Tổ hợp [X + lòng] trong tiếng Việt qua ngữ liệu ca dao (Phần 2)
| On Th1128,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này giới thiệu các tổ hợp [X + lòng] trong tiếng Việt qua ngữ liệu là ca dao. Trong đó, X là một vị từ (tức động từ hoặc tính từ).
Về từ “lòng”, trong tiếng Việt, từ này được dùng để chỉ:
- Những bộ phận trong bụng của con vật giết thịt, dùng làm thức ăn (nói tổng quát). Lòng lợn. Cỗ lòng. Xào lòng gà.
- (Kết hợp hạn chế) Bụng con người. Ấm cật no lòng. Trẻ mới lọt lòng.
- Bụng của con người, coi là biểu tượng của mặt tâm lý, tình cảm, ý chí, tinh thần. Đau lòng. Bận lòng. Cùng một lòng. Ăn ở hai lòng. Bền lòng. Lòng tham.
- Phần ở giữa hay ở trong một số vật, có khả năng chứa đựng hay che chở. Lòng suối. Đào sâu vào lòng đất. Ôm con vào lòng.
Trong bài viết này, “lòng” được sử dụng với nét nghĩa thứ ba, là nét nghĩa biểu tượng cho tâm lý, tình cảm, ý chí, tinh thần của con người. Bài dài nhưng không khó đọc, chủ yếu đọc để chiêm nghiệm về cách dùng từ giản dị mà nhuần nhị của ông cha ta. Mời quý độc giả thong thả đọc.
Bài viết này là Phần 2 của loạt bài về [X + lòng], để xem Phần 1, bạn đọc vui lòng truy cập vào đây.
X + lòng | Ngữ liệu | Chú thích |
ghi lòng | – Ba năm anh oán để ghi lòng, Chưa nguôi tấc dạ bậu hòng vinh vang. – Công cha như núi ngất trời, Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông. Núi cao biển rộng mênh mông, Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi! – Thờ cha mẹ, ở hết lòng, Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường. Chữ đễ có nghĩa là nhường, Nhường anh nhường chị, lại nhường người trên. Ghi lòng tạc dạ chớ quên, Con em phải giữ lấy nền con em. – Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi, Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng. | |
khó lòng | – Chẳng đi thì dạ chẳng đành, Đi ra mang tiếng dỗ dành nhau đi. Chẳng đi thì nhớ thì thương, Đi ra dãi nắng dầu sương khó lòng. – Hàm răng em trắng, Lông mày em ngay ngắn như sợi chỉ giăng, Anh vô mần rể kẻ đón người ngăn khó lòng. | |
mảng lòng | – Ai làm kẻ ở người về Anh đừng quên hết lời thề thâm say Anh về em nắm cổ tay Em dặn câu nầy anh chớ có quên Đôi ta đã trót lời nguyền Chớ xa xôi mặt mà quên mảng lòng | |
mặc lòng | – Ai kia một mạn thuyền rồng, Kẻ loan người phượng mặc lòng ngược xuôi. – Anh ơi giữ lấy việc công, Còn việc cày cấy mặc lòng em lo. – Biết nhau từ đấy mà thôi, Bây giờ kẻ ngược người xuôi mặc lòng. – Chờ cho đến mãn kiếp chờ, Chờ cho rau muống vượt bờ trổ bông. Rau muống trổ bông mặc lòng nó trổ, Ai bảo anh chờ, anh kể công ơn. – Khuyên anh cờ bạc thì chừa, Rượu chè trai gái say sưa mặc lòng. | |
mất lòng | – Anh em hiền thật là hiền, Bởi một đồng tiền làm mất lòng nhau. – Ngó lên trăng tỏ sao thưa, Dứt tình tự bạn tui chưa mất lòng. – Đến đây đông thật là đông, Chào bên nam thì mất lòng bên nữ, Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên, Em chào chung một tiếng kẻo chào riêng bạn cười. | |
ngơ ngẩn lòng | – Ai về qua đất Ninh Bình, Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ. Nước non, non nước như mơ, Càng nhìn Dục Thúy càng ngơ ngẩn lòng. – Má hồng, môi đỏ, tóc tơ, Tình sâu nghĩa đậm, khiến ngơ ngẩn lòng. | |
nhọc lòng | – Có ăn vất vả đà xong, Không ăn ta phải nhọc lòng làm chi. – Anh thương em dầm nắng dãi mưa, Cơm đùm cơm gói sớm trưa nhọc lòng. | |
nóng lòng | – Anh ơi! Chớ có nóng lòng, Chúng ta cùng đến Châu Phong gặp Bà. | |
nỡ lòng | – Anh ngó lên Châu Đốc thấy gốc bần trôi, Anh ngó về Lưu Định thấy vịnh Bóng Tàu. Em ơi có thương thì mở cửa cho anh, Bằng không thương thì đóng lại, anh nỡ lòng nào dám vô. – Bực mình lên tận thiên cung, Đem ông Nguyệt Lão hỏi thăm vài lời. Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi, Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì. – Cha mẹ biểu ưng em đừng mới phải, Em nỡ lòng nào bạc ngãi với anh. – Đũa bếp có đôi, chìa vôi1 lẻ bạn, Anh nỡ lòng nào đành đoạn bỏ em. – Áo song khai quần hai (lai) lá hẹ, Nỡ lòng nào bỏ mẹ theo anh. | 1Chìa vôi: que nhỏ dùng để têm trầu. |
ôm lòng | – Ba bốn nơi tới nói, dạ nọ bất bằng, Em ôm lòng chờ đợi bóng trăng xế chiều. – Đêm khuya, tôi lén mẹ bước vô phòng, Thấy nàng còn ngủ, tôi ôm lòng trở ra. – Tiếng ai hát bên kia sông nghe dịu dàng êm ái, Tưởng đò anh bắt lái sang ngang. Trách ai ngăn lối trở đàng, Để thiếp ôm lòng vò võ trông đợi bóng chàng lại qua. | |
phải lòng | – Gái phải lòng trai đem của về nhà, Trai phải lòng gái lăn cả cột nhà mang đi. – Nàng từ làng kẹo mà ra, Nên nàng nói ngọt cho ta phải lòng. – Ngũ Kiên lắm đất trồng khoai, Có lắm gái đẹp cho giai phải lòng. – Thì là mà nấu cá khoai, Con gái chết mệt, con trai phải lòng. Cá hổ là cá hổ rồng, Cả vợ lẫn chồng ăn mãi khen ngon. – Thấy em nhỏ thó lại có duyên ngầm, Anh phải lòng thầm hơn mấy năm nay. – Trắng chi trắng bủng trắng xanh, Thà rằng đen nhẫn cho anh phải lòng. – Về nhà cha đánh mẹ hò, Nhưng em chẳng bỏ trai đò được đâu. Trai đò đẹp lắm mẹ ơi! Quần thâm áo trắng cho tôi phải lòng. | |
phiền lòng | – Anh ra về ngược gió xuôi mưa, Khuyên em ở lại, đừng đón đưa phiền lòng. – Nhác trông thấy thoáng đi qua, Lẳng lơ chi mấy cho ta phiền lòng. Vì cam cho quýt đèo bòng, Vì em nhan sắc cho lòng anh say. | |
phụ lòng | – Có vả mà phụ lòng sung, Có chùa bên bắc bỏ miếu bên đông lạnh lùng. – Hồi nào anh xuống anh lên, Một đàng hai ngõ quyết nên vợ chồng. Đến bây giờ người bạn phụ lòng, Hết nhân hết nghĩa hết đạo đồng phu thê. Bởi em nghèo nên bạn lại chê, Phải chi em giàu có, anh cũng mê anh về. |
Qua một loạt tổ hợp [X + lòng] như thế, chúng ta có thể thấy được sức kết hợp nhuần nhuyễn và linh hoạt của người Việt với một yếu tố thông dụng như “lòng”. Tương tự, chúng ta còn có một loạt những tổ hợp [X + bụng] hoặc [X + tâm] mà quý bạn đọc có thể tìm hiểu thêm, hoặc khi có dịp, Ngày ngày viết chữ sẽ trình bày trong một bài viết khác.
Phần 3 của bài viết sẽ tiếp tục trình bày những trường hợp [X + lòng] khác. Mời quý bạn đọc đón xem.