Tiếng Việt ngày cũ
| On Th412,2023(Ngày ngày viết chữ) Bài viết giới thiệu một số từ cũ trong tiếng Việt. Tuy nói là cũ, nhưng có những từ hiện nay vẫn còn dùng, nhất là trong khẩu ngữ.
★ Ba đía ★
“Ba đía”, phương ngữ Nam, nghĩa là:
1. Nói láo, phịa chuyện, nói chuyện không có thật. Ví dụ: “Toàn những chuyện ba đía đó, hơi đâu mà tin cho mất công”.
2. Lắm mồm, già chuyện, có tật ham nói, thích nói nhiều. Ví dụ: “Thấy ai nói chuyện là hắn bỏ việc xáp vô liền. Đúng là thằng ba đía”.
★ Chém vè ★
Phương ngữ Nam Bộ, nghĩa là trốn trong bụi rậm hoặc trầm mình dưới nước, cũng chỉ chung việc lẩn trốn, không muốn xuất hiện, trốn tránh sự truy bắt, giấu mình ở một nơi kín đáo để tránh lộ tông tích.
Từ điển Từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín dẫn một số ví dụ như sau:
– “Chém vè mới buồn ngủ chớ đánh thì tôi không biết buồn ngủ đâu” (theo Anh Đức).
– “Nhưng bây giờ, hết thảy mọi người đều mong anh trở lại, thâm tình cũng như nước dưới sông, có chảy đi đâu, có chém vè ở đâu cũng hợp lại một dòng xuôi chảy mãi” (theo Nguyễn Ngọc Tư).
– “Đang chém vè an toàn nơi đồng sâu, Tào Tỵ lại tự mình làm lộ chân tướng vì một việc chẳng đặng đừng” (theo Nguyên Hùng).
★ Đếm xỉa ★
Từ này liên quan đến việc đếm tiền đồng hồi xưa. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng:
– Đếm là kể ra từ số từ món, như nói một hai ba bốn v.v. là đếm;
– Xỉa là cách đếm tiền đồng, sắp mỗi doi năm đồng gọi là xỉa tiền, trước còn có cách nói “đứng xỉa tiền” ý nói đứng xếp hàng đều nhau.
Trên có dùng từ “doi”, thì Huình Tịnh Paulus Của giảng “doi” là một hàng tiền đồng xỉa ra. Ý là hàng tiền đồng thì gọi là doi, khi đếm tiền mà sắp tiền thành hàng (doi), mỗi hàng năm đồng thì gọi là xỉa.
Còn từ “đếm xỉa” thì Huình Tịnh Paulus Của giảng rằng “đếm tiền phải xỉa từ doi, và đếm và xỉa (tức là muốn đếm tiền đồng thì phải sắp thành từng hàng đều nhau cho khỏi nhầm, vừa đếm vừa xỉa – NNVC), nghĩa mượn là kể lấy, chẳng ai thèm đếm xỉa là chẳng ai kể, chẳng ai màng”.
★ Khem ★
Sách “Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại” của Lương Đức Thiệp (NXB Tri Thức), trong phần viết về việc sinh đẻ của người Việt có viết: “Người đàn bà đẻ phải xoa nghệ vào mình mẩy chân tay và phải ăn khem (không ăn đồ tanh, béo)”. Đọc đến đây mình đi tìm nghĩa của từ “khem”.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên giảng: Khem (ít dùng), động từ có nghĩa là “tránh ăn uống những thứ coi là có hại cho người ốm yếu”, ví dụ: khem chất cay; tính từ có nghĩa là “thiếu hẳn những thức ăn có chất bổ”, ví dụ: ăn uống khem quá.
Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức giảng: Khem là kiêng, như ăn khem, khem cữ và trích văn liệu câu “Xấu máu thời khem miếng đỉnh chung” trong bài “Tức sự” của Hồ Xuân Hương. “Miếng đỉnh chung” nghĩa là của ngon vật lạ, “xấu máu” ý nói trong người có bệnh, không được khoẻ mạnh.
Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của thì giảng nhiều hơn về chữ “khem”: Khem, danh từ, nghĩa là “cây cắm ra cho biết trong nhà có việc kiêng cữ: ấy là một cây dài nhỏ, chẻ ra một đầu, giắt một đoạn củi vắn đã có chụm rồi, cắm ra trước nhà cho biết là nhà có người nằm bếp (tức là đẻ – NNVC), đẻ con trai thì trở đầu cháy vào nhà, đẻ con gái thì trở đầu cháy lộn ra”. Cụ Của cũng giảng “cắm khem” là “cắm cây làm dấu kiêng cữ ấy”, “cấm khem” hay “cữ khem” là buộc phải kiêng cữ, “vô khem” là “vào lúc kiêng cữ”.
Nhìn chung, “khem” là kiểu ăn uống kiêng cữ, xưa thường dùng cho đàn bà đẻ hoặc cũng dùng cho người đau bệnh.
Ngay từ “cữ” trong “kiêng cữ” cũng vốn là từ chỉ giai đoạn đầu của phụ nữ sau sinh và em bé mới sinh, còn phải kiêng đủ thứ theo tục lệ dân gian. Sách “Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại” cũng nói nhiều điều về việc “ở cữ”. Chẳng hạn: “Trong vòng một tháng sau khi “ở cữ”, người ở nhà người đẻ không được đến nhà ai sợ đem “phong long” đổ cho người khác có hại cho họ. Trong dân gian, khi đứa trẻ đã đầy cữ (7 hay 9 ngày tuỳ theo con trai hay con gái) người ta thường bỏ hạn kiêng người thăm và kiêng phong long đi”. Các bạn rảnh mua sách này về xem, có đủ thứ tục lệ và nếp sinh hoạt của người Việt kèm lý giải khá cặn kẽ, rất đáng đọc.
★ Khôn cho người ta dái, mà thật ra “rái” cũng được ★
Về câu “Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, Dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta ghét” thì thật ra nói là “Khôn cho người ta rái” cũng được.
“Dái” là tiếng Việt cổ. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên giảng “dái” nghĩa là “sợ và có phần nể”. Ngược về thế kỷ XIX, trong Đại Nam quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của giảng “dái” là “kiêng nể”. Huình Tịnh Paulus Của còn cho ví dụ “kính dái” là kính sợ, “dái ý” là nghĩ tới, lo sợ, lấy làm lo.
Có câu “Quen dái dạ, lạ dái áo”, Huình Tịnh Paulus Của giảng là quen mặt chẳng quen lòng, huống chi là lạ. Nhưng câu này còn có cách hiểu là với người quen biết đã lâu thì cái mà người ta nể sợ chính là lòng dạ (tư cách, trí tuệ, hành xử,…), còn với người mới quen thì hình thức bề ngoài mới làm cho người khác coi trọng.
Lại ngược về thế kỷ XVII, thời điểm sơ khai của chữ Quốc ngữ, trong cuốn sách “Phép Giảng Tám Ngày(*)” do linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes biên soạn bằng chữ Quốc ngữ và chữ Latin (xuất bản ngày 08/07/1651 tại Roma, Ý) có viết: “Linh hồn người khi đã qua đời, thì hãy còn sống, mà hãy còn về xác ấy ta dái, dù mà đã chết đã rồi”. Trong “Phép Giảng Tám Ngày”, từ “dái” được dùng với nghĩa là “sợ, kính sợ”.
Về trường hợp cách dùng “rái”, Từ điển Hoàng Phê ghi nhận từ “rái” là từ cũ, ít dùng, nghĩa thì xem từ “dái”. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng ghi nhận cả hai trường hợp “Khôn cho người ta dái” và “Khôn cho người ta rái”. Cho nên, có thể nói “dái” và “rái” là hai trường hợp tuy chính tả chính âm khác nhau nhưng về nghĩa thì tương đương và đều dùng như nhau được.
Còn về trường hợp “Khôn cho người ta vái, dại cho người ta thương” thì có lẽ không chuẩn cho lắm. Vì “dái/rái” (kính sợ, kiêng nể) đối với “thương” mới chuẩn, hành động “vái” đối với tình cảm “thương” không khớp cho lắm.
Ngày nay, từ “dái” hay “rái” với nét nghĩa đã bàn không còn dùng nhiều nữa. Thay vào đó, người ta dùng từ sợ, kính sợ, nể, kiêng nể,… Và cũng do đó mà câu “Khôn cho người ta dái/rái” mới có thêm cách dùng “Khôn cho người ta hãi” vừa đảm bảo vần điệu vừa không sai biệt lắm về nghĩa.
___________
(*) Phép Giảng Tám Ngày của A. de Rhodes là một trong những văn bản đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ và được xem là cuốn sách văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ. Sách dày 319 trang, viết bằng song ngữ La – Việt, nội dung nói về những chân lý căn bản phải dạy cho người ngoài Kitô giáo muốn theo đạo. Hơn hết, cuốn sách đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc và văn hoá Việt Nam – giai đoạn hình thành và sử dụng chữ Quốc ngữ.
★ Khứng ★
Từ “khứng” này, cũng dùng là “khấng” – mối quan hệ giữa khứng ~ khấng cũng tương tự nhựt ~ nhật, (bàn) chưn ~ (bàn) chân, nhưn (bánh) ~ nhân (bánh) vậy. Về nghĩa, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng “khứng” nghĩa là ưng, nhận, chịu. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng giảng “khứng” là ưng chịu. Nói chung, “khứng” nghĩa là ưng thuận, ưng chịu, vui lòng làm một việc gì đó. Từ này là một từ cũ, ngày nay ít dùng, có thể bắt gặp trong một số tác phẩm nghệ thuật lấy bối cảnh xưa, hoặc là trong ca dao, chẳng hạn:
- Dặn lòng sợ chẳng kết giao,
Cha mẹ anh không khứng biết sao cho gần.
Thơ chữ Nôm xưa cũng có nhiều tác phẩm dùng từ “khứng” này, có thể kể một vài trường hợp như sau:
- Di Tề chẳng khứng giúp Châu,
Một mình một núi ai hầu chi ai.
(Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu) - Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ,
Trời ban tối ước về đâu.
(Ngôn chí bài 13, Nguyễn Trãi) - Muốn nên một chút nghĩa chi,
Chẳng hay nàng có khứng vì cùng chăng?
(Trinh thử, được xem là tác phẩm của Hồ Huyền Quy) - Tận từ dám tiếc công nào,
“Còn e lòng khách động đào khứng chăng!
(Phan Trần, khuyết danh)
★ Lá lay ★
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (1970) giảng “lá lay” là “cắc cớ, trớ trêu, nghịch với lẽ thường”. Từ này ngày nay ít dùng trong đời sống thông thường, chủ yếu có thể bắt gặp trong các vở cải lương, chẳng hạn con tạo lá lay; lá lay phận gái; chuyện đời lá lay.
Xưa hơn, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895) giảng, “lá lay” là “hay sinh chuyện, hay lắc lở, đặt điều, cới trêu, thèo lẻo”.
Paulus Của giải thích “lắc lở” là hay cới trêu, hay bày điều, hay đặt điều, hay khuấy chơi. Còn “cới trêu” nghĩa là dễ tức cười, dễ xúc ý, dị đời di thói. “Nói cới trêu” nghĩa là nói chuyện trặc trẹo, nói điều trêu ghẹo, giễu cợt. Và “thèo lẻo” nghĩa là nhạy miệng, hay lẻo mép, chuyện người này đem học với người kia.
★ Ngõ hầu ★
Có một bài ca dao rằng:
Chu choa sao nắng bể đầu,
Anh về làm rể ngõ hầu an thân.
Bùn lê từ chóp đến chân,
Em ngồi vắt vẻo ngoài sân ăn quà.
Cực lòng anh lắm, chu choa,
Vợ không ra vợ, chồng ra chi chồng!
“Ngõ hầu”, “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên giảng là từ cũ, dùng kiểu cách, để “biểu thị điều sắp nêu ra là mục đích mà việc làm vừa nói đến mong sao đạt cho được”, ví dụ: Làm việc quên mình, ngõ hầu chuộc lại lỗi lầm.
Về từ “ngõ”, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “ngõ” là “hầu cho, cho được”, là “tiếng ước về sau”. Ngoài “ngõ hầu”, Paulus Của còn ghi nhận “ngõ cho”, “ngõ đặng” với nghĩa chung là mong cho được một điều gì đó.
Còn “hầu”, Từ điển Hoàng Phê giảng từ “hầu” này là động từ, thường dùng trong văn chương và đứng trước một động từ khác, nghĩa là “mong thực hiện được điều biết là rất khó”, ví dụ: Cố gắng rất nhiều, hầu lấy lại tín nhiệm. Từ này đồng/gần nghĩa với từ “hòng”. Truyện thơ Nôm “Phan Trần” có câu:
“Làm chi thắc mắc thêm sầu,
Chim còn đón gió, rồng hầu đợi mưa.”
Một số văn liệu có dùng từ “ngõ hầu” là:
– Nhị độ mai (khuyết danh):
(1) Ải quan rợ Thát quấy rầy,
Định ngày tiến thảo ngõ hầu an biên.
– Lời tiểu thiếp tự tình (Nguyễn Công Trứ)
(2) Chốn cô phòng năn nỉ với cầm thi,
Đường viễn hoạn ngõ hầu tình chăng nhẽ?
– Dương Từ Hà Mậu (Nguyễn Đình Chiểu):
(3) Liễu nương quỷ bịnh đã lâu,
Xin cầu thầy khác, ngõ hầu thay tay.
(4) Nói thôi chẳng xiết dạ sầu,
Đi qua nhà chị ngõ hầu viếng thăm.
– Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu):
(5) Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu,
Tìm nơi bàn thạch ngõ hầu nghỉ chưn.
– Hạnh thục ca (Nguyễn Nhược Thị)
(6) Min(**) không sợ chết cúi đầu,
Phát minh lẽ thẳng ngõ hầu cùng nghe.
– Hái thuốc (Tản Đà):
(7) Chốn nhân gian trăm tuổi bạc đầu,
Trường sinh có phúc ngõ hầu ta gặp tiên.
– Đèo bòng đến chết (Bùi Giáng):
(8) Vào nguy ra hiểm ngõ hầu,
Tìm cho thấy lại ví dầu ra ma.
___________
(*) “Chu choa”, cũng dùng “chu cha”, là từ biểu lộ sự ngạc nhiên, vui mừng hoặc tức giận.
(**) “Min” nghĩa “ta, tao”. “Truyện Kiều” có câu: “Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.
★ Thày lay ★
Từ này hay bị nhầm thành “thài lai” do cách phát âm của người Nam Bộ.
Đại Nam Quấc âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “lay” là lúc lắc, xô qua xô lại. “Thày lay” cũng không hẳn là từ cũ, vẫn còn dùng trong khẩu ngữ, nhất là ở Nam Bộ. Từ này có nghĩa là hay làm khôn, làm láo, làm tài hay, hay gánh vác lấy chuyện bá vơ, hay lúc láo. Làm chuyện thày lay là làm chuyện không ai cầu, ai mượn. “Lay chày cán cổ” đồng nghĩa với câu ách giữa đàng mang vào cổ.
Ngoài nghĩa trên, “thày lay” còn dùng để chỉ những người nhiều chuyện. Trong Thuật nói chuyện hằng ngày, học giả Hoàng Xuân Việt dặn làm người chớ có thày lay. Thầy Hoàng Xuân Việt giảng, “kẻ thày lay có hai hạng. Hạng hỏi và hạng nói. Hạng hỏi là hạng người có khi tưởng mình cẩn ngôn, nhưng lại hay hỏi người ta về những bí mật… Đến hạng thày lay đi bộc lộ bí mật của kẻ khác hay của mình thi đông hơn và đáng kết án hơn. Có nhiều bí mật, không ai buộc họ giữ kín. Song vì lương tâm buộc không đặng: Họ vẫn tiết lộ. Đi ngang qua cầu nọ, thấy đôi trai gái âu yếm nhau, họ nói um sùm cho người hàng xóm biết…”
★ Vân vi ★
Có bạn đọc hỏi Ngày ngày viết chữ là từ “vân vi” trong câu ca dao
“Chờ cho lửa tắt bếp vùi,
Rồi anh mới nói vài lời vân vi” (*)
nghĩa là gì.
“Vân vi”, chữ Hán là 云爲 (hoặc 云為), trong đó:
– “Vân” là nói, lời nói, như “bất tri sở vân” (不知所云) là không biết điều muốn nói đó là gì. Chữ “vân” này còn có nghĩa là thế, như thế, cũng chính là “vân” trong “vân vân”, ý là như thế như thế, biểu thị còn nữa nhưng không kể ra cụ thể. Chữ “vân” 云này còn được dùng làm chữ giản thể cho chữ “vân” 雲 nghĩa là mây.
– “Vi” là làm, việc làm là chữ “vi” trong “hành vi”, “vi bằng” (dùng làm bằng chứng).
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng “vân vi” là “lời nói và việc làm”, nhưng từ này thường được dùng để chỉ đầu đuôi sự tình. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng “vân vi” là “lời nói và việc làm, đầu đuôi gốc ngọn”. Đến Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì đã không còn ghi nhận nghĩa đen lời nói và việc làm của “vân vi” nữa mà chỉ giảng “đầu đuôi mọi lẽ, đầu đuôi sự tình, như giãi bày vân vi, suy nghĩ vân vi”. Trong câu ca dao trên, “để anh sẽ nói vài lời vân vi” có thể hiểu là để anh nói vài lời đầu đuôi sự tình.
Từ “vân vi” này ngày nay ít dùng, nên được xem là từ cũ, còn trong thơ xưa thì khá thường gặp, chẳng hạn:
- Vợ chồng vào lạy tướng công,
Tạ cùng Ngụy Soạn, giải lòng vân vi.
(Truyện thơ Nôm Nữ tú tài) - Cúc Hoa nghe nói thương thay,
Lạy trình cha mẹ giãi bày vân vi. (**)
(Truyện thơ Nôm Phạm Công – Cúc Hoa)
___________
(*) Nguyên văn bài ca dao
Đi đêm thì sợ đường lầy,
Đi giữa ban ngày sợ mẹ cùng cha.
Em có thương anh thì mở quách cửa ra,
Để anh bước tới vườn hoa anh ngồi.
Chờ cho lửa tắt bếp vùi,
Rồi anh mới nói vài lời vân vi.
(**) Có bản chép: Cúc Hoa nhìn thấy thương thay, Lạy cha lạy mẹ giãi bày vân vi.
★ Vừa triến ★
Có bạn đọc hỏi Ngày ngày viết chữ là ở quê bạn ai mặc đồ mới mà vừa vặn, ôm đẹp thì được khen là:
1. Vừa tiến
2. Vừa tiếng
3. Vừa triến
4. Vừa triếng
thì trong bốn cách viết này, cách viết nào đúng?
Cách viết đúng là “vừa triến”. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tinh Paulus Của giảng, “triến” là từ Nôm, có hai nghĩa chính là “mau lắm, lia lịa”, và “liền lạc, khít khao”. “Vừa triến” theo đó có nghĩa là “vừa vặn, không dư thiếu”.
★ (Áo) xống ★
“Xống” là một từ cũ, nghĩa là cái váy, thường dùng kèm với “áo” thành “áo xống” để chỉ đồ mặc nói chung. Bảo kính cảnh giới bài 15(*) trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có câu:
“Chân tay dầu đứt bề khôn nối,
Xống áo chẳng còn mô dễ xin!”
Ca dao, tục ngữ vẫn còn nhiều bài dùng “xống” độc lập (không dùng kèm “áo”). Chẳng hạn:
1. Dạy đĩ vén xống,
Dạy ông cống vào tràng,
Dạy bà lang bốc thuốc.
2. Cái bống mặc xống ngang chân,
Lấy chồng kẻ chợ cho gần, xem voi.
3. Cả nhà có cái xống thâm,
Mẹ đem mẹ mặc con nằm tô hô.
4. Xống thâm vắt ngọn cành hồng,
Loạn trôn từ thuở vắng chồng đến nay.
5. Vì ai nên có xống thâm,
Vì ai có quả có mâm bán hàng.
Vì ai nên nỗi dở dang,
Vì ai mà phải lạc đàn sa cơ.
Sa cơ nên phải lụy cơ,
Lạc thành nên phải bơ vơ ngoài thành.
6. Chị giàu chị có xống xanh,
Chúng em nghèo khó cuốn manh lụa đào.
(*) Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976.
(Sẽ còn cập nhật)