18 điều tự răn khi viết văn của Trường Chinh
| On Th829,2020(Ngày ngày viết chữ) Không chỉ là nhà cách mạng, Trường Chinh còn là một nhà thơ, đồng thời có nhiều bài viết lý luận văn học. Đây là 18 điều tự răn khi viết văn của Trường Chinh*, viết năm 1947, đến nay vẫn còn giá trị.
18 điều này được chia làm ba phần, mỗi phần 6 điều, cụ thể như sau:
Dân tộc hóa
1. Không dùng một chữ nước ngoài nếu không cần thiết.
2. Không viết một câu theo cách đặt câu của nước ngoài nếu không cần thiết.
3. Không dùng điển tích nếu không có ích lợi gì.
4. Không được xa rời truyền thống văn chương quý báu của dân tộc.
5. Không được coi thường vốn văn học của dân tộc.
6. Không được miệt thị cái hay của văn học, nghệ thuật nước ngoài.
Khoa học hóa
1. Không viết một câu sai ngữ pháp Việt Nam.
2. Không dùng một chữ thừa, trừ trường hợp cố ý nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh.
3. Không viết một câu mà người đọc có thể hiểu lầm hoặc hiểu làm hai cách.
4. Không làm cho văn của ta và lời nói của nhân dân xa cách nhau.
5. Không được viết lộn xộn.
6. Không được dùng câu sáo cũ ở trong nước và của nước ngoài (chớ lầm sáo cũ với phương ngôn, ngạn ngữ).
Đại chúng hóa
1. Không sợ dùng những tiếng thường dùng của quần chúng.
2. Không viết một câu mà người đọc bình thường không thể hiểu.
3. Không được viết chỉ để cho một ít “thượng lưu trí thức” xem mà thôi.
4. Không được viết dài dòng và dẫn sách vở một cách vô ích để lòe thiên hạ.
5. Không được vì muốn phổ cập mà sao lãng việc nâng cao trình độ của quần chúng nhân dân.
6. Không được vì đại chúng hóa mà viết một cách thô tục, khiếm nhã.
Vài điểm cần lưu ý
Những điều trên đây, sẽ có những điều tùy trường hợp mà vận dụng chứ không phải trường hợp nào cũng đúng. Chẳng hạn, việc “Không được viết chỉ để cho một ít ‘thượng lưu trí thức’ xem mà thôi” là khu biệt trong việc viết văn, nhất là các tác phẩm văn chương hướng đến đại chúng thì viết cho dễ hiểu là yêu cầu cơ bản nhất. Với những thể loại khác (ngoài văn chương hoặc những tác phẩm văn chương có độ khó cao), chúng ta cần phải cân nhắc đối tượng mục tiêu mà có lối viết cho phù hợp, cho bác nông dân thì viết khác mà cho nhà khoa học thì viết khác.
Trong tính “dân tộc hóa”, mục “Không dùng điển tích nếu không có ích lợi gì” có thể hiểu là điển tích thường là yếu tố vay mượn từ văn hóa Hán, nên để nêu cao tính dân tộc thì cố gắng hạn chế sử dụng. Còn một cách hiểu và vận dụng khác có vẻ trung dung hơn, đó là, điển tích nhìn chung khá khó hiểu, người đọc phải có hiểu biết nhất định mới lý giải được. Có thể liên tưởng đến Truyện Kiều. Truyện Kiều có rất nhiều điển tích, nên người đọc thường là phải vừa đọc thơ vừa đọc chú thích mới hiểu được. Ngày nay, vì người biết điển tích không còn nhiều và vì viết văn thì “Không được viết chỉ để cho một ít ‘thượng lưu trí thức’ xem” nên tốt nhất là hạn chế điển tích nếu không thật cần thiết.
18 điều tự răn khi viết văn của Trường Chinh là vậy, có đôi chỗ diễn đạt theo lối diễn đạt hơn nửa thế kỷ trước nên hơi khó đọc, bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh sao cho phù hợp với mình rồi dùng nhé!
(*) Trích Trường Chinh – Về văn hóa văn nghệ, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.