nói”, nói để vấn đề được giải quyết, vậy mà không, lời thoại của em vẫn chỉ là “không thể nói được”. Điều này làm cho tâm trạng người đọc nặng trĩu, nhưng cũng hoàn toàn hợp lý với nội tâm cô bé Heidi lương thiện.
Mẹo cho bạn:
Xem xét lời thoại trong câu chuyện, xác định những lời có thể tạo nên một khoảnh khắc đáng ngạc nhiên. Đừng lúc nào cũng cho phép bản thân viết câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong đầu. Thay vào đó, chúng ta hãy tiến đến ý tưởng thứ hai hoặc thứ ba và tạo nên những dòng đối thoại mà người đọc ít nhiều không lường trước được.
Lời thoại của các nhân vật cứ na ná nhau
Khi viết thoại mà mắc hai lỗi kể trên, chúng ta cũng dễ mắc thêm lỗi thứ ba này, đó là các nhân vật nói chuyện cứ na ná nhau. Tất cả nhân vật đều nói chuyện theo một lối lịch sự, phải phép nào đó, hoàn toàn không có cách nói riêng.
“Chú mới đi làm về à?”
“Dạ chị. Tôi mới đi làm về. Chị đi dạo bộ ạ?”
“Phải. Tôi vừa ăn cơm xong nên đi bộ một lúc cho tiêu cơm ạ. Hôm nay chú về trễ nhỉ?”
“Dạ, công ty cuối năm hơi nhiều việc ạ.”
Ngoài tình huống hai người hàng xóm, một người đi làm về trễ và một người đi dạo sau khi ăn cơm tối xong, cùng thái độ lịch sự của cả hai, thì chúng ta không học được thêm điều gì nữa từ cuộc hội thoại trên đây. Những lời thoại như thế này quá hoàn hảo – hoàn hảo để bạn đọc đặt cuốn sách xuống luôn cho rồi.
Những lời thoại na ná nhau về phong cách thế này, nếu bạn trích lấy một lời từ bất kỳ đâu trong tác phẩm, tách nó ra khỏi văn cảnh, khỏi ngôi xưng hoặc khỏi tên người nói, thì bạn có thể thấy là mình không biết là nhân vật nào đang nói nữa.
Hãy lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt, thay đổi một chút để mỗi nhân vật có một cách nói chuyện ít nhiều khác biệt. Đấy cũng là một trong những cách tốt nhất để cá nhân hóa nhân vật.
Ví dụ:
“Mới đi làm về hả chú?”
“Dạ chị. Tôi mới đi làm về. Chị đi dạo bộ ạ?”
“Ờ cơm nước xong thì đánh một vòng chơi chơi cho đỡ mập bụng. Nay chú về trễ dữ hen?”
“Dạ chị, công ty cuối năm hơi nhiều việc ạ.”
Mẹo cho bạn:
Thay vì đọc toàn bộ bản thảo, chúng ta hãy chỉ đọc các đoạn đối thoại. Cách này sẽ giúp chúng ta cảm nhận được giọng nói của các nhân vật, xem xem cách nói của họ có khác nhau không. Nếu không khác, chúng ta hãy thử chỉnh sửa lời thoại của một hoặc vài nhân vật sao cho nhất quán với tính cách của nhân vật mà chúng ta đã thiết lập và khác biệt với các nhân vật khác. Có thể, trong lúc chỉnh sửa này, chúng ta cũng cần “nắn” lại tính cách của nhân vật nữa (bởi vì nguyên nhân cách nói chuyện giống nhau có thể là do tính cách mà chúng ta thiết lập trước đó vốn rất giống nhau).
Trên đây là ba mẹo để viết lời thoại thêm phần sống động, hy vọng hữu ích cho bạn đọc.
Để đọc thêm nhiều bài viết, nắm bắt thông tin workshop và khoá học, quý bạn đọc có thể theo dõi Instagram của Ngày ngày viết chữ hoặc đăng ký bản tin bằng cách kéo xuống cuối web này và điền e-mail của bạn. |